Vào nội dung chính
KINH TẾ - QUỐC TẾ

Pascal Lamy : ''WTO cần tiếp tục tồn tại, cho dù không có Donald Trump''

Ngày 30/08/2018, tổng thống Hoa Kỳ tung ra đe dọa sẽ rút khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nếu các đòi hỏi cải cách của Washington không được thỏa mãn.

Trụ sở WTO tại Genève.
Trụ sở WTO tại Genève. Flickr/ Creative Commons
Quảng cáo

Cho đến nay, nhiều đe dọa tưởng rất khó tin, như đơn phương đánh thuế hàng chục tỉ hàng hóa Trung Quốc, đã được Donald Trump thực thi. Thế nhưng, WTO là một định chế thương mại rất có lợi cho nước Mỹ, đã được chính Hoa Kỳ cùng cộng đồng quốc tế dày công xây dựng. RFI giới thiệu nhận định của cựu tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới Pascal Lamy, với tuần báo Le Point (1), về chủ đề này.

Le Point : Tổng thống Trump, hôm 30/08, tuyên bố Hoa Kỳ có thể rút khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Cụ thể là ông ấy nói : « Nếu họ không lập lại trật tự, tôi sẽ rút khỏi WTO ». Ông nghĩ gì về những lời lẽ này ?

Pascal Lamy : Có thể đưa ra hai cách giải thích về tuyên bố của Trump. Cũng có nghĩa là cần phải chuẩn bị cho hai kịch bản. Thứ nhất là có thể ông ta thực sự muốn rút nước Mỹ khỏi WTO, giống như đã từng làm với Thỏa thuận Khí hậu Paris. Nói một cách chung hơn, Donald Trump dường như chủ trương thủ tiêu mọi định chế quốc tế nào giới hạn chủ quyền của Hoa Kỳ, để trở lại với các quan hệ song phương. Về phương diện thương mại quốc tế, đó là thuyết trọng thương (mercantilisme) (2). Xuất khẩu muôn năm, đả đảo nhập khẩu ! Theo chủ thuyết này, thì thương mại là vấn đề tương quan sức mạnh giữa các quốc gia, chứ không phải là việc tối ưu hóa các hệ thống sản xuất, tùy theo các lợi thế so sánh giữa quốc gia này với quốc gia kia. Chủ thuyết này đã dần dần biến mất trong ba thế kỷ gần đây.

Vậy đâu là cách giải thích thứ hai ?

Tuyên bố nói trên cũng có thể là một chiến thuật trong thương lượng. Bằng tuyên bố này, Donald Trump nói với phần còn lại của thế giới : Tôi yêu cầu các vị thay đổi một số quy tắc của WTO, mà tôi cho là bất lợi cho Hoa Kỳ. Và nếu việc này không thành, tôi sẽ chuồn. Ta có thể gọi đây là một dạng bắt chẹt. Điều này thật kỳ cục bởi vì khi ông ta đề cập đến WTO, ông ta nói: « Nếu họ không lập lại trật tự ». Cứ như thể là Hoa Kỳ nằm ngoài Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, trong khi Washington chính là một trong các thành viên sáng lập ra tổ chức này.

Donald Trump nhắm vào các quy định nào của WTO, và ông ấy muốn thay đổi gì ?

Ông Trump coi các quy tắc hiện hành của WTO là bó buộc Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc (gia nhập tổ chức này vào năm 2001). Điều này không phải là sai, trong một số trường hợp. Thực ra, trên một số lĩnh vực, các quy định của WTO lỏng lẻo hơn. Đặc biệt là vấn đề trợ giá. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc, cho dù đã gia nhập WTO, vẫn tiếp tục trợ giá hay duy trì sự kiểm soát của Nhà nước, đối với một phần nền kinh tế. Vấn đề này đã được nhận ra từ lâu, nhưng không được xử lý một cách nghiêm túc, do thiếu một quyết tâm thực sự, của các bên, nhằm thương lượng lại về việc tăng cường các quy tắc của WTO.

Tuyên bố của Donald có thể là một vũ khí đàm phán, hoặc đe dọa thực sự rút Mỹ ra khỏi tổ chức này. Vậy WTO cần phải có thái độ như thế nào đối với Donald Trump?

Cảm nhận của tôi là, trong bối cảnh bất định như hiện nay, cần phải chuẩn bị cho cả hai phương án. Về những gì liên quan đến việc cải cách các quy định thương mại quốc tế, Liên Hiệp Châu Âu đang ở thế chủ động. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Liên Âu đàm phán một mặt với Mỹ (3), mặt khác với Trung Quốc. Công việc đang được xúc tiến để tìm ra một lối thoát cho khủng hoảng, cho dù kết quả của sáng kiến này là không có gì chắc chắn. Tuy nhiên, cũng phải chuẩn bị cho một phương án khác. Donald Trump có thể sẽ rút khỏi WTO, bởi vì thương lượng không đạt kết quả, và cũng đơn giản là bởi vì ông ta quyết định rời bỏ định chế quốc tế này. Nếu xảy ra, dĩ nhiên là kịch bản này đòi hỏi chúng ta phải rất sáng tạo, bởi từ năm 1947 đến nay, Hoa Kỳ vẫn luôn luôn đóng vai trò đồng lãnh đạo cơ chế thương mại này. Nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cơ chế kinh tế quốc tế đa phương, tránh trở lại với thế giới của luật rừng, hiện tại châu Âu đang ở tuyến đầu của trận chiến này.

Việc Hoa Kỳ rời bỏ WTO có những hệ quả như thế nào ?

Nếu Hoa Kỳ rời bỏ WTO, họ sẽ mất đi cơ chế bảo hiểm chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể hành xử bất kể thế nào với các hàng hóa Mỹ. Mỗi nước có thể đánh thuế hàng Mỹ như họ muốn. Đối với Hoa Kỳ, đây sẽ là dấu hiệu của một tiến trình phi toàn cầu hóa toàn thể, gần như là trở lại với nền kinh tế tự cung tự cấp. Việc này sẽ để lại nhiều hậu quả lớn. Ví dụ như, hãy tưởng tượng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu người Mỹ không còn được các quy định của WTO bảo vệ, tất cả mọi người đều có thể sao chép một ý tưởng, một phần mềm, một sáng chế của Mỹ. Các nhà sáng chế Mỹ sẽ không còn con đường nào khác hơn là kiện lên các tòa án của nước Mỹ, và như vậy họ sẽ chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên lãnh thổ Mỹ.

Đối với Hoa Kỳ, việc rời khỏi WTO có phải là một thảm họa kinh tế hay không ?

Tôi cho là như vậy. Nhưng chúng ta hãy cố gắng hiểu được tính toán của Donald Trump, với giả định là, đằng sau các tuyên bố bốc đồng của ông ta, có một lý thuyết nào đó. Có thể hình dung là, Donald Trump muốn phi toàn cầu hóa, ông ta tin tưởng là nếu diễn ra, tiến trình này sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Ông ta tin là nước Mỹ được hưởng lợi, nhờ vào tương quan lực lượng. Không còn Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, thì quy tắc lẽ phải thuộc về kẻ mạnh sẽ được thực thi, và Trump nghĩ rằng ông ta là kẻ mạnh nhất ! Tôi cho rằng ông ấy đã lầm, và Hoa Kỳ sẽ rất khốn đốn về kinh tế. Nhìn chung, tôi vẫn tin tưởng là một thế giới được luật pháp điều chỉnh, sẽ ít nguy hiểm hơn là một thế giới do kẻ hùng mạnh nhất điều khiển.

Donald Trump chống lại việc bổ nhiệm một thẩm phán của cơ quan trọng tài giải quyết tranh chấp của WTO. Với việc ngăn chặn bổ nhiệm này, ông Trump có thể làm tê liệt sự vận hành của WTO ?

Theo các quy định của WTO, không có gì khẳng định việc bổ nhiệm các thẩm phán bắt buộc phải được quyết định theo nguyên tắc đồng thuận 100%. Trên thực tế, cho đến nay, quy tắc đồng thuận vẫn được áp dụng, nhưng chúng ta cũng có thể xem tiến trình này như là một thủ tục quyết định theo đa số. Với ông Trump, mọi thứ vẫn thường xuyên ít nhiều là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược rồi … Ví dụ như, một mặt Donald Trump ngăn chặn việc bổ nhiệm một thẩm phán mới, nhưng mặt khác ông ta lại chuyển hàng loạt vụ kiện đến cơ quan có trách nhiệm phán xử này, để chống lại các thành viên khác của WTO, mà theo ông, không tuân thủ các quy định của định chế.

Ông Trump cũng đồng thời lên án Hoa Kỳ dành được rất ít thắng lợi trong các vụ khiếu nại lên các cơ quan phân xử của WTO, thực hư thế nào ?

Giống như điều mà Donald Trump thường nói : « Fake news/tin giả ! ». Điều này hoàn toàn sai (4). Hoa Kỳ giành chiến thắng trong đa số các vụ kiện mà họ khởi sự, và ngược lại cũng bị thua trong đa số các vụ kiện mà họ là đối tượng bị kiện, từ phía các nước châu Âu hay Trung Quốc chẳng hạn. Thông tin cho rằng Mỹ bị các cơ quan phân xử của WTO ngược đãi là điều hoàn toàn sai lạc.

Ghi chú

1. Le Point, ngày 2/9/2018.

2. Một nội dung chính của chủ thuyết này là Nhà nước can thiệp trực tiếp để thúc đẩy xuất khẩu.

3. Trước thượng đỉnh của khối G20, cuối tháng 11 tới, nhiều nỗ lực cải cách WTO được xúc tiến. Trong một thương lượng giữa tháng 7/2018, Liên Âu và Trung Quốc thỏa thuận lập một nhóm làm việc về chủ đề này. Ngày 30/08, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản sớm phối hợp để mở đường cho một cuộc cải cách triệt để định chế WTO.

4. Bài « US Trade Laws And The Sovereignty Canard » của ông Dan Ikenson, một chuyên gia về thương mại quốc tế, đưa ra các số thống kê rất đáng lưu ý. Trong hơn 22 năm tồn tại, Hoa Kỳ đứng đầu bảng về số lần kiện lên WTO, với tổng cộng 114 vụ (trên tổng số 522), trong đó 91% Washington được xử thắng. Ngược lại Hoa Kỳ bị khiếu nại 129 lần, và thua 89%. (Forbes.com, ngày 9/3/2017)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.