Vào nội dung chính
INTERNET - CÔNG NGHỆ

Nghiện Internet, sống ảo và "quên" sống thật

Hoàng tử nhỏ (Petit Prince) từng ước « nếu có 53 phút, tôi sẽ chậm rãi bước về phía đài phun nước ». Nếu cũng phải làm việc tương tự, con người ngày nay chắc hẳn sẽ liên tục dừng lại để chụp ảnh, « up » lên mạng xã hội Instagram hoặc chia sẻ trên Twitter, thậm chí còn tìm trên Internet thông tin về đài phun nước đó. Hiện tượng khó lòng cắt đứt với Internet trong thời hiện đại được Libération đề cập trong 6 trang đầu của số ra ngày 14/08/2018.

Logo của GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon).
Logo của GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon). Damien MEYER / AFP
Quảng cáo

Kết nối mọi lúc mọi nơi không chỉ còn là trào lưu, mà đã trở thành cách sống. Bài xã luận của Libération cho rằng điều này vừa đáng lo ngại, vừa không. Có, vì các cuộc họp trở nên khó chịu - đến 90% người tham gia họp dán mắt vào điện thoại thông minh ; cả toa tầu điện đầy người mà không ai nhìn nhau ; trẻ em thời công nghệ có khả năng vừa chơi điện tử, vừa chat trên Whatsapp. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng không đáng lo cho lắm, vì con người chưa bao giờ đọc nhiều như vậy ; bộ não không ngừng phân loại thông tin tốt-xấu, bỏ thông tin này, giữ thông tin kia.

Hậu quả của nghiện Internet và mạng xã hội

Nghiện Internet và bỏ quá nhiều thời gian lướt nét để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tâm lý. Libération dẫn trường hợp một nhà báo : « Tôi từng kết nối Internet từ 5 giờ sáng đến nửa đêm », từ truy cập các mạng xã hội, nhận tin mới… Thêm vào đó là áp lực công việc và những lời chỉ trích trên các mạng xã hội hay blog. Hậu quả là nhà báo này phải nghỉ việc gần hai tháng để điều trị tâm lý và các triệu chứng đau bụng, đau lưng, không còn khả năng làm việc.

Tương tự, Thierry Crouzet, một tác giả người Pháp, từng tin rằng « một công cụ được quản lý một cách phi tập trung, như Internet, sẽ đủ để thúc đẩy một xã hội phi tập trung và cởi mở hơn, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Ngày nay, con người bắt đầu nghi ngờ Internet hơn và họ có lý ». Khi Thierry Crouzet cai Internet vào năm 2011, ông ngủ ngon hơn, khỏe hơn mà không cảm thấy thiếu Internet.

Giải độc kỹ thuật số

Theo một thống kê gần đây, khoảng 26% người trưởng thành ở Mỹ « gần như liên tục » truy cập Internet, cao hơn con số 21% cách nay ba năm. Chính các tập đoàn lớn GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) bắt đầu tự điều chỉnh bằng cách triển khai các ý tưởng làm chủ thời gian truy cập nội dung và các ứng dụng kỹ thuật số.

Ví dụ, vào tháng 06/2018, iPhone có phiên bản iOS12 mới, gồm nhiều lựa chọn cho phép người sử dụng « hạn chế giải trí, tập trung tốt hơn và hiểu cách bỏ thời gian sử dụng điện thoại như thế nào ». Đến tháng 09/2018, khách hàng của Apple sẽ có thể tự hạn chế thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, quá thời hạn đó, họ không thể truy cập được nữa. Họ cũng có thể nhận được tổng kết hàng tuần về thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, số lượng tin mới nhận, và số lần cầm điện thoại.

Tương tự, khách hàng của Google cũng được trang bị thống kê về thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, số lần khóa điện thoại hàng ngày và số tin mới nhận. Facebook cũng muốn hướng đến « thời gian tích cực » của người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này, thay vì « bỏ bao nhiêu thời gian » lướt Facebook.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giảng viên Nikos Smyrnaios, đại học Toulouse III,  giống như cuộc chiến chống thuốc lá, « lời đáp trả là những loại thuốc lá nhẹ, mà không hề thay đổi về bản chất. Các tập đoàn công nghệ lớn cũng làm tương tự để tránh bị áp đặt bởi một khuôn pháp lý ràng buộc hơn ».

« Cai » Internet

Khi lên cơn nghiện internet, người sử dụng khó lòng thoát khỏi cơn thèm và tự cai được. Nhiều người khá giả sẵn sàng chi tiền để được cai Internet, nhờ đó mà nhiều ngành kinh doanh phất lên.

Từ năm 2014, ngày càng có nhiều khách sạn hay phòng du lịch trong nhà dân ở Pháp đưa ra chương trình « giải độc kỹ thuật số », không màn hình, không Internet để thu hút lượng khách hàng thường là doanh nhân và ít chú ý đến giá thuê. Ví dụ, với giá từ 210 đến 448 euro/đêm, nhiều khách sạn giữ điện thoại thông minh của khách hàng, thay vào đó là điện thoại không kết nối Internet như Nokia 3310, Sony Ericsson. Chương trình tivi được thay bằng một kênh nhạc thiền duy nhất để giúp khách hàng tĩnh dưỡng ; thay vì bỏ thời gian lướt internet, họ được mát xa bằng mật ong và đọc tạp chí giấy thay vì tạp chí điện tử…

Libération kết luận, ngành kinh doanh cắt đứt Internet vẫn còn tương lai xán lạn trước mắt.

Thổ Nhĩ Kỳ : Khủng hoảng tiền tệ, nguy cơ lây lan

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nạn nhân trong căng thẳng ngoại giao giữa Ankara và Washington. Lời kêu gọi người dân tham gia « cuộc đấu tranh quốc gia » chống lại « cuộc chiến kinh tế » nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ mà tổng thống Erdogan kêu gọi từ thứ Sáu 10/08 dường như không mang lại kết quả. Cơn bão tài chính không chỉ tác động đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn có nguy cơ lan sang các nước khác. Đây là chủ đề được tất cả các nhật báo Pháp đề cập.

Le Figaro đặt câu hỏi trên trang nhất : « Liệu có phải lo lắng về cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ không ? ». Với Les Echos, « cuộc khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ : nỗi lo lây lan ». Kế hoạch cứu đồng lira được chính phủ và ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm 13/08 không đủ để trấn an sự nghi ngờ của các thị trường đối với đồng lira. Ankara đồng thời lên án Mỹ « đâm sau lưng » đồng minh.

La Croix cho biết « Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách bảo vệ đồng tiền » : xét lại tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm tránh mọi vấn đề về tiền mặt ; bơm thêm nhiều tỉ đô là tiền mặt vào hệ thống tài chính ; không tăng tỉ lệ lãi suất dù lạm phát đạt đến gần 16%. Kinh tế gia Philippe Waechter, thuộc Ostrum Asset Management, đánh giá « các biện pháp này sẽ không đủ để thay đổi lâu dài nhận định của các nhà đầu tư đối với tình hình kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ ».

Theo Le Figaro, các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nước Nam Âu có nguy cơ bị tác động nhất do tiền của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá và nền kinh tế nước này bị suy giảm, trong bối cảnh tổng thống Erdogan « gặp khó khăn trong việc xóa cuộc khủng hoảng đồng lira ».

Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ, căng thẳng ngoại giao với đồng minh Mỹ trong khối NATO, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đi tìm « những đồng minh mới ». Theo nhận định của Le Monde, « Ngày càng bị cô lập, Erdogan dựa vào Putin ». Thực vậy, việc duy trì tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria còn phụ thuộc vào mong muốn của Matxcơva. Trong bối cảnh này, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến Ankara trong hai ngày 13 và 14/08.

Bắc Triều Tiên : Lời hứa tại thượng đỉnh Kim-Trump có được tôn trọng ?

Thời sự châu Á được La Croix đề cập trong bài phỏng vấn giáo sư Barthélémy Courmont, thuộc đại học công giáo Lille, kiêm giám đốc nghiên cứu ở Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) : « Những lời hứa tại thượng đỉnh Kim-Trump có được giữ không ? »

Theo giáo sư Courmont, Bình Nhưỡng đã thực hiện một số lời hứa : không thử tên lửa và hạt nhân từ năm ngoái, trao trả hài cốt lính Mỹ, tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ba lần, có thể tổ chức thượng đỉnh ba bên Mỹ-Bắc Triều Tiên-Hàn Quốc vào cuối tháng Chín.

Tuy nhiên, Washington bắt đầu nghi ngờ về thực tâm phi hạt nhân của Bình Nhưỡng. Giáo sư Courmont nhắc lại, điểm trọng tâm trong loạt yêu cầu của Hoa Kỳ là phải có lịch trình cụ thể về việc kiểm tra vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, thanh tra minh bạch về kho vũ khí và khả năng sản xuất của nước này. Phía Mỹ luôn nhấn mạnh đến vấn đề giải trừ hạt nhân, trong khi đây không phải là ưu tiên của Bình Nhưỡng. Chế độ Kim Jong Un muốn được đảm bảo về an ninh và thiết lập quan hệ với Washington trước đã, điều này cho phép họ trở lại cộng đồng quốc tế.

Chính vì vậy, giáo sư Courmont vẫn nghi ngờ về việc hai bên đồng tình với nhau về vấn đề phi hạt nhân hóa. Bắc Triều Tiên tiếp tục các chương trình hiện có và sẽ không dỡ bỏ các khu thử nghiệm. Đây cũng là điểm mà Kim Jong Un không đưa ra bất kỳ cam kết nào trong thượng đỉnh với đồng nhiệm Mỹ tại Singapore.

Dù vậy, thượng đỉnh Kim-Trump đã mang lại một số kết quả nhất định : căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực giảm hẳn, hai miền Triều Tiên khởi động nhanh chóng tiến trình xích lại gần nhau. Nếu thật sự diễn ra, dĩ nhiên Trung Quốc sẽ có mặt, thượng đỉnh ba bên Mỹ-Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên sẽ vượt qua được thách thức hạt nhân để bàn về an ninh, và biết đâu sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Thói quen ăn uống mới làm xáo trộn ngành công nghiệp thực phẩm

Trở lại trang nhất của Le Monde, tờ báo đề cập đến « Thói quen ăn uống mới làm xáo trộn ngành công nghiệp thực phẩm ».

Thị trường protein thực vật trên thế giới tăng trung bình 5,5% hàng năm. Người Pháp trong độ tuổi 18-35 ngày càng bớt ăn thịt, một phần do tác động của các đoạn video quay trong các lò mổ, một phần do hàm lượng muối nitrit trong thịt nguội, hoặc vi khuẩn Salmonella trong sữa.

Những cách tiêu thụ mới này đã tác động trực tiếp đến các tập đoàn chế biến thực phẩm. Tại Mỹ, khoảng 10 ông chủ tập đoàn lớn đã bị thay thế. Còn tại Pháp, các nhà công nghiệp trong lĩnh vực này đang tìm luồng khí mới với các sản phẩm lành mạnh hơn, ít đường hơn và bio hơn.

Trang nhất các nhật báo

Chủ đề trang nhất của các nhật báo Pháp trung tuần tháng 8 tiếp tục đa dạng và nhẹ nhàng. Le Monde bàn về « Những thói quen ăn uống mới làm xáo trộn ngành công nghiệp thực phẩm ». La Croix nói về « mùa hè, thời điểm của việc làm thêm đầu tiên » của thanh niên. « Các cuộc hành hương Công Giáo lấy lại được tiếng tăm » là chủ đề trên trang nhất của Le Figaro. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đưa chủ đề thời sự quốc tế lên trang nhất : « Khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi lo lây lan ». Libération đăng loạt bài về tình trạng « siêu kết nối internet » và tâm lý muốn giảm bớt phụ thuộc vào màn hình ngày càng rõ nét hơn ở Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.