Vào nội dung chính
DONALD TRUMP - NATO

NATO trong cơn bấn loạn

Quan hệ khó khăn Âu – Mỹ ngày nay vẫn được các báo Pháp (10/07/2018) tiếp tục bàn đến. Kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, chưa bao giờ khối NATO mà cuộc họp thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 11-12/07 tại Bruxelles lại phải chịu một áp lực lớn như thế từ một tổng thống Mỹ. Về chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích đề tựa « NATO vào thời điểm rạn nứt xuyên Đại Tây Dương ».

Ảnh châm biếm minh họa bài viết Les Echos
Ảnh châm biếm minh họa bài viết Les Echos Ảnh chụp màn hình.
Quảng cáo

Đầu tiên hết, ông Jacques Hubert-Rodier, một cây bút xã luận của Les Echos khẳng định : Ông Donald Trump có ba đối thủ, đó là Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Tổ Chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đặc biệt với khối liên minh quân sự này, tổng thống Mỹ đã không kiệm lời chỉ trích « NATO cũng tồi tệ như là ALENA » (một thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch Bắc Mỹ). Phát biểu này của nhà lãnh đạo cường quốc quân sự hàng đầu thế giới rõ ràng đang đe dọa tính thống nhất của khối.

Bất đồng giữa Mỹ và châu Âu đúng ra cũng không có gì là mới, và Donald Trump cũng chưa phải là vị tổng thống Mỹ đầu tiên có lời chỉ trích các đồng minh. Quả thật, lời trách mắng này của Mỹ không phải là không có cơ sở. Hoa Kỳ phải gánh vác đến 70% chi tiêu quân sự tại NATO, trong khi mà các nước thành viên lại có xu hướng giảm chi cho quốc phòng.

Tuy nhiên, theo phân tích của Jacques Hubert-Rodier, căng thẳng trong khối NATO lần này xảy ra trong một bối cảnh khác. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump tỏ rõ quan điểm bài các định chế đa phương và các thỏa thuận quốc tế như thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu và tự do mậu dịch…

Tổng thống Mỹ thực hiện một chính sách ngoại giao « có qua có lại » như ông đã cho thấy trong cuộc gặp với lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hay như sắp tới đây là với tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/07, bốn ngày sau cuộc họp thượng đỉnh NATO.

Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý là Hoa Kỳ luôn xem các tổ chức đa phương (NATO, Liên Hiệp Quốc) như là những hộp công cụ phòng để khi cần đến. Do vậy, trong thượng đỉnh 11-12/07 này tại Bruxelles, khó có thể tránh câu hỏi về sự tồn tại của NATO.

Liệu tổ chức quân sự này có thể tồn tại được hay không ? Hiệp ước Vacxava liên kết Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa Đông – Trung Âu cũ nay đã không còn. NATO ngày nay phải bảo tồn sự sống còn trước thái độ hung hăng của Nga. Có điều là được bao lâu ? Đây chính là thắc mắc của tác giả.

Nhọc nhằn quan hệ Âu-Mỹ

Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Monde có bài viết đề tựa : « Trump ngày càng chống đối Liên Âu dữ dội ».

Tổng thống Mỹ ngày càng có những lời lẽ gay gắt nhắm vào châu Âu, chỉ trích đối tác này là đối xử « tệ bạc » và « bất công » với Mỹ, rằng « châu Âu rất thô bạo với Hoa Kỳ », hay như « Liên Hiệp Châu Âu được thành lập là để lợi dụng Hoa Kỳ »….

Tuy nhiên, theo quan sát của nhiều nhà ngoại giao châu Âu được Le Monde trích dẫn, còn có một lý do khác để giải thích cho sự chống đối này của tổng thống Mỹ. Trong tâm trí của Donald Trump hiện nay, Liên Hiệp Châu Âu là hiện thân của hiện tượng Hồi Giáo hóa, bị chìm ngập dưới làn sóng di dân, nguồn cội của mọi sự bất an gia tăng đột biến.

Theresa May trong cơn lốc xoáy chính trị

Một đề tài khác chiếm nhiều trang báo Pháp là cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh Quốc. Sau bộ trưởng đặc trách Brexit, ông David Davis ra đi, giờ đến lượt ngoại trưởng Boris Johnson từ chức.

Les Echos và La Croix lần lượt có các bài viết « Theresa May dưới áp lực sau khi hai bộ trưởng từ chức » và « Brexit, Theresa May bị suy yếu sau hai cú từ chức ». Hai ông David Davis và Boris Johnson, chủ trương rời Liên Hiệp Châu Âu, đã chỉ trích thủ tướng May là đã chọn phương án « Brexit mềm ».

Bởi vì dự thảo thỏa thuận mà thủ tướng May trình bày với chính phủ dự kiến thành lập một vùng trao đổi tự do mậu dịch và một mô hình thuế quan mới, với 27 nước thành viên còn lại. Theo quan điểm của hai vị cựu bộ trưởng, thỏa thuận này có thể đặt nước Anh vào « một thế yếu trong đàm phán » với Liên Hiệp.

Báo Libération có một cách nhìn khác về cuộc khủng hoảng này. Nhật báo thiên tả trong bài viết đề tựa « Boris Johnson : Hỗn loạn dù có hay là không có tôi » nghi ngờ cựu ngoại trưởng Anh từ chức vì một tính toán chính trị. Phải chăng quyết định ra khỏi chính phủ của ông là nhằm làm suy yếu hơn nữa bà May và để thay thế bà ?

Công nhận Bắc Triều Tiên : Paris đắn đo

Về thời sự châu Á, Les Echos có hai thông báo : « Năm 2017, Ấn Độ đẩy Pháp xuống hàng thứ 7 thế giới » và « Bắc Kinh và Berlin ký kết gần 30 tỷ euro hợp đồng ».

Tình hình thiên tại tại Nhật Bản cũng được Le Monde và La Croix lần lượt chú ý đến qua các bài viết « Những cơn mưa lớn chưa từng thấy tàn phá phía tây Nhật Bản » và « Thời tiết thất thường làm hơn 100 người chết ở Nhật Bản ».

Báo Le Monde, trên trang nhất, còn đặt một câu hỏi nhỏ : « Liệu nước Pháp có nên công nhận Bắc Triều Tiên ? ». Những động thái hòa dịu gần đây của Bình Nhưỡng khiến Paris đắn đo có nên mở đại sứ quán tại Bắc Triều Tiên hay không.

Bởi vì, Pháp là một trong số ít quốc gia châu Âu chưa thiết lập bang giao chính thức với Bắc Triều Tiên. Chính phủ Pháp cũng chưa muốn vội vã chạy theo trào lưu xích lại gần mà tổng thống Mỹ đang tiến hành. Một tiến trình mà Paris đánh giá là chưa có bằng chứng cụ thể, cho thấy Bình Nhưỡng đang giải trừ vũ khí hạt nhân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.