Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - ĐỨC

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công du Đức để bình thường hóa quan hệ

Vào đúng lúc đất nước đang có căng thẳng với đồng minh Mỹ, trong bối cảnh bị khủng hoảng kinh tế nặng nề, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Berlin hôm 27/09/2018 trong khuôn khổ một chuyến thăm cấp Nhà nước. Mục tiêu là để nối lại quan hệ thân thiết với đối tác kinh tế hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại phi trường Tegel -Berlin. Ảnh ngày 27/09/2018.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại phi trường Tegel -Berlin. Ảnh ngày 27/09/2018. REUTERS/Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Theo kế hoạch, ông Erdogan sẽ hội đàm với tổng thống Đức Steinmeier và thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày mai, trước khi đến Köln vào thứ Bảy để khánh thành một đền thờ Hồi Giáo do một tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng.

Theo thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin, an ninh đã được tăng cường tối đa tại trung tâm thủ đô Đức nhân dịp đón tiếp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :

Các lá cờ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu được treo ở trung tâm thành phố, hàng rào an ninh được dựng lên nhiều nơi ngay từ sáng hôm qua, cảnh sát được huy động để kiểm tra và bít lại các lỗ cống. Với một khu vực an toàn rất lớn, trung tâm thủ đô Berlin trông giống như một khu vực an ninh nghiêm mật trong 48 tiếng đồng hồ. Các biện pháp tương tự như những gì áp dụng trong trường hợp tổng thống Mỹ.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều cuộc biểu tình chống ông Erdogan đã được lên kế hoạch. Một số chính trị gia đã quyết định tẩy chay bữa dạ tiệc tối nay do tổng thống Đức Steinmeier khoản đãi.

Đã đến lúc sưởi ấm lại quan hệ giữa hai nước, bị khuấy động từ sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm.

Ankara, do phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng và quan hệ xấu đi với đồng minh Mỹ, đã quay sang châu Âu và Đức. Berlin thì không muốn đối tác này bị bất ổn, đặc biệt khi tại Đức có một cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ gồm 3 triệu người.

Ankara là một đồng minh kinh tế quan trọng. Dù không viện trợ trực tiếp, Berlin có thể tạo thuận lợi cho các công ty Đức đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Ankara còn đóng một vai trò địa chính trị quan trọng qua việc can thiệp vào Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.