Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Bê bối tình dục : « Tảng băng chìm » tại các tổ chức nhân đạo

Đăng ngày:

Ngày 29/05/2018, báo chí Pháp trích dẫn nhật báo The Times của Anh Quốc cho biết Ủy ban phát triển quốc tế của Hạ Viện Anh đang nghiên cứu kết quả một báo cáo mật hồi năm 2001 của Liên Hiệp Quốc, theo đó 67 nhân viên của 15 tổ chức phi chính phủ, trong đó có cả các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, có dính dáng tới các vụ « dùng thực phẩm đổi lấy quan hệ tình dục » với các bé gái và phụ nữ tại 3 nước châu Phi - nơi họ triển khai công tác cứu trợ nhân đạo. Một vài người đã bị sa thải, tuy nhiên, cả 67 người này đều không bị xét xử trước pháp luật.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam
Tổ chức phi chính phủ Oxfam REUTERS/Andres Martinez Casares
Quảng cáo

Tài liệu mật 84 trang cho Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc do một nhóm chuyên gia biên soạn sau các buổi trao đổi với 1.500 người trong các trại tị nạn tại Guinée, Liberia và Sierra Leone. Dân biểu đảng bảo thủ Pauline Latham, phát biểu với The Times là tài liệu mật của Liên Hiệp Quốc cho thấy « lĩnh vực cứu trợ nhân đạo có vấn đề trong suốt nhiều năm và không thể tự giải quyết nổi và đã tới lúc cải cách lĩnh vực này ». Theo báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc, việc nhân viên các tổ chức phi chính phủ dùng thực phẩm, chất đốt và các sự trợ giúp nhân đạo làm công cụ để đổi lấy quan hệ thể xác với những người trong cơn khốn khó không phải là chuyện hiếm thấy.

Thực ra, vào ngày 28/02/2002, nhật báo Le Monde của Pháp đã nhắc tới báo cáo này, theo đó trẻ em trong các trại tị nạn tạiGuinée, Liberia và Sierra Leone đều nói với các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc là mỗi em biết ít nhất một bạn là nạn nhân của nạn « Tình dục đổi lấy thực phẩm ». Tất cả các em đều hiểu rằng cách duy nhất để có thực phẩm, được đi học, có việc làm trong trại tị nạn … là phải quan hệ tình dục với một nhân viên nào đó của các tổ chức phi chính phủ.

Một phụ nữ ở Liberia giải thích với nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc : « Ở đây, không có tình dục thì chúng tôi không thể có một khẩu phần dinh dưỡng. Họ (nhân viên của các tổ chức nhân đạo) nói với chúng tôi : 1 lần quan hệ tình dục để đổi lấy 1 kg (thực phẩm) ». Một phụ nữ khác tại Guinée nói : « Nếu quý vị thấy một bé gái đang đi, đầu đội một bọc ni lông đựng thực phẩm, thì quý vị hiểu bằng cách nào cô bé ấy có được những thứ đó rồi đấy ! » Còn một thiếu nữ ở Liberia chia sẻ : « Rất khó để thoát khỏi cái bẫy của những người này. Họ dùng thực phẩm làm mồi nhử buộc chúng tôi quan hệ tình dục với họ ! »

Cuộc điều tra của Hạ Viện Anh về báo cáo mật hồi năm 2001 của Liên Hiệp Quốc liên quan tới vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em của nhân viên cứu trợ phi chính phủ tại châu Phi được thực hiện sau khi báo The Times có bài tiết lộ gây rúng động hôm 08/02/2018 về vụ lãnh đạo cấp cao của tổ chức phi chính phủ Oxfam có quan hệ tình dục với gái mại dâm hồi năm 2011, trong bối cảnh quốc gia châu Phi trước đó một năm phải hứng chịu thảm cảnh động đất kinh hoàng khiến 300.000 người thiệt mạng, chừng đó người bị thương và 1.2 triệu người mất nhà cửa.

Cụ thể là vào năm 2011, ông Roland Van Hauwermeiren, giám đốc Oxfam tại Haiti đã tổ chức một bữa tiệc tình dục thác loạn với nhiều gái mại dâm ngay tại trụ sở của Oxfam tại quốc gia này. Sau một cuộc điều tra nội bộ của Oxfam, Roland Van Hauwermeiren từ chức « êm thấm » và sau đó được tuyển dụng vào tổ chức Pháp « Action contre la faim » (Hành động chống nạn đói) từ năm 2012 đến năm 2014 và được giao phụ trách một nhóm công tác tại Bangladesh. Tổ chức « Hành động chống nạn đói » giải thích là họ không hề nhận được bất cứ cảnh báo nào của các cơ quan cũ của Roland Van Hauwermeiren, kể cả Oxfam, về việc người này có hành vi không phù hợp hoặc có hành vi lạm dụng tình dục ở địa bàn hoạt động.

Sau khi The Times khui ra các vụ bê bối tại Oxfam, Haiti, nhiều nhân viên Oxfam ở Tchad, Nam Soudan và Liberia đã tố cáo nhiều vụ việc tương tự. Ngày 27/02/2018, đài BBC tiết lộ nhiều nhân viên của các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc và các tổ chức từ thiện quốc tế cũng có hành vi lạm dụng tình dục dân bản địa ở Syria, nơi chiến tranh tàn phá suốt 7 năm qua.

Báo Pháp Libération ngày 20/05/2018 đã đăng loạt bài điều tra về nạn quấy nhiễu, lạm dụng tình dụng tại các tổ chức phi chính phủ. Libération tổng hợp lời kể của nhiều nhân chứng là nhân viên của các tổ chức này theo đó vụ bê bối tình dục 2011 của giám đốc Oxfam tại Haiti không phải là trường hợp cá biệt, họ đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp nam thường xuyên dẫn gái mại dâm về phòng ngủ trong khu vực nhà ở dành cho nhân viên của tổ chức, cho dù về mặt nguyên tắc, đa phần các tổ chức nhân đạo cấm mối quan hệ kiểu này.

Libération cho biết các tổ chức phi chính phủ có tiếng tăm như Hồng Thập Tự, Y Sĩ Không Biên Giới … đều ghi nhận các trường hợp sai phạm của nhân viên của họ tại địa bàn hoạt động. Trong vòng 4 năm qua, Solidarité Internationale - tổ chức Đoàn Kết Quốc Tế của Pháp, có 2.000 nhân viên trên toàn thế giới, ghi nhận 97 vụ hành xử trái đạo đức - tham nhũng, lạm dụng quyền hành, lạm dụng tình dục, phân biệt đối xử, trong đó 18 vụ quấy rối, lạm dụng, khai thác tình dục, 16 nhân viên bị sa thải vì những tai tiếng tình dục.

Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, với 40.000 nhân viên thường trực, chỉ riêng năm 2017 đã nhận được 124 thư phản ánh, trong đó có 24 trường hợp liên quan tới quấy rối, lạm dụng tình dục và đã sa thải 19 người. Trả lời phỏng vấn của báo Libération, ông Thierry Allafort-Duverger, tổng giám đốc tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, chi nhánh Pháp cho biết :

« Tôi đã từng nhiều lần sa thải các nhân viên có cách hành xử sai lệch với những người được cứu trợ (…) Điều khó nhất là giúp đỡ để mọi người kể hết những gì đã diễn ra. Công tác của chúng tôi thường được triển khai ở những khu vực có điều kiện tồi tệ, mọi người, nhất là những người được hưởng trợ giúp thường lo sợ bị trả thù nếu họ kể mọi chuyện ». Họ cũng không dám tố cáo vụ việc ra trước pháp luật vì sợ « bị mang tiếng cả đời ».

Trong khi đó, ông Kevin Watkins, tổng giám đốc tổ chức Save the Children, từng là nhân viên của Oxfam, đã phát biểu trước một Ủy ban của Quốc Hội Anh Quốc hôm 27/02/2018 : « Đó không phải là chuyện « con sâu làm rầu nồi canh », mà là một vấn đề có thực mà mang tính hệ thống ». Nhiều người đặt câu hỏi tại sao những vụ lạm dụng tình dục trẻ em và phụ nữ lại có thể xảy ra trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, từ thiện. Tại sao vấn nạn này cứ dai dẳng từ bao năm qua ?

Một trong nhiều lý do, theo bà Danielle Spencer, cố vấn của nhiều tổ chức phi chính phủ về chống bạo hành phụ nữ, bảo vệ trẻ em và người tị nạn, là sự thiếu nghiêm khắc của các tổ chức phi chính phủ khi giải quyết các vụ tai tiếng tình dục do nhân viên gây ra. Tác giả công trình nghiên cứu « Quấy rối, lạm dụng và khai thác tình dục trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo (2016), than phiền : « Các sai phạm về tài chính còn bị xử phạt nghiêm khắc hơn là việc quấy rối, lạm dụng tình dục ».

Trên thực tế, vị thế không cân xứng giữa nhân viên các tổ chức phi chính phủ và những người đang trong hoạn nạn đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự lạm dụng tình dục. Ông Mike Jennings, giám đốc nghiên cứu về phát triển tại cơ quan nghiên cứu về phương Đông và châu Phi tại Luân Đôn giải thích : « Có những người trong hoàn cảnh rất khó khăn, thường thì họ đã mất mọi thứ. Bên cạnh đó lại là những người có nguồn lực, phương tiện tài chính. Chính điều này cho họ quyền lực ».

Thêm vào đó, trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo, các chuyến công tác ngắn ngày, việc nhân viên thường xuyên phải chuyển địa bàn hoạt động cũng khiến nạn khai thác tình dụng, cho dù là trái đạo đức, có cơ hội hoành hành lâu dài và ngày càng lan rộng. Chuyên gia Danielle Spencer nhận định rằng lĩnh vực cứu trợ nhân đạo là mảnh đất màu mỡ, mang lại nhiều cơ hội cho những người mà bà gọi là « những kẻ đi săn mồi ».

Trong quá trình điều tra về việc nhân viên các tổ chức phi chính phủ lợi dụng điều kiện để khai thác tình dục phụ nữ và các bé gái ở nước bản xứ, bà Danielle Spencer vô cùng ngạc nhiên phát hiện thêm rằng hiện tượng quấy rối, tấn công tình dục các đồng nghiệp nữ xảy ra rất nhiều trong nội bộ các tổ chức này.

Trong loạt bài phóng sự, báo Libération cũng trích dẫn nhiều phụ nữ làm việc tại các tổ chức phi chính phủ đã từng bị đồng nghiệp quấy rối tình dục. Điều phi lý là khi các nạn nhân tố cáo hành vi không đúng mực của các đồng nghiệp nam, họ lại bị cấp trên nghi ngờ là do ăn mặc hở hang, hoặc cố ý khêu gợi, hoặc là họ đang nghiêm trọng hóa vấn đề mà thôi, thậm chí nhiều nạn nhân sau đó bị cho thôi việc, còn những nhân viên quấy rối tình dục thì lại « bình yên vô sự », cùng lắm là bị thuyên chuyển công tác, rồi sau đólại có cơ hội quấy rối, lạm dụng tình dục các đồng nghiệp mới. Điều này khiến các nạn nhân vô cùng bất mãn.

Qaun hệ tình dục trẻ vị thành niên, gái mại dâm, quấy rối, tấn công tình dục đồng nghiệp, … những vấn nạn này để lại nhiều hậu quả, không chỉ cho phụ nữ, trẻ em mà còn làm xấu đi hình ảnh của các tổ chức nhân đạo. Người phụ trách một nhóm công tác thuộc một tổ chức quốc tế về xử lý khủng hoảng nhân đạo than phiền và cảnh báo : « Làm sao người ta có thể làm nghề này trong khi chính bản thân họ lại có những cách hành xử không thể chấp nhận được ? (…) Hệ luỵ sẽ rất lớn với nhiều tổ chức. Hình ảnh của chúng tôi sẽ xấu đi, trong đi đó là điều thiết yếu để đảm bảo có được niềm tin của người dân các nước cần được cứu trợ. Đó là chìa khóa của sự an toàn của chúng tôi và sự thành công trong công việc của chúng tôi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.