Vào nội dung chính
HOA KỲ - NATO

NATO trước áp lực bị chia rẽ bởi chính sách bất cần đồng minh của Donald Trump

Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO mở ra ngày thứ Tư 11 và thứ Năm 12/07 tuần này tại Bruxelles với sự tham dự của tổng thống Mỹ. Các lãnh đạo NATO, nhất là những thành viên châu Âu, lo ngại nguy cơ quan hệ đồng minh thêm chia rẽ bởi tính khí khó lường của ông Donald Trump, người luôn hoài nghi tính thiết yếu của liên minh quân sự này và ám ảnh với đòi hỏi đồng minh chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump trong một cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ ngày 25/05/2017.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump trong một cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ ngày 25/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst/File Photo
Quảng cáo

Mối lo của các nước châu Âu càng rõ nét khi ông Trump sẽ nối tiếp thượng đỉnh NATO bằng cuộc gặp lịch sử với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki Phần Lan ngày 16/07 mà tại đó nhiều nhà quan sát dự đoán có thể tổng thống Mỹ sẽ có những nhượng bộ với tổng thống Nga.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly thừa nhận sự căng thẳng của kỳ thượng đỉnh này khi cho biết : « Tôi cho rằng tổng thống Mỹ sẽ gây một áp lực rất lớn lên các đồng minh, đặc biệt là các nước châu Âu ».

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Trump đã gửi thư cho lãnh đạo 9 nước thành viên NATO, trong đó có Đức, Canada và Na Uy, nhắc lại sự bất mãn của Washington đối với các nước không tuân thủ các nghĩa vụ của họ là phải tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời tổng thống Donald Trump đòi các đồng minh đó tôn trọng cam kết đến năm 2024 tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP.

Một nhà ngoại giao ẩn danh của châu Âu, báo trước « cuộc họp thượng đỉnh này sẽ nặng nề ». Còn một quan chức khác trong Liên minh thì nói thẳng « sự thành công của thượng đỉnh phụ thuộc vào tính khí của ông Donald Trump ». Đã không ít lần tính thất thường cùng những tuyên bố bộc phát của tổng thống Mỹ ít nhiều động chạm đến lợi ích an ninh của châu Âu.

Theo ông Pierre Vermon, nguyên là nhân vật số 2 của Ngoại Giao châu Âu, cuộc gặp đầu tiên của tổng thống Mỹ với đồng nhiệm Nga, chỉ vài ngày sau, « với ông Trump còn quan trọng hơn nhiều thượng đỉnh NATO ».

Chuyên gia William Galston thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định « các nước châu Âu có lý do để lo ngại » về cuộc gặp Trump-Putin. Nhà phân tích này đồ rằng biết đâu ở Helsinki ông Trump lại chẳng đưa ra những thông báo về những vấn đề không hề được bàn thảo với các đồng minh trong thượng đỉnh NATO ? Thậm chí, các nước thành viên trong khối liên minh này còn lo ngại ông Trump có thể tìm kiếm thỏa thuận nào đó với lãnh đạo Nga vì lợi ích của Mỹ và sau đó các đồng minh buộc phải làm theo.

Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc hồi tháng 6 vừa qua đã để lại mối bất đồng sâu sắc giữa các nước châu Âu và Mỹ, đồng thời cho thấy thái độ bất cần quan hệ đồng minh của tổng thống Trump như thế nào.

Trong khi đó chuyên gia Mỹ Thomas Carothers, phó chủ tịch Quỹ Carnegie dự báo : « Mục tiêu của Putin là chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh Châu Âu và chia rẽ các nước châu Âu. Ông ta sẽ lấy làm thích thú thấy điều đó tại thượng đỉnh NATO ».

Bộc lộ chia rẽ là mối ám ảnh của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Những căng thẳng với tổng thống Trump càng trở nên bức bối trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh này sẽ phải ra được các quyết định quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của NATO để đối phó với đe dọa mà khối này cho là đến từ nước Nga.

Các đồng minh sẽ lập ra hai bộ chỉ huy quân sự mới : một để bảo vệ con đường hàng hải trên Đại Tây Dương và một để điều phối luân chuyển đóng quân ở châu Âu. Ngoài ra còn một kế hoạch khác để tăng cường khả năng triển khai nhanh của NATO trong trường hợp khủng hoảng. Nhưng chia rẽ trong nội bộ sẽ khiến các quyết định đó không còn là vấn đề ưu tiên bàn thảo.

Chuyến công du của tổng thống Mỹ tới Bruxelles tối ngày 10/07 và sau đó 6 ngày lên đường tới Helsinki rất có thể sẽ làm định hình lại ít nhiều quan hệ giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Các đồng minh châu Âu sẽ không cảm thấy thua thiệt gì trong đó nếu họ tìm được sự đoàn kết, chủ động và năng lực để tự quyết số phận của chính mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.