Vào nội dung chính
ÁO - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Brexit : Châu Âu cứng giọng với Anh

Kết thúc thượng đỉnh Salzbourg tại Áo, Liên Hiệp Châu Âu gia tăng sức ép với Luân Đôn về thủ tục Brexit. Thủ tướng Theresa May vẫn không san được bất đồng với 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp và phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (T) và thủ tướng Anh Theresa May, tại thượng đỉnh ở Salzbourg, Áo, ngày 20/09/2018.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (T) và thủ tướng Anh Theresa May, tại thượng đỉnh ở Salzbourg, Áo, ngày 20/09/2018. REUTERS/Leonhard Foeger
Quảng cáo

Quy chế của Bắc Ai Len (thuộc Anh) vẫn là cái gai trong đối thoại giữa Luân Đôn với phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit. Một bất đồng quan trọng thứ nhì liên quan tới quan hệ kinh tế giữa vương quốc Anh với châu Âu là kể từ cuối tháng 3/2019, một khi Luân Đôn chính thức ra khỏi Liên Hiệp vào cuối tháng 3/2019.

Bruxelles mạnh mẽ chỉ trích lộ trình Brexit đã được thủ tướng May công bố vào tháng 7/2018. Trong kế hoạch đó, Luân Đôn không nhắc tới một trong bốn quyền tự do cơ bản của Liên Hiệp, đó là quyền tự do đi lại của các cá nhân.

Về phía Luân Đôn, Theresa May một mặt bảo vệ kế hoạch bà đã đưa ra cách nay hai tháng, mặt khác bà hứa sẽ "đưa ra thêm một số những đề xuất mới" tránh để xảy ra kịch bản Brexit mà không đạt được một thỏa thuận nào với Bruxelles, nhằm bảo đảm một số quyền lợi của Anh với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu.

Từ Salzbourg trở về Luân Đôn, thủ tướng May bị báo chí Anh công kích kịch liệt. Hai tờ báo uy tín là The Guardian và Times cùng chạy tựa, Theresa May bị các đối tác châu Âu "sỉ nhục" tại Salzbourg khi buộc bà phải xét lại kế hoạch Brexit.

Liên Hiệp Châu Âu bất đồng sâu rộng về nhập cư

Tuy nhiên Brexit chỉ là một trong hai hồ sơ chính của thượng đỉnh Salzbourg vừa qua. Trọng tâm thứ nhì là chính sách nhập cư. Trên điểm này, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

Thông tín viên đài RFI Isaure Hiace có mặt tại chỗ tường trình :

"Kết thúc thượng đỉnh, các lãnh đạo châu Âu khẳng định có tiến triển trên hồ sơ nhập cư. Nhưng thật ra, tại Salzbourg, bất đồng giữa các bên vẫn tồn tại. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron phải nhìn nhận vẫn còn nhiều điểm "căng thẳng".

Theo ông, khủng hoảng bắt nguồn từ việc nhiều thành viên không tôn trọng luật biển quốc tế và từ những quốc gia chỉ chọn lựa chấp nhận những gì phù hợp với quyền lợi của mình. Nguyên thủ Pháp gián tiếp chỉ trích Ý và Hungary.

Đành rằng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu giờ đây đồng ý về tính cấp thiết để đưa ra một giải pháp chung cho hồ sơ nhập cư, nhưng khi đi sâu vào chi tiết, những đề xuất này không mấy thu hút được đồng thuận của tất cả các bên. Ngay cả ý tưởng củng cố cơ quan châu Âu giám sát biên giới FRONTEX cũng không được tất cả các thành viên chấp nhận. Hungary đã phản đối kế hoạch này.

Nói tóm lại tại Salzbourg, các bên không đạt được nhiều tiến bộ, và đã tranh cãi gay gắt, kể cả trên hồ sơ Brexit. Những đề xuất của Luân Đôn không mấy hấp dẫn. Tổng thống Macron bình luận : đây là một kế hoạch không thể chấp nhận được trong hiện trạng.

Các bên vẫn còn bất đồng trên hai điểm: Thứ nhất là quan hệ kinh tế trong tương lai giữa Luân Đôn với phần còn lại của Liên Âu, và thứ hai là vấn đề biên giới với Ai Len. Cả hai hồ sơ này sẽ được các lãnh đạo thảo luận ráo riết tại cuộc họp sắp tới của Hội Đồng Châu Âu trong hai ngày 18 và 19 tháng 10 sắp tới tại Bruxelles".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.