Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Ô nhiễm kỳ lạ trên bán đảo Crimée

Đăng ngày:

Ô nhiễm kỳ lạ trên bán đảo Crimée ; Tại Serbia và Kosovo, tranh cãi dữ dội vì ý tưởng muốn hoạch định lại biên giới chung ; Nước Ý tranh luận vì cà phê Starbucks của Mỹ ; và Thái Lan tìm kiếm anh hùng vì khủng hoảng bản sắc dân tộc. Trên đây là những chủ đề chính mục tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

(Ảnh minh họa). Thành phố Sébastopol, bán đảo Crimée.
(Ảnh minh họa). Thành phố Sébastopol, bán đảo Crimée. © Etienne Bouche
Quảng cáo

Từ cuối tháng Tám, bán đảo Crimée phải hứng chịu một thảm họa môi trường có thể rất nguy hiểm đối với cư dân địa phương. Bán đảo này đã bị tách ra khỏi Ukraina và bị sáp nhập vào Nga năm 2014. Hiện nay, chính quyền Nga đang cố làm giảm nhẹ vụ việc nhưng giới chuyên gia và các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường lên tiếng báo động.

Thông tín viên Sebastien Gobert tại Ukraina cho biết thông tin :

« Bên phía Nga, tại Armiansk, ngay ở phía nam đường phân định ranh giới với Ukraina, người ta nhìn thấy một trong những nhà máy hóa chất lớn nhất ở Đông Âu, nhà máy « Titan de Crimée ». Nhà máy sản xuất dioxyde titane, được sử dụng cho sơn công nghiệp. Hoạt động sản xuất này tiêu thụ rất nhiều nước, nhất là để làm nguội lò. Thế nhưng, vào khoảng ngày 24/08, hồ nước của nhà máy bị khô cạn. Và có điều gì đó đã xẩy ra nhưng người ta không biết một cách chính xác là gì.

Thế nhưng, có một việc đã rõ, đó là cư dân ở vùng xung quanh nhà máy bắt đầu nhìn thấy sương mù có mầu sắc, trên đường phố có một lớp dầu mỏng, lá cây rụng, các cây trồng trên cánh đồng bị chết rụi. Một trong các đồng nghiệp của tôi có mặt ở đó cách nay 10 ngày kể lại rằng tất cả đàn gà tây trong trang trại mà anh ta trú ngụ, trong một đêm đã bị chết sạch. Và từ ngày 24/08 đến nay, có nhiều thông tin, đồn đoán trái ngược khác nhau do không có những câu trả lời rõ ràng. »

Vậy chính quyền Crimée giải thích như thế nào ?

« Chính quyền chỉ lên tiếng ba ngày sau khi có những dấu hiệu ô nhiễm đầu tiên, tức là vào ngày 27/08. Ban đầu họ thừa nhận là có vấn đề nhưng đồng thời cố tìm cách giảm thiểu tầm mức nghiêm trọng. Các lễ hội nhân ngày tựu trường, 01/09, vẫn được duy trì, cho dù được tổ chức ngắn gọn. Và cho đến tận ngày 04/09, thì khoảng 4.000 người, chủ yếu là trẻ em, sống trong khu vực xung quanh nhà máy mới được đưa đi sơ tán.

Lực lượng biên phòng Nga cũng đóng cửa hai trạm kiểm soát để bảo vệ sức khỏe của nhân viên. Việc phản ứng dè dặt như vậy gây lo ngại trong một vùng mà chính quyền có thói quen che giấu các thảm họa. Người ta còn nhớ đến những lời nói dối trong vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl, năm 1986.

Về phía nhà máy, cũng không có giải đáp gì. Cần nói rõ là nhà máy này thuộc sở hữu của ông Dmytro Firtash, một nhà tài phiệt Ukraina, thường có những phát biểu ồn ào, có quan hệ với Matxcơva, và có hành tung không rõ ràng. Do vậy, hiện nay, không thể đánh giá được những tác động của tình trạng ô nhiễm đối với sức khỏe người dân ở đây. »

Vẫn theo thông tín viên Sébastien Gobert, dường như trong vụ việc này có sự can dự của chính quyền Ukraina.

« Đúng vậy, chính quyền Ukraina cung cấp nước cho toàn bán đảo qua một con kênh lớn. Sau vụ sáp nhập năm 2014, phía Ukraina đã đóng cửa nguồn cung ứng này. Một phần do người Nga không muốn trả tiền nước. Mặt khác, Kiev cũng muốn gây sức ép đối với Crimée.

Từ đó đến nay, bán đảo bị cạn kiệt nước, nông nghiệp gặp khó khăn và nhà máy Tian chỉ có được lượng nước ít hơn 30 lần so với trước. Và tình trạng này không dễ gì sớm thay đổi. Tại thủ đô Kiev, tổng thống Petro Porochenko chỉ trích thảm họa môi trường trên bán đảo Crimée bị Nga chiếm đóng và đề xuất là Ukraina sẽ đứng ra chữa trị cho những người Crimée bị ốm đau, bệnh tật do ô nhiễm. Nhưng ông không nói đến việc mở lại nguồn cung ứng nước. Thêm một bằng chứng cho thấy việc sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 gây ra những hậu quả cụ thể và có thể trở thành thảm họa. »

Serbia và Kosovo căng thẳng vì muốn hoạch định lại biên giới chung

Còn tại Kosovo và Serbia, từ giữa mùa hè này, người dân tranh luận dữ dội về việc nên chăng vẽ lại đường biên giới giữa hai nước, cho dù cuộc gặp gần đây nhất trong tuần trước, tại Bruxelles, giữa hai tổng thống Serbia và Kosovo đã thất bại.

Thông tín viên trong khu vực Jean-Arnault cho biết thêm chi tiết :

« Từ đầu tháng Tám đến nay, có tin nói rằng Kosovo và Serbia đạt được thỏa thuận cuối cùng thông qua việc chỉnh sửa đường biên giới giữa hai nước. Thực ra, ý tưởng này đã được tổng thống Kosovo Hashil Thaçi và tổng thống Serbia Aleksandar Vucic công khai tuyên bố, nhất là trong cuộc gặp song phương tại Thượng đỉnh châu Âu ở Alpbach, Áo, ngày 25/08. Thế nhưng, không một ai rõ vấn đề chính là gì.

Theo một giả thuyết được nói đến nhiều nhất, có thể Kosovo nhượng cho Serbia vùng phía bắc, nơi có đa số là người Serbia và đổi lại, Kosovo có được một phần thung lũng Presevo, ở phía nam Serbia, nơi có đa số người Albani. Vừa mới được nêu ra, ý tưởng này được coi như là một sự trao đổi những kẻ khủng bố và đã bị gạt bỏ, do vấp phải các chống đối mạnh mẽ, nhất là tại Kosovo và người ta lại thiên về một ý tưởng khiêm tốn hơn, đó là điều chỉnh đường biên giới. »

Nguy cơ mở đường cho những đòi hỏi khác ?

« Chắc chắn là như vậy. Nếu như tiền lệ này được tạo ra tại Kosovo, thì tất cả các đường biên giới trong vùng có thể sẽ bị xem xét lại, người Albani sống tập trung ở vùng phía tây bắc Macédonia có thể sẽ đòi sáp nhập với Kosovo, cũng như cộng đồng người Hungary tại Rumani hay ở phía bắc Serbia có thể sẽ đòi sáp nhập với « mẫu quốc ».

Quốc gia bị đe dọa trực tiếp nhất, đương nhiên là Bosnia-Hezégovina, hiện vẫn bị chia cắt thành nhiều thực thể, kể từ thời chiến tranh. Tổng thống của nước Cộng Hòa Srspka, thực thể Serbia, đang đòi quyền tự quyết và đòi hỏi này có thể khuyến khích các vùng có đa số là người Croatia đưa ra yêu sách tương tự.

Trong giả thuyết này, người ta sẽ quay lại các dự án phân chia lãnh thổ chồng chéo lên nhau trong thời kỳ chiến tranh những năm 1990, chỉ để lại cho người Bosnia một dải đất nhỏ hẹp ở miền trung Bosnia, tạo ra một dạng dải Gaza ở giữa lòng châu Âu. »

Chia cắt lãnh thổ : Nỗi sợ của cộng đồng quốc tế ?

« Thực vậy, nhất là ý tưởng có các đường biên giới theo sắc tộc tại vùng Balkan. Điều này có thể khuyến khích các đòi hỏi tương tự trên toàn châu Âu. Các nước phương Tây luôn luôn khẳng định không muốn có sự thay đổi các đường biên giới, đây là lập trường chính thức của Ủy Ban Châu Âu và của nhiều nước, ví dụ Đức. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt của Kosovo có thể làm thay đổi nội dung cuộc tranh luận, nhằm đạt được một thỏa thuận cho phép bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa Béograd và Pristina.

Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng, chính thức tuyên bố không phản đối khả năng điều chỉnh đuờng biên giới. Tuy nhiên, thất bại của cuộc gặp giữa Thaçi và Vucic, ngày 07/09 tại Bruxelles cho thấy rõ là việc đạt được một thỏa thuận như vậy còn rất xa vời. Các bên liên quan đang lao vào một cuộc chơi đánh lừa ngoại giao phức tạp – với nguy cơ làm tan vỡ sự thống nhất của các nước châu Âu trước những thách thức mà các nước vùng Balkan đang phải đối mặt, trong lúc tất cả những nước này đều là ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. »

Người Ý bị « sỉ nhục » vì Starbucks

Còn tại Ý, một cuộc tranh cãi dữ dội cũng đang diễn ra trên các trang mạng xã hội. Nguyên nhân là hôm 06/09/2018, một cửa hàng cà phê hiệu Starbucks của Mỹ đầu tiên đã khai trương tại Milano. Những người ủng hộ và chống Starbucks đấu khẩu nhau bằng những dòng tweet hào hứng.

Từ Roma, thông tín viên đài RFI, Anne Treca tường thuật :

« Chủ đề nóng bỏng như là một tách cà phê expresso. Cả một lợi ích quốc gia bị thách thức. Nước Ý, quốc gia của cà phê với các kiểu pha chế ngon nhất, dành cho cà phê tách, cà phê ly, đặc, loãng, pha sữa, pha cacao, nóng hay lạnh.

Thế nhưng, việc khai trương ngay giữa lòng thủ phủ xứ Lombardi một điểm bán rộng đến 2.400m2 dưới thương hiệu của Mỹ các loại cà phê ly giấy, "đấy là một sự sỉ nhục", tờ Corriere Della Sera viết, một vụ "tai tiếng", những người bảo vệ truyền thống la to, hay "ăn cắp", như cáo buộc của hiệp hội những người tiêu thụ, tổ chức đã đệ đơn kiện Starbucks.

Cà phê capuccino của hiệu Mỹ đắt đến 4 euro. Mắc hơn gấp hai lần so với các quán cà phê truyền thống của Ý vốn đậm mùi cà phê hơn. Và chính vì thế mà cả nước tranh luận để biết xem nên hay không nên uống cà phê Mỹ bán với giá cao gấp 3 lần. »

Dù sao đi nữa thương hiệu cà phê này vẫn nhận được sự ủng hộ của chính quyền Milano. Bởi vì, doanh nghiệp Mỹ này không chỉ khai trương một quá bar tầm thường mà là cả một xí nghiệp cà phê tại chỗ. Một cỗ máy có thể chế biến đến 3.450 kilo cà phê mỗi ngày. Đủ để sản xuất cà phê cung cấp cho các điểm bán khác tại châu Âu. Doanh nghiệp này còn mang đến 300 việc làm và cam kết tuyển dụng người trẻ tuổi không có tay nghề và cả di dân. Nhiều người xem đấy như là một cơ hội để phát triển kinh tế.

Vậy những người ủng hộ Starbucks cảm thấy thế nào ? Thông tín viên Anne Treca cho biết tiếp :

« Nếu như những người phản đối Starbucks đang tuôn trào trên các mạng xã hội cho rằng bản sắc Ý đã bị phản bội, thì những người hâm mộ các tách cà phê moccacino to lớn đã có mặt tại chỗ. Họ sẵn sàng xếp hàng từ 3 đến 4 giờ dưới trời mưa để được vào « ngôi đền » cà phê Mỹ ở Milano và chính lúc đó điều ngạc nhiên đã xảy ra : một mùi thơm bánh mì nướng lò tại chỗ.

Không có bánh donut mà cũng không có muffin (một dạng bánh bông lan), giống như ở New York hay Luân Đôn. Thay vào đó là pizza và focacce (một dạng bánh mặn) do một thợ làm bánh mì nổi tiếng chế biến tại chỗ. Tách cà phê làm bằng giấy carton mầu đen có dòng chữ mầu vàng. Trên lầu, người ta còn phục vụ các loại cocktail và nhiều thức uống pha rượu khác.

Về ghế ngồi, chuỗi cửa hàng của Mỹ đã phá cách của mình và đưa ra một kiểu thiết kế mới, theo kiểu Ý. Điều đó dường như rất hợp lòng khách. Cửa hàng không lúc nào ngớt khách. »

Thái Lan tìm kiếm người hùng mới giữa chốn sương mù

Từ hơn bốn năm qua, Thái Lan nằm dưới sự điều hành của giới quân nhân kể từ sau cú đảo chính hồi tháng 5/2014. Đây là giai đoạn chế độ quân sự dài nhất tính từ năm 1970. Song song đó, mô hình xã hội được thiết lập từ đầu thế kỷ XX không còn vận hành nữa. Sự ra đi của một vị vua rất được người dân tôn kính cách nay hai năm đã tạo ra một sự bất an ngay trong lòng xã hội Thái Lan. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, người dân Thái đang tự tìm kiếm cho mình những anh hùng để nhóm lên niềm hy vọng.

Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus giải thích :

« Thái Lan gần như đang rơi vào khủng hoảng bản sắc. Đất nước bì bõm trong vũng lầy do giới quân sự đào ra. Sự ra đi của quốc vương Bhumibol hồi cuối năm 2016 là một cú sốc to lớn, bởi vì ông là yếu tố hợp nhất chính yếu trong một xã hội bị chia rẽ sâu sắc. Người dân Thái đau khổ và thường trong kiểu tình huống này, họ tìm kiếm những nhân vật anh hùng.

Những anh hùng mới đây mà họ khám phá có đến 13 người. Đó là 12 đứa trẻ và vị huấn luyện viên bóng đá, những người bị kẹt trong một hang động ở phía bắc Thái Lan hồi tháng Bảy vừa qua trong vòng hai tuần không có thức ăn.

Cuối cùng, số người này đã có thể được sơ tán an toàn trong một chiến dịch lớn với sự phối hợp giữa các nhân viên cứu hộ Thái Lan và các chuyên gia quốc tế. Thứ Năm, 06/09/2018, quốc vương hiện nay, Vajiralongkorn – con trai vua Bhumibol – đã cho mở đại tiệc trong khu phố lịch sử Bangkok để khen ngợi sức chịu đựng bền bỉ và cảm ơn những ai đã tham gia chiến dịch cứu hộ. »

Nhu cầu tìm kiếm một niềm tin

« Vụ hang động Tham Luang, đó là một câu chuyện kết thúc có hậu, nhưng không phải là không có khó khăn. Ban đầu, nhiều người nghĩ rằng bọn trẻ sẽ không sống sót, hầu như tất cả đều nghĩ thế. Đấy quả thật là một cuộc thử thách dài và đau đớn, niềm hy vọng đôi khi tưởng lụi tàn.

Nhưng điều quan trọng, chính là cuối cùng, người dân Thái Lan dựa vào những phẩm chất vốn có (cởi mở với người ngoài, linh hoạt, bền chí và đức tính hy sinh) đã vượt qua được thử thách này. Họ đã đau khổ, nhưng họ đã chiến thắng. Bất chấp các rào cản, thắng lợi này đã biến những đứa trẻ và các nhân viên cứu hộ thành người hùng, một kiểu câu chuyện ngụ ngôn, có thể mang lại hy vọng cho đất nước. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.