Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Bắc Kinh lên án thuế Mỹ trên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục nóng lên. Hôm nay, 24/09/2018, loạt trừng phạt mới đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc mà Washington loan báo hồi tuần trước chính thức có hiệu lực. Trước mắt, tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ áp thuế 10%, nhưng trên 200 tỷ hàng Trung Quốc nhập khẩu, tỷ lệ này sẽ tăng dần lên 25% vào tháng 01/2019.

Trung Quốc buộc tội Washington sử dụng các « chiêu thức » « sách nhiễu thương mại » và « hù dọa » Trung Quốc trên bình diện kinh tế.
Trung Quốc buộc tội Washington sử dụng các « chiêu thức » « sách nhiễu thương mại » và « hù dọa » Trung Quốc trên bình diện kinh tế. REUTERS/Damir Sagolj/
Quảng cáo

Để trả đũa, Trung Quốc đã loan báo áp thuế trên 60 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ. Và hôm nay, một tiếng đồng hồ sau khi lệnh trừng phạt mới của Washington bắt đầu có hiệu lực, Bắc Kinh đã cho công bố một quyển sách trắng gần 40.000 từ, tố cáo những « phương pháp côn đồ » của Mỹ.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :

« Thông báo của Quốc Vụ Viện Trung Quốc được dự kiến công bố hồi 12 giờ trưa nay. Nhưng rốt cuộc phải đợi thêm một tiếng đồng hồ nữa mới thấy Tân Hoa Xã phát hành quyển sách trắng nhằm « làm rõ sự thật về quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ ».

Đối với Trung Quốc, sự thật không thể rõ ràng hơn : Washington bị buộc tội sử dụng các « chiêu thức » của « trò sách nhiễu thương mại », và muốn « hù dọa » Trung Quốc trên bình diện kinh tế.

Thông điệp gồm 36.000 chữ này nhắc lại rằng các rào cản thuế quan Mỹ đang « phá hoại nghiêm trọng » các mối quan hệ kinh tế song phương, rằng cuộc chiến "tàu chở container" đang trực tiếp đe dọa trật tự thương mại thế giới.

Quyển sách trắng này là tuyên bố đầy đủ và chính thức đầu tiên của chính phủ Trung Quốc về tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong sách trắng, Bắc Kinh kêu gọi Washington hợp tác tìm giải pháp, cho dù trong thực tế họ có dấu hiệu không thực sự tin vào đàm phán.

Hiện có rất ít chuyên gia Trung Quốc tin vào chuyển biến tích cực trước khi kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Phái đoàn của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã hủy bỏ chuyến đi Washington trong tuần này. »

Trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra gay gắt, chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump tin chắc vào chiến thắng. Thế nhưng, theo ghi nhận của thông tín viên RFI Eric de Salve từ San Francisco, ngay tại Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều tiếng nói bày tỏ lo ngại về hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ :

« Tổng cộng, ông Donald Trump đã áp thuế trên một nửa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Được đà tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ khuyến khích, ông Trump không hề cho thấy ý định lơi tay. Hôm qua, 23/09, ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn cho rằng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này.

Washington hy vọng rằng điều đó sẽ buộc Bắc Kinh cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, bằng cách mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley, cuộc đọ sức mang tính chất bảo hộ mậu dịch này, trên nguyên tắc là để bảo vệ kinh tế Mỹ, lại có nguy cơ làm tăng trưởng mất đi ít ra là 0,1% ngay trong năm nay.

Các công ty, xí nghiệp Mỹ ngày càng lo lắng hơn. Đầu tháng 09 này, đại tập đoàn phân phối Wallmart cho biết sẽ phải tăng giá trên một loạt mặt hàng tiêu dùng do việc áp thuế. Trước đó, cuối tháng 08, sau khi nghe gần 400 công ty Mỹ lệ thuộc vào hàng nhập Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã bãi bỏ thuế quan trên 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc.

Một lãnh vực khác cũng bị cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động : Đó là nông nghiệp. Cuối tháng 07, ông Donald Trump đã quyết định tháo khoán khẩn cấp 12 tỷ đô la để giúp đỡ các nông dân Mỹ bị vạ lây trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu hành tinh. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.