Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN

Mỹ đẩy Iran vào vòng tay Trung Quốc

Hai ngày liên tiếp, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, tổng thống Hoa Kỳ liên tục chĩa mũi dùi vào Iran, lên án thái độ "ngày càng hung hăng của Teheran". Theo chuyên gia Pháp, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, Pascal Boniface, cô lập Iran có lợi cho Trung Quốc và Nga.

Iran trong "tầm ngắm" của Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 2018.
Iran trong "tầm ngắm" của Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 2018. REUTERS/Carlo Allegri
Quảng cáo

Trong ngày đầu tiên khai mạc khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (25/09/2018), tổng thống Trump và Rohani đọ sức với nhau qua hai bài diễn văn cách nhau chỉ vài giờ. Washington kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Teheran, còn Iran lên án Hoa Kỳ muốn lật đổ chế độ. Một hôm sau, chủ trì cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, Donald Trump cam kết nước Mỹ sẽ ban hành những biện pháp trừng phạt "cứng rắn hơn bao giờ hết để chống lại ác tâm của Iran".

Trước mắt, đại đa số các thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không mấy hưởng ứng kêu gọi quốc tế cô lập Iran được tổng thống Mỹ nêu ra. Nga, một đồng minh thân thiết của Iran, qua lời ngoại trưởng Serguei Lavrov đáp trả : "Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, là một mối đe dọa đối với Hiệp Định Chống Phổ Biến Vũ Khí Nguyên Tử."

Hai thành viên thường trực khác trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh và Pháp - vốn là những đồng minh cốt lõi của Hoa Kỳ, cũng không tán đồng quan điểm của Washington về hạt nhân Iran.

Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký kết tại Vienna giữa Teheran với 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và Đức là "phương tiện tốt nhất để ngăn ngừa Iran phát triển vũ khí nguyên tử".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định : "Không thể giải quyết hạt nhân Iran bằng các biện pháp trừng phạt". Chính vì muốn tránh để bị vạ lây vì lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran, Liên Hiệp Châu Âu đang hình thành một cơ chế để có thể tiếp tục giao thương với Teheran mà không cần sử dụng đồng đô la.

Trong bối cảnh hạt nhân Iran đang làm lu mờ nhiều hồ sơ quan trọng nhân khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 2018, trả lời Jean Baptiste Marot đài RFI, ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược - IRIS nhấn mạnh : Hoa Kỳ đang đẩy Iran vào vòng tay Trung Quốc.

Trước hết chuyên gia Pháp, Pascal Boniface nhắc lại vì sao tổng thống Mỹ đang dồn hỏa lực tấn công về phía Iran.

07:45

Pascal Boniface- IRIS Mỹ- Iran 27/09/2018

Pascal Boniface : Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích, hay nói đúng hơn là ngay từ đầu, ông luôn đả kích thỏa thuận về hạt nhân Iran. Thực ra thì Donald Trump thù ghét chế độ Iran và ông ý thức được rằng một phần công luận Mỹ, đặc biệt là thành phần cử tri bỏ phiếu cho ông, vẫn căm ghét Iran, kể từ năm 1979 và từ sau vụ bắt con tin Mỹ tại tòa đại sứ ở Teheran. Tổng thống Hoa Kỳ cũng biết rằng Iran là một quốc gia thù nghịch với Israel, mà ông thì lại chủ trương ủng hộ Israel hết mình. Thêm vào đó, ông Donald Trump tố cáo Iran gây bất ổn trong khu vực Trung Đông. Washington quy trách nhiệm cho Teheran từ khủng hoảng Yemen, đến việc Iran yểm trợ cho chế độ của Bachar al Alassad tại Syria. Tựu chung, Trump cáo buộc Iran gây bất ổn cho toàn khu vực vùng Vịnh.

RFI : Trong diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm ngoái, của tổng thống Hoa Kỳ, đã có những lời lẽ gay gắt nhất nhắm vào Bắc Triều Tiên : nào là dọa "tiêu diệt hoàn toàn" quốc gia này, nào là gọi Bình Nhưỡng là một "chế độ thối nát". Donald Trump còn tặng cho Kim Jong Un biệt hiệu "Rocket Man"... để rồi 9 tháng sau, tại Singapore nguyên thủ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã bắt tay nhau. Từ đó tới nay, ông Trump không ngớt lời ca tụng ông Kim Jong Un. Liệu rằng Washington có áp dụng chiến lược này với Iran hay không ?

Pascal Boniface : Không đời nào ! Bởi vì, tuy tình hình lắng dịu với Bắc Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng không hề từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đồng thời, điều mà ông Donald Trump gọi là một thắng lợi ngoại giao và đấy là nhờ công lao của ông, thì sự thật không hẳn là như vậy : đấy không phải là một thắng lợi ngoại giao. Nhưng bên cạnh đó, hai trường hợp giữa Iran với Bắc Triều Tiên rất khác nhau. Qua Iran, còn phải tính tới cả một vế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Điều đó liên quan tới chính sách của Hoa Kỳ đối với Ả Rập Xê Út, tới mối liên hệ đồng minh giữa Mỹ với Israel.

Đối với Bắc Triều Tiên bài toán đơn giản hơn. Nói cách khác, cho dù là còn nhiều nghi vấn về thực tâm giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng ít ra, đối với Bắc Triều Tiên, đối thoại có lợi cho Donald Trump và tổng thống Mỹ cần phô trương thắng lợi từ sau thượng đỉnh với Kim Jong Un. Ngược lại trong trường hợp của Iran, ông Trump chẳng có lợi gì và bản thân ông ta cũng không muốn đối thoại với Iran.

RFI : Về phía Teheran, tại Liên Hiệp Quốc lần này, tổng thống Rohani đã phản công. Một mặt ông lên án Mỹ dùng đòn kinh tế để "khủng bố" Iran, mặt khác tố cáo Washington "không còn che giấu ý đồ muốn lật đổ chế độ" tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo này. Phải chăng Iran khai thác trở lại lá bài chống "đế quốc Mỹ" ?

Pascal Boniface : Vâng, có thể nghĩ rằng Iran lại bắt đầu chiến thuật công kích, tố cáo các nước thù nghịch dùng lá bài khủng bố đe dọa Teheran. Nước này cũng lên án Mỹ có chính sách thù nghịch đối với Iran, tố cáo Washington không tôn trọng luật chơi quốc tế. Trong khi đó thì theo quan điểm của ông Rohani, Iran tuân thủ hiệp định hạt nhân được ký kết hồi năm 2015. Iran sẽ chứng minh rằng, chính Hoa Kỳ mới là yếu tố đe dọa an ninh của khu vực. Tôi nghĩ là tổng thống Rohani sẽ tạo cho Iran một hình ảnh tốt, đưa ra hình ảnh một quốc gia yên bình, nhưng lại bị kẻ thù đe dọa.

RFI : Trước cử tọa bao gồm 193 quốc gia trong Liên Hiệp Quốc cũng như trong cuộc họp thu hẹp giữa 15 thành viên thường trực và không thường trực của Hội Đồng Bảo An, tổng thống Trump liên tiếp tấn công Iran. Liệu chiến lược này có lợi cho Mỹ hay không, hay là ngược lại, Washington càng muốn cô lập Teheran, thì lại càng có lợi cho Nga và Trung Quốc ?

Pascal Boniface : Đối với Nga thì chuyện đã rồi, chủ yếu là qua mối liên minh giữa Teheran với Matxcơva tại Syria. Còn với Trung Quốc, chính Bắc Kinh mới là kẻ thắng cuộc qua ván bài này. Trung Quốc ngày càng gần gũi hơn với Iran. Nước này có dầu hỏa, mà Trung Quốc đang cần. Iran cần đầu tư và Trung Quốc thì thừa sức đáp ứng nhu cầu của Teheran. Việc Hoa Kỳ muốn cô lập Iran với các nước phương Tây, ngày càng đẩy Iran vào vòng tay của Trung Quốc. Tôi không chắc đây là một tin vui đối với các nước phương Tây.

RFI : Xin một câu hỏi chót, với tình huống hiện nay liệu Liên Hiệp Châu Âu có thể làm được những gì để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran và để tránh búa rìu trừng phạt của chính quyền Trump nhắm vào Teheran ?

Pascal Boniface : Châu Âu phản đối Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran, nhưng rõ ràng là châu Âu chỉ có thể ghi nhận điều ấy mà thôi. Câu hỏi quan trọng đặt ra giờ đây là liệu Bruxelles có bắt buộc phải đi theo Mỹ hay không, liệu châu Âu có chấp nhận để Donald Trump áp đặt và cấm Liên Âu giao thương với Iran hay không.

Chúng ta biết rằng, Liên Hiệp Châu Âu đang hình thành một cơ chế để lách lệnh cấm vận của Hoa Kỳ nhắm vào Iran. Nghĩa là châu Âu tìm cách để có thể tiếp tục trao đổi mậu dịch với Iran mà không sợ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Chúng ta thấy châu Âu quyết tâm tìm một ngõ thoát. Nhưng trong ngắn hạn Mỹ vẫn áp dụng chính sách thù nghịch với Iran và nếu Liên Âu có tìm ra một giải phát đi chăng nữa thì đó cũng là một giải pháp trong trung hạn. Trước mắt, châu Âu vẫn phải chịu thua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.