Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - NẠN BUÔN LẬU

Rút ruột thiên nhiên, kẻ bất lương chóng giàu

Những kẻ bất lương buôn gì chóng giàu nhất ? Căn cứ vào báo cáo gần đây của Cảnh Sát Quốc Tế Interpol và hai tổ chức phi chính phủ vừa được công bố, Les Echos trả lời: Khai thác vàng, bạc đá quý, kim cương, gỗ quý, dầu hỏa chóng giàu hơn buôn lậu ma túy hay buôn người.

Một khu rừng tại Masoala, miền đông bắc Madagascar, một trong những nạn nhân của tình trạng buôn lậu gỗ quý.
Một khu rừng tại Masoala, miền đông bắc Madagascar, một trong những nạn nhân của tình trạng buôn lậu gỗ quý. Laetitia Bezain/RFI
Quảng cáo

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang trở thành một con bò sữa của các băng đảng tội phạm, các nhóm nổi dậy và quân khủng bố. Báo cáo nói trên đưa ra một khái niệm mới là "tội hình sự môi trường". Số tiền thu về từ các hoạt động bất hợp pháp này ước tính lên tới khoảng từ 110 đến 281 tỷ đô la, bảo đảm 38% thu nhập cho các tổ chức tội phạm. Để so sánh, các hoạt động buôn người hay đưa người nhập cư từ Syria và Irak sang châu Âu cho phép thu về khoảng 5 tỷ đô la năm ngoái. Đưa ma túy từ Colombia vào Mỹ là 8 tỷ đô la, đưa thuốc phiện từ Afghanistan sang châu Âu là 1,4 tỷ đô la.

Nguy hiểm ở đây là các đường dây bất hợp pháp đó thường có lợi mỗi khi các cuộc xung đột võ trang kéo dài ... vì có như thế các băng đảng này mới dễ khai thác tài nguyên. Nói một cách dễ hiểu hơn, ở bất cứ chỗ nào trên thế giới mà sự hiện diện của nhà nước lỏng lẻo, thì đấy là những mảnh đất màu mỡ cho các băng đảng mafia, nhóm khủng bố làm ăn.

Indonesia không rút được bài học nào từ sóng thần 2004 ?

La Croix đăng ảnh nhân viên cứu hộ Indonesia len lỏi giữa đống gạch đổ nát, sau động đất và sóng thần. Tờ báo chú trọng đến công cuộc tái thiết Sulawesi. Nhưng làm thế nào để xây dựng lại tại một vùng đất mà thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên ? Đó là câu hỏi khó giải đáp. Indonesia là một quốc gia nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương.

Bên cạnh đe dọa động đất sóng thần, núi lửa phun, quốc gia với 17.000 hòn đảo này còn là một trong những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng biến đổi khí hậu. Hàng trăm hòn đảo bị đe dọa nhận chìm. Quần đảo Nam Dương là vùng đất "có rủi ro bị thiên tai cao nhất". Báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á tháng 7/2017 gióng tiếng chuông báo động: Trước năm 2050 sẽ có tới 42 triệu ngôi nhà ở Indonesia bị ngập nước, 2.000 hòn đảo bị nhận chìm vì mực nước biển dâng cao.

Le Monde ấn bản được cập nhật trên mạng chạy tựa lớn : "Indonesia, tiêu điều và hỗn loạn sau sóng thần". Ngay phía dưới bức ảnh với những ngôi nhà đổ nát, xác tàu, xác xe hơi hay những đống gạch vụn trải dài hai bên đường, tờ báo chú thích : "Hơn 830 người chết và số nạn nhân còn có thể cao hơn thế nữa, nhưng tại chỗ, công tác phòng ngừa thiên tai đã quá kém cỏi".

Le Figaro nhắc lại Indonesia từng phải đối mặt với sóng thần cuối năm 2004, 168.000 người thiệt mạng. Chắc chắn là trong những ngày tới, dân tình sẽ đòi chính quyền Indonesia giải thích về sự quản lý kém cỏi mà Le Monde vừa nói tới.

Les Echos cố gắng đem lại một tia hy vọng từ những hình ảnh điêu tàn trên đảo Sulawesi. Tờ báo kể lại câu chuyện của một nhân viên kiểm soát không lưu 21 tuổi: vào lúc mà đất trời đang rung chuyển Anthonius Gunawan Agung đã rất bình tĩnh, tiếp tục thi hành nhiệm vụ, cho phép một chiếc máy bay dân sự cất cánh từ phi trường Palu. Khi chiếc máy bay này không còn chạm đất thì tình hình đã xấu đi, đất rung càng lúc càng mạnh. Trung tâm kiểm soát không lưu sụp đổ, Anthonius Gunawan Agung nhảy từ lầu 4 để thoát thân, anh bị gẫy hai chân và mang thương tích cùng mình, được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm của chàng trai 21 tuổi này khiến báo chí Indonesia ngưỡng mộ, xem Anthonius là người hùng trong cơn tai biến.

Đến lượt giáo hội Công Giáo Pháp phải trả lời về nạn ấu dâm ?

Sau những tai tiếng đã được phơi bày ra ánh sáng tại Đức, Áo, hay Chilê, phần trang xã hội của nhiều tờ báo Paris trong ngày trở lại với sự kiện nhiều nhân sĩ trí thức và một nhóm các con chiên kêu gọi cho mở điều tra về những cáo buộc một số tu sĩ Pháp xâm hại tình dục trẻ em.

Công cuộc điều tra đó phải do một ủy ban Quốc Hội tiến hành. Le Figaro chạy tựa : "Giáo Hội Công Giáo Pháp bị điều tra về nạn ấu dâm ?" Tờ báo thân hữu này không bênh, không chống lời kêu gọi nói trên, mà chỉ nêu lên câu hỏi, hồ sơ này có thuộc thẩm quyền Quốc Hội Pháp hay không ?

Nhật báo Công Giáo La Croix trong bài xã luận mang tựa đề "Ngờ vực" lấy làm tiếc là hành vi đơn lẻ của một số các tu sĩ làm mang tiếng cả giáo hội và làm sáng tỏ sự thật là điều cần thiết, tránh để cho cả cộng đồng người Công Giáo bị tổn thương.

Mỹ và sự thật của một bức tranh kinh tế tươi sáng

Libération trên trang nhất, với bức hí họa vẽ Donald Trump, quan tâm đến bộ mặt kinh tế của nước Mỹ với những thành công "bề ngoài".

Tờ báo không vòng vo: Về "bề ngoài", kinh tế Mỹ chưng ra những con số tốt đẹp, từ tỷ lệ tăng trưởng đến số người thất nghiệp, lãi của doanh nghiệp cao ngất, chỉ số chứng khoán bay bổng từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Mức tiêu thụ của các hộ gia đình cũng tăng lên trong suốt thời gian từ tháng Giêng 2017 cho đến giờ. Những thành tích đó đủ làm các nước châu Âu phải ganh tị và trái ngược hẳn với những dự phóng bi quan của giới phân tích khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống Hoa Kỳ.

Dù vậy, Libération cho rằng những thành tích đó chỉ "phản ánh một phần sự thật". Thứ nhất, tổng thống Trump không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhắc nhở dân tình về công lao của ông, để Hoa Kỳ có được tăng trưởng 3%. Các chuyên gia nhìn nhận, chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và tư nhân của Trump đã, bơm thêm 160 tỷ đô la vào cỗ xe kinh tế. Thêm vào đó Washington tăng ngân sách 270 tỷ. Hiệu quả của các biện pháp kích cầu này đã được trông thấy trõ trong năm nay và sẽ còn kéo dài thêm vào năm 2019.

Có điều như ghi nhận của giải Nobel Kinh Tế 2006, Edmund Phelps, chính quyền Trump đã tăng các khoản chi tiêu, để lại một mức thâm hụt khổng lồ cho ngân sách Liên Bang. Một chuyên gia Pháp bồi thêm "chính sách kinh tế của Donald Trump rất thiển cận".

Nhược điểm thứ nhì trong cỗ xe kinh tế đang rất ngon trớn hiện nay của Mỹ là chứng khoán. Chỉ số Dow Jones đã tăng 19% kể từ ngày Donald Trump bước vào Nhà Trắng nhưng đấy là một sự thổi phồng giả tạo. Khi biết rằng có tới 5% cổ phiếu được mua đi bán lại trên sàn chứng khoán Mỹ do các công ty mua lại cổ phiếu của chính mình. Một chuyên gia trong ngành được Libération trích dẫn bình luận: "Chỉ một sự cố rất nhỏ, cũng đủ làm cho thế giới tài chính lao đao".

Trong bức tranh kinh tế tươi sáng của Mỹ đó, điểm thứ ba gây nghi ngờ là chỉ số về mãi lực của các hộ gia đình. Thống kê thường nói tới mức lương trung bình tại Mỹ tăng 3,3% trong 18 tháng qua, nhưng cùng lúc, nợ của các hộ gia đình ngày càng lớn. Trước khủng hoảng tín dụng địa ốc 2007, dân Mỹ nợ 12.680 tỷ đô la. Năm 2018, con số này vừa vượt ngưỡng 13.000 tỷ. Hai quả bong bóng tín dụng mua xe hơi và tín dụng cấp cho giới sinh viên sớm muộn gì cũng sẽ vỡ.

Hội chợ xe hơi Paris 2018

Hai năm một lần, hội chợ xe hơi Paris là sự kiện đáng chú ý trong những tuần lễ đầu mùa khai giảng. Các báo Pháp đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau về ấn bản 2018 sắp mở ra cho giới báo chí vào ngày 02/10/2018 và cho công chúng kể từ ngày 04/10/2018.

Le Fiagro nói đến "sự trở lại ngoạn mục" của các hiệu xe Pháp. Les Echos xoáy vào xe hơi điện đang "khẳng định vị trí trên thị trường". Le Monde nói tới một mùa triển lãm xe hơi tại Paris đang bị "mất đà": khoảng một chục hãng xe của thế giới vắng mặt. Trong số này có những tên tuổi như Volkswagen hay Opel của Đức, Alfa Romeo của Ý, Ford của Mỹ hay Nissan, Mitsubishi của Nhật ...

Phải chăng Paris, một điểm hẹn của giới yêu xe từ 120 năm nay, không còn sức hấp dẫn ?

Le Monde trích lời một người trong cuộc cho rằng, hội chợ Paris không là một ngoại lệ. Cái chính là các hội chợ xe quốc tế đang mất đà. Hãng Audi vẫn xem Paris là một chiếc tủ kính, nhưng báo trước là sẽ vắng mặt tại hội chợ Detroit – Mỹ vào năm tới. Cả BMW lẫn Daimler cũng dự trù không đến Detroit.

Còn hãng xe Hoa Kỳ Ford thì sẽ vắng mặt tại hội chợi xe ở Genève Thụy Sĩ năm 2019.

Ngoại trừ hai cuộc triển lãm ở Bắc Kinh và Thượng Hải, phần lớn các nhà sản xuất xe Âu Mỹ dường như không còn xem các cuộc triển lãm kiểu này là phương tiện hiệu quả nhất để đến gần với khách hàng. Một nghịch lý khác là các hãng xe tẩy chay hội chợ xe để dành tiền tham gia các hội chợ công nghệ cao. Ưu tiên của họ hướng về CES ở Las Vegas ! Đấy mới là sàn đấu để các hãng xe tên tuổi trên thế giới tranh hùng với những chiếc xe ngày càng thông minh, được ghép không biết bao nhiêu trang thiết bị điện tử.

Có một thực tế không thể chối cãi khác là mỗi lần tham dự một hội chợ xe hơi đều vô cùng tốn kém. Ở Paris chẳng hạn giá thuê gian trưng bày là từ 155 đến 177 euro một thước vuông. Trung bình, một gian triển lãm của một hãng xe tốn khoảng 600.000 euro trong suốt gần 2 tuần lễ triển lãm. Nhưng tiền thuê chỗ chỉ là chuyện nhỏ, vì bên cạnh đó còn phải tính đến những khoản chi tiêu cho việc trang bị từ màn ảnh ti vi, máy quay phim, chiếu phim ... và đài thọ cho phần nhân sự ...

Tóm lại mỗi lần mang xe đi triển lãm ở các hội chợ quốc tế, chi phí dễ dàng vượt ngưỡng 1 triệu euro. Còn muốn gian hàng được lộng lẫy hơn nữa thì 4 hay 5 triệu là chuyện thường tình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.