Vào nội dung chính
ĐỨC - XÃ HỘI

Vì sao Đông Đức cũ là miền đất màu mỡ của các nhóm cực hữu

Thành phố Chemnitz, bang Sachsen của Đức trở thành điểm nóng chống chính sách nhập cư của thủ tướng Angela Merkel, với ba cuộc biểu tình, trong đó có một cuộc truy đánh người Trung Đông.

Biểu tình chống người nhập cư tại Chemnitz, Đức, ngày 30/08/2018
Biểu tình chống người nhập cư tại Chemnitz, Đức, ngày 30/08/2018 REUTERS/Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Sự hiện diện đông đảo của cảnh sát ngăn chận được bạo lực lan rộng nhưng không phải ngẫu nhiên mà các nhóm cực hữu bắt rễ ở vùng đất được xem là « địa linh nhân kiệt » của Đông Đức cũ.

Từ ba, bốn ngày nay, Chemnitz giống như một trung điểm phát xuất một cuộc nổi dậy của cực hữu phát-xít làm cả nước Đức rung chuyển. Nhìn bề ngoài, những cuộc mít-tinh chống di dân nhập cư tại thành phố trước đây mang tên Các-Mác, cũng dễ hiểu như những cuộc xuống đường ở các nơi khác trong bối cảnh tâm lý chống tị nạn và nhập cư đang dâng cao tại nước Đức của Angela Merkel.

Khởi đầu là chuyện một thanh niên người Đức bị đâm chết, nghi can là một thanh niên nhập cư người Irak có tiền án, và một người Syria, bị bắt. Những nhóm du côn « hooligan » khai thác vụ án để kích động đám đông đòi thủ tướng Đức từ chức. Theo nhận định của giáo sư chính trị Hans Vorlander, đại học Dresden, bất cứ ở đâu, phe cực hữu nào cũng có thể hành động như thế.

Nhưng tại Chemnitz, bên cạnh những thanh niên đầu trọc hung hăng, mặc quần áo đen như cán bộ « quốc xã », còn có người lớn tuổi ủng hộ.

Thành phố từng mang tên Marx

Những vụ truy đánh người khác màu da xảy ra tại thành phố trước đây mang tên tác giả « Tư bản luận » minh họa hiện tượng đặc thù của bang sát cạnh Ba Lan và Tiệp, nơi mà dưới thời cộng sản, người dân không có quyền nhắc đến từ « phát-xít ». Sabine Kuhnrich, nhạc sĩ, chủ tịch một Hiệp hội phát huy dân chủ và bao dung khẳng định với AFP. Thế mà bạo lực cực hữu tại Chemnitz đã vượt ra khỏi tầm mức có thể tha thứ được với hình ảnh hooligan, tân phát-xít cuồng nộ đánh đập người nước ngoài.

Câu hỏi ở đây là vì sao tâm lý bài ngoại dâng cao tại bang Sachsen ? Vì dân nhập cư lan tràn hơn những bang khác ? Không. Bang Sachsen chỉ nhận có 17 000 người tị nạn, chiếm 4,4%, chẳng là bao so với 15% ở các bang khác ở phía Tây Đức cũ.

Thật ra, có lẽ mầm mống cực hữu đã bắt rễ ở Sachsen từ trước khi thống nhất đất nước. Bởi vì, năm 1991, một trại tạm cư cho người xin tị nạn đã bị hooligan tấn công, đốt phá, trong tiếng vỗ tay của những người láng giềng. 230 dân nước ngoài phải di tản dưới sự bảo vệ của cảnh sát.

Theo tình báo Đức, bang Sachsen được xếp đứng đầu trong danh sách bạo lực cực hữu. Phong trào bài ngoại AfD giành được kỷ lục « quốc gia » với 25% trong cuộc bầu cử Quốc Hội 2017. Trong khóa 2004-2009, nghị viện địa phương là nghị viện duy nhất có một đại biểu tân phát-xít NPD.

Theo giải thích của một chuyên gia Đức về hooligan, một trong những điều kiện thuận lợi cho những nhóm bài ngoại phô trương thế lực là tại bang Sachsen, các nhóm cổ động viên bóng đá cuồng tín có quan hệ thân hữu với các tổ chức cực hữu và các trường võ, do vậy, họ huy động lực lượng rất nhanh.

Địa linh nhân kiệt

Từ thập niên 1990, sau khi Đức thống nhất, các nhóm này khai thác tâm trạng bất bình của người dân địa phương cảm thấy khả năng, giá trị của họ không được nhìn nhận và sử dụng đúng mức. Sachsen là vùng « địa linh nhân kiệt », là nơi sản sinh « lực lượng kỹ sư của dân tộc » là nơi chào đời của các thiên tài âm nhạc như Robert Schumann, Jean-Sebastien Bach, của triết gia Gottfried Wilhelm Leibniz, các văn hào Erich Karstner và Karl Max. Tinh thần dân tộc cực đoan này dễ bị kích động nhất là Sachsen nằm cạnh Ba Lan và Tiệp, phồn thịnh hơn.

Thế mà các chính phủ Đức liên tục đã xem nhẹ nguy cơ này mà chỉ tập trung diệt cực tả. Tệ hơn nữa, các chủ tịch bang, đảng viên của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo từ chối nhìn nhận mối đe dọa tiềm tàng của phe cực hữu. Cho dù được báo động, Kurt Biendenkopt, nhiệm kỳ 1990-2002 còn tuyên bố như đinh đóng cột « dân Sachsen được miễn nhiễm với cực hữu ».

Theo giáo sư Hans Vorlander, phải đến 2017, tân chủ tịch bang Sachsen, Michael Krestchmer mới bắt đầu thay đổi chính sách « giải quyết bất công xã hội, tăng ngân sách và phương tiện » trong bối cảnh công luận Đức cứng rắn hơn trong vấn đề tị nạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.