Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Nội dung chính cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ -Trung

Hôm nay, 18/10/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng nhiệm Trung Quốc đã có cuộc gặp không chính thức tại Singapore. Tiêu điểm của cuộc hội kiến là căng thẳng tại Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định mong muốn duy trì liên lạc ở cấp cao, để ngăn ngừa gia tăng căng thẳng, có thể dẫn đến đụng độ vượt tầm kiểm soát.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa găp gỡ tại Singapore, bên lề hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN, ngày 18/10/2018.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa găp gỡ tại Singapore, bên lề hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN, ngày 18/10/2018. REUTERS/Phil Stewart
Quảng cáo

Theo hãng thông tấn AP, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã có cuộc nói chuyện kéo dài 90 phút, bên lề một hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng khối ASEAN ở Singapore. Hai bên không ra tuyên bố chung nào sau cuộc gặp.

Theo ông Randall Schriver, quan chức cao cấp bộ Quốc Phòng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong số các vấn đề được bộ trưởng hai nước thảo luận, chủ đề trọng tâm là Biển Đông, nơi Hoa Kỳ xem các hoạt động quân sự của Trung Quốc hiện nay là « vô trách nhiệm ». Về phần mình, Bắc Kinh chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ là « không phù hợp ».

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, lập trường của Hoa Kỳ đã được các đối tác trong khu vực chia sẻ rộng rãi. Phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào sau cuộc họp này.

Vẫn theo quan chức quốc phòng Randall Schriver, tuy bất đồng là rất lớn, nhưng cả hai bên đều nhìn nhận cuộc hội kiến này « tự nó đã có ý nghĩa », và việc duy trì các liên lạc cấp cao là điều quan trọng, để giảm nguy cơ căng thẳng bùng phát thành xung đột tàn khốc. Ông Randall Schriver nhấn mạnh với các nhà báo, đi cùng với bộ trưởng Mattis, là « với tư cách hai cường quốc hạt nhân », Hoa Kỳ và Trung Quốc cần làm sao để bảo đảm được là, trong trường hợp « xảy ra các va chạm », thì không thể để xung đột leo thang thành « thảm họa ».

Từ nhiều tháng nay, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng trên nhiều phương diện.

Riêng về mặt quân sự, nhiều người lo ngại đụng độ có thể xảy ra khi một tàu Trung Quốc áp sát tàu chiến Mỹ Decatur, vào lúc chiến hạm này đi vào khu vực trong 12 hải lý của hai đá Gạc Ma và Gaven - do Bắc Kinh kiểm soát tại quần đảo Trường Sa, hồi cuối tháng trước - với mục tiêu thực hiện tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hoạt động mà quân đội Mỹ tiến hành từ nhiều năm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.