Vào nội dung chính
HOA KỲ - ANH QUỐC

Quan hệ "đặc biệt" Anh - Mỹ đi về đâu khi Donald Trump dồn dập chỉ trích Theresa May ?

Thứ Sáu ngày 13 liệu có là một ngày đen tối cho quan hệ Mỹ - Anh ? Donald Trump và Theresa May cùng làm việc tại khu nhà nghỉ mát của thủ tướng Anh, xa không khí bài Trump của người dân Luân Đôn. Nhưng liệu lãnh đạo hai nước sẽ giải thích với nhau những gì khi Nhà Trắng đã nặng lời chỉ trích số 10 Downing Street về chính sách Brexit của bà May, đồng thời ca ngợi đối thủ chính trị của bà là ông Boris Johnson có thể là một "vị thủ tướng tài giỏi" cho nước Anh ?

Thủ tướng Anh Theresa May đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích nặng lời về chính sách Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích nặng lời về chính sách Brexit. REUTERS/Toby Melville
Quảng cáo

Tháng 01/2017, khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, Theresa May là vị thượng khách đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. Đôi bên từng hy vọng phát triển một mối bang giao mật thiết tương tự như dưới thời Ronald Reagan và Margareth Thatcher. Nhưng kịch bản đó đã vấp phải nhiều trở ngại. Nhất là khi, ngay trong lúc có mặt tại vương quốc Anh, "người bạn Mỹ" của thủ tướng May đã không ngần ngại khai hỏa tấn công Luân Đôn và ông đặc biệt chĩa mũi dùi vào kế hoạch Brexit vừa được bà Theresa May công bố.

Rời thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ở Bruxelles, nguyên thủ Mỹ tuyên bố, ông viếng thăm quê hương của Winston Churchill trong bối cảnh "nước Anh đang khổ tâm" và có ý định gặp riêng Boris Johnson, người vừa từ chức ngoại trưởng do bất đồng với bà May về chính sách Brexit.

Về phần thủ tướng Anh, bà Theresa May đã cố gắng làm vừa lòng một vị khách mời khó tính : thứ nhất bà nhấn mạnh Luân Đôn là một trong số ít các đồng minh của Mỹ trong NATO chấp hành nghiêm chỉnh cam kết đóng góp tài chính cho cỗ máy đồ sộ này. Luân Đôn cũng cam kết tăng quân sang Afghanistan, sát cánh với Hoa Kỳ.

Kế tới, thủ tướng Anh trải thảm đỏ đón tổng thống Mỹ và phu nhân đến tòa lâu đài Blenheim, nơi cố thủ tướng Churchill đã chào đời. Churchill từng có mối quan hệ mật thiết với cố tổng thống Hoa Kỳ Roosvelt và là một biểu tượng mạnh trong quan hệ đồng minh giữa Washington với Luân Đôn. Trong bữa tiệc tối qua, Theresa May đã nhấn mạnh Hoa Kỳ là một người bạn "vừa gần gũi, vừa thân thiết" của nước Anh.

Trong lúc công luận Anh chống đối mạnh mẽ các chính sách của tổng thống Hoa Kỳ với những cuộc biểu tình rầm rộ, thì để tránh cho người bạn Mỹ bị làm phiền, cũng Theresa May mời Donald Trump về làm việc tại khu nhà nghỉ ở đồng quê ... trước khi ông đến điện Windsor, xa thủ đô Luân Đôn, dùng trà với nữ hoàng Anh.

Những nỗ lực đó của thủ tướng May liệu có tiêu tan vì một cuộc trả lời phỏng vấn mà nguyên thủ Mỹ dành cho một tờ báo Luân Đôn ?

Theo chủ nhân Nhà Trắng, bà May nhượng bộ quá nhiều Liên Hiệp Châu Âu trên hồ sơ Brexit. Vào lúc vương quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và cần tìm kiếm một điểm tựa về kinh tế, thương mại thì Donald Trump đã dội cho Luân Đôn một gáo nước lạnh khi tuyên bố thỏa thuận thương mại song phương Anh - Mỹ coi như bị khai tử vì chính sách Brexit của bà May quá "gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu".

Thái độ này trái ngược hoàn toàn so với hồi tháng 11/2016 : Donald Trump, sau khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, từng phấn khởi tuyên bố : Luân Đôn từ bỏ Liên Hiệp Châu Âu, Anh và Mỹ sẽ "rất nhanh chóng" đạt được "một thỏa thuận tuyệt vời" và ông tin tưởng rằng nước Anh sẽ đặt ưu tiên cho quan hệ với Mỹ, hai quốc gia cùng có chủ trương cô lập, sẽ chóng tìm được một ngôn ngữ chung.

Theo giới quan sát, từ đó tới nay, Donald Trump đã thất vọng về chủ trương "mềm yếu" của Theresa May với Bruxelles và nhất là ở cương vị tổng thống, nhà tỷ phú địa ốc New York này mới vỡ lẽ Luân Đôn và Washington không thể đốt gian đoạn, nước Anh chỉ được phép đơn phương đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại sau khi chính thức rời khỏi gia đình châu Âu, tức là phải đợi đến sau tháng 03/2019. Ngoài ra, thì dù muốn hay không thì cả về mặt kinh tế, lẫn quân sự nước Anh vẫn rất cần đến Liên Hiệp Châu Âu.

Bên cạnh thất vọng về vế thương mại, Washington và Luân Đôn còn bất đồng sâu đậm trên nhiều hồ sơ, từ hạt nhân Iran đến sắc lệnh về di trú của tổng thống Trump, hay quyết định của Nhà Trắng dời tòa đại sứ Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem. Gần đây nhất là những lo ngại của chính quyền Anh trước thượng đỉnh Donald Trump -Vladimir Putin sắp mở ra tại Helsinki vào đầu tuần tới, trong bối cảnh Luân Đôn tố cáo Matxcơva đứng đằng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal bằng chất độc Novitchok.

Quan hệ "đặc biệt" - như cố thủ tướng Winston Churchill từng dùng khi nói về bang giao Anh Mỹ - chưa bao giờ bị đặt trước thách thức như dưới thời Donald Trump.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.