Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Mậu dịch Bắc Mỹ : USMCA thay thế NAFTA, bình mới rượu cũ

Đăng ngày:

Sau 14 tháng đàm phán, Mỹ, Canada và Mêhicô ngày 30/09/2018 đạt đồng thuận về một hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới. NAFTA bị khai tử, nhường chỗ cho USMCA. Hai hiệp định cũ và mới có gì khác nhau và phải chăng có lợi hơn cho kinh tế Hoa Kỳ như điều Nhà Trắng mong đợi ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Mêhicô-Canada (USMCA) trong cuộc họp báo tại Vường Hồng, Nhà Trắng, Washington, ngày 01/10/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Mêhicô-Canada (USMCA) trong cuộc họp báo tại Vường Hồng, Nhà Trắng, Washington, ngày 01/10/2018 REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Đúng hạn định ngày 30/09/2018 ba nước Bắc Mỹ là Hoa Kỳ cùng với Canada và Mêhicô thông báo hoàn thành nhiệm vụ, đạt được thỏa thuận "mở cửa một thị trường rộng lớn hơn, tự do hơn và công bằng hơn" cho "người lao động, nông gia, giới chăn nuôi, và các doanh nghiệp" của ba nước. Thỏa thuận mới theo Washington, Ottawa và cả Mêhicô, mở ra viễn cảnh "tăng trưởng tươi sáng và vững mạnh cho khu vực".

Thỏa thuận mới sẽ được nguyên thủ ba nước chính thức ký kết vào cuối tháng 11/2018 và sẽ phải được Quốc Hội Mỹ, Canada và Mêhicô thông qua sau đó. USMCA là một thị trường 500 triệu dân quan trọng hơn cả là liên hệ giữa Mỹ và Canada : gần bà phần tư xuất khẩu của Canada hướng về Hoa Kỳ, đổi lại thì Canada cũng là khách hàng quan trọng nhất của 32 trong số 50 tiểu bang Mỹ.

Với hiệp định USMCA, ba nước Bắc Mỹ tạm khép lại giai đoạn căng thẳng. Nhưng về thực chất, giới phân tích cho rằng, hiệp ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới mang tên Hiệp Định Mỹ, Mêhicô và Canada chỉ là một dạng "bình mới rượu cũ". Hơn một năm trời đàm phán để chung cuộc, ba bên chỉ "tân trang" lại cho một hiệp định đã lưu hành từ năm 1994. Khác biệt quan trọng nhất là hiệp định mới chỉ có hiệu lực trong vòng 16 năm, sau đó các bên sẽ đàm phán lại.

Dù vậy, theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California, hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới là một thắng lợi của chính quyền Trump.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Đây là một thắng lợi của chính quyền Donald Trump nhưng ít được báo chí Mỹ nói tới vì họ ghét ông ta và bị ông ta quạt lại. Từ khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đả kích hiệp ước NAFTA được áp dụng từ đầu năm 1994 là gây bất lợi cho Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại với hai láng giềng. Donald Trump hứa hẹn nếu đắc cử, ông sẽ cho xét lại, tức là thương thuyết lại hay hủy bỏ luôn. Thật ra, lời hăm dọa hủy bỏ chỉ là một chiến thuật thương thuyết, chứ hành pháp chẳng có quyền đó nếu không được Quốc Hội đồng ý. Việc thương thuyết giữa ba nước kéo dài cả năm mà không đạt thỏa thuận. Chính quyền Trump bèn dùng chiến thuật khác.

Trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với hai láng giềng thì Mêhicô ở vào thế yếu hơn là Canada nên chính quyền Trump đàm phán trước với chính quyền của tổng thống Enrique Pena Nieto. Nhưng họ cũng kẹt kỳ hạn là phải đạt thỏa thuận trước khi tổng thống tân cử là Adres Manuel Lopez Obrador nhậm chức vào ngày 1/12/2018 để đương kim tổng thống Enrique Pena Nieto ký kết trước khi mãn nhiệm. Chính quyền Trump thành công vì ký kết ngày 28/09/2018 rồi dùng đó làm đòn bẩy để ép Canada phải thương thuyết ngay để cứu lấy NAFTA. Kết cuộc thì Canada cũng nhượng bộ vào giờ chót, tức là trước thời hạn 30/09/2018. Nhờ vậy, hành pháp có thể đệ trình Hiệp ước USMCA cho Quốc Hội phê chuẩn trọn gói chứ không thể xét lại từng điều thỏa thuận và trước khi có bầu cử giữa nhiệm kỳ là ngày 06/11/2018.

Khác biệt giữa hai hiệp định NAFTA và USMCA

Nguyễn Xuân Nghĩa :Về căn bản thì không khác gì vì giữ nguyên nhiều khoản cũ, nhưng một số thay đổi thì có lợi cho phía Hoa Kỳ. Thay đổi đáng chú ý nhất là trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi. Hoa Kỳ đòi tăng tỷ trọng sản xuất các cơ phận riêng trong ba nước này chứ không được mua của ở ngoài rồi chế biến thành sản phẩm mua bán trong phạm vi NAFTA như trước.

Thứ hai là 40% cơ phận phải được sản xuất ở những nơi trả lương cao. Mêhicô đồng ý như vậy, Canada cũng thế và điều này được các nghiệp đoàn Mỹ ủng hộ dù họ thiên về đảng Dân Chủ.

Một thắng lợi khác của Mỹ là làm Canada phải mở thị trường sản xuất sữa xưa nay vẫn được Ottawa bảo vệ và giúp cho nông gia Mỹ có thể bán chừng 3,5% số tiêu thụ của thị trường Canada. Ngoài ra, Canada cũng giảm dần việc can thiệp vào thị trường sữa để giữ ưu thế cạnh tranh.

Một điều thứ ba là kỳ hạn thỏa thuận, Mêhicô đồng ý trước và Cadana chấp nhận sau là cam kết giữa ba nước chỉ có giá trị trong 16 năm thôi. Tới hạn kỳ thì họ có thể xét lại và cứ sáu năm một lần, Washington, Mêhicô và Ottawa cùng nhau rà soát lại kết quả.

Quan trọng hơn cả là hai điều khoản được chính quyền Trump đòi hỏi. Thứ nhất, các thành viên phải thông báo cho cả nhóm sáu tháng trước khi đàm phán hiệp ước thương mại với một quốc gia không có quy chế kinh tế thị trường. Điều này rõ là nhắm vào Trung Quốc dù không nêu đích danh. Điều khoản kia là không nước nào được phép lũng đoạn hối đoái, nôm na là phá giá đồng bạc để có lợi thế xuất cảng hàng rẻ hơn.

Cũng phải nói thêm rằng Hoa Kỳ có nhượng bộ Canada thí dụ như với Chương 19 về thủ tục khiếu nại của nhà đầu tư, theo đó một ủy ban hỗn hợp sẽ xét đơn khiếu nại thay vì nhà đầu tư kiện quốc gia kia là gây thiệt hại cho họ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã kiện Canada tội bảo vệ ngành sản xuất gỗ xúc trong khu vực lâm sản.

USMCA, một công cụ để cô lập Trung Quốc ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ngày càng rõ là chính quyền Trump cứ dọa già các bạn hàng mà cũng là đồng minh chứ thật ra đều dàn xếp tay đôi, thí dụ như với Nam Hàn, rồi Canada và Mêhicô, nay mai là với Nhật Bản cùng các nước Liên Âu.

Hôm 06/10/2018, tổng trưởng Thương Mại Mỹ là Wilbur Ross nói thẳng ra điều ấy khi nhắc tới Hiệp ước NAFTA mới thỏa thuận vì cho Hoa Kỳ cái quyền phủ quyết nếu hai xứ kia manh nha đàm phán với Bắc Kinh. Ông Wilbur Ross gọi điều khoản quái ác đó là “viên thuốc độc”. Chúng ta sẽ theo dõi chuyện này trong cuộc đàm phán sắp tới với Nhật và Âu châu.

Kết luận nào về lập trường thương mại của chính quyền Trump ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ông Trump kết hợp an ninh với kinh tế và trong quan hệ kinh tế với các nước thì muốn có sự công bằng và hai chiều, có đi có lại mới toại lòng nhau. Nhưng cách đàm phán với các nước dân chủ và đồng minh của Mỹ thì chỉ có vẻ giơ cao mà đánh khẽ, chứ không triệt để riết róng như với Trung Quốc. Nội các và ban tham mưu của Trump hay có lối tuyên bố nước đôi, ôn hòa thì có tổng trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin hay cố vấn Larry Kudlow, cứng rắn thì có tổng trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại sứ Thương Mại Robert Lighthizer hay cố vấn Peter Navarro. Có lẽ họ thủ vai ông Thiện và ông Ác trong nghệ thuật đàm phán của Donald Trump.

Nhưng ngần ấy người đều khá quyết liệt với Bắc Kinh và trận đánh sẽ còn tiếp tục nhiều năm sau khi ông Trump hết còn là tổng thống vì đấy cũng là lập trường của đa số dân biểu nghị sĩ trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Giữa tình trạng phân cực hiện nay của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, Bắc Kinh lại tạo ra một sự đồng thuận bất ngờ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.