Vào nội dung chính
MALTA - DI DÂN

Aquarius sẽ cập bến Malta. Bốn nước châu Âu chia nhau đón thuyền nhân

Theo một thỏa thuận đạt được hôm qua, 25/09/2018, chiếc tàu nhân đạo Aquarius sẽ được phép cập bến Malta, để 58 thuyền nhân được lên bờ và sau đó sẽ được bốn nước châu Âu Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức chia nhau đón nhận.

Thuyền nhân trên tàu Aquarius sẽ được Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia nhau đón tiếp.
Thuyền nhân trên tàu Aquarius sẽ được Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia nhau đón tiếp. REUTERS/Guglielmo Mangiapane
Quảng cáo

Cụ thể, theo một nguồn tin chính phủ Pháp nói với hãng tin AFP, trong số 58 thuyền nhân được tàu Aquarius vớt trên Địa Trung Hải, Pháp sẽ nhận 18 người, Đức và Tây Ban Nha mỗi nước 15 người và Bồ Đào Nha 10 người.

Trong một thông cáo, thủ tướng Pháp Edouard Philippe tỏ vẻ hài lòng là châu Âu đã tìm ra một giải pháp « nhân đạo và hiệu quả », và « nước Pháp đã một lần nữa làm tròn trách nhiệm của mình ». Trong những ngày qua, chính phủ Pháp đã bị chỉ trích, nhất là từ cánh tả, vì đã không cho phép chiếc tàu Aquarius cập cảng Marseille, miền nam nước Pháp.

Tuy nhiên, giải pháp cho 58 thuyền nhân của tàu Aquarius càng làm nổi rõ sự mập mờ trong chính sách của châu Âu về đón nhận di dân.

Từ Bruxelles, nơi đặt trụ sở Ủy Ban Châu Âu, thông tín viên Pierre Benazet nhận định :

« Khi chấp nhận đón tiếp trên lãnh thổ của họ các di dân trên tàu Aquarius, bốn quốc gia đạt thỏa thuận với Malta cho phép chiếc tàu của tổ chức SOS Méditerranée cập một cảng an toàn, theo đúng luật hàng hải quốc tế. Không có một quy định nào của châu Âu được áp dụng trong trường hợp này và các nước Liên Hiệp Châu Âu thì không mấy hào hứng với việc tuân thủ luật hàng hải.

Khi thông báo về thỏa thuận nói trên, bộ trưởng Nội Vụ Bồ Đào Nha đã yêu cầu phải có một « giải pháp châu Âu đồng bộ, ổn định và lâu dài » để đối phó với khủng hoảng di dân.

Cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào tuần trước tại Salzbourg đã không sửa đổi những gì đã được quyết định tại cuộc họp thượng đỉnh thu nhỏ vào cuối tháng 6 ở Bruxelles. Được triệu tập sau vụ đầu tiên của tàu Aquarius, cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles chỉ đi đến quyết định là sẽ đạt các thỏa thuận theo từng trường hợp.

Nhờ vậy mà trong những ngày sau đó, các nước châu Âu đã tìm ra một giải pháp nhanh chóng cho chiếc tàu Lifeline. Nhưng cách vận hành này có vẻ như trái với tinh thần hợp tác của châu Âu, vốn dựa trên sự liên đới và trên phương thức hành động chung của toàn bộ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.