Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - HOA KỲ - IRAN

Châu Âu nan giải trước đòn trừng phạt Iran của Mỹ

Một loạt các trừng phạt kinh tế Iran của Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay, 07/08/2018, nhằm vào mọi doanh nghiệp tiếp tục duy trì quan hệ làm ăn với Teheran. Để bảo vệ các doanh nghiệp của mình đang hoạt động tại Iran, ngay lập tức Ủy Ban Châu Âu đã lôi công cụ pháp lý cất kho từ 1996, « luật ngăn chặn trừng phạt». Một động thái được cho là mang tính chính trị nhiều hơn hiệu quả thực.

Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini trong một cuộc tranh luận tại Strasbourg về phương thức đối phó với quyết định trừng phạt Iran của Mỹ.
Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini trong một cuộc tranh luận tại Strasbourg về phương thức đối phó với quyết định trừng phạt Iran của Mỹ. FREDERICK FLORIN / AFP
Quảng cáo

Không có chuyện để mặc cho Mỹ hành động khi lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu tại Iran bị thiệt hại. Ngay khi Washington thực thi trừng phạt Iran, Liên hiệp Châu Âu (EU) đã có phản ứng. Trong thông cáo chung với lãnh đạo Ngoại Giao EU Federica Mogherini, ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh, ba nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và cũng là những nước có nhiều doanh nghiệp cắm chân làm ăn tại Iran, đã đồng thanh tuyên bố « kiên quyết bảo vệ các hoạt động kinh tế của châu Âu đã làm ăn hợp pháp với Iran ». Để chứng tỏ không nói suông, Bruxelles kích hoạt luật ngăn chặn trừng phạt.

Động thái của Bruxelles được nhiều quan chức của Liên Hiệp thừa nhận chỉ mang tính biểu tượng, không có hiệu quả kinh tế thực sự. Trên thực tế luật ngăn chặn trừng phạt là văn kiện được xây dựng từ năm 1996 với mục tiêu ban đầu để đối phó với các trừng phạt, cấm vận kinh tế của Mỹ đối với các nước Cuba, Libya và cả Iran. Trong quá khứ, châu Âu đã tìm được thỏa hiệp với Washington cho nên chưa bao giờ phải vận dụng đến bộ luật này, vì thế mà tính hiệu quả của luật cũng chưa hề được kiểm chứng.

Văn kiện luật chủ yếu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Châu Âu hoạt động ở bên ngoài Liên Hiệp chẳng may bị dính vào các trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên tư pháp Mỹ vẫn có thể phong tỏa tài sản hay áp dụng các trừng phạt khác đối với các chi nhánh của công ty liên quan hoạt động trên đất Mỹ. Luật này cũng cấm các doanh nghiệp châu Âu tuân thủ cấm vận Mỹ. Điều này cũng có nghĩa là châu Âu sẽ phải áp dụng trừng phạt chính các công ty của mình khi họ từ bỏ các cam kết với Iran để tránh trừng phạt của Mỹ. Thí dụ cụ thể là trường hợp của các tập đoàn năng lượng Pháp Total và Engie đã phải thoái lui từ sau khi tổng thống Donald Trump thông báo rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng trở lại các trừng phạt Teheran có từ trước 2015.

Một điều khoản khác của « luật ngăn chặn trừng phạt » cho phép các doanh nghiệp Châu Âu kiện những đối tượng, định chế gây thiệt hại cho họ do thực thi trừng phạt của Mỹ. Cụ thể, chẳng hạn một công ty thầu phụ cho Total bị mất hợp đồng tại Iran chỉ vì tập đoàn dầu lửa Pháp rút khỏi, có thể kiện lại Total. Nhưng có công ty nào lại chấp nhận rủi ro trong một vụ kiện cáo không có gì chắc chắn, chỉ mất thời gian và tốn kém tiền bạc như vậy. Một luật sư được nhật báo Le Figaro hôm nay trích dẫn đã khẳng định.

Tóm lại giới luật gia đều nhất trí cho rằng « luật ngăn chặn trừng phạt » của châu Âu không có giá trị bảo vệ được công ty nào mà chỉ mang tính biểu tượng chính trị.

Trong bối cảnh bế tắc đó, có những biện pháp hỗ trợ vật chất cũng được gợi ra. Thí dụ, Paris đề nghị các nước thành viên EU đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp bị dính trừng phạt của Mỹ. Giải pháp này cũng không khả thi vì việc giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Iran lại đụng chạm đến việc sử dụng đến đồng đô la. Ủy ban Châu Âu đã cho phép Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu (BEI) làm ăn tại Iran, nhưng bản thân ngân hàng này đã từ chối. BEI chủ yếu giao dịch bằng đồng đô la, không muốn mắc vào trừng phạt của Washington trong khi hệ thống tài chính Mỹ rất mạnh bao trùm hầu khắp mọi hoạt động ngân hàng trên khắp thế giới.

Theo giới chuyên gia, luật phong tỏa của châu Âu chỉ có tác dụng phần nào đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn các tập đoàn lớn thì gần như vô ích. Giải pháp tốt nhất cho các tập đoàn, đại công ty là thương lượng tìm kiếm thỏa hiệp để được Mỹ cho quyền đặc cách hay miễn trừ theo cách nào đó. Tháng trước, Pháp, Đức và Anh đã thử đề xuất với Washington nhưng đều vấp phải lời từ chối thẳng thừng của tổng thống Donald Trump.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều công ty lớn của Châu Âu, ban đầu nhanh chân có mặt ở Iran nay đang khẩn trương rút ra, đành chấp nhận thua lỗ để bảo toàn về lâu dài hơn là bị dính vào các đòn trừng phạt của Mỹ, sẽ còn nặng nề hơn trong loạt áp dụng thứ hai vào tháng 11 tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.