Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Liên Hiệp Quốc điều tra hiện tượng nghèo đói gia tăng ở Anh

Đăng ngày:

Sau Pháp giờ đến lượt chính phủ nước Anh bị chỉ trích để cho hàng triệu người dân sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Nhiều báo cáo ghi nhận hiện tại Anh có đến 14 triệu người sống trong cảnh khó khăn như thế. Đến mức, đầu tháng Mười Một sắp tới Liên Hiệp Quốc sẽ phái điều tra viên tới đảo quốc này để đánh giá tình hình.

Một điểm thu thập thực phẩm cho người nghèo (Hammersmith and Fulham Foodbank) của mạng lưới Trussell Trust, ở Luân Đôn. Ảnh chụp năm 2012. .
Một điểm thu thập thực phẩm cho người nghèo (Hammersmith and Fulham Foodbank) của mạng lưới Trussell Trust, ở Luân Đôn. Ảnh chụp năm 2012. . AFP/Will Oliver
Quảng cáo

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thực trạng xã hội hiện nay tại Anh như thế nào :

Trong vòng khoảng một năm trở lại đây, ở các siêu thị bắt đầu xuất hiện những cái thùng đựng thực phẩm, gọi là food-bank, mà người ta có thể bỏ thức ăn vào đó như một hình thức từ thiện. Du khách có thể nghĩ rằng đây chỉ là tượng trưng, nhưng thực sự có những người ở Anh sống qua ngày bằng những món thực phẩm kiểu này.

Trên báo chí bắt đầu có những tin tức kiểu như người ta phải đi ăn cắp đồ ăn ở siêu thị vì không còn tiền để mua. Trên trang mạng của tổ chức Canary trích lời tâm sự của một phụ nữ năm nay 63 tuổi, là người sống nhờ vào những thùng đồ thực phẩm kiểu như vậy, suốt 3 năm qua chỉ có một bộ váy để mặc, hàng ngày ngồi trong tăm tối và lạnh lẽo vì phải tiết kiệm điện.

Ngay cả bộ Lao Động và Hưu Trí trong một thông cáo báo chí dành cho trang mạng này cũng gián tiếp xác nhận mức độ đói nghèo của người dân Anh bằng cách nói rằng hiện nay giảm đi 1 triệu người sống trong cảnh tuyệt đối nghèo khổ so với năm 2010.

Theo một nghiên cứu của quĩ Joseph Rowntree đưa ra vào cuối năm ngoái, thì cứ 5 người Anh thì có 1 người đang sống trong cảnh nghèo khổ. Tính ra thì không chỉ có gần 2 triệu người về hưu và 4 triệu trẻ em, mà còn cả 8 triệu người ở độ tuổi lao động. Đói nghèo không chỉ là vấn đề của người thất nghiệp mà ngay cả trong các hộ gia đình có người đi làm. Nạn nghèo đói thực sự đang là vấn đề của nước Anh, chứ không phải đâu đó xa xôi.

Đầu tháng Mười Một tới đây, điều tra viên của Liên Hiệp Quốc là GS Philip Alston sẽ có chuyến thăm đặc biệt tới nước Anh, sau các cuộc điều tra về nạn nghèo đói ở Ghana và Trung Quốc. Thời gian qua ông từng làm cho tổng thống Donald Trump tức giận khi đưa ra một báo cáo về tình trạng nghèo khổ ở Hoa Kỳ. Vậy lần này thái độ của chính phủ Anh ra sao?

Giới chuyên gia ghi nhận có trên 150 báo cáo được công bố, trong con số 250 bộ hồ sơ được gửi lên Liên Hiệp Quốc về nạn nghèo đói ở nước Anh, có đủ từ các tổ chức nghiên cứu hay các nhà hoạt động xã hội, cho đến cá nhân. Đó là lý do mà Liên Hiệp Quốc ra quyết định cử chuyên gia tới Anh để điều tra.

Người ta đếm được một nửa các báo cáo, đã công bố, chỉ trích chính sách của bộ Lao Động và Hưu Trí, đặc biệt là cơ chế trợ cấp mới gọi là Universal Credit. Theo các báo cáo này, đây là hệ quả các chính sách của đảng Bảo Thủ cầm quyền từ suốt 8 năm qua. Nước Anh bị cáo buộc là vi phạm qui định của Liên Hiệp Quốc về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, và đặc biệt là quyền của trẻ em.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Guardian, điều tra viên Liên Hiệp Quốc là GS Philip Alston nói ông muốn biết con đường cắt giảm ngân sách của chính phủ Bảo Thủ đã đưa nước Anh đi đến đâu. Tờ Independent từng có một bài xã luận nói chuyện nước Anh bị điều tra về đói nghèo là đáng xấu hổ, và rằng người ta đã quên mất những gì thủ tướng Tony Blair trước đây từng cam kết sẽ không còn trẻ em nghèo vào năm 2010.

Tuy nhiên, như thủ tướng David Cameron từng làm vào năm 2015, giới chính trị và các bộ ngành ở Anh có thể chuyển hướng cuộc tranh luận về đói nghèo thành cuộc tranh luận về định nghĩa thế nào là nghèo đói, qua các khái niệm ví dụ như là nghèo tương đối, thu nhập thấp hơn mức trung bình trong xã hội, hay kể cả là nghèo tuyệt đối thì cũng phải tính theo một tiêu chuẩn sống nào đó, chưa kể có trừ đi tiền thuê nhà hay không, khi mà có hiện tượng gia đình cả hai người phải làm việc vất vả mới vừa đủ trả tiền nhà.

Rất nhiều chỉ trích nhắm vào chính sách trợ cấp xã hội của chính phủ Anh. Vậy tình trạng nghèo đói hiện nay có phải là do chính phủ cắt giảm trợ cấp hay chỉ là hệ quả của việc nước Anh nghèo đi?

Trong thời gian qua, chính phủ Anh bắt đầu đưa ra một chính sách trợ cấp mới, gọi tên là Universal Credit, thay cho 6 khoản trợ cấp trước kia như trợ cấp thất nghiệp, hay trợ cấp nhà cửa và trợ cấp thu nhập cho người lao động lương thấp. Một số tổ chức xã hội ghi nhận tình trạng là hễ khu vực nào bắt đầu áp dụng chính sách mới thì nơi đó bắt đầu xuất hiện thùng đồ ăn từ thiện ở siêu thị để giúp cho người nghèo. Các phóng sự truyền hình chỉ trích Universal Credit bắt đầu được chiếu từ năm ngoái, là thời điểm hình thức trợ cấp mới này được áp dụng.

Trước đây bộ Lao Động chỉ phụ trách tiền trợ cấp cho người đi tìm việc – job seeker allowance, còn tiền phụ cấp cho con cái và cá nhân người thu nhập thấp là do sở thuế hoàn lại, gọi là child tax credit và working tax credit. Tiền trợ cấp nhà cửa thì do cơ quan chuyên trách housing benefit của chính quyền địa phương xét duyệt.

Bây giờ tất cả chuyển vào bộ Lao Động, nơi bị chỉ trích là nhiều nhân viên mới không biết sử dụng hệ thống máy tính chuyên dụng như thế nào, và phong cách làm việc mang tính ép buộc người dân phải đi kiếm thêm việc, thu thêm tiền. Với những người làm công việc đặc thù, khai thuế thu nhập cá nhân, thay vì được sở thuế trợ giúp chút ít trong cuộc sống như trước kia, thì bây giờ bị bộ Lao Động đối xử không khác gì người thất nghiệp, ép phải đi tìm việc làm khác, hay làm những việc mất thời giờ để kiếm thêm chút thu nhập phụ, thì áp lực tâm lý từ qui trình mới này thực sự là rất nặng.

Đó là chưa kể theo một số ý kiến thì khi so sánh, người xin trợ cấp theo kiểu mới được ngân sách cho tiền ít hơn trước, điều kiện khó khăn hơn trước, thủ tục rườm rà hơn, và nguy cơ bị mất trợ cấp dễ hơn. Đây chính là một trong số các lập luận cho rằng chính sách của chính phủ đương thời đang khiến cho hàng triệu người dân Anh lâm vào cảnh nghèo khổ, và do vậy mà chính phủ bị kiện lên Liên Hiệp Quốc và tổ chức quốc tế này phải mở cuộc điều tra.

Chính sách của đảng Bảo thủ cầm quyền bị nghị sĩ Chris Williamson từ đảng Lao động đối lập chỉ trích như sau:

« Trước hết, tình trạng này chính là bản cáo trạng cho chính sách tiết kiệm quá đáng mà đảng cầm quyền đã áp đặt suốt 7 năm qua. Hãy nhớ rằng Anh quốc là nước giàu thứ 6 trên thế giới, mà trước đó xếp hạng 5, tức là các chính sách kinh tế đã thất bại không những khiến kinh tế Anh bị rơi từ hạng 5 xuống hạng 6, mà còn làm cho người dân bây giờ phải suy tính chọn lựa xem nên bật sưởi cho ấm hay là nên mua thêm đồ ăn trên bàn.

Hàng ngàn người chết vì phải sống trong nhà lạnh, kéo theo các loại bệnh do bị nhiễm lạnh. Nghèo đói hiểu một cách đơn giản là không đủ tiền để sống một cách đầy đủ, để có tiện nghi nhà cửa đầy đủ, không đủ tiền để mua đồ ăn. Có những người bị giảm hay cắt trợ cấp. Rất nhiều người bây giờ phải trông chờ các thùng thực phẩm cứu trợ để mà sống qua ngày.

Trước đây thường thì họ là người thất nghiệp, nhưng bây giờ ngay cả người có việc làm cũng bị như vậy. Và trớ trêu là ngay cả nghị sĩ đảng Bảo thủ giờ cũng có mặt trong sự kiện đặt thùng thực phẩm cứu tế. Đó không phải là điều hay ho gì để mà chúc mừng ở một đất nước giàu thứ 6 trên hành tinh này. »

Nhận định của phe đối lập ở Anh về chính sách tiết kiệm của chính phủ cầm quyền, vốn đang ở trong tâm điểm bị chỉ trích là tạo ra cảnh đói nghèo ở Anh, mà các con số ước tính cho rằng có đến 14 triệu người, tức là một phần năm dân số. Câu hỏi đặt ra là ngoài các ý kiến phản đối chính sách trợ cấp Universal Credit, thì nước Anh còn có giải pháp thay thế nào khác hay không?

Quĩ Joseph Rowntree là một trong số các think tank chuyên sâu vào việc này. Trước hết chính sách ép buộc của chính phủ Anh xuất phát từ quan niệm cho rằng cứ hễ muốn hết đói nghèo thì người ta cần phải đi tìm việc. Nhưng mà thực sự, thì đói nghèo là khi chúng ta không có đủ tiền để thuê nhà, để trả tiền điện nước, để mua đồ ăn cho con cái, tức là lâm vào hoàn cảnh bất an về tài chính khi muốn chi tiêu vào một việc gì đó, đặc biệt là các nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Ai trong chúng ta cũng có thể bị rơi vào cảnh đó, không chỉ do bị mất việc hay bệnh tật, mà còn cả do hoàn cảnh tâm lý gia đình, bị stress lâu ngày có thể khiến người ta không còn khả năng kiểm soát tâm lý và không thể nào giao tiếp bình thường trong xã hội nữa. Ước tính có khoảng 78 tỷ bảng Anh được chi từ ngân sách cho các hoạt động có liên quan tới việc xóa đói giảm nghèo, từ trợ cấp trẻ em cho tới tư pháp, giáo dục, và y tế.

Nền kinh tế bất ổn tạo ra nhiều rủi ro cho người yếu thế ở Anh, và quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2016 cho thấy nạn nghèo đói ở Anh không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là nhu cầu cấp thiết về kinh tế và chính trị.

Lập luận của quỹ Joseph Rowntree cho thấy, để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho chính người dân Anh, giải pháp không chỉ đơn giản là tạo ra việc làm, mà là cả một quá trình liên hoàn bao gồm cả sự tham gia của hệ thống chính trị lẫn doanh nghiệp. Trong một dự án lạc quan nhất mà họ đưa ra, thì có lẽ phải đến tận năm 2030 nước Anh mới đạt được mục tiêu không có ai bị nghèo đói trong thời gian dài quá 2 năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.