Vào nội dung chính
TRUNG ĐÔNG - QUÂN SỰ

Bất đồng Nga-Thổ cho Idlib thêm thời gian

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và đồng nhiệm Nga tại thành phố Sotchi ngày 17/09/2018 liệu có sẽ đặt lên bàn cân những hồ sơ kinh tế trong quan hệ song phương để thu hẹp được bất đồng về hồ sơ Syria ? Khi nào Damas được đèn xanh của Matxcơva để tiến hành đợt tấn công chiếm lại Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy?

Một địa điểm do quân Nga và Syria kiểm soát tại Abu Duhur, rìa phía đông tỉnh Idlib, ngày 20/08/2018.
Một địa điểm do quân Nga và Syria kiểm soát tại Abu Duhur, rìa phía đông tỉnh Idlib, ngày 20/08/2018. George OURFALIAN / AFP
Quảng cáo

Sau thất bại tại thượng đỉnh Teheran ngày 07/09/2018, quy tụ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran bàn về tương lai Syria, tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp lại nhau hôm nay bên bờ Hắc Hải. Theo chương trình nghị sự được điện Kremlin thông báo, đôi bên thảo luận về "quan hệ song phương và hồ sơ Syria".

Ai cũng biết, sớm muộn gì quân đội Damas sẽ mở đợt tấn công vào thành trì cuối cùng của phe nổi dậy Syria. Đây là nơi có khoảng 3 triệu dân cư sinh sống, 60 % lãnh thổ vẫn do nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al Cham, hậu thân của Al Qaeda tại Syria kiểm soát.

Bài toán trở nên nan giải hơn do vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Một mặt, Ankara tới nay luôn yểm trợ phe nổi dậy Syria, mặt khác, tổng thống Erdogan cùng với các ông Putin và Rohani lại là ba người "đỡ đầu" cho tiến trình hòa đàm Astana, được khởi động từ tháng 1/2017. Với "tiến trình Astana" đó, các bên đã đồng ý quy định 4 vùng giảm căng thẳng, trong đó có Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Có hai lý do khiến Ankara lo ngại việc Damas và đồng minh Nga mở chiến dịch tấn công tái chiếm Idlib. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đón nhận thêm các làn sóng người tị tạn từ Syria tràn qua. Trong 7 năm qua, từ đầu khủng hoảng Syria Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đón nhận 3 triệu người tị nạn Syria.

Thứ hai, cũng chính trong khuôn khổ tiến trình Astana, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa cả trăm binh sĩ sang đóng tại 12 điểm quan sát trong vùng Idlib, để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận "giảm căng thẳng" tại khu vực này. Ankara vừa muốn bảo đảm an toàn về tính mạng cho số lính này, vừa muốn bảo vệ phe nổi dậy mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "thành phần ôn hòa", chủ yếu tập trung ở phía nam tỉnh Idlib.

Ở góc đài bên kia, tổng thống Nga Vladimir Putin dường như muốn nhanh chóng dẹp được phe nổi dậy Syria, tức là thiên về giải pháp tấn công, giúp chế độ Bachar Al Assad chiếm lại toàn bộ lãnh thổ sau một cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2011 tới nay. Dù vậy, Matxcơva cũng muốn tránh cắt đứt đối thoại với Ankara, một đối tác kinh tế quan trọng của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những đối tác của các tập đoàn dầu khí Nga, là khách hàng của nước Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, kể cả trong lĩnh vực trang thiết bị quân sự.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, còn phải kể đến tính toán chiến lược của điện Kremlin. Một chuyên gia quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được AFP trích dẫn nhận định : đành rằng Nga yểm trợ chính quyền của ông Bachar Al Assad, nhưng Matxcơva cũng rất thận trọng trước ảnh hưởng của Iran đối với chế độ Damas, do vậy, ông Putin cần có Erdogan và muốn "giữ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chơi (...) Nga cần có Thổ Nhĩ Kỳ, một nước Hồi Giáo thuộc hệ phái Sunni ; để làm đối trọng với sự hiện diện của các lực lượng Shia ở miền bắc Syria".

Từ sau thất bại của thượng đỉnh Teheran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ráo riết đàm phán để tìm ra một giải pháp cả đôi bên cùng có thể chấp nhận được. Theo giới quan sát, một trong những giải pháp đó có thể là Vladimir Putin bảo đảm với đồng nhiệm Erdogan rằng Damas dùng sức mạnh quân sự để vô hiệu hóa tổ chức thánh chiến Hayat Tahrir al Cham, nhưng tránh gây ra thảm họa nhân đạo cho Idlib.

Một nhà phân tích về tình hình Syria thuộc trung tâm nghiên cứu độc lập Jusoor, trụ sở đặt tại Liban, cho rằng đối thoại Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cho phép hy vọng Damas sẽ hoãn kế hoạch tấn công Idlib cho tới cuối năm nay.

Tóm lại, số phận của ba triệu dân Idlib phần nào đang được định đoạt tại Sotchi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.