Vào nội dung chính
TIN VẮN - QUỐC TẾ

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP) - Jim Mattis hội ý với Macron duy trì lực lượng tại Syria. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Pháp ngày 02/10/2018. Trong chuyến viếng thăm đầu tiên từ ngày nhậm chức, chủ nhân Lầu Năm Góc sẽ thảo luận với tổng thống Emmanuel Macron và nữ đồng nhiệm Florence Parly về chống khủng bố và nhất là sự hiện diện của một lực lượng Pháp tại Syria. Vào lúc Damas kêu gọi Mỹ, Pháp,Thổ Nhĩ Kỳ rút quân « tức khắc », Washington hy vọng Paris duy trì lực lượng đặc biệt trong vùng do Lực Lượng Dân Chủ Syria FSD, đồng minh của Tây phương kiểm soát.

(AFP) - Okinawa lại bầu một tỉnh trưởng chống căn cứ quân sự Mỹ. Cựu dân biểu Denny Tamaki, 58 tuổi, đắc cử tỉnh trưởng Okinawa với số phiếu áp đảo 396.600 so với 316.450 của đối thủ Atsushi Sakima, trong cuộc bầu phiếu ngày 30/09/2018. Mang hai dòng máu Mỹ-Nhật, cha là Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, Denny Tamaki tranh cử với lời hứa tiếp nối sự nghiệp của người tiền nhiệm Takeshi Onaga, qua đời vì bạo bệnh. Đó là kịch liệt chống dự án của chính phủ Tokyo chuyển căn cứ quân sự Mỹ ở Futenma về Henoko, một vùng duyên hải ít người, nhưng bị dân chống đối.

(AFP) - Phi vụ của rô-bô Pháp-Đức trên thiên thạch Ryugu. Cùng phi thuyền không gian Nhật Bản Hayabusa2 rời mặt đất cách nay 4 năm, sau 3,2 tỷ km hành trình, rô-bô Mascot, do Pháp-Đức chế tạo sẽ đáp xuống thiên thạch Ryugu vào thứ tư 03/10/2018. Nhiệm vụ của Mascot là tìm dấu tích sự sống trên thiên thạch có tuổi ngang với tuổi của vũ trụ, tức là hơn 14 tỷ năm.

(AFP) - Indonesia bắt giữ một công dân Pháp mang theo 4 kg thuốc phiện. Cảnh sát địa phương ngày 01/10/2018 cho biết số chất gây nghiện trên được tìm thấy trong hành lý của Felix Dorfin, người vùng Béthune, miền bắc nước Pháp. Người này bị bắt tại đảo Lombok. Nghi phạm đã mang thuốc phiện trực tiếp từ Pháp, trung chuyển qua Đức, Singapore, rồi đến Indonesia để giao hàng cho một người khác. Indonesia, quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới, đặt cuộc chiến chống ma túy là một trong số các ưu tiên và có luật lệ rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực này.

(AFP) - Venezuela cáo buộc Pháp khuyến khích « thay đổi » chế độ. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Venezuela ngày 30/09/2018 chỉ trích nước Pháp « thao túng các tổ chức quốc tế với ý đồ gây hấn và khuyến khích thay đổi chế độ chính trị bằng vũ lực ». Hôm thứ Bảy 29/09, phủ tổng thống Pháp cho biết ủng hộ sáng kiến của 6 quốc gia đề nghị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế điều tra khả năng « tội ác chống nhân loại » tại Venezuela. Hôm nay, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 1,9 triệu người dân Venezuela đã rời bỏ đất nước từ năm 2015.

(Reuters) – Đại sứ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng « tự do báo chí ». Trong một bài viết, được công bố ngày hôm qua, 30/09/2018, trên nhật báo địa phương Mỹ, Des Moines Register, tiểu bang Iowa, đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Terry Branstad, tố cáo Bắc Kinh liên tục tung ra « các quảng cáo trên báo chí tự do » để phục vụ mục đích tuyên truyền. Đại sứ Mỹ cũng cho biết là báo chí Nhà nước Trung Quốc đã không chấp nhận công bố bài viết của ông. Trước đó một tuần, nhật báo Anh Ngữ chính thức của Trung Quốc China Daily, đã đưa một quảng cáo dài 4 trang lên báo Mỹ, để ca ngợi các lợi ích của thương mại Mỹ-Trung. Theo đại sứ Mỹ, nguyên là thống đốc Iowa, tiểu bang xuất khẩu nông sản hàng đầu sang Trung Quốc, Bắc Kinh đã gây nhiều thiệt hại cho các nhà nông và doanh nghiệp Hoa Kỳ.

(AFP) - Hồng Kông: Hàng nghìn người tuần hành vì tự do chính trị. Hôm nay, 1/10/2018, hàng nghìn người xuống đường, đúng vào ngày Quốc Khánh Trung Quốc, và một tuần sau khi chính quyền đặc khu Hồng Kông ra quyết định cấm một đảng phái chính trị đòi độc lập cho Hồng Kông hoạt động.

(AFP) - Báo động GIEC : Ngay cả nhiệt độ tăng ở mức 1,5°C cũng gây nhiều hậu quả rất nguy hiểm. Dự thảo báo cáo dài 400 trang của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), công bố hôm nay, 01/10/2018, tại Hàn Quốc, cảnh báo nhân loại về các hậu quả khủng khiếp, ngay cả khi nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5°C, vốn được coi là phương án B của cộng đồng quốc tế (theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015). Vẫn theo GIEC, cho đến nay, giới khoa học mới có rất ít nghiên cứu về kịch bản này. Để nhiệt độ tăng không quá 1,5°C, nhân loại phải đạt mức phát thải CO2 bằng không vào giữa thế kỷ. Cho đến nay, tổng hợp các nỗ lực được cam kết mới cho phép giữ nhiệt độ không tăng quá 3°C. Dự thảo của GIEC được các chuyên gia xem xét từ nay đến cuối tuần. Báo cáo chính thức sẽ được dùng để thảo luận tại thượng đỉnh COP24 tại Ba Lan, đầu tháng 12 tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.