Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN

Trump gây khẩu chiến với Iran để đánh lạc hướng công luận?

Twitter phải chăng là mặt trận mới trong cuộc đọ sức Mỹ và Iran ? Sau khi rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, gây áp lực với cộng đồng quốc tế để gia tăng các biện pháp trừng phạt Teheran, công khai tuyên bố là nước Mỹ sát cánh với đối lập Iran, tổng thống Trump lại mở chiến dịch công kích đồng nhiệm Rohani với mức độ gay gắt hiếm thấy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và bản tuyên bố ý định rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran (JCPOA) ký tại Nhà Trắng ngày 08/05/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và bản tuyên bố ý định rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran (JCPOA) ký tại Nhà Trắng ngày 08/05/2018. REUTERS/Jonathan Ernst/File Photo
Quảng cáo

Tại sao Nhà Trắng lại chĩa mũi dùi vào Iran trong thời điểm này ? Tất cả bắt nguồn từ việc tổng thống Iran, Hassan Rohani, cách nay hai ngày, cảnh cáo Washington không nên vuốt râu hùm, bởi một cuộc xung đột với Teheran sẽ là "một cuộc đấu quyết tử". Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến Donald Trump nổi cơn thịnh nộ và điều ấy đã được thể hiện qua tin nhắn chủ nhân Nhà Trắng bắn đi vào lúc 1 giờ sáng ngày 23/07/2018 giờ Washington khi vừa kết thúc 2 ngày nghỉ cuối tuần ở New Jersey.

Lời lẽ mạnh mẽ của nguyên thủ Mỹ đã được thủ tướng Israel, kẻ thù không đội trời chung của Iran tán đồng. Phát ngôn viên Nhà Trắng giải thích tổng thống Trump lên giọng với Iran với mục đích tối hậu là bảo đảm rằng, Teheran không bao giờ có được vũ khí nguyên tử, bảo đảm an ninh cho người dân Hoa Kỳ.

Iran, dư âm từ thượng đỉnh Helsinki ?

Luận điểm này không mấy thuyết phục giới phân tích. Một số cho rằng, Donald Trump đang bị cả bên đảng Dân Chủ đối lập lẫn đảng Cộng Hòa công kích mạnh mẽ về thái độ mềm yếu của tại thượng đỉnh Helsinki với nguyên thủ Nga, Vladimir Putin, cho nên đã bày kế đánh lạc hướng dư luận Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 16/07/2018 tại thủ đô Phần Lan, tổng thống Trump đứng bên cạnh ông Putin đã tuyên bố "không có lý do gì" để nghĩ là Nga đã thao túng bầu cử Mỹ. Lãnh đạo Nhà Trắng mặc nhiên tỏ ra tin tưởng hơn vào lời nói của tổng thống Nga, một cựu trùm mật vụ KGB hơn là vào các cơ quan tình báo và an ninh Hoa Kỳ.

Một nhà cựu ngoại giao Mỹ, Aaron David Miller, từng phục vụ nhiều chính quyền thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đánh giá : "Phẫn nộ vì bị chỉ trích trong quan hệ với Nga, bức xúc vì hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên không đem lại những kết quả cụ thể, Donald Trump chuyển hướng tấn công sang Iran, vừa để phô trương cơ bắp với Teheran vừa để thu hút chú ý của công luận vào một chủ đề khác". Có điều, như ghi nhận của nhà ngoại giao Miller, lời lẽ đao to búa lớn của Donald Trump vừa "rỗng tuếch, vừa nực cười". Nguy hiểm hơn nữa, đây là bằng chứng cho thấy "Hoa Kỳ không có được một chính sách trên hồ sơ Iran".

Cũng có tiếng nói cho rằng, động thái của tổng thống Mỹ chủ yếu nhằm đánh lạc hướng công tố viên đặc biệt Robert Mueller người đang điều tra về nghi án Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và sự can thiệp đó có lợi cho ứng cử viên Trump.

Hù dọa Iran, chiến thuật mặc cả ?

Bên cạnh yếu tố Nga, giới phân tích không loại trừ khả năng, cuộc khẩu chiến trên mạng Twitter giữa Mỹ và Iran nằm trong chiến lược mặc cả của Donald Trump. Washington gia tăng áp lực nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Sau khi đơn phương rút khỏi hiệp định Vienna vào tháng 5/2018, Hoa Kỳ liên tục hù dọa các tập đoàn nước ngoài muốn giao thương với nước Cộng Hòa Hồi Giáo này, sử dụng lá bài dầu hỏa để bóp ngạt kinh tế Iran gây khó khăn cho chính quyền của tổng thống Rohani thuộc phe cải tổ.... Tuần trước, ngoại trưởng Mike Pompeo nhập cuộc, khi gọi chính quyền ở Teheran là một nhà nước Mafia, hốt bạc của dân để làm giàu. Washington cùng lúc sử dụng lại một công cụ của thời chiến tranh lạnh, khi thông báo sẽ tăng cường một mạng lưới truyền thông bằng tiếng Ba Tư để những tiếng nói đối lập ở Iran biết rằng, nước Mỹ sát cánh với họ. Nhưng cũng các chuyên gia Hoa Kỳ không mấy tin rằng, chính quyền Trump muốn lật độ chế độ Iran. Đây chỉ là một đòn hù dọa, tương tự như điều mà Nhà Trắng từng làm đối với Bắc Triều Tiên.

Tháng 9/2017 lần đầu phát biểu tại Đại Hội Đông Liên Hiệp Quốc, Donald Trump từng đe dọa "xóa sổ" Bắc Triều Tiên để rồi, chưa đầy một năm sau đó, tại Singapore, cũng chính ông đã bắt tay Kim Jong Un. Bất chấp hoài nghi của báo giới, tổng thống Mỹ không ngớt lời tuyên bố rằng ông rất hài lòng về những thành quả đã đạt được với người mà ông từng mệnh danh là "Rocket Man".

Ít có nguy cơ nổ ra chiến tranh

Ngần ấy những yếu tố liệu có thể dẫn tới kết luận rằng tổng thống Trump sẽ dừng lại đúng lúc, tức là sẽ tránh lao vào một cuộc xung đột quân sự với Teheran ? Giới phân tích nêu lên tối thiểu hai lý do cho phép lạc quan. Thứ nhất Washington đã rút tỉa được một bài học quý giá từ sau quyết định can thiệp quân sự tại Irak năm 2003, một cuộc chiến quá tốn kém cả về tài chính lẫn nhân mạng với những hậu quả chính trị đi kèm. Thứ hai là xung đột với Iran có nguy cơ đẩy giá dầu hỏa lên cao, tức là sẽ đánh trực tiếp vào mãi lực của người Mỹ, vốn là cử tri mà chính quyền Trump đang muốn làm chiều lòng trước mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ và kể cả trong kịch bản Donald Trump ra tái tranh cử năm 2020.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.