Vào nội dung chính
HOA KỲ

Manh nha chiến tranh thương mại: Hậu quả nhãn tiền cho dân Mỹ

Những biện pháp thuế quan của chính quyền Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu nhằm bảo hộ mậu dịch và sản xuất trong nước đang làm cho viễn cảnh của một chiến tranh thương mại ngày thêm gần. Nếu cuộc chiến đó xảy ra, người Mỹ, cụ thể là các công ty Mỹ, dường như sẽ mất nhiều hơn là được che chở như tổng thống Trump vẫn hứa hẹn.

Xe hơi Đức Volkswagen vừa nhập vào Mỹ. Ảnh tại Chula Vista, California, ngày 27/06/2018.
Xe hơi Đức Volkswagen vừa nhập vào Mỹ. Ảnh tại Chula Vista, California, ngày 27/06/2018. REUTERS/Mike Blake
Quảng cáo

Mối lo ngại của các doanh nghiệp Mỹ được thể hiện qua một báo cáo phân tích về chính sách thuế quan của chính quyền Trump do Phòng Thương Mại Mỹ, công bố hôm qua, 02/07/2018. Báo cáo mang tiêu đề « Cách tiếp cận tồi » thẩm định ngay từ giờ các biện pháp đáp trả từ các đối tác thương mại của Hoa Kỳ đối với chính sách thuế của Washington có thể làm cho hàng xuất khẩu Mỹ bị thiệt hại khoảng 75 tỷ đô la. Điều trớ trêu, thống kê của Phòng Thương Mại Mỹ nêu rõ, là chính 6 bang chủ chốt mang lại chiến thắng cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 như Alabama, Michigan, Pennsylvania, South Carolina, Texas và Wisconsin sẽ bị tổn thất nặng nhất.

Trong thông cáo của hiệp hội, chủ tịch Thomas Donohue đã khẳng định biểu thuế mới « đang bắt đầu gây tác động lên các công ty, các công nhân, nhà nông, người tiêu dùng Mỹ, khi thị trường nước ngoài đóng cửa với sản phẩm sản xuất tại Mỹ và giá cả trong nước tăng ». Theo ông Donohue, chính sách bảo hộ của chính quyền Trump hiện nay sẽ chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại và cuộc chiến đó sẽ chỉ làm cho nước Mỹ mất đi công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Nhiều công ty Mỹ làm ăn trong nước đã bắt đầu cảm nhận những khó khăn và bắt đầu lo ngại các biện pháp bảo hộ kinh tế của chính quyền Trump. Tuần trước, hãng chế tạo môtô Harley Davidson thông báo những biện pháp di dời sản xuất ra nước ngoài, để tránh các thiệt hại do mức thuế mới làm giá nguyên vật liệu cơ bản tăng mạnh, đặc biệt từ tháng 3 giá thép đã tăng 20%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp  trong lĩnh vực thực phẩm cũng cho biết sắp sửa dời một phần sản xuất của các nhà máy ở Mỹ sang Canada để né các đòn trả đũa thương mại của Bắc Kinh đối với Washington.

Mặc dù vậy, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross cố gắng trấn an hôm qua rằng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ bị suy yếu, rằng đầu tư của các công ty Mỹ vẫn rất cao và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong lịch sử…

Quả thực là cũng có các công ty Mỹ được hưởng lợi trong chính sách áp thuế nhập khẩu của chính quyền Trump. Ví dụ như nhà sản xuất thép hàng đầu của Mỹ US Steel đã phải gọi lại 500 công nhân đang nghỉ việc tạm thời, để đảm bảo tăng công suất của các nhà máy.

Nếu như hàng nghìn lao động có thể được tạo ra thêm trong khu vực luyện kim nhờ chủ trương tăng thuế, thì lại có hàng trăm nghìn lao động khác có thể bị xóa vì những đòn đáp trả của những nước bị Mỹ áp thuế hải quan. Nhà kinh tế thuộc viện nghiên cứu Trade Partnership, bà Laura Baugham dự tính có tới 400 nghìn lao động có thể bị xóa sổ ở Mỹ. Theo chuyên gia này, điều nhãn tiền đó đang diễn ra trong những ngành sử dụng đến nhôm thép và kéo theo cả một số lĩnh vực dịch vụ liên quan khác.

Bản chất của quan hệ làm ăn thương mại là có qua có lại, tổng thống Trump xuất thân từ một doanh nhân hiểu rõ hơn ai hết điều này. Trong thế giới toàn cầu hóa, quan hệ buôn bán chồng chéo, chằng chịt với nhau như ngày nay, sử dụng các biện pháp đơn phương tấn công vào các đối tác làm ăn không thể không bị đáp trả tương xứng.

Các mức thuế mới của Mỹ áp cho hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ thứ Sáu (06/07) tới và Bắc Kinh đã cho biết sẽ đáp trả tương xứng. Liên Hiệp Châu Âu hôm qua cũng cảnh báo hậu quả nặng nề, nếu Washington áp thuế cao vào mặt hàng xe hơi nhập khẩu vào Mỹ. Mối đe dọa thực sự đè nặng lên những doanh nghiệp, người lao động, chứ không phải là đối với những nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.