Vào nội dung chính
THỤY ĐIỂN - NOBEL

Hai nhà hoạt động chống bạo lực tình dục được giải Nobel Hòa Bình 2018

Ngày 05/10/2018, tại Oslo, Ủy ban Nobel thông báo quyết định trao giải Nobel Hòa Bình 2018 cho hai nhà hoạt động chống bạo lực tình dục đó là bác sĩ phụ khoa Denis Muckwege, người Congo và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad, thuộc cộng đồng Yazidi, Irak, từng là cựu nạn nhân nô lệ tình dục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Nobel Prize for Peace 2018 : cô Yazidi Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege.
Nobel Prize for Peace 2018 : cô Yazidi Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege. REUTERS/Lucas Jackson/Vincent Kessler/File photos
Quảng cáo

Theo lời chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen, hai nhà hoạt động nói trên được trao tặng giải thưởng cao quý này vì những nỗ lực trong việc chống bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới, « chống lại việc sử dụng bạo lực tình dục như là một vũ khí chiến tranh ».

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ ở Angers, Denis Mukwege, năm nay 63 tuổi, lẽ ra có thể ở lại Pháp để sống an nhàn, nhưng ông đã quyết định trở về nước và sống ở quê hương vào những giờ phút đen tối nhất. Từ nhiều năm qua, bác sĩ Denis Mukwege, vẫn chữa trị, an ủi những phụ nữ bị cưỡng hiếp trong các cuộc chiến tranh ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Với những hoạt động này, ông đã từng được trao tặng các giải thưởng ở châu Âu, Hoa Kỳ và châu Á.

Denis Mukwege cũng là một trong những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ chế độ của tổng thống Joseph Kabila. Tháng 6/2018,  ông đã khuyến khích dân Congo « đấu tranh ôn hòa » chống chế độ Kabila, thay vì đặt hy vọng vào cuộc tổng tuyển cử ngày 23/12/2018 « mà ai cũng biết trước là kết quả sẽ bị giả mạo ».

Còn bản thân khôi nguyên thứ hai của Nobel Hòa Bình 2018, Nadia Murad, năm nay 25 tuổi, đã từng là một trong hàng ngàn phụ nữ sắc tộc Yazidi nạn nhân lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Sau khi trốn thoát được khỏi bàn tay của Daech vào năm 2014, Nadia Murad đã sang định cư ở Đức và tại quê hương mới này, cô nỗ lực vận động để thế giới quan tâm đến số phận của cộng đồng Yazidi.

Năm 2015, cô đã kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp để chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, tố cáo lực lượng này đã phạm tội ác diệt chủng đối với cộng đồng Yazidi. Năm 2016, Nadia Murad đã trở thành đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc vì nhân phẩm của các nạn nhân nạn buôn người trên thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.