Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung : 3 mặt trận của Donald Trump

Ngày 06/07/2018, Mỹ chính thức « khai hỏa » cuộc chiến kinh tế chống Trung Quốc. Trên trang mạng châu Á Asialyst, chuyên gia Jean-Raphaël Chaponnière giới thiệu bài viết « Trung - Mỹ : 3 mặt trận của cuộc chiến kinh tế mà Trump muốn ».

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 10/07/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 10/07/2018. REUTERS/Leah Millis
Quảng cáo

Jean-Raphaël Chaponnière là nghiên cứu gia của Viện châu Á - thế kỷ 21 (Pháp) và thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á. Ông cũng là kinh tế gia thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Pháp, cố vấn kinh tế của đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng tác giả cuốn sách « Những nền kinh tế mới nổi của châu Á : giữa Nhà nước và thị trường ». (Nhà xuất bản Armand Colin, 2014).

Theo tác giả bài viết, cuộc chiến mới nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc là trên mặt trận thương mại, còn trên mặt trận công nghiệp thì cuộc chiến có thể ngày càng trầm trọng. Và cũng có khả năng cuộc chiến sẽ xảy ra trên mặt trận tài chính.

Nếu tình hình không được cải thiện, chiến tranh kinh tế có thể gây những tác động xấu tương tự khủng hoảng toàn cầu 2008. Rất có thể tổng thu nhập quốc nội GDP của cả Mỹ và Trung Quốc đều mất 4 điểm, châu Âu và các nước châu Á khác có thể thiệt hại nhiều hơn một chút. Cuộc chiến cũng ảnh hưởng tới cả hoạt động của các công ty trên toàn cầu.

Mục tiêu của Mỹ trên mặt trận thương mại là gì ?

Năm 2017, trao đổi hàng hóa Mỹ - Trung đạt tổng giá trị 620 tỉ đô la. Thâm hụt thương mại của Mỹ là 384 tỉ đô la, trong khi thặng dư dịch vụ chỉ đạt 38 tỉ đô la. Quan hệ thương mại song phương không chỉ thể hiện ở lượng hàng hóa trao đổi qua biên giới mà liên quan tới hoạt động của các chi nhánh. Tổng doanh số bán hàng của các chi nhánh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc đạt 272 tỉ đô la, cao gần gấp đôi giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.

Ngược lại, doanh thu của các chi nhánh Trung Quốc tại Mỹ chỉ là 10 tỉ đô la. Tính cả doanh số này, Deutsche Bank cho rằng thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đã giảm từ 111 tỉ đô la vào năm 2008 xuống còn 30 tỉ đô la vào năm 2016, trong khi theo Hải quan Mỹ, thâm hụt thương mại tăng từ 271 tỉ đô la lên tới 384 tỉ đô la vào năm 2017.

Cho dù cán cân thương mại đang dần cân bằng trở lại, bất chấp những lời hứa của Bắc Kinh sau mớ bòng bong ZTE, tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn của ông vẫn không « hạ nhiệt ». Nhà Trắng đang « theo đuổi » nhiều mục tiêu khác. Vài tháng trước kỳ bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ, tổng thống Donald Trump muốn chứng tỏ ông giữ lời hứa với cử tri.

Tiếp nối truyền thống của những người tiền nhiệm, từ Reagan tới Georges W.Bush, Obama, ông Trump nâng thuế đối với thép nhập khẩu vào Mỹ. Sự khác biệt là Trung Quốc không phải là nhà cung cấp thép chính của Hoa Kỳ và tổng thống Trump dùng lá bài an ninh quốc gia để tránh không phải thông qua Quốc Hội. Quyết định tăng thuế nhập khẩu thép bị các nhà sản xuất xe hơi chỉ trích nhưng vị tổng thống tỉ phú vẫn dùng an ninh quốc gia làm « lá chắn ».

Mục tiêu thứ hai là các cố vấn của ông Trump muốn ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp Trung Quốc và tiến hành tăng thuế đối với các sản phẩm nằm trong kế hoạch « Sản xuất chế biến tại Trung Quốc 2025 ». Nhưng tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cũng đẩy giá hàng hoá sản xuất tại Mỹ lên cao hơn, tác động tiêu cực tới khả năng mua sắm của người dân Mỹ và khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.

Trên mặt trận công nghiệp, mục tiêu của Mỹ là gì ?

Mục tiêu của các quan chức diều hâu của Nhà Trắng trên mặt trận công nghiệp không chỉ là trừng phạt Trung Quốc. Washington muốn kìm hãm các bước tiến của Bắc Kinh, cản trở việc Trung Quốc đòi chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hay đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Lựa chọn của Mỹ là một sự thay đổi hoàn toàn so với tiến trình toàn cầu hóa.

Nên nhớ rằng Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên đón nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Và chính đầu tư trực tiếp nước ngoài mang tới cho nền công nghiệp Trung Quốc rất nhiều công nghệ. Vào được thị trường Trung Quốc là mơ ước của nhiều tập đoàn nước ngoài, còn Bắc Kinh mở cửa thị trường để đổi lấy công nghệ của các doanh nghiệp này.

Trong nhiều năm, lợi nhuận nếu vào được thị trường Trung Quốc lớn tới mức nhiều tập đoàn nước ngoài chấp nhận chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh. Nhưng từ vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào Trung Quốc. Một trong các mục tiêu của Hoa Kỳ trong việc giảm thuế doanh nghiệp là nhằm hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Theo thăm dò của Phòng Thương Mại Mỹ hồi tháng 12/2017, 6/10 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang muốn rút lui khỏi thị trường Trung Quốc.

Còn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, họ muốn đầu tư ra nước ngoài cũng để tìm kiếm nguồn công nghệ. Từ năm 2014 đến năm 2016, có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ hơn là các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Từ năm 2017, nhất là trong năm 2018, đầu tư vào Mỹ sụt giảm : Bắc Kinh hạn chế cấp giấy phép cho các công ty đầu tư ra nước ngoài vì sợ « chảy máu nguồn vốn ». Sự sụt giảm này phần nào cũng do quan hệ song phương xuống cấp và sự mạnh tay của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Năm 2017, nhà xản xuất General Motors bán được nhiều xe hơi tại thị trường Trung Quốc (4 triệu xe) hơn là ở Mỹ (3 triệu xe). Đối với nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, sự phát triển tại thị trường Trung Quốc còn quan trọng hơn cả ở trong nước. Hơn 700 chi nhánh công ty Mỹ ở Trung Quốc có thể trở thành « con tin » trong cuộc chiến kinh tế giữa hai cường quốc. Khai chiến trên mặt trận công nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Hoa Kỳ, còn hơn cả biện pháp tăng thuế.

Nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi. Đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh, tác động xấu tới kinh tế Trung Quốc, hiện đang chững lại.

Còn trên mặt trận tài chính ?

Trong xung đột với Mỹ, Trung Quốc có hai loại vũ khí khác : tỉ giá đồng nhân dân tệ và trái phiếu Kho bạc Mỹ. Từ năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã tăng giá đồng nhân dân tệ khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới sản xuất những mặt hàng cao cấp hơn. Bị khựng lại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách tăng giá đồng nhân dân tệ lại tiếp tục cho tới năm 2013. Sau nhiều tháng đồng nhân dân tệ giảm giá, Bắc Kinh lại tăng giá đồng tiền của mình.

Trong hai tháng qua, đồng nhân dân tệ bị giảm giá mạnh nhất. Để tránh hiện tượng chảy máu vốn, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã có các biện pháp hạn chế giảm giá đồng tiền quốc gia. Nhưng liệu Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng tiền để bù đắp thiệt hại do Mỹ tăng mức thuế quan nhắm vào hàng Trung Quốc ? Sử dụng loại vũ khí tỉ giá là một lựa chọn nguy hiểm vì có thể gây tác động ngược trở lại đối với lạm phát tại Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ bị Mỹ coi là có hành vi gây chiến.

Trung Quốc hiện vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ, với hơn 1.000 tỉ đô la vào năm 2018. Liệu Bắc Kinh có thể sử dụng vũ khí này để chống Washington ? Việc Bắc Kinh nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ không giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng tới cách Hoa Kỳ quản lý nền kinh tế của mình, vì Bắc Kinh chỉ nắm 5% nợ công của Mỹ, trong khi 70% số nợ nằm trong tay các cơ quan liên bang, trong đó có quỹ an sinh xã hội, các nhà băng, doanh nghiệp và người dân Mỹ. Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ mà họ đang có trong tay, kinh tế Mỹ cũng chẳng vì thế mà khó khăn hơn, trong khi chính nền kinh tế Trung Quốc mới bị ảnh hưởng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.