Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Đức: Nước châu Âu đầu tiên thông qua dự luật "giới tính thứ ba"

Đăng ngày:

Từ nay tới cuối năm, Đức sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức công nhận giới tính thứ ba. Ngày 15/08/2018, Hội đồng bộ trưởng Đức đã thông qua một dự luật và dự luật này chắc chắn sẽ được Quốc Hội phê chuẩn vào mùa thu năm nay. Dự luật mới được cộng đồng LGBT - cộng đồng người đồng giới và chuyển giới - hoan nghênh ủng hộ.

Người mẫu Séc Petr Nitka nhân một cuộc trình diễn thời trang ở Mumbai (Ấn Độ). Petr Nitka luôn coi mình thuộc giới tính thứ ba (ảnh minh họa).
Người mẫu Séc Petr Nitka nhân một cuộc trình diễn thời trang ở Mumbai (Ấn Độ). Petr Nitka luôn coi mình thuộc giới tính thứ ba (ảnh minh họa). Sujit JAISWAL / AFP
Quảng cáo

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut giải thích :

« Không ai nên bị phân biệt đối xử vì giới tính của họ ». Bộ trưởng Tư Pháp Đức Katarina Barley phát biểu như trên và hoan nghênh việc Hội đồng bộ trưởng hôm thứ Tư thông qua một dự luật theo đó lần đầu tiên ở châu Âu giới tính thứ ba được chính thức công nhận. Luật này sau đó sẽ phải được Tòa Bảo Hiến thông qua. Tòa án Hiến Pháp Đức hồi tháng 11 năm ngoái đã thụ lý vụ một người mang cả hai giới tính. Tòa Bảo Hiến đánh giá là trường hợp như trên, cũng giống như 80.000 người khác ở Đức, đang bị phân biệt đối xử và Tòa cho các nhà lập pháp thời hạn đến cuối năm 2018 để thông qua luật công nhận giới tính thứ ba.

Sau phán quyết của Tòa Bảo Hiến, hiệp hội bảo vệ người chuyển giới có tên gọi là Sự lựa chọn thứ ba viết trên mạng Twitter : « Chúng tôi rất ngạc nhiên và xúc động ! ». Trong tương lai, trên các mẫu đơn từ hành chính của Đức, bên cạnh các ô chữ « Nam » và « Nữ » còn có ô chữ « Thay đổi ».

Cộng đồng LGBT hoan nghênh ý tưởng này. Họ thích từ « Thay đổi » hơn là từ « khác » vốn bị coi là thể hiện sự phân biệt đối xử. Nhưng cộng đồng LGBT cũng muốn là các dự luật sẽ còn tiến xa hơn nữa và nhất là người chuyển giới không cần có chứng nhận của bác sĩ nữa. Đối với cộng đồng này, bất cứ ai muốn cũng có thể chọn giới tính thứ ba mà không cần phải có ý kiến của bác sĩ. »

Liên Hiệp Châu Âu lấy ý kiến công dân về việc đổi giờ mùa đông - mùa hè

Theo một quy định từ năm 2001, tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu bắt buộc phải cùng đổi giờ vào mùa đông và mùa hè hàng năm. Nhưng sau khi nhận được nhiều kiến nghị từ Quốc Hội Châu Âu cũng như từ công dân các nước thành viên đòi chấm dứt việc đổi giờ theo mùa, Ủy ban châu Âu đã tổ chức lấy ý kiến công dân Liên Hiệp. Hạn cuối cùng để người dân châu Âu đưa ý kiến là tối ngày thứ Năm 16/08/2018. Sau đó, Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm gì ?

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Laxmi Lota giải thích :

« Sau khi lấy ý kiến của các nhà nước thành viên và thu thập ý kiến của các công dân châu Âu, Liên Hiệp sẽ đưa ra đề xuất theo đó hoặc châu Âu vẫn giữ nguyên quyết định năm 2001, có nghĩa là thay đổi giờ vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Ba và tháng Mười, hoặc bỏ hẳn việc thay đổi giờ và mỗi nước thành viên Liên Hiệp tự quyết định là theo giờ mùa hè hay giờ mùa đông.

Ủy ban châu Âu đã công bố các kết quả nghiên cứu theo đó việc thay đổi giờ không cho phép tiết kiệm được nhiều điện. Đối với sức khỏe thì việc đổi giờ vừa có tác động tích vực vừa có ảnh hưởng tiêu cực. Người ta có thể tận dụng nhiều ánh sáng ban ngày nhưng thay đổi giờ đi ngủ lại là một điều không tốt. Còn các nghiên cứu về an toàn giao thông thì không cho thấy rõ việc đổi giờ có ích lợi gì không ».

Hoa Kỳ : Thủy triều đỏ tàn phá vùng biển Florida

Gần một năm sau cơn bão Irma, một đợt thủy triều đỏ lại đẩy bang Florida, Hoa Kỳ vào tình trạng khẩn cấp. Hệ sinh thái biển trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ xác động vật biển dạt vào bờ khiến các du khách phải bỏ chạy.

Phóng viên RFI Capucine Japhet giải thích:

« Xác của nhiều con rùa, cá và cá heo đang phân hủy trên bãi cát : các hình ảnh ở vùng ven biển Florida đều rất kinh khủng. Kể từ đầu tháng tới nay, người ta đã thu dọn 300 tấn xác sinh vật biển ở Florida, trong đó chỉ riêng tại thành phố Sarasota đã có 100 tấn. Thủ phạm là loài tảo đỏ độc hại, vốn có rất nhiều ở vùng vịnh Mêhicô.

Tảo đỏ thải ra một loại chất độc thần kinh cực mạnh. Chất độc này phát tán trong không khí và gây ra những cơn đau đầu và rối loạn hô hấp cho con người, và nhất là giết chết các động vật biển. Đây không phải một hiện tượng tự nhiên mới mẻ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đánh giá là đợt thủy triều đỏ lần này, vốn là đợt mạnh nhất kể từ năm 1950, lại càng trầm trọng hơn do hiện tượng Trái đất nóng dần lên. Đó là chưa kể tới việc các hoạt động nông nghiệp đặc biệt nhiều ở vùng này khiến dòng nước bị ô nhiễm nặng.

Hiện đang là mùa cao điểm du lịch, nhưng mùi hôi thối bốc lên từ xác động vật đang trong quá trình bị phân hủy khiến du khách phải bỏ chạy. Một số bãi biển vốn đông nghịt người trong những năm trước nay vắng tanh. Mặc dù thống đốc bang Florida đã cho giải ngân hơn một triệu đô la để hỗ trợ, nhưng những thiệt hại kinh tế cho bang này có thể lên tới nhiều triệu đô la, bởi vì du lịch và đánh cá là những hoạt động chính trong vùng. »      

Brazil : một trong mười quốc gia bạo lực nhất thế giới

Chỉ còn vài tháng nữa là tới kỳ bầu cử tổng thống Brazil, nhưng người dân nước ngày hàng ngày đang phải đối mặt với nạn bạo lực. Chỉ tính riêng năm 2017, đã có gần 64.000 người bị sát hại tại Brazil, tức là trung bình cứ mỗi tiếng đồng hồ lại có 7 người bị giết hại.

Từ Sao Paulo, thông tín viên RFI Martin Bernard cho biết thêm :

« Người dân Brazil ngày càng phải đối mặt với bạo lực. Mỗi năm, tình hình lại càng tồi tệ hơn. Năm 2017, nhà chức trách Brazil thống kê được 63.880 vụ giết người. Con số này đã tăng 3,7% so với năm 2016. Với số người bị sát hại nói trên, theo báo cáo ngày 09/08 của tổ chức phi chính phủ Diễn đàn an ninh công cộng Brazil, nước này đã trở thành 1 trong 10 quốc gia bạo lực kinh khủng nhất toàn cầu, với tỉ lệ trung bình 31 vụ giết người/100.000 dân.

Con số trên là mức trung bình trên toàn quốc. Tình hình tại một số bang nghèo ở miền bắc còn tồi tệ hơn nhiều, cao nhất là 68 vụ giết người/100.000 dân, trong khi tỉ lệ trung bình trên thế giới chỉ là 7,5/100.000 người. Tại Sao Paulo, bang giàu có nhất Brazil, trung bình cứ 100.000 dân thì có 10,7 người bị sát hại.

Buôn lậu ma túy, cuộc chiến giữa các băng đảng để tranh giành quyền kiểm soát thị trường ma túy là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bạo lực khủng khiếp như vậy. Khi các vụ thanh toán nhau lan tới các khu dân cư, thậm chí cả bệnh viện, người dân ở đó phải đối mặt với bạo lực hàng ngày. »

10 tấn bưu phẩm chuyển cho người Palestine bị mắc kẹt ở Israel từ năm 2010

Tuần trước, sau 8 năm bị Israel giữ ở biên giới Jordanie, hơn 10 tấn thư từ, bưu phẩm gửi từ khắp nơi trên thế giới đã được nhà nước Israel trả lại cho người Palestine. Palestine cho rằng việc ách tắc là do các thủ tục hành chính. Còn chính quyền Israel hiện vẫn không giải thích tại sao lượng bưu phẩm lồ này lại không được chuyển sang Palestine trong suốt 8 năm qua.

Đặc phái viên RFI Marine Vlahovic gửi về bài phóng sự từ Jéricho :

« Trong kho, các túi thư từ, bưu phẩm nằm ngổn ngang, la liệt khắp nơi. Ông Ramadan Ghazaoui, phụ trách trung tâm phân chia thư từ, bưu phẩm ở Jéricho đang cố gắng rẽ các kiện hàng để tạo thành một lối đi. Ông chỉ cho chúng tôi xem và bật cười nói : « Chiếc tivi này được chuyển tới từ Abu Dhabi. Ngày gửi : 27/09/2012. Ngay cả một cái chai trôi dạt lênh đênh trên biển cũng đến đây nhanh hơn thế nhiều ! ».

Ở góc xa hơn một chút, chúng tôi nhìn thấy một chiếc xe lăn để chuyển đến dải Gaza, được gửi đi từ năm … 2015. Tổng cộng, hơn 10 tấn thư từ, bưu thiếp, nhưng nhiều nhất là hàng hóa mua trên mạng internet, cuối cùng đã được chuyển đến Cisjordanie, sau khi bị Israel giữ lại trong suốt 8 năm chỉ vì các thủ tục hành chính. Ông Ramadan Ghazaoui nói tiếp : « Thật tốt là cuối cùng chúng tôi cũng nhận được số bưu phẩm này, bởi vì thà muộn còn hơn là không bao giờ nhận được chúng. Tất cả những thứ này là quà cáp, là những thứ rất quan trọng đối với người dân ở đây. »

Hàng chục nhân viên bưu điện tại đây sẽ phải mất ít nhất là hai tuần để chuyển hết số hàng này tới tay người nhận. Một nhân viên nói : « Tôi phải nhận tất cả số thư và bưu kiện này, lưu thông tin từng cái vào máy tính rồi gửi chúng tới Ramallah, Jénine hoặc Qalqiliya »

Đây quả là một khối lượng công việc khổng lồ cho đợt chuyển phát đặc biệt. Thỏa thuận giữa Israel và Palestine để đảm bảo việc chuyển phát thư từ, bưu phẩm vẫn chưa có hiệu lực. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.