Vào nội dung chính
HOA KỲ

John McCain: Cựu tù binh kiến tạo bang giao Việt-Mỹ

Ngày 25/10/1967, máy bay của phi công John McCain, trong đợt oanh kích thứ 23 ở miền bắc Việt Nam, bị trúng pháo trên bầu trời Hà Nội. Ông buộc phải nhảy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch. Bị gãy hai tay và một bên chân, ông được sơ cứu, sau đó bị giam ở nhà tù Hỏa Lò trong năm năm rưỡi. Gần 20 năm sau, vào năm 1985, ông John McCain, lúc đó là dân biểu Hạ Viện Mỹ, đã trở lại thăm nước « cựu thù ». Cùng với John Kerry, thuộc đảng Dân Chủ, ông đã là người kiến tạo bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nghiêng mình trước đài kỷ niệm tại Hà Nội có ghi tên cố thượng nghị sĩ John McCain. Ảnh chụp ngày 27/08/2018.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nghiêng mình trước đài kỷ niệm tại Hà Nội có ghi tên cố thượng nghị sĩ John McCain. Ảnh chụp ngày 27/08/2018. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Ông John McCain mang thương tật suốt đời : không nhấc được một bên tay để chải đầu, bước đi khập khiễng. Đây là hậu quả của việc nhảy dù khỏi chiếc tiêm kích A-4 Skyhawk và các cuộc tra khảo ở Hanoi Hilton, nơi chuyên giam giữ tù binh Mỹ.

Ông John McCain từng tìm cách tự vẫn vì mất hết niềm tin. Điều mà ông cảm thấy xấu hổ suốt đời là đã không làm tròn nghĩa vụ của một người lính, « không kháng cự được lâu nhất có thể, trong khi nhiều bạn tù làm được », như lời giải thích của ông khi trả lời phỏng vấn về cuốn hồi ký Faith of my Fathers, xuất bản năm 1999.

Từ chối được trả tự do sớm

Một điều đáng trân trọng khác, luôn đi kèm với hình ảnh của ông John McCain, là khi biết được Cai (tên mà quản ngục tại Hỏa Lò vẫn gọi ông) là con cháu của hai đô đốc Mỹ, chính quyền miền bắc Việt Nam đã đề xuất thả ông sớm hơn. Ông McCain đã từ chối, dù tự nhận trong buổi phỏng vấn nêu trên là « không dễ dàng gì ». Theo ông, « đó sẽ là một chiến dịch tuyên truyền tốt cho họ. Everett Alvarez bị cầm tù từ tháng 08/1964. Tôi đến vào tháng 10/1967, tôi không thể được trả tự do trước ông ấy ».

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trung úy John McCain được trả tự do cùng với 106 phi công khác và một công dân Mỹ. Theo phóng sự của AP ngày 14/03/1973, họ rời sân bay Gia Lâm để đến căn cứ Clark Air Force Base ở Philippines, trạm dừng đầu tiên trên đường về nhà. Ông được tổng thống Richard Nixon tặng huân chương, trở thành người hùng chiến tranh tại Mỹ.

Vận động chính trường Mỹ tái lập bang giao với Hà Nội

Rời quân đội, ông McCain làm chính trị, bắt đầu từ Hạ Viện, sau đó trở thành thượng nghị sĩ bang Arizona từ năm 1986 cho đến cuối đời. Từ một người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam, ông trở thành người ủng hộ và hoạt động mạnh mẽ nhất cho việc nối lại bang giao Việt-Mỹ, bất chấp mọi cản trở từ ngay trong đảng Cộng Hòa của ông. Sau khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1985, ông John McCain làm lành với thượng nghị sĩ John Kerry, thuộc đảng Dân Chủ, người trước đây đã phản đối chiến tranh và lên án can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, trong khi John McCain đang bị giam ở Hỏa Lò.

Từ năm 1991-1993, hai ông cùng tham gia Ủy ban Thượng Viện về tù binh. Trong quá trình thúc đẩy bình thường hóa bang giao Hà Nội – Washington, các cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng, và chắc chắn có sự vận động từ hai cựu chiến binh John McCain và John Kerry. Tối 02/02/1994, chỉ một ngày trước khi công bố dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, tổng thống Bill Clinton đã tiếp đại diện cựu chiến binh.

Ngày 11/07/1995, trước đông đảo nghị sĩ và các cựu chiến binh ở Việt Nam, tổng thống Clinton tuyên bố « bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam », khép lại một chương trong lịch sử Mỹ. Theo nhật báo Libération (12/07/1995), người đóng vai trò chủ đạo trong hồ sơ này là thượng nghị sĩ John McCain, cùng với hai thượng nghị sĩ khác, thuộc đảng Dân Chủ, cũng là cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam. Bản dự luật kêu gọi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam trình lên Quốc Hội lưỡng viện nhấn mạnh : « Vì lợi ích quốc gia ngày nay, cần công nhận Việt Nam », nhằm nhắc đến tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội trước nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Ông Lawrence Eagleburger, ngoại trưởng Mỹ thời tổng thống George Bush (cha), nhận xét : « Nếu như McCain, sau tất cả những gì ông ấy đã trải qua, nhận thấy rằng thời thế đã thay đổi, làm thế nào chúng ta có thể bàn về quan điểm của ông ấy ? 20 năm đã trôi qua. Thời gian đã trôi qua. Chúng ta cũng phải thay đổi ».

Trong chuyến thăm Việt Nam lần cuối cùng vào tháng 06/2017 nhân chuyến cập cảng Cam Ranh của chiến hạm USS John S. McCain, thượng nghị sĩ John McCain đã đến chụp ảnh lưu niệm tại đài kỷ niệm vụ bắt sống phi công Mỹ với tên ông được ghi ở trên.

Ngày 26/08/2018, nhiều người dân Việt Nam và công dân Mỹ làm việc tại Hà Nội đã đến đặt hoa tưởng niệm « người bạn lớn » của Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.