Vào nội dung chính
PALESTINE - ISRAEL

Palestine – Israel: Hòa ước Oslo chết lâm sàng

Ngày 13/09/2018 đánh dấu đúng 25 năm ngày ký kết hòa ước Oslo, Na Uy. Sự kiện từng hy vọng mang lại hòa bình cho vùng Cận Đông, nhất là giữa hai nước Israel và Palestine. Báo Le Figaro, nhân sự kiện này có bài nhận định đề tựa « tiến trình Oslo trong trạng thái chết lâm sàng ».

Yitzhak Rabin (thủ tướng Israel), Bill Clinton (tổng thống Mỹ) và Yasser Arafat (lãnh đạo Palestine), tại lễ ký kết hòa ước Oslo ở Nhà Trắng, Washington, ngày 13/09/1993.
Yitzhak Rabin (thủ tướng Israel), Bill Clinton (tổng thống Mỹ) và Yasser Arafat (lãnh đạo Palestine), tại lễ ký kết hòa ước Oslo ở Nhà Trắng, Washington, ngày 13/09/1993. Wikimedia Commons/Vince Musi/White House/Calliopejen1
Quảng cáo

Thực trạng hiện nay của hòa ước Oslo ra sao ?

Đầu tiên hết, tờ báo nhắc lại ngày 13/09/1993, sau sáu tháng vận động ngoại giao bí mật, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (OLP) ký kết hòa ước Oslo. Hai mươi lăm năm sau cái bắt tay lịch sử giữa Yasser Arafat (Palestine) và Yitzhak Rabin (lãnh đạo Israel), tiến trình tái lập hòa bình dài đằng đẵng này đang bị phân rã.

Thứ Năm 13/09/2018, không một bên nào, cả Israel lẫn Palestine, nghĩ đến việc kỷ niệm sự kiện này. Hơn bao giờ hết, hòa bình chỉ là một sự ảo tưởng và ý tưởng về hai Nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại cạnh nhau đang ngày càng lụi tàn ngay trong suy nghĩ của những người ủng hộ trung thành.

Những ngày phấn khởi đó, giờ chỉ còn lại việc quân đội Israel rút ra khỏi một số lĩnh vực trên lãnh thổ Palestine và việc OLP – vào thời đó là đại diện duy nhất - thừa nhận quyền được tồn tại của Israel. Ngày nay cả hai phía - một bên do chính phủ thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đại diện và bên kia là Nhà nước Palestine của tổng thống Mahmoud Abbas – vẫn còn ràng buộc với nhau qua các thỏa thuận kinh tế và hợp tác chống khủng bố. Bởi vì, nếu không có sự hợp tác này, sự ổn định tương đối có thể tan thành mảnh vụn.

Khi nhận định về thực trạng của hòa ước Oslo trên báo Jerusalem Post, nhà chính trị học Efraim Inbarcho rằng : « Tiến trình hòa bình Oslo đã không dẫn đến một sự tồn tại chung hòa bình giữa Israel và Palestine ». Tuy nhiên, ông cũng lại thấy ở đó có một điểm tích cực.

Ông viết : «Tuy tiến trình đó không thiết lập được một nền hòa bình và an ninh cho Israel, nhưng nó cũng làm cho Nhà nước Do Thái bớt được gánh nặng Palestine. Sự hiện diện của quân đội Israel có chừng mực ở Cisjordani chỉ làm cho một số ít người Palestine phải bận tâm ; an ninh của Israel mới là mục tiêu chính. Israel không còn phải chịu trách nhiệm về người Palestine và những người này thì họ đơn độc ». Đơn độc và bế tắc.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc này ?

Từ nhiều năm qua, các cuộc thương lượng song phương đã bị ngưng trệ. Thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu, được công luận ủng hộ, kiên quyết đi theo đường lối cứng rắn. Lãnh đạo đất nước từ gần một thập niên nay, sau nhiệm kỳ đầu tiên 1996 – 1999, ông điều hành một chính phủ liên minh, trong đó nhiều tiếng nói quan trọng yêu cầu sáp nhập một phần lớn lãnh thổ Cisjordani. Những người đó công khai phản đối Nhà nước Palestine, đã lên tiếng mạnh mẽ đòi hủy bỏ hòa ước Oslo.

Phía bên kia, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas ngày càng già, và chỉ có vai trò biểu tượng. Sau một loạt các thất bại, khả năng hành động của ông bị thu hẹp. Phe Hamas, hiện đang kiểm soát dải Gaza và luôn từ chối công nhận Israel, đã chỉ trích vai trò lãnh đạo của ông.

Các nỗ lực của ông thúc đẩy hòa giải giữa Cơ quan quyền lực Palestine và phe Hồi giáo cực đoan này không mang lại kết quả. Mahmood Abbas đành bám chặt vào hòa ước Oslo, do không có giải pháp thay thế nào, còn người dân phía Cisjordani nghi ngờ là các cuộc đàm phán có thể đi đến việc thành lập một Nhà nước có chủ quyền và đại bộ phận dân chúng không còn tin tưởng vào Cơ quan quyền lực Palestine nữa.

Donald Trump, « người đi chợ » cho Netanyahu ?

Trong sự trì trệ đó, sự tham gia ồn ào của Donald Trump vào hồ sơ Trung Đông đã làm đảo lộn các thói quen ngoại giao. Việc công nhận Jerusalem như là thủ đô của Israel và di dời tòa đại sứ Mỹ về thành phố thánh này hồi tháng 5/2018, đã phá vỡ mọi điều cấm kỵ.

« Cú va đập thế kỷ » này, theo nhận định của ông Mahmoud Abbas, còn làm gia tăng thái độ kiên quyết từ chối trở lại bàn đàm phán của người dân Palestine. Mặc dù tổng thống Mỹ tìm cách o ép, nhưng ông cũng bắt đầu nhìn nhận rằng đúc kết được một thỏa thuận Israel và Palestine có thể là công việc khó nhất.

Chính sách trừng phạt tài chính và chính trị của Donald Trump được thể hiện qua việc ngưng hỗ trợ cho người tị nạn và cho các bệnh viện Palestine ở Jerusalem và mới đây nhất, hôm thứ Hai 10/9 là thông báo đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington, bên tham gia ký kết hòa ước Oslo.

Nguyên thủ Mỹ, vốn chẳng cho biết kế hoạch của ông để tái khởi động đối thoại, cam kết một thỏa thuận ngoại giao « sau cùng ». Ông Husam Zomlot, cựu đại diện của OLP tại Hoa Kỳ giận dữ chỉ trích, xem các sáng kiến của Mỹ chẳng khác gì một « danh sách các món hàng đi chợ cần mua » của thủ tướng Isarel Netanyahu.

Ông Nabil Shaat, một cựu nhà đàm phán hòa ước Oslo cho rằng các quan điểm của tổng thống Mỹ là « cuồng tưởng » về quy chế Jerusalem, các vấn đề người tị nạn cũng như là việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Ông viết : « Tôi từng ủng hộ ý tưởng một Nhà nước cấm phân biệt đối xử. Người Do Thái, người Ả Rập, người Công giáo chung sống hòa bình mà không có sự phân biệt. Tôi đã viết điều này vào năm 1969, nhưng Israel khi đó lại không muốn. Năm 1973, tôi đi theo ý tưởng có hai Nhà nước trên cơ sở đường biên giới 1967. Ý tưởng đó thực tế hơn, có thể trụ được và chấp nhận được. Tôi sẽ không thay đổi ý kiến ».

Bất chấp hòa ước, xung đột vẫn dai dẳng từ 25 năm qua ?

Do không có sự tin tưởng lẫn nhau giữa người Palestine và Israel, dự án này bị trì hoãn vô hạn. Tại Israel, theo một thăm dò do Israel Democracy Institut và đại học Tel-Aviv thực hiện hồi tháng Tám, 47% số người được hỏi ủng hộ giải pháp có hai Nhà nước và 46% chống. Cùng lúc, lại có tới 86% người Israel cho rằng ít hoặc rất ít khả năng đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột trong 12 tháng tới.

Tuy được cộng đồng quốc tế mong muốn, giải pháp thành lập một Nhà nước Palestine lại không được nêu rõ ràng trong hòa ước Oslo, vốn được coi là một văn bản tạm thời trong giai đoạn chuyển tiếp. Chính việc không nói đến Nhà nước Palestine là một trong những điểm yếu kém của thỏa thuận này và văn bản đã trở nên vô dụng sau một giai đoạn hứng khởi ngắn ngủi.

Bởi vì nhiều sự cố nghiêm trọng đã nhanh chóng xẩy ra. Vụ một người Do Thái cực đoan ám sát thủ tướng Israel Yizhak Rabin, hồi tháng 11/1995, rồi chiến tranh ném đá intifada lần thứ hai khởi phát hồi tháng 09/2000, sau thất bại của thượng đỉnh Camp David, đã làm dấy lên bạo lực và khủng bố, đầu độc một tiến trình vốn không được khởi động một cách tốt đẹp.

Đối với cánh hữu Israel đang lên như diều gặp gió, thỏa thuận Oslo chứa đựng mầm mống chiến tranh ném đá lần thứ hai và bạo lực hiện đang diễn ra. Khoảng 1600 người Israel, đa phần là thường dân, bị thiệt mạng và hàng hàng người bị thương trong các vụ tấn công khủng bố và các vụ bắn rốc-két của phía Palestine từ năm 1993, là bằng chứng của sự thất bại này.

Vẫn theo phe này, công thức « đánh đổi đất để có an ninh » của cố thủ tướng Yitzhak Rabin không mang lại kết quả. Tuy ít đẫm máu hơn so với các cuộc xung đột gây tang tóc trong toàn khu vực, sự đối đầu này cũng đã làm hàng ngàn người Palestine thiệt mạng. Hơn 3.200 người trong số này đã bị giết trong giai đoạn từ 01/2009 đến 04/2018.

Tương lai bất định ?

Cùng thời gian này, các khu định cư của người Do Thái được xây dựng liên tiếp ở Cisjordanie, trên phần đất mà người Palestine coi là một bộ phận không thể tách rời của Nhà nước Palestine trong tương lai. Theo số liệu của tổ chức « Hòa Bình ngay bây giờ », một tổ chức phi chính phủ của Israel chống thực dân hóa, vào năm 1993, khi chủ tịch Palestine Yasser Arafat và thủ tướng Israel Yitzhak Rabin bắt tay nhau tại Nhà Trắng, có hơn 116 ngàn người Israel sinh sống ở Cisjordanie và dải Gaza. Giờ đây, hơn 600 ngàn người Israel cùng tồn tại với 3 triệu người Palestine ở Cisjordanie và ở Đông Jérusalem, vì họ phải sơ tán khỏi Gaza.

Phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan giờ đây kêu gọi sáp nhập vùng C ở Cisjordanie, nơi có 350 ngàn người Do Thái định cư – hoặc thậm chí toàn bộ Cisjordani, nơi « dung thân » của Cơ quan quyền lực Palestine. Đối với chính quyền Palestine, việc giữ nguyên trạng vùng này là giải pháp đỡ tồi tệ nhất.

Viện trợ tài chính của cộng đồng quốc tế là nguồn tạo ra việc làm và tạo ra một sự phồn thịnh tương đối về kinh tế. Thế nhưng, Donald Trump lại muốn xóa bỏ tình trạng này nếu như ông Mahmoud Abbas không chấp nhận các đòi hỏi của tổng thống Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.