Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bầu cử tổng thống : Brazil trở lại thời quân sự độc tài ?

Đăng ngày:

Tại Brazil, phe cực hữu ngay sát cửa quyền lực. Jair Bolsonaro về đầu với một tỷ lệ áp đảo khi thu được 46% số phiếu cử tri và gặp đối thủ cánh tả vòng hai, Fernando Haddad chỉ có được 29% phiếu bầu. Một cuộc đối đầu đấu chưa từng có kể từ khi Brazil thoát ra khỏi chế độ quân sự độc tài, giữa một người là cựu đại tá quân đội, mang tư tưởng bài người đồng tính, kỳ thị chủng tộc, ghét phụ nữ và người kia là giáo sư ngành khoa học chính trị.

Hai ứng viên, Jair Bolsonaro (T), đại diện phe cực hữu và Fernando Haddad (P), thuộc cánh tả vào vòng hai tranh cử tổng thống Brazil.
Hai ứng viên, Jair Bolsonaro (T), đại diện phe cực hữu và Fernando Haddad (P), thuộc cánh tả vào vòng hai tranh cử tổng thống Brazil. REUTERS/Paulo Whitaker/Nacho Doce
Quảng cáo

Brazil đang trải qua một kỳ bầu cử tổng thống « kỳ lạ » chưa từng có. Lula da Silva, cựu tổng thống, cựu ứng viên tranh cử tổng thống cho đảng Lao Động (PT) phải bỏ cuộc do đang thọ án tù vì tội tham nhũng. Ứng viên thay thế Fernando Haddad, một giáo sư đại học, phải ra tranh cử muộn màng, vất vả thoát ra khỏi chiếc bóng của Lula, may mắn lọt vào vòng hai.

Tả – hữu đọ sức, cực hữu trục lợi

Đất nước Brazil với nền dân chủ còn non trẻ, được cho là có xu hướng theo cánh tả từ mười mấy năm qua, nay bỗng nhiên bẻ hướng đi theo trào lưu dân túy, có nguy cơ trở lại thời quân sự chuyên chế. Bởi vì, đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi Brazil « tống cổ » giới quân nhân ra khỏi chính trường cách đây hơn 30 năm (năm 1985), phe cực hữu lọt vào vòng hai bầu cử và trong thế áp đảo.

Theo nhận định của chuyên gia Anais Flechet, nghiên cứu về lịch sử đương đại, trợ lý giám đốc Trung tâm Lịch sử Văn hóa các Xã hội đương đại trên đài RFI, đây là hệ quả của nhiều năm bất ổn chính trị tại Brazil.

« Thoạt nhìn, thì có vẻ khó hiểu. Thực ra, điều này chủ yếu phản ánh sự bất trắc về chính trị đã ngự trị ở Brazil từ nhiều năm nay và sự trỗi dậy mạnh mẽ của làn sóng rất bảo thủ.

Xu hướng này trước tiên được khẳng định qua tầng lớp tinh tú và tầng lớp trung lưu thành thị, có trình độ giáo dục cao. Chính những tầng lớp này thể hiện một phần lớn sự thất vọng đối với đảng Lao Động, đối với chính phủ của Lula da Silva và từ vài năm nay, họ quay sang ủng hộ phe bảo thủ hơn. »

Bất chấp những chỉ trích là có thái độ khinh miệt phụ nữ, lời lẽ kỳ thị chủng tộc, bài người đồng tính, Jair Bolsonaro, một cựu quân nhân, mà giới quan sát thường ví như là một « Donald Trump vùng nhiệt đới », hay một « Duterte kiểu Brazil » vẫn mê hoặc được đông đảo cử tri, kể cả những người từng bỏ phiếu cho đảng Lao Động (PT) cánh tả.

Bolsonaro về đầu tại 17 trong tổng số 26 bang. Tại những bang giầu, Jair Bolsonaro đã có được tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối như tại Rio de Janeiro hay Sao Paolo. Kết quả này như một hồi kết, khép lại 13 năm cầm quyền của PT.

Đối với nhiều cử tri, Bolsonaro không phải là một ứng viên lý tưởng nhưng lại là một lựa chọn bất đắc dĩ. Bởi vì, bằng mọi giá « phải ngăn chặn đảng PT trở lại cầm quyền » như thú nhận của một cử tri với phóng viên báo Libération. Vì sao như vậy ? Chuyên gia Anais Flechet cho biết tiếp quan điểm của mình :

« Như tôi vừa nói, đó là một hấp lực đối với tầng lớp trung lưu vì họ rất sợ chính phủ cánh tả và chán ngán thái độ của đảng Lao Động mà theo họ là chỉ tạo thuận lợi cho tầng lớp nghèo khó, không đoái hoài tới quyền lợi của họ.

Như vậy, có một bộ phận trong tầng lớp trung lưu ủng hộ phong trào của Bolsonaro, bác bỏ đảng Lao Động. Mặt khác, đảng cánh hữu cũng yếu kém về chính trị. Những người nắm quyền hiện nay thuộc đảng của tổng thống Michel Temer, chỉ thu được kết quả không đáng kể trong cuộc bầu cử ngày 07/10. Cánh hữu không đủ khả năng tạo ra một phong trào cho phép tầng lớp trung lưu cảm nhận được là các quyền lợi của họ được thể hiện trong chính sách của phe này. »

Hoài niệm thời quân sự độc tài

Điều đáng lo nhất là sau hơn 30 năm thoát khỏi chế độ quân sự độc tài, chiếc bóng của giới quân nhân rập rình trở lại. Bản thân Jair Bolsonaro chưa bao giờ giấu giếm ý định lập lại chế độ quân sự. Ông cũng không ngần ngại chỉ định một cựu tướng lĩnh về hưu, Antonio Hamilton Mourao, làm trợ lý tranh cử.

Ý nghĩ mong muốn có một cú đảo chính ngự trị rộng rãi trong một bộ phận người dân ngay trước kỳ bầu cử. Họ nghĩ rằng điều đó có thể giúp giải quyết các vấn đề của đất nước. Tranh cãi tả – hữu làm họ ngao ngán. Người dân bất mãn trước nạn tham nhũng hoành hành, tình trạng mất an ninh triền miên và cách xử lý yếu kém cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các tiết lộ tham nhũng làm chấn động cả nước. Hệ quả là một Dilma Rousseff bị phế truất, một Lula da Silva bị kết án tù trong một bản án đầy tranh cãi. Bản thân người dẫn đến việc phế truất Dilma Rousseff là tổng thống mãn nhiệm Michel Temer cũng vướng vào các tai tiếng tham nhũng và rửa tiền.

Tham nhũng hoành hành đến mức giới quân đội từng lên tiếng cảnh báo không loại trừ khả năng tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ nếu như tư pháp không trừng phạt các chính khách tham nhũng.

Song song đó là tình trạng bạo lực leo thang, làm tăng thêm cảm giác vỡ mộng của người dân đối với tầng lớp chính trị gia. Theo số liệu thống kê, năm 2017, tỉ lệ các vụ án mạng tại Brazil đã đạt mức kỷ lục. Hơn 63.880 vụ giết người đã được ghi nhận, tức khoảng 175 vụ mỗi ngày tại một đất nước có đến 208 triệu dân. Con số này còn cao hơn cả số nạn nhân vì chiến tranh tại Syria trong vòng 7 năm.

Tỷ lệ các vụ giết người tính theo mỗi 100.000 người dân là 25,5 tại Brazil. Một tỷ lệ cao nhất thế giới, cao hơn Mỹ năm lần, Bồ Đào Nha 20 lần và 75 lần so với Nhật Bản. Làm thế nào có thể chống lại tình trạng bạo lực cướp đi 7 sinh mạng mỗi giờ ?

Chính trong bối cảnh tình trạng mất an ninh gia tăng kết hợp với các cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế, một dạng hoài niệm đã nảy sinh, củng cố ý tưởng một chính phủ quân sự có thể trong sạch hơn và hiệu quả hơn.

Do đó, những đề xuất của ứng viên cực hữu như thành lập một đội cảnh sát quân sự, có quyền bắn hạ và thủ tiêu mà không phải chịu một hình phạt, đã không gặp phản ứng mạnh mẽ nào từ người dân Brazil.

Về điểm này, chuyên gia chính trị học người Brazil, bà Beatriz Pedreira, khi trả lời câu hỏi phóng viên đài RFI, lý giải như sau :

« Đối với tầng lớp tinh hoa kinh tế, có nền dân chủ hay không, điều đó không quan trọng. Lợi ích của tầng lớp này được bảo vệ. Trong quá khứ, lợi ích của họ vẫn luôn luôn được bảo vệ. Điều quan trọng đối với họ chính là tăng trưởng kinh tế. Dưới thời chế độ độc tài Brazil, đã có rất nhiều người không hề biết đến dân chủ, họ không biết là đang sống dưới một chế độ quân sự độc tài. Họ hoàn toàn sống tách biệt với thực tế.

Và rồi giờ đây chúng tôi sống trong một nền văn hóa chuyên quyền. Châu Mỹ Latinh có một truyền thống chuyên chế lâu đời. Đó chẳng phải là điều mới mẻ khi chúng tôi mong muốn bầu một vị tướng có thể cứu giúp dân tộc.

Điều này đã ăn sâu trong văn hóa chúng tôi. Bởi vì người dân chưa bao giờ biết đến một nền văn hóa chính trị nào khác, người dân không biết đến vai trò mà một công dân có thể và phải thực thi trong một nền dân chủ. Họ không biết rằng họ có trách nhiệm với tư cách công dân. Do vậy, tôi không ngạc nhiên khi họ muốn có một bàn tay sắt »..

Trong bối cảnh đó, ứng viên đảng cánh tả PT, Fernando Haddad, thu được 29% số phiếu ủng hộ, chủ yếu tại những bang nghèo ở phía bắc, những tầng lớp cử tri truyền thống vẫn trung thành với đảng PT. Liệu ông có cơ hội lật ngược thế cờ hay không ? Với chuyên gia Anais Flechet, câu trả lời là sẽ rất « khó ».

« Rất khó nói, rất khó dự tính ngay cả đối với đảng Lao Động. Ngoại trừ vùng phía bắc và đông bắc, nơi được coi là cứ địa truyền thống, đảng Lao Động bị thụt lùi trên toàn quốc, và nhất là ở các thành phố lớn, như Rio, Belo Horizonte, các vùng phía đông và đông nam, nơi có đông tầng lớp bình dân. Các cử tri này trước kia vẫn có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Lao Động, nay họ chuyển sang ủng hộ Bolsonaro.

Như vậy, có rất nhiều bất trắc. Các mục sư Tin Lành Phúc Âm cũng đóng vai trò quyết định trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, nhất là làm thay đổi hay không lá phiếu của một bộ phận tầng lớp bình dân vốn đã bỏ phiếu cho Bolsonaro ở vòng một. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.