Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - HOA KỲ

Iran : Châu Âu tìm cách « né » trừng phạt Mỹ

Trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực lên Teheran, Liên Hiệp Châu Âu tìm cách duy trì trao đổi thương mại với Iran, nhưng vẫn tránh được các trừng phạt của Washington.

Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini (áo đỏ) và ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, tại Vienna, ngày 6/7/2018.
Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini (áo đỏ) và ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, tại Vienna, ngày 6/7/2018. REUTERS/Leonhard Foeger
Quảng cáo

Hôm qua, 24/09/2018, tức là một ngày trước khi tổng thống Trump phát biểu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc nhằm huy động thế giới chống Iran, Liên Hiệp Châu Âu thông báo việc thiết lập một cơ chế trao đổi hàng hóa với Iran.

Trong một tuyên bố đọc cùng với ngoại trưởng Iran Javad Zarif, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini giải thích : « Cụ thể, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ thiết lập một thực thể hợp pháp nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các giao dịch tài chính chính đáng với Iran ». Bà Mogherini cho biết thêm, cơ chế này sẽ giúp cho các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran theo đúng luật châu Âu và có thể được mở rộng ra các đối tác khác trên thế giới.

Tuyên bố nói trên được đưa ra sau một cuộc họp giữa đại diện 6 quốc gia còn nằm trong thỏa thuận hạt nhân 2015 ( Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, và Iran ), bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo các nguồn tin châu Âu được hãng tin AFP trích dẫn, cơ chế có tên là Special purpose vehicule – SPV ( tạm dịch là « Cơ chế đặc biệt » ) sẽ hoạt động giống như là một nơi trao đổi hàng hóa tinh vi từ việc bán dầu hỏa Iran, nguồn thu nhập chính của nước này. Ví dụ : Khi Iran bán dầu hỏa cho Tây Ban Nha và Đức bán máy công cụ cho Teheran, số tiền tương ứng với lượng dầu cung cấp cho Tây Ban Nha sẽ được dùng để trả trực tiếp cho công ty Đức. Cơ chế này bảo vệ cả người bán lẫn người mua, vì nó tránh những giao dịch bằng đôla, tức là tránh nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.

Thỏa thuận 2015 có mục tiêu là ngăn chận Teheran trang bị bom nguyên tử và đưa nước này dần dần thoát khỏi thế cô lập, qua việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Thế nhưng, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào tháng 5 vừa qua, tổng thống Donald Trump đã tái lập các biện pháp trừng phạt rất nặng nề, không chỉ nhắm vào các công ty của Iran, mà cả các công ty ngoại quốc và những nước vẫn tiếp tục làm ăn với Teheran. Vì sợ bị Mỹ trừng phạt, nhiều tập đoàn lớn như Total, Daimler…, tức là những công ty có nhiều lợi ích kinh tế ở Hoa Kỳ, đã ngưng mọi hoạt động ở Iran.

Đến ngày 04/11, một đợt trừng phạt mới sẽ đánh trực tiếp vào xuất khẩu dầu của Iran cũng như vào các giao dịch ngân hàng của nước này, mà như vậy là Iran coi như sẽ bị cắt đứt với hệ thống tài chính quốc tế. Với việc thiết lập cơ chế nói trên, Liên Hiệp Châu Âu sẽ bảo tồn các lợi ích kinh tế của Iran, đổi lại việc Teheran tiếp tục ở lại trong thỏa thuận hạt nhân và từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Các nước châu Âu đang bằng mọi giá bảo vệ thỏa thuận năm 2015 để ngăn chận Iran tiến hành trở lại chương trình hạt nhân, có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.