Vào nội dung chính
PHƯƠNG TÂY - NGA

Phải chăng NATO và Nga cần một hiệp ước an ninh mới ?

Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ngày 11 và 12/07/2018. Thượng đỉnh lần này diễn ra trong không khí đầy bất trắc, với một tổng thống Mỹ đang chủ trương đơn phương xích lại gần Nga, không đếm xỉa đến các đồng minh. Không khí lo ngại xung đột quân sự với Nga đặc biệt ám ảnh Bắc Âu. Trong bối cảnh đó, một số kỳ vọng hướng về Pháp - quốc gia có vị trí đặc biệt trong NATO, tin tưởng đề xuất của Paris về một hiệp ước an ninh mới giữa phương Tây và Matxcơva sẽ mang lại một đột phá.

Bản đồ các thành viên NATO ở châu Âu (màu lam). Màu vàng cam là các nước đối tác của NATO (gồm có Nga).
Bản đồ các thành viên NATO ở châu Âu (màu lam). Màu vàng cam là các nước đối tác của NATO (gồm có Nga). Ảnh : wikipedia
Quảng cáo

Trước hết RFI xin giới thiệu quan điểm của nhà báo Renaud Girard – một chuyên gia về địa chính trị quốc tế - được đăng tải trên Le Figaro hôm nay, 10/07/2018, với tựa đề « NATO : Hướng về một hiệp ước an ninh mới ? ».

Nhà báo Le Figaro gắn liền hai cuộc thượng đỉnh, cuộc thứ nhất là của nội bộ NATO ở Bruxelles với cuộc thứ hai, giữa hai nguyên thủ Mỹ và Nga tại Helsinki (Phần Lan), mà một phần quan trọng sẽ dành cho chủ đề « an ninh tại châu Âu ». Tác giả đặt câu hỏi : Tại sao không nhân cơ hội « thượng đỉnh thứ nhất » để chuẩn bị cho một kế hoạch mà sau đó tổng thống Mỹ sẽ đưa ra thảo luận với đồng nhiệm Nga tại « thượng đỉnh thứ hai » ở Helsinki ?

Nhà báo Le Figaro nêu ra đề xuất trên nhằm đánh động các đối tác NATO, đặc biệt là Pháp, bởi nếu không có các diễn biến bất thường, thượng đỉnh NATO ngày mai, theo ông, ắt hẳn sẽ chỉ là nơi tổng thư ký NATO tiếp tục đưa ra các báo động về những đe dọa tiềm tàng từ nước Nga hung dữ. Và cùng lúc, tổng thống Mỹ sẽ bày tỏ thái độ ngán ngẩm của mình trước việc Washington phải trả tiền để « bảo vệ các đồng minh giàu có châu Âu ». Một điều mà theo ông cũng không khó dự đoán là các nước châu Âu chắc chắn sẽ hứa hẹn đóng góp (1).

Câu ngạn ngữ Latinh « Hãy chuẩn bị chiến tranh, nếu bạn muốn hòa bình » (Si vis pacem, para bellum) ắt hẳn vẫn còn giá trị, và tiếp tục là một phương châm của NATO. Thế nhưng, theo nhà quan sát của Le Figaro, châu Âu và nước Pháp có thể làm hơn.

Đa số hiệp ước an ninh thời Chiến tranh Lạnh hết hiệu lực

Trong bối cảnh phương Tây và Nga đang lâm vào bế tắc trong hàng loạt vấn đề, quan hệ song phương hiện nay được so với thời Chiến tranh Lạnh, nơi căng thẳng leo thang không kiểm soát có thể dẫn đến xung đột, thì rất cần đến một tiếp cận mới. Nhà báo Renaud Girard ghi nhận, một trong các lý do khiến quan hệ phương Tây và Nga hiện nay ở trong tình trạng nguy hiểm là do phần lớn các hiệp ước về an ninh giữa hai bên đã không còn có hiệu lực nữa.

Thời điểm hiện tại có nhiều điểm khá giống với giai đoạn lịch sử cách nay hơn nửa thế kỷ, vào lúc mà Hoa Kỳ và Liên Xô có nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đặt nhân loại trước viễn cảnh hủy diệt. Sau « khủng hoảng tên lửa Cuba » năm 1962, Chiến tranh Lạnh bước sang giai đoạn mới. Wahsington và Matxcơva lập đường điện thoại đỏ, hàng loạt thỏa thuận về an ninh giữa Hoa Kỳ với Liên Xô được ký kết, nhằm tránh xung đột vượt tầm kiềm soát, hãm cường độ chạy đua vũ trang, đồng thời bảo đảm an ninh cho lục địa châu Âu.

Tuy nhiên, phần lớn các hiệp ước được xây dựng trong thời kỳ này đã không còn giá trị.

Để bù lấp khoảng trống này, Pháp, với tư cách là một quốc gia có truyền thống độc lập về chiến lược, có thể đề xuất với các đối tác NATO, tổ chức một hội nghị mới, quy mô lớn, để bàn về an ninh ở châu Âu, nhằm thảo luận về nhiều vấn đề vốn được coi là hết sức nhạy cảm, như « tên lửa tầm trung » (mà Nga đã triển khai trên thực tế tại vùng Kalingrad, nằm lọt thỏm trong lãnh thổ châu Âu) hay vấn đề lá chắn tên lửa của NATO đặt tại Ba Lan, mà bệ phóng cũng có thể được sử dụng cho các tên lửa tầm trung. Hay các vấn đề rất nhạy cảm khác như tình trạng mất cân bằng về lực lượng vũ trang quy ước giữa một số quốc gia, vấn đề tập trận hay chiến tranh mạng…

Ba ưu tiên : Vũ khí quy ước, lá chắn tên lửa và chiến tranh mạng

Renaud Girard nêu ra ba vấn đề cụ thể cần được ưu tiên. Thứ nhất là Hiệp ước Paris về vũ khí quy ước, ký kết tháng 11/1990, đã bị Nga và tiếp theo đó là các nước NATO từ bỏ. Hiệp ước này không còn có ý nghĩa, do việc NATO đã được mở sang các nước vốn thuộc khối Varsava trước đây, do Liên Xô lãnh đạo, rồi sau đó là sang các nước Baltic. Hiệp ước này cần phải được làm lại hoàn toàn.

Vấn đề thứ hai là hiệp ước ABM (Anti-Ballistic Missile Treaty), giới hạn các hệ thống lá chắn chống tên lửa, được Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1972, nhưng chính quyền George W. Bush đã từ bỏ năm 2002. Phương Tây và Nga cần đến một ABM mới.

Vấn đề thứ ba là chiến tranh mạng. Nhiều nước vùng Baltic và Ukraina đã là nạn nhân của Nga. Theo nhà báo Le Figaro, phương Tây và Nga cần đi đến một bộ quy tắc ứng xử, để chấm dứt hoạt động tấn công vào các mạng lưới tin học của nhau.

Tránh để lửa Ukraina lây lan

Phải chăng là « phi lý » khi đề xuất một thỏa thuận về an ninh với Nga, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina năm 2014, với các can thiệp từ Matxcơva, vẫn chưa kết thúc ?

Trả lời cho lo ngại này, nhà báo Le Figaro lưu ý là rất cần phải hành động « bằng mọi giá » để tránh cho khủng hoảng Ukraina lây lan. Và cuộc chiến dai dẳng tại vùng Donbass, đông Ukraina, lại càng cho thấy một thỏa thuận về an ninh mới với Matxcơva là cần thiết.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên : hai lý do khác

Ông Renaud Girard còn nêu ra một lý do chiến lược khác, khiến châu Âu cần kiên quyết đi theo hướng này. Đó là để kéo Nga về phía phương Tây, trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng.

Còn về mặt tình thế cụ thể, theo nhà báo Le Figaro, chính quyền Trump, sau chuyến công du Bắc Triều Tiên của ngoại trưởng Pompeo bị Bình Nhưỡng kịch liệt lên án, đang tỏ ra yếu thế trong hồ sơ hạt nhân Đông Bắc Á. Một hồ sơ mà tổng thống Mỹ từng ca ngợi như là một thắng lợi ngoại giao của Washington. Nếu NATO thống nhất được trong vấn đề an ninh, tổng thống Mỹ sẽ có được lợi thế hơn, trước cuộc đàm phán không dễ dàng với chủ nhân điện Kremlin.

Điểm cuối cùng mà một hiệp ước an ninh mới là điều hoàn toàn khả thi, theo tác giả, đó là vì Nga cũng có nhu cầu cắt giảm ngân sách quân sự.

Bắc Âu lo ngại Nga gây chiến

Trong lúc có chuyên gia muốn hướng đến một thỏa thuận an ninh mới với Nga, coi như một giải pháp đột phá, thì một số khu vực ở châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, ám ảnh về một cuộc chiến với Nga đè nặng. Tuần báo L’Express có bài tổng thuật với tựa đề « Nếu Nga tấn công Bắc Âu… ».

Căng thẳng giữa châu Âu với Nga ở phía nam, nhưng lửa lại có thể tràn về phía bắc, đó là nỗi sợ đang ngày càng ám ảnh Thụy Điển, quốc gia từng tin tưởng vào một nền hòa bình vĩnh viễn, sau khi khối Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh chấm dứt.

Theo L’Express, ngay cả trước cuộc can thiệp Nga tại Ukraina năm 2014, Thụy Điển – quốc gia châu Âu không phải thành viên NATO - đã buộc phải xét lại chiến lược quốc phòng, đặc biệt sau vụ oanh tạc cơ chiến lược Nga xâm nhập không phận Thụy Điển, chuẩn bị cho bài tập giả định về một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại quốc gia Bắc Âu này. Vào thời điểm đó, Thụy Điển – từng có lực lượng không quân đứng hàng thứ tư thế giới những năm 1970 - đã hoàn toàn bị động, vì không hề tính tới một kịch bản như vậy. Bên cạnh đó là các cuộc tập trận quy mô lớn Nga – Belarus, ngay sát vùng biên giới phía tây bắc, được khởi sự từ năm 2009.

Gần đây, Thụy Điển đang nỗ lực xây dựng lại nền quốc phòng, sau một phần tư thế kỷ sao lãng. Tháng 5/2018, thỏa thuận hợp tác quân sự ba nước Thụy Điển - Mỹ và Phần Lan (quốc gia châu Âu không thuộc NATO, được coi là có chính sách trung lập) được ký kết. Thụy Điển cũng ngày có nhiều hoạt động quân sự phối hợp với NATO hơn. Thụy Điển đang nỗ lực phối hợp toàn diện với Phần Lan về mặt quốc phòng để đối phó với Nga. Đầu năm 2018, nhiều người nói đến khả năng Thụy Điển gia nhập NATO.

Ghi chú

(1) Theo một báo cáo thường niên của NATO, năm thành viên NATO (Estonia, Ba Lan, Anh, Hy Lạp và Mỹ) có mức đóng góp 2% GDP cho quốc phòng. Ba nước Latvia, Litva và Rumani sẽ đạt mức này trong năm nay. Pháp đặt mục tiêu đến 2025.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.