Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hội nghị San Francisco : Tăng tốc hướng đến xã hội "không khí thải"

Đăng ngày:

Hội nghị hành động toàn cầu về khí hậu chưa từng có để cứu vãn Thỏa thuận Paris, cuộc tuyệt thực của đạo diễn Ukraina đòi chính quyền Nga trả tự do đã kéo dài hơn ba tháng, Google im lặng trước đòi hỏi của nhân viên tập đoàn yêu cầu giải thích về dự án bí mật giúp Bắc Kinh siết chặt kiểm duyệt và tập đoàn sản xuất chất diệt cỏ Roundup khiếu nại tư pháp California về án phạt 290 triệu đô la, bồi thường một « nạn nhân » ung thư. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Một màn trình diễn vì môi trường, ngày 14/09/2018, nhân hội nghị khí hậu toàn cầu (Global Climate Action Summit), ở San Francisco, California.
Một màn trình diễn vì môi trường, ngày 14/09/2018, nhân hội nghị khí hậu toàn cầu (Global Climate Action Summit), ở San Francisco, California. JOSH EDELSON / AFP
Quảng cáo

Trong lĩnh vực môi trường, có một sự kiện đặc biệt đáng chú ý là hội nghị khí hậu toàn cầu, của các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và xã hội dân sự, tổ chức tại San Francisco (tên chính thức là Global Climate Action Summit), miền tây nước Mỹ, diễn ra hồi giữa tháng 9/2018. Mục tiêu cụ thể của hội nghị tập hợp hơn 4.000 đại diện từ 100 nước này nhằm trước hết cổ vũ cho các nỗ lực vì khí hậu tại cấp địa phương, trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015, và chính quyền nhiều cường quốc đã tỏ ra không còn nhiệt huyết như ba năm về trước (1).

Tuần hành "Vùng lên vì khí hậu/Rise For Climate" tại San Francisco hôm 8/9/2018, trước hội nghị toàn cầu.
Tuần hành "Vùng lên vì khí hậu/Rise For Climate" tại San Francisco hôm 8/9/2018, trước hội nghị toàn cầu. Amy Osborne / AFP

Không trông chờ, hy vọng ở chính quyền cấp quốc gia (2), tại hội nghị San Francisco, mạng lưới C40 (bao gồm hơn một trăm thành phố lớn trên toàn thế giới, với khoảng 650 triệu dân, chiếm 1/4 GDP toàn cầu) cùng với The Investor Agenda (Chương trình đầu tư cho một thế giới phát thải thấp) đã lên tuyến đầu, để cổ vũ cho việc chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy kinh tế toàn cầu chuyển hóa nhanh chóng sang mô hình xanh.

Chỉ cách đây ít năm, mục tiêu thành phố zêrô năng lượng hóa thạch, zêrô xe chạy xăng, zêrô rác thải vẫn như là chuyện trong mơ. Nhưng tại hội nghị lịch sử này, hàng loạt thành phố lớn, nhỏ khắp các châu lục, đã coi đây là các mục tiêu cụ thể, trong những thập niên tới. Thậm chí có thành phố đặt quyết tâm thực hiện trong ít năm tới. Tokyo, Seoul, Rotterdam hòa với Paris, Luân Đôn, Barcelona, Mêhicô, và nhiều thành phố khác cam kết 100% xe buýt không khí thải, kể từ 2025, và không còn khí thải của xe cộ tại « một khu vực rộng lớn » trên địa bàn thành phố, trước năm 2030. Các cam kết nói trên « mở ra một không gian chưa từng có cho ngành công nghiệp xe hơi » (3).

« Nếu rừng Sumatra tiếp tục cháy...! »

Trong thượng đỉnh toàn cầu San Francisco vừa qua, rất nhiều người chú ý đến tiếng nói của Harrison Ford, tài tử kỳ cựu của điện ảnh Mỹ, nổi tiếng với nhiều vai diễn, trong đó có Han Solo trong bộ phim trường thiên Star Wars. « Chúng ta có thể lắp đặt pin mặt trời trên tất cả các mái nhà của chúng ta, có thể biến tất cả các xe hơi của ta thành xe chạy điện - ông cảnh báo - nhưng nếu rừng trên đảo Sumatra vẫn còn cháy, thì tất cả chúng ta đều thua ». « Sumatra » trong phát biểu của Harrison Ford là một hình ảnh biểu tượng, đó là nạn đốt rừng trồng cây công nghiệp không chỉ ở đảo quốc Đông Nam Á, mà còn tại rất nhiều nơi ở Nam Mỹ, hay các khu vực khác (4), cũng như việc môi trường, thiên nhiên tại các nước đang phát triển bị tàn phá.

Tài tử điện ảnh 76 tuổi không lưỡng lự chỉ trích thẳng các lãnh đạo nghi ngờ biến đổi khí hậu, đặc biệt là tổng thống Mỹ, cho dù không nhắc tên Donald Trump. Harrison Ford nói : « Hãy dậy dỗ và bầu lên những nhà lãnh đạo nào tin tưởng vào khoa học và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên ! ».

Việc các nhà đầu tư chọn hướng đi nào, vì lợi nhuận trước mắt, nhưng tổn hại cho môi trường, khí hậu hay ngược lại, là điều có ý nghĩa quyết định trực tiếp (5). Một sự kiện đáng chú ý tại hội nghị San Francisco vừa qua là Chương trình đầu tư cho một thế giới phát thải thấp (The Investor Agenda - bao gồm gần 400 nhà đầu tư lớn, với tổng tài sản 32 nghìn tỉ đô la cổ phiếu) đã đưa ra hàng loạt sáng kiến cụ thể, đặc biệt trong việc khuyến khích đầu tư đúng các mục đích được đề ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris. Bà Christiana Figueres, nhà ngoại giao Costra Rica, nguyên thư ký điều hành Công Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (UNFCCC / CCNUCC) nhận xét đây là một « nỗ lực vô cùng quan trọng », « khởi đầu cho một cuộc chuyển đổi phi thường ».

Về phía các doanh nghiệp, tại diễn đàn San Francisco, sáng kiến vì khí hậu « Science Based Targets » thông báo, hiện tại đã có khoảng 500 doanh nghiệp trên thế giới, từ 38 quốc gia, với tổng số vốn 10 nghìn tỉ đô la, có lộ trình để thực hiện cam kết giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C của Thỏa thuận Paris.

Hơn 130 ngày tuyệt thực : Người tù Ukraina thách thức Putin

Trong lĩnh vực nhân quyền, vụ tuyệt thực từ nhiều tháng nay của đạo diễn Ukraina Oleg Sentsov gây nhiều chú ý trong công luận. Tính đến ngày thứ Bảy 22/09/2018, đạo diễn người Ukraina – bị kết án 20 năm tù, bị giam tại Sibêri – đã tuyệt thực đến ngày thứ 133, để phản đối bản án, và yêu cầu Matxcơva trả tự do cho toàn bộ tù nhân chính trị người Ukraina tại Nga. Nhiều người so sánh đạo diễn Sentsov với chàng David tí hon chống lại gã khổng lồ Goliath trong huyền thoại.

Đạo diễn Ukraina 42 tuổi nổi tiếng với bộ phim « Gaamer », công chiếu 2011, kể từ đời sống gian khó tại quê hương ông, thông qua câu chuyện một thiếu niên tham gia vào các trò chơi video trên mạng. Gaamer được Liên hoan phim quốc tế Rotterdam trao giải. Oleg Sentsov là người ủng hộ cuộc chính biến Maidan, phản đối việc Nga sát nhập bán đảo Crimée. Hai tháng sau khi Nga chiếm Crimée, Oleg Sentsov bị bắt, bị chính quyền khép tội khủng bố, âm mưu phá hủy tượng Lênin.

Ảnh đạo diễn Oleg Sentsov tại trung tâm Kiev, ngày 5/7/2018.
Ảnh đạo diễn Oleg Sentsov tại trung tâm Kiev, ngày 5/7/2018. Sergei SUPINSKY / AFP

Tại Pháp, nhiều hoạt động diễn ra để bày tỏ sự ủng hộ đạo diễn Ukraina, trong đó có cuộc tuyệt thực luân phiên gần đại sứ quán Nga tại Paris. Riêng tại Nga, trong bối cảnh các hoạt động biểu tình bị kiểm soát nghiêm ngặt, thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva cho biết một cuộc phản kháng ôn hòa được tổ chức trước trước phủ tổng thống từ hai tuần nay :

« Đã 13 ngày nay, ông ấy đến đây để ủng hộ Oleg Sentsov. Konstantin đứng một mình trước phủ tổng thống, với một tấm bảng đòi trả tự do cho đạo diễn Ukraina. Ông nói : ‘‘Theo tôi, ông ấy đã bị kết án một cách bất hợp pháp. Cáo trạng buộc tội ông ấy chỉ dự trên hai nhân chứng, mà trong đó một người khẳng định là đã bị tra tấn. Tôi không tin vào cáo trạng này, đối với tôi, ông ấy vô tội’’.

Người kỹ sư tin học 33 tuổi này thuộc một nhóm nhỏ các nhà tranh đấu, quyết định đến đây hàng ngày, để ủng hộ đạo diễn Ukraina. Một hành động mang tính biểu tượng, để hưởng ứng các nỗ lực vận động quốc tế vì Oleg Sentsov.

Konstantin nói : ‘‘Tôi được biết là ở Paris, các nhà chính trị, các nghệ sĩ đã bắt đầu phản đối trước Đại sứ quán Nga, để ủng hộ Oleg Sentsov. Tôi thực sự biết ơn họ. Chúng tôi cũng đã biết là tổng thống Pháp đã nhiều lần kêu gọi trả tự do cho ông ấy. Điều rất quan trọng là ở bên ngoài, các vận động như vậy sẽ tiếp tục’’.

‘‘Chúng tôi còn tới đây liên tục mỗi ngày, chừng nào điều này còn cần thiết’’, Konstantin cho biết thêm, trước khi đưa tấm bảng, đòi trả tư do cho Sentsov, cho một nhà tranh đấu khác, vừa đến thay lượt. Hai người giải thích : ‘‘Cần tránh tập hợp’’. Tại Nga, mọi cuộc tập hợp quá hai người có thể bị xem như là vi phạm luật biểu tình, và có thể bị phạt tù ».

Cho đến nay, mọi nỗ lực thuyết phục tổng thống Nga trả tự do cho nhà đạo diễn đều không hề có kết quả. Tình hình hiện tại hết sức khó khăn với đạo diễn Ukraina, trong bối cảnh quan hệ giữa chính quyền Kiev với Matxcơva đang có xu hướng căng thẳng hơn, việc trao đổi « tù nhân » khó diễn ra. Trong cuộc phản kháng bất bạo động này, Oleg Sentsov không có vũ khí nào hơn là tinh thần quyết tâm đến cùng vì công lý. Ngày 13/09 vừa qua, Nghị Viện Châu Âu ghi tên ông vào danh sách các ứng viên cho giải thưởng nhân quyền cao quý mang tên nhà tranh đấu Nga Sakharov.

Google giúp Bắc Kinh siết kiểm duyệt : Nhân viên lo lắng, tập đoàn né tránh

Kể từ 2010, tập đoàn tin học Mỹ Google đã buộc phải rời khỏi Trung Quốc, do Bắc Kinh tăng cường kiểm duyệt, cũng như nhiều hoạt động tin tặc gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của công ty. Tuy nhiên, trong ít tháng gần đây, Google đang tìm cách trở lại. Vấn đề là để được phép làm ăn tại thị trường béo bở này, với hơn 800 triệu người dùng net, dường như Google đang chấp nhận đi đêm với quỷ dữ.

Theo báo The Guardian, hôm 19/09, cho đến nay, Google đã không đưa ra một trả lời chi tiết nào về dự án bị nghi ngờ nói trên. Người phát ngôn của tập đoàn bác bỏ một dự án như vậy tại Trung Quốc. Một số nhân viên Google đã từ nhiệm để phản đối. 14 tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Amnesty International và Human Rights Watch, gửi thư ngỏ đến tổng giám đốc Google Sundar Pichal, yêu cầu công ty làm sáng tỏ nghi ngờ này, và không có các hoạt động tiếp tay cho kiểm duyệt internet tại Trung Quốc.

Hơn một nghìn nhân viên của Google đã ký một lá thư chung gửi đến ban lãnh đạo tập đoàn để yêu cầu làm sáng tỏ dự án bí mật, mà công ty đang tiến hành, nhằm tạo thuận lợi cho chính quyền Bắc Kinh trong việc siết chặt kiểm duyệt internet. Các nhân viên Google hết sức lo ngại về các vấn đề « đạo lý », sau khi thông tin về dự án này được trang mạng The Intercept tiết lộ hồi tháng trước.

Trụ sở Google tại Trung Quốc, hồi 2010.
Trụ sở Google tại Trung Quốc, hồi 2010. LIU JIN / AFP

Theo một lá thư mà báo Mỹ New York Times có được, khoảng 1.400 nhân viên Google - trên tổng số 88 000 người – đã yêu cầu ban lãnh đạo tập đoàn minh bạch hơn về dự án mang tên « Dragonfly ». Theo mạng The Intercept, dự án Dragonfly là kết quả của một thỏa thuận hợp tác giữa Google với một công ty Trung Quốc. Dự án này có mục tiêu cung cấp cho chính quyền Trung Quốc các công cụ để có được các thông tin về cá nhân người truy cập internet, như số điện thoại. Dự án Dragonfly cũng có chức năng hỗ trợ việc kiểm duyệt các nội dung trên mạng, thông qua các từ khóa như « nhân quyền », « sinh viên phản kháng » hay « giải Nobel ». Nhiều trang mạng thông tin như Wikipedia cũng sẽ bị ngăn chặn. Tóm lại, nếu điều này là đúng, Google đang tiếp tay cho các đàn áp vốn đã rất nghiệt ngã của chính quyền Trung Quốc nhắm vào giới ly khai.

Thuốc diệt cỏ : Cuộc đọ sức với « Monsanto » còn tiếp diễn

Trở lại vấn đề môi trường ở Mỹ, tại California, hôm thứ Tư 19/09, công ty hóa chất Monsanto đã đệ đơn khiếu nại phán quyết lịch sử của tòa án San Francisco, buộc Monsanto bồi thường khoảng 290 triệu euro, cho một nạn nhân thuốc diệt cỏ Roundup, có chứa chất glyphosate, bị coi là thủ phạm ung thư. Công ty Monsanto đầy tai tiếng nay đã trở thành một chi nhánh của tập đoàn phân bón, thuốc trừ sâu Đức Bayer, sau vụ sát nhập trị giá 63 tỉ đô la hồi mùa hè vừa qua. Chống lại phán quyết của tòa San Francisco, Monsanto thừa biết sẽ còn phải đối mặt với hàng ngàn đơn kiện tương tự, chỉ riêng tại Mỹ.

Người biểu tình mang đồ giả trang và khẩu hiệu tố cáo vụ sát nhập Bayer và Monsanto, Bonn (Đức), ngày 25/05/2018.
Người biểu tình mang đồ giả trang và khẩu hiệu tố cáo vụ sát nhập Bayer và Monsanto, Bonn (Đức), ngày 25/05/2018. REUTERS/Wolfgang Rattay

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

« Để giải thích về quyết định khiếu nại lên tòa án tiểu bang California ở San Francisco, Monsanto chỉ nêu ra lý do rất đơn giản là : án phạt 289,2 triệu đô la là không có đủ bằng chứng. Một thông cáo của công ty Bayer khẳng định : ‘‘Quyết định của tòa hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế hơn 40 năm sử dụng, cũng như số lượng các dữ liệu và phân tích khoa học cho thấy các thuốc diệt cỏ, với hóa chất glyphosate, là an toàn và không gây ra ung thư ở người’’.

Tập đoàn Đức Bayer vừa mua lại Monsanto và làm biến mất luôn cái tên đã đồng nghĩa với sự gian ác, kể từ khi Monsanto bị kết án vào tháng 8/2018. Trong vụ một nhà làm vườn California, bị ung thư da giai đoạn cuối, khiếu kiện vì đã tiếp xúc rất nhiều với chất diệt cỏ Roundup, tòa án San Francisco đã đưa ra một phán quyết nghiêm khắc và không thể chối cãi.

Thứ nhất, tòa khẳng định các hóa chất Roundup là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư đối với nhà làm vườn Dwayne Johnson. Thứ hai là hội đồng xét xử cho rằng, dù Monsanto đã biết, nhưng lại che giấu các tài liệu, được lưu hành nội bộ, cho thấy mức độ nguy hiểm của chất diệt cỏ nói trên. Monsanto đáp lại là không đủ bằng chứng và yêu cầu tòa xử lại.

Giờ đây, chủ nhân của thuốc diệt cỏ Roundup phải đối mặt với gần 5.000 đơn kiện tương tự tại Mỹ. Tư pháp California cho biết sẽ ra phán quyết vào ngày 10/10 tới ».

Ngay sau bản án của tòa San Francisco hồi tháng 8/2018, chứng khoán Bayer mất giá 20%.

Ghi chú

1. Tổng lượng khí thải toàn cầu ngóc đầu tăng lên hồi năm 2017, sau ba năm chững lại. Trong lúc, thượng đỉnh COP 24 tại Ba Lan vào tháng 12 năm nay sẽ phải đúc kết các biện pháp cụ thể để thực thi mục tiêu Thỏa thuận COP 21 đề ra, thì nhiều nhà quan sát ghi nhận Hoa Kỳ và một số nước đang ngăn cản đàm phán, khiến triển vọng đạt đồng thuận vô cùng khó khăn.

2. Tiềm năng của các chính quyền địa phương là hết sức lớn. Theo một nghiên cứu của tổ chức OCDE, công bố hôm 12/09/2018, đa số chi phí và đầu tư cho môi trường diễn ra ở các cấp địa phương. Một báo cáo của liên minh America’s Pledge cho biết với cái đà hiện nay, nước Mỹ sẽ chỉ hoàn tất được 2/3 cam kết giảm khí thải. Americans’s Pledge lập kế hoạch đảm nhiệm một phần ba còn lại, mà không cần chính quyền liên bang. Vấn đề là, để thực thi kế hoạch này, phải có thêm nhiều tiểu bang kiên quyết như California.

3. Trong số các thành phố tiên phong, Copenhague, thủ đô Đan Mạch, là tham vọng nhất, với dự kiến sẽ đạt đích zêrô khí thải vào năm 2023.

4. Tài tử điện ảnh Mỹ khẩn thiết : « Tất cả chúng ta, giàu cũng như nghèo, có quyền lực hay không, đều sẽ đau khổ vì các hậu quả của biến đổi khí hậu và sự diệt vong của các hệ sinh thái. Chúng ta đang nhanh chóng đi tới một cuộc khủng hoảng đạo lý chưa từng có trong lịch sử, đó là những người ít chịu trách nhiệm nhất vì tình trạng này lại là người gánh chịu hậu quả khốc liệt nhất… Có một sự thật trần trụi là : Nếu chúng ta muốn tiếp tục tồn tại trên hành tinh này - ngôi nhà duy nhất đối với chúng ta, mà không có nó, thì sẽ không bao giờ có một nơi nào khác - thì chúng ta phải biết dựa vào thiên nhiên ». Ông nhấn mạnh : « Thiên nhiên không cần con người, mà chính con người phải dựa vào thiên nhiên ».

5. Nếu như tiến bộ nhanh chóng trong cuộc chiến zêrô khí thải tại rất nhiều thành phố lớn ở những quốc gia phát triển, là điều đã rõ, thì tình hình các quốc gia đang phát triển đáng lo ngại hơn rất nhiều. Bản thân lượng khí thải của Trung Quốc, quốc gia được đánh giá là rất nỗ lực trong những năm gần đây, cũng sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới, và dự kiến chỉ đạt đỉnh trước năm 2030. Giảm mạnh các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong nước, nhưng Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu mô hình công nghiệp ô nhiễm sang các láng giềng. Nhìn chung, tại các nước đang phát triển, tăng trưởng cao thường đi đôi với dùng nhiều năng lượng hóa thạch, nhất là than đá.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.