Vào nội dung chính
MỸ - IRAN - TRỪNG PHẠT

Mỹ thông báo một loạt các biện pháp mới trừng phạt Iran

Mỹ siết chặt gọng kềm nền kinh tế Iran. Đợt thứ nhất trong lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào Iran có hiệu lực kể từ 4 giờ sáng, giờ quốc tế ngày 07/08/2018. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, các bên sẽ phải "tôn trọng" quyết định của Washington sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran.

Nhập khẩu máy bay nằm trong đợt trừng phạt đầu tiên của chính quyền Mỹ đối với Iran, có hiệu lực từ ngày 07/08/2018. Ảnh minh họa.
Nhập khẩu máy bay nằm trong đợt trừng phạt đầu tiên của chính quyền Mỹ đối với Iran, có hiệu lực từ ngày 07/08/2018. Ảnh minh họa. REUTERS/Regis Duvignau/File Photo
Quảng cáo

Trên đường từ Indonesia trở về Mỹ sau chuyến công tác dài ngày tại Đông Nam Á, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Nhà Trắng chuẩn bị công bố một cách chi tiết những biện pháp trừng phạt Iran. Đây là đợt trừng phạt đầu tiên kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận Vienna, ký kết vào tháng 7/2015.

Ngày 08/05/2018, chính quyền Trump đánh giá Teheran không tôn trọng hiệp định hạt nhân đã ký kết với 5 thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức. Trên cơ sở này, Washington thông báo áp dụng trở lại hàng loạt các biện pháp cấm vận kinh tế Iran. Mỹ chủ trương "gây áp lực tối đa" cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế để buộc Iran vĩnh viễn từ bỏ tham vọng chế tạo bom nguyên tử.

Theo tiết lộ của báo chí, chính sách cấm vận của Mỹ nhắm vào Iran, ở giai đầu, liên quan đến các khoản giao dịch tài chính của Iran được thanh toán bằng đồng đô la, các hoạt động mua bán vàng và kim loại quý, than đá và kể cả ngành công nghiệp xe hơi, các hợp đồng mua bán máy bay của Iran. Đợt trừng phạt thứ nhì sẽ có hiệu lực vào ngày 04/11/2018 và chủ yếu nhắm vào lĩnh vực dầu khí, cột trụ của kinh tế Iran.

Việc chính quyền Trump lại trừng phạt Iran càng đè nặng lên các hoạt động kinh tế của nước này trong bối cảnh đồng tiền Iran tuột giá, lạm phát leo thang, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng, những khó khăn kinh tế có nguy cơ đe dọa ổn định chính trị tại Teheran.

Iran bắt phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương

Trước tình hình căng thẳng nói trên, ngày 05/08/2018 chính quyền Iran thông báo đã bắt giữ phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương, người đã đề xuất chính sách hối đoái cứng nhắc, dẫn tới hiện tượng đầu cơ gây, khiến tình hình thêm nghiêm trọng.

Thông tín viên RFI Shiavos Ghazi từ thủ đô Teheran giải thích thêm :

"Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Iran, Ahmad Araghchi, đã bị bắt cùng với bốn nghi phạm. Những người này bị cáo buộc đầu cơ hối đoái. Phát ngôn viên của bộ Tư Pháp Iran, Gholam Hossein Ejeie, cho biết như trên. Ông Ahmad Araghchi là cháu trai của phó ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, một trong những nhân vật chủ chốt trong quá trình đàm phán hạt nhân Iran với các cường quốc trên thế giới.

Cách nay vài ngày, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Iran bị cách chức sau khi định chế tài chính này có giám đốc mới. Trong những tuần lễ vừa qua, đã có nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách tài chính của Iran. Thật vậy, đồng rial đã mất giá mạnh so với đô la. Hồi tháng 3/2018, một đô la đổi lấy 50.000 rial. Hiện tại tỷ giá hối đoái giữa hai đơn vị tiền tệ này đã được nhân lên ít nhất là gấp đôi (tức là phải mất hơn 100.000 rial mới mua được một đô la).

Đơn vị tiền tệ Iran mất giá do Mỹ áp dụng trở lại chính sách trừng phạt Teheran kể từ đêm nay, kèm theo đó là nhiều mối lo ngại kinh tế Iran xấu đi.

Nhiều chuyên gia chỉ trích chính sách tiền tệ của chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương. Các biện pháp này đã dẫn tới một loạt các vụ đầu cơ trên thị trường. Nhiều quan chức bị nghi ngờ tham nhũng vì lợi dụng khác biệt về tỷ giá hối đoái của đồng đô la.

Chính quyền Iran thông báo là sẽ trừng phạt những kẻ đầu cơ và những ai đã lợi dụng tình hình để làm giàu".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.