Vào nội dung chính
MỸ -THỔ NHĨ KỲ

Sức ép kinh tế của Donald Trump với Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị phản đòn

Tuần qua, bằng đòn tăng thuế đánh vào mặt hàng nhôm, thép, Mỹ bất ngờ gây sức ép kinh tế nặng nề đối với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO. Hệ quả là đồng tiền lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi tự do trong vòng vài ngày và gần như sụp đổ cuối tuần qua. Tổng thống Rcep Tayyip Erdogan lên án Washington « đâm dao sau lưng đồng minh » và sẵn sàng lao vào cuộc đọ sức ngoại giao cũng như kinh tế với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tại thượng đỉnh NATO, Bruxelles ngày 11/07/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tại thượng đỉnh NATO, Bruxelles ngày 11/07/2018. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Quan hệ Mỹ - Thổ trong thời gian qua đã không mấy êm đẹp, nay bùng lên căng thẳng và đang ở mức xấu nhất từ nhiều thập kỷ qua. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo hành động của Washington có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đi tìm « những người bạn mới và những đồng minh mới ». Như đổ thêm dầu vào lửa, ông Erdogan kêu gọi một « cuộc chiến toàn quốc » chống lại « chiến tranh kinh tế » do Donald Trump phát động.

Nhà nghiên cứu chính trị Bayram Balci, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Pháp Ceri, thuộc trường Khoa học Chính trị (Sciences Po), trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Libération số ra ngày 14/08/2018, phân tích : Căn nguyên nào khiến quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ trở nên khủng hoảng ? Chiến thuật của tổng thống Mỹ sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi tới đâu ?

Sau đây là nội dung chính của bài trả lời phỏng vấn Libération của chuyên gia Bayram Balci :

Đâu là khía cạnh chính trị và địa chính trị trong khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ ?

Về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc với vô số nguyên nhân. Nhưng cuộc khủng hoảng này trở nên trầm trọng từ nhiều ngày qua do gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ. Leo thang căng thẳng mới nhất liên quan đến số phận của linh mục Tin Lành người Mỹ Andrew Brunson, đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ. Vụ này cũng chỉ là một nhân tố tích tụ bổ sung mà thôi.

Thực tế, quan hệ Mỹ - Thổ đã không ngừng xuống cấp từ nhiều năm nay, cụ thể là từ giữa cuộc xung đột Syria mà trong đó quan điểm về lợi ích của hai bên bắt đầu trái ngược nhau.

Các vấn đề bất hòa tích tụ dần. Trước hết là việc Washington ủng hộ lực lượng người Kurdistan (PYD), một phân nhánh tại Syria của đảng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị chính quyền Ankara quy kết là tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại coi đây là lực lượng không thể thiếu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Rồi tiếp đó là vụ giáo sĩ Fethula Gulen, tị nạn tại Hoa Kỳ, nhưng bị ông Erdogan cáo buộc là người cầm đầu vụ đảo chính hụt hôm 15/07/2016. Thổ Nhĩ Kỳ đã cố công vô ích cung cấp cho Mỹ những bằng chứng về sự dính líu của nhân vật này vào vụ đảo chính trên.

Tại sao leo thang căng thẳng vẫn tiếp diễn ?

Bởi vì vấn đề Iran đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc khủng hoảng Mỹ - Thổ. Ông Trump hủy thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời muốn gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia trừng phạt Teheran. Thế nhưng, trao đổi mậu dịch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rất quan trọng cho kinh tế của hai nước. Ankara muốn tiếp tục mua khí đốt của Iran và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và vải sợi sang Iran.

Có phải tính cách của Trump và Erdogan cũng góp phần làm cho quan hệ hai nước trở nên xấu hơn ?

Tổng thống Mỹ sử dụng mọi phương tiện để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã ký quyết định ngừng cung cấp chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc ông cố gắng ngăn cản Ankara mua tên lửa S-400 của Nga. Lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng bấp bênh, hôm thứ Sáu vừa qua, ông Trump đã quyết định tăng thuế hải quan vào mặt hàng nhôm,  thép của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông ta nghĩ rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu về kinh tế thì sẽ trở nên ngoan ngoãn hơn về mặt chính trị, hay thậm chí sẽ phải chấp nhận mọi đòi hỏi của Hoa Kỳ. Nhưng ông Erdogan không phải là con người dễ khuất phục. Trái lại, ông ta còn đẩy thêm căng thẳng qua việc cáo buộc Hoa Kỳ gây chiến tranh kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.

Về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu nhưng không hoàn toàn khánh kiệt. Ankara dọa xích lại gần hơn với Nga và Iran. Như thế tức là áp lực của ông Trump đã gây tác dụng ngược. Lẽ ra phải làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trung thành hơn với phương Tây thì các áp lực của Mỹ lại đẩy Thổ tới gần trục Matxcơva- Ankara-Teheran.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ liệu có đồng cảm với các phát biểu của ông Erdogan ?

Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ có tâm lý chống Mỹ rất rộng rãi nên dễ dàng hưởng ứng lời kêu gọi huy động dân tộc. Trước tình hình kinh tế đang trở nên trầm trọng, người dân bị mất phương hướng muốn tin vào những giải thích cho rằng đó là những mưu đồ chống lại đất nước họ. Hơn nữa, đại đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin tưởng ông Erdogan.

Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ ra sao ?

Phản ứng có ý nghĩa nhất đó là của nước Đức. Bà thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố rằng không ai có lợi trong sự mất ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ.

Không chỉ vì quan hệ thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng, mà Châu Âu cũng không được lợi lộc gì khi Ankara mất ổn định. Châu Âu sẽ dính đòn nếu đất nước này rơi vào tình trạng phá sản khi đó châu Âu không còn giữ được biên giới và kiềm chế được làn sóng người tị nạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.