Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - THƯƠNG MẠI

Con thuyền kinh tế với « thuyền trưởng » Hoa Kỳ

Châu Âu và Hoa Kỳ leo thang chiến tranh thương mại, Giông bão tại điện Elysée, và Giả mạo nghiên cứu khoa học nở rộ là những chủ đề chính trên trang nhất các báo Pháp số ra ngày 20/07/2018.

Liên Hiệp Châu Âu thông báo phạt hãng Google 4,34 tỉ euro vì lạm dụng vị thế độc tôn.
Liên Hiệp Châu Âu thông báo phạt hãng Google 4,34 tỉ euro vì lạm dụng vị thế độc tôn. REUTERS/Dado Ruvic/Illustration/File Photo
Quảng cáo

Tổng thống Mỹ ngày hôm qua đã có những lời lẽ nặng nề nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu trên mạng xã hội Twitter là đã « lợi dụng Hoa Kỳ ». Lời chỉ trích này được đưa ra một hôm sau thông báo của Ủy Ban Châu Âu phạt hãng Google 4,34 tỉ euro. Châu Âu cáo buộc tập đoàn Mỹ lạm dụng vị thế thống trị mạng với hệ điều hành Android.

Đây cũng là hành động đáp trả của Liên Hiệp Châu Âu nhằm vào các biện pháp áp thuế của ông Donald Trump đánh vào nhôm và thép nhập khẩu từ Châu Âu. Les Echos ngao ngán chạy tựa « Thương mại : Căng thẳng gia tăng giữa Châu Âu và Hoa Kỳ ». Bởi vì, sau nhôm và thép, nhật báo kinh tế này quan ngại Washington và Bruxelles sẽ lại lao vào một cuộc chiến khác nhắm vào xe ô tô nhập khẩu.

Trump muốn phá tan Liên Hiệp Châu Âu ?

Les Echos lưu ý là châu Âu quyết định phạt Google được đưa ra khi chỉ còn vài ngày nữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker có chuyến công du Washington ngày 25/07/2018 tới đây. Trong bối cảnh này, Le Figaro đặt câu hỏi : Liệu chiến tranh thương mại đã khơi mào ? Từ ngữ nghe có vẻ hơi quá nhưng mối đe dọa là thật. Nếu Trung Quốc là đích ngắm chính, thì các đồng minh Âu-Á của Mỹ cũng không thoát. Và thế là mỗi bên vì lợi ích của mình đã lần lượt đưa ra các biện pháp trả đũa lẫn nhau.

Trả lời câu hỏi của Le Figaro, ông Philippe Martin, chủ tịch Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị cảnh báo ý đồ phá vỡ các nguyên tắc đa phương của tổng thống Mỹ. Về điểm này, bà Agnès Benassy-Quéré, chuyên gia kinh tế và giáo sư đại học Paris-I khẳng định thêm ý muốn ưu tiên quan hệ song phương để đạt được điều kiện tốt nhất. Do vậy, tổng thống Mỹ muốn làm tan rã Liên Hiệp Châu Âu.

Con thuyền kinh tế với « thuyền trưởng » Hoa Kỳ

Chính trong hoàn cảnh này, xã luận của báo Le Figaro cho rằng không ai có thể làm hạ nhiệt căng thẳng bằng chính vị « thuyền trưởng Hoa Kỳ », tựa bài viết. Le Figaro tự hỏi : Liệu có một siêu nhân nào - Batman, Superman hay Spider-man - có thể dập tắt được ngòi nổ Nhà Trắng hay không ? Để rồi nhật báo tự trả lời đừng nên mơ và đời thật cũng không như là trong điện ảnh.

Nhật báo công nhận phản ứng của ông Donald Trump là chính đáng, nhất là đối với Trung Quốc, nhưng chiến lược hàng rào thuế quan của ông vào thời buổi toàn cầu hóa này sẽ chẳng bao giờ cứu nổi các doanh nghiệp cũng như là không tạo ra được việc làm hay làm biến mất thâm hụt mậu dịch.

Ngược lại, đánh thuế trong một thế giới tự do chỉ mang lại thua thiệt. Nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng, do thiếu các dòng sản phẩm thay thế trong nước, dẫn đến lạm phát và tác động sức mua của người tiêu thụ. Leo thang cuộc chiến chỉ làm cho nền kinh tế thế giới trượt đà.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo, xung đột leo thang có thể làm cho việc tạo ra của cải thế giới bị suy giảm mất 0,5%.

Bất chấp chỉ trích của các đảng phái chính trị, chuyên gia kinh tế của Mỹ, biện pháp trả đũa của các đối tác, tổng thống Mỹ dường như không hề có ý định thoái lui. Bởi vì trên thực tế, không ai có thể làm ông e sợ bằng các cử tri của ông. Nếu họ bỏ rơi ông - tiếc thay chưa có điều gì cho thấy như thế - Donald Trump sẽ phải lui bước.

Trong tình thế này, Le Figaro kết luận, siêu nhân duy nhất có thể chấm dứt cuộc chiến, không ai khác là nước Mỹ của chính Donald Trump. Cả thế giới nín thở mong chờ nhưng không chút cơ may hy vọng…

Trung Quốc âm thầm cắm rễ tại châu Phi

Trong lúc Donald Trump và các đồng minh lao vào một cuộc chiến thương mại không biết hồi kết thúc, thì Les Echos nhận thấy « Trung Quốc ngày càng hiện diện khắp nơi tại châu Phi ».

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du châu Phi, sau khi đã qua các nước Vùng Vịnh trước khi đến dự thượng đỉnh khối BRICS (chữ viết tắt của 5 nước Brazil, Russia, India, China, South Africa) tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi ngày 25/07.

Theo Les Echos, không chỉ bị dòm ngó vì nguồn tài nguyên dồi dào, châu Phi còn có một giá trị ngoại giao đối với Trung Quốc. Với con số 55 quốc gia, châu lục đen này luôn là một nguồn trợ giúp hữu dụng. Trung Quốc có thể trông cậy vào những nước này tại Liên Hiệp Quốc để làm rào cản chống các nghị quyết của phương Tây, nhất là trong vấn đề nhân quyền.

Đổi lại, Bắc Kinh tỏ ra rất hào phóng với những nước ở đây vốn dĩ có tỷ lệ mắc nợ tương đối cao. Đương nhiên, kinh tế là ưu tiên số một. Đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã vượt mức 100 tỉ đô la và số lượng doanh nghiệp Trung Quốc tại châu lục đã vượt quá con số 3.000.

Benalla : « Địch » ở trong điện Elysée

Ánh hào quang do đội tuyển Pháp mang về chưa kịp tắt, bão tố bỗng đâu ập xuống điện Elysée. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những ngày vừa qua đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt sau vụ báo Le Monde tiết lộ một người thân cận của ông, tên là Alexandre Benalla, giả danh cảnh sát chống bạo động hành hung một người biểu tình.

Le Figaro cay nghiệt viết rằng « vụ Benalla thảm hại này cho thấy là ông hoàng giao tiếp đã không biết dạy dỗ quân mình. Vì không giải quyết nhanh chóng vấn đề kỷ luật, nên Emmanuel Macron giờ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị ».

Libération gây sốc với hàng tít lớn trên trang nhất « Macron và vụ Benalla, cẩn trọng với khỉ đột Gorila ». Gọi là "Gorila" vì nhân vật này đảm nhận trọng trách bảo vệ an toàn cho tổng thống. Giọng điệu bài xã luận của nhật báo thiên tả cũng không mấy nhẹ nhàng, khi mở đầu bài viết rằng « Manu, sai lầm ngớ ngẩn ! »

« Vết nhòe »

Ngớ ngẩn vì « vụ việc đã khiến cho điện Elysée bối rối », La Croix ghi nhận. Tầm mức của vụ việc không ngừng lan rộng. Mặc dù một cuộc điều tra đã được mở ra, nhưng sự việc này còn để lại những hậu quả chính trị.

Tổng thống Macron đã bị nhiều chính khách và lực lượng an ninh tố cáo đã có thái độ dung dưỡng đối với nhân vật này khi đưa ra các biện pháp trừng phạt quá nhẹ nhàng : Treo việc 15 ngày và cảnh cáo cuối cùng trước khi sa thải, thay vì phải đưa qua tư pháp.

Bài xã luận « Vết nhòe » của La Croix lo lắng đặt câu hỏi : Làm thế nào những người này làm việc cho điện Elysée lại có thể nổi máu hung hăng mà cảnh sát đang làm nhiệm vụ lại không lên tiếng ? Tại sao những biện pháp trừng phạt đầu tiên của điện Elysée lại quá nhẹ như vậy ? Tại sao phải đợi đến khi có đoạn video đó được đăng trên mạng của Le Monde thì tư pháp mới bắt tay vào việc ?

Cuối cùng La Croix cảnh báo, đương nhiên, trong mọi hành lang đều có sự hiện hữu quyền lực của những kẻ đáng ngờ, một thời hữu dụng cho những ai muốn dùng đến, nhưng chẳng chóng thì chày, những quyền lực đó một khi thoát khỏi tầm tay thì sẽ có hại cho mình.

Biển Azov : Điểm căng thẳng mới giữa Nga và Ukraina

Ukraina và Nga không chỉ căng thẳng vì đông Ukraina và Crimée mà còn vì vùng biển Azov, nằm kẹp giữa Ukraina, Nga và vùng Crimée bị sáp nhập.

La Croix cho biết từ nhiều tuần nay, truyền thông Ukraina ầm ĩ tố cáo Nga cho tầu chiến lấn chiếm dần vùng biển nước cạn này (độ sâu trung bình là 13m). Tổng thống Ukraina ngày thứ Ba 17/07/2018 đã phản đối mạnh mẽ tuần duyên « Nga bắt giữ bất hợp pháp tầu chiến Ukraina hay nước ngoài muốn cập cảng Ukraina ».

Biển Azov, được nối với Hắc Hải qua eo biển Kertch giờ đang trở thành một mặt trận xung đột mới giữa Nga và Ukraina sau vụ sáp nhập Crimée năm 2014. Tuy chưa hẳn là đối đầu trực tiếp nhưng việc triển khai hai chiếc tầu phóng tên lửa Nga hồi tháng 6/2018 và thông báo tập trận của Ukraina đã cho thấy hai bên bắt đầu dọ thám lẫn nhau.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Mykhailo Samus, chuyên gia quân sự Ukraina thì điểm đo nhiệt căng thẳng chính là chiếc cầu nối Nga với Crimée. « Cầu Kertch là một công cụ mới cho Nga để kiểm soát lưu thông hàng hải tại vùng biển Azov ».

La Croix nhắc lại, năm 2004, Nga và Ukraina đã ký kết một thỏa thuận xem Azov như là một vùng biển chung giữa hai nước, cho phép tầu thuyền hai bên được lưu thông tự do, nhưng việc sáp nhập Crimée đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo. « Ngày nay, Azov đã nghiễm nhiên trở thành vùng biển bên trong của Nga, họ hoàn toàn tự do đi lại. Nước Nga đã nắm được quyền kiểm soát Azov », theo như khẳng định của ông Igor Delanoe, trợ lý giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga, chuyên gia địa chính trị về Biển Đen.

« Fake Science » nở rộ như tằm ăn dâu

Giới truyền thông có « fake news », giới khoa học không kém cạnh gì cũng có « fake science ». Giới kinh doanh có hàng nhái, hàng giả, khoa học cũng vậy. Nghiên cứu khoa học giả mạo, nhái… đang nở rộ là kết luận của nhóm nhà báo điều tra mang tên « Fake Science » quy tụ 23 hãng truyền thông quốc tế, trong đó có nhiều nhật báo lớn có uy tín của Mỹ (The New Yorker), Đức (Norddeutscher Rundfunk – NDR) hay Pháp (Le Monde).

Theo điều tra của nhóm cộng tác, từ một thập niên nay, hàng chục nhà xuất bản không mấy có cẩn trọng như Omics và Science Domain (Ấn Độ), Waset (Thổ Nhĩ Kỳ) hay như Scientific Research Publishing (Trung Quốc) đã tạo ra hàng trăm tạp chí cho phép truy cập tự do với nội dung rỗng tuếch nhưng lại mang dáng vẻ khoa học thật sự.

Tuy nhiên, những trang báo này không có một ban biên tập, họ thu tiền những người muốn đăng bài với giá vài trăm đô la một bài và nhanh chóng đăng các bài viết mà không kiểm tra. Tương tự cho các hội thảo khoa học thường được chào mời qua thư điện tử, các nhà khoa học đăng ký, đóng phí để trình bày công trình nhưng lại có ít người đến nghe.

Các thông tin phổ biến liên quan đến mọi lĩnh vực từ ủng hộ các loại thuốc, hoạt động phản đối biến đổi khí hậu cho đến chống vac-xin, thậm chí chỉ để đánh bóng bản lý lịch…

Đáng lo nhất là những bài viết được đăng này, cũng được mã số hóa trong các kho dữ liệu khoa học lớn như Web of Science, Scopus hay Google Scholar, những trang web thường hay được cộng đồng khoa học sử dụng.

Theo đánh giá của Clarivate Analytics, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu của Web of Science, « Hậu quả nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến toàn bộ giới khoa học, và nguy cơ dùng đến các dữ liệu giả mạo hay không được kiểm chứng cho công tác nghiên cứu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.