Vào nội dung chính
BRAZIL - BẦU CỬ

Đến lượt Brazil đối mặt với làn sóng dân túy

Tại nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ La Tinh là Brazil, đảng Lao Động của cựu tổng thống Lula, vốn nổi tiếng với thành tích đã đưa được 50 triệu dân Brazil thoát khỏi cảnh bần cùng, đã đánh mất hào quang. Jair Bolsonaro ứng viên tổng thống phe cực hữu được coi là một vị cứu tinh, cho dù ông này đã không đưa ra một kế hoạch cụ thể để vực dậy kinh tế nước nhà.

Người ủng hộ ứng viên cực hữu Jair Bolsonaro vui mừng sau kết quả vòng một cuộc bầu cử tổng thống, ngày 7/10/2018, tại Brasilia, Brazil.
Người ủng hộ ứng viên cực hữu Jair Bolsonaro vui mừng sau kết quả vòng một cuộc bầu cử tổng thống, ngày 7/10/2018, tại Brasilia, Brazil. REUTERS/Ueslei Marcelino
Quảng cáo

Ba tuần lễ trước bầu cử tổng thống Brazil vòng một, các cuộc thăm dò dự báo ứng viên Bolsonaro về đầu, nhưng sẽ thua ở vòng hai, bất luận đối thủ của ông này là ai đi chăng nữa. Với kết quả gần như chính thức của vòng một được loan báo hôm qua, giới quan sát không còn tự tin như trước. Theo nhà chính trị học đại học Minas Gerais, miền Nam Brazil, thì ứng viên cực hữu đang có "cơ may rất lớn" ngồi vào chiếc ghế tổng thống thay thế ông Michel Temer.

Đối thủ của Jair Bolsonaro ở vòng nhì là Fernando Haddad, ứng viên của đảng Lao Động, thực sự thở phào nhẹ nhõm khi cứu vãn được chiếc vé để lọt vào vòng hai cuộc tuyển cử lần này. Làm thế nào Bolsonaro thay đổi được thế cờ ? Trong trường hợp ứng viên cực hữu đắc cử vào ngày 28 tháng 10 tới đây, tương lai Brazil sẽ ra sao ?

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, giới quan sát cho rằng, do thất vọng quá lớn sau 13 năm cánh tả cầm quyền, hơn 46 % cử tri Brazil đã dồn phiếu cho ứng viên, không che giấu hoài niệm với thời kỳ mà đất nước ông bị cai trị với một bàn tay sắt.

Đã qua rồi thời kỳ mà người hùng Lula da Silva đưa được hàng triệu người dân Brazil thoát khỏi cảnh bần hàn, giành một chỗ đứng cho Brazil trong câu lạc bộ các nền kinh tế đang trỗi dậy. Trong nhóm BRICS, Brazil lại có nhiều lợi thế. Brazil vừa là một nền dân chủ, vừa có tiềm năng kinh tế cao. Hai sự kiện thể thao trọng đại là Cúp bóng đá Thế giới 2014 và Thế Vận Hội 2016 tưởng chừng là những cột mốc quan trọng đem lại niềm tự hào và thịnh vượng cho người dân Brazil. Nhưng giấc mơ đã không thành.

Từ khi Olympic 2016 hạ màn, GDP sụt giảm 7 % trong hai năm liên tiếp, Brazil đi từ khủng hoảng kinh tế, đến xã hội và chính trị. Tai tiếng tham nhũng bám rễ vào các hoạt động chính trị tại quốc gia này, khiến nữ tổng thống đầu tiên của Brazil bị truất phế. Người đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của bà Dilma Rousseff là cựu tổng thống Lula da Silva hiện đang ngồi tù. Thay thế bà Rousseff ở chức vụ tổng thống là ông Michel Temer cũng bị nhiều tai tiếng, làm ăn không minh bạch và ông này chỉ cứu được chiếc ghế tổng thống của mình trong đường tơ kẽ tóc.

Trong bối cảnh kinh tế sụp đổ, bất mãn xã hội dâng cao, tình trạng mất an ninh lan tràn, các chính trị gia từ tả sang hữu đều bị cáo buộc tham nhũng, thì nhân vật được gọi là một "Donald Trump" của Nam Mỹ đã nổi lên. Đó chính là ông Bolsonaro.

Ưu điểm của ứng viên này là tới nay ông không bị tai tiếng tham ô. Ông đòi "mạnh tay quét sạch những thành phần ăn trên ngồi trốc trong chính quyền". Đây là một lá bài được ông khai thác khéo léo, trong lúc dân tình đang khốn khổ vì khủng hoảng kinh tế.

Chính ở điểm này, một phần không nhỏ cử tri từng ủng hộ đảng Lao Động của cựu tổng thống Lula đã đi theo Bolsonaro. Thêm vào đó, phe của cựu tổng thống Lula đã phạm một sai lầm lớn về chiến lược : cho tới giờ chót đảng này vẫn tin tưởng vào Lula, trong lúc ông đã phải ngồi tù vì tội tham nhũng và không được quyền ra tranh cử.

Mãi tới 11 tháng 9, tức 5 tuần trước bầu cử tổng thống vòng một, Lula và đảng Lao Động mới chính thức chỉ định ông Fernando Haddad ra ứng cử thay thế. Ông này là một trí thức, 55 tuổi, ít được công chúng và kể cả các cử tri cánh tả Brazil biết đến. Có lúc đảng Lao Động tưởng chừng đã bị loại ngay từ vòng 1 ngày hôm qua.

Tình thế rắn không đầu của bên cánh tả là một yếu tố quan trọng giúp cho ứng viên cực hữu kiếm phiếu.

Một điểm mạnh nữa của Jair Bolsonaro là ông đánh trúng tâm lý công luận Brazil chán ngán với tình trạng mất an ninh trên toàn quốc. Vừa hứa hẹn "tái lập kỷ cương", ông vừa chủ trương cho người dân được quyền mang súng để tự vệ.

Thêm vào đó, đảng cực hữu Brazil đã dựa vào hội Thánh Tin Lành Phúc Âm, rất có thế lực tại Brazil. Là một người theo đạo Công Giáo Jair Bolsonaro đã không ngần ngại đi theo đạo Tin Lành để dựa vào thế lực của giáo hội này, vốn có ảnh hưởng lớn đối với giới địa chủ và nhiều doanh nhân trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Được từ bên giáo hội Phúc Âm Tin Lành đến giới chủ Brazil ủng hộ, Jair Bolsonaro không che giấu là ông vẫn ngưỡng mộ thời gian 20 năm mà Brazil dưới sự lãnh đạo của giới tướng lĩnh quân sự. Ứng viên cực hữu này cũng không một chút mặc cảm khi phơi bày lập trường kỳ thị của ông đối với cộng đồng người da đen ở Brazil, mà ông từng đòi "thanh lọc" các khu nhà ổ chuột để giải quyết nạn cướp bóc trên đường phố.

Đối với những người từng kỳ vọng Brazil là một ngọn cờ dân chủ tại châu Mỹ La Tinh, là một thành trì kinh tế vững chắc trong khu vực, thì tỷ lệ đắc cử trên 46 % ở vòng 1 của ứng viên tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro là một tin xấu, là một bước thụt lùi về nhân quyền, về bình đẳng xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.