Vào nội dung chính
UKRAINA - NGA - TÔN GIÁO

Giáo hội Chính Thống Giáo rạn nứt từ những hiềm khích chính trị

Giáo hội Chính Thống Nga tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Constantinople (Istanbul), giáo hội Chính Thống toàn cầu. Sự kiện được đánh giá là một vụ ly giáo lịch sử trong Chính Thống giáo này bắt nguồn từ những căn nguyên đậm màu sắc chính trị.

Tổng giám mục Hilarion đặc trách đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Matxcơva trong cuộc họp báo tại Minsk, Belarus, ngày 15/10/2018.
Tổng giám mục Hilarion đặc trách đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Matxcơva trong cuộc họp báo tại Minsk, Belarus, ngày 15/10/2018. REUTERS/Vasily Fedosenko
Quảng cáo

Quả thực đây là một vụ ly giáo lịch sử trong lòng giáo hội Chính Thống Giáo. Sau phiên họp Thượng Hội Đồng kéo dài nhiều giờ tại Minsk, Belarussia, Tòa Thượng Phụ Matxcơva thông báo cắt đứt mọi quan hệ với Constantinople, Tòa Thượng Phụ lãnh đạo Chính Thống Giáo toàn cầu. Giáo chủ Hilarion, đặc trách ngoại giao của giáo hội Chính Thống Nga tuyên bố :

«Quyết định này là không thể tránh được. Chúng tôi đã không thể làm khác vì những quyết định mới đây của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Cách đây vài hôm, Tòa Thánh này đã quyết định hủy phép thông công lãnh đạo Giáo hội ly khai Ukraina. » Giáo hội Nga khẳng định, quyết định của Constantinople mang màu sắc chính trị.

Quyết định tuyệt giao này chỉ bắt nguồn từ một căn nguyên duy nhất : Tòa Thánh Constantinople thừa nhận Giáo hội Ukraina độc lập chấm dứt quyền lực của giáo hội Chính Thống Nga đối với Nhà thờ Chính Thống Giáo Ukraina kéo dài hơn 300 năm qua.

Công nhận Giáo hội Ukrana độc lập, Tòa Thánh Constantinople khiến Giáo hội Nga mất đi một bộ phận lớn tín đồ và ảnh hưởng tại Ukraina. Hơn thế, về mặt lịch sử, Ukraina chính là nơi phát tích của Nhà thờ Chính Thống Nga, ra đời tại Kiev năm 988. Đó cũng là một phần trong lịch sử dựng nước của dân tộc Nga. Cũng tại UKraina, các giáo chủ Nga đã cho xây dựng lên một hệ thống hơn 10 000 nhà thờ, giáo xứ Chính Thống Giáo, trong đó có những công trình nguy nga nổi tiếng thế giới.

Với quyết định đoạn tuyệt với Tòa Thánh Constantinople, Giáo hội Mátxcơva đang mở ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong Chính Thống Giáo, hiện đang chăm sóc phần hồn cho khoảng 300 triệu tín đồ.

Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva, cộng đồng Chính Thống Giáo đang bị đặt trước sự lựa chọn giữa hai làn nước. Một bên là tòa Thượng Phụ Constantinople, có quyền năng tinh thần cao nhất và một bên là Giáo hội Matxcơva, cũng có một ảnh hưởng rất rộng lớn, « kiểm soát » phần hồn của hơn 100 triệu tín đồ Chính Thống Giáo ở nhiều nước Đông Âu. Bên cạnh đó, ngay tại Ukraina, hiện vẫn còn khá đông các giáo xứ, giáo chủ vẫn được cho là « thân Matxcơva », tuân theo Giáo hội Nga.

Nhà sử học Antoine Arjakovsky, thuộc trường thần học Collège des Bernardins tại Paris, một chuyên gia về Chính Thống Giáo nhận định, sự kiện Chính Thống Giáo Nga ly khai « sẽ gây nhiều tổn thương”. Vụ chia tay chắc chắn sẽ kéo theo một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai hội đồng Thượng Phụ Matxcơva và Istanbul để kiểm soát các giáo hội khác trong cộng đồng Chính Thống Giáo thế giới, hiện có khoảng hơn chục Hội Đồng Thượng Phụ hay Giáo hội độc lập.

Căn nguyên của những rạn vỡ này không bắt nguồn từ những xung khắc tôn giáo, mà là một phần của tranh chấp chính trị giữa Kiev và Matxcơva. Bởi thế, ngay sau khi đại giáo chủ Bartholomé tuyên bố độc lập cho Chính Thống Giáo Kiev, tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã nhanh chóng chúc mừng quyết định của Giáo hội Chính Thống Constantinople.

Ít ngày trước đó, ông Porochenko còn là người tích cực đến tận Istanbul để vận động. Sự kiện Giáo hội Ukraina tách ra độc lập với Matxcơva là một thắng lợi chính trị của Kiev để gửi đi một thông điệp rằng Nga có thể chiếm được Crimée và kiểm soát một phần miền đông Ukraina, nhưng họ không thể nắm giữ được « linh hồn » của Ukraina.

Trong các chiến dịch vận động tranh cử gần đây, các chính trị gia Ukraina không quên đặt độc lập của Chính Thống Giáo nước này làm đề tài lôi kéo cử tri.

Trong khi đó Kremlin tránh bị mang tiếng dính vào công việc của tôn giáo. Phát ngôn viên của tổng thống Nga, Dmitri Peskov tuyên bố : « Nga bảo vệ khắp mọi nơi lợi ích của người Nga, của những người nói tiếng Nga, Nga cũng bảo vệ lợi ích của những tín đồ Chính Thống Giáo. »

Giới quan sát cho rằng, với thời gian có thể mối quan hệ giữa Chính Thống Giáo Nga và Constantinople có thể rồi cũng được hàn gắn lại, nhưng giữa Chính Thống Giáo Ukraina với Nga thì sẽ khó có ngày trở lại, vì nó bắt nguồn từ những xung khắc lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.