Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - DI DÂN

Thượng đỉnh Châu Âu đạt được "thỏa thuận" đón tiếp di dân

Liên Hiệp Châu Âu tránh được khủng hoảng. Lãnh đạo 28 thành viên đã thông qua được thỏa thuận về di dân vào sáng sớm thứ sáu 29/06/2018, sau một đêm thương lượng gay go tại Bruxelles trước áp lực « không có tôi thì các anh sẽ chết » của Roma. « Ý không còn cô đơn », thủ tướng Giuseppe Conte hoan hỉ tuyên bố. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khen ngợi « chiến thắng của tinh thần hợp tác ».

Thủ tướng Ý  Giuseppe Conte, lúc rời cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu ở Bruxelles. Ảnh 29/06/2018.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, lúc rời cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu ở Bruxelles. Ảnh 29/06/2018. REUTERS/Eric Vidal
Quảng cáo

Cụ thể, Liên Hiệp Châu Âu thỏa hiệp ra sao và có thay đổi gì trong chính sách tiếp đón di dân ? Từ nơi họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, đặc phái viên Anastasia Becchio tường thuật :

"Trong thỏa thuận đạt được còn nhiều điểm để ngỏ. Giờ đây cần phải tìm được đồng thuận để thi hành. Văn bản thích hợp với mong đợi của 28 thành viên từ nước Ý, quốc gia đứng ở tuyến đầu trước làn sóng di dân cần được hỗ trợ trong tinh thần liên đới, cho đến bốn nước Đông Âu trong nhóm Visegrad, vốn ngần ngại không muốn chia sẻ gánh nặng.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte rất hài lòng với thỏa hiệp này vì trong suốt đêm hôm qua, ông nhất quyết không ký cho đến khi các đối tác chấp thuận nguyên tắc : người đặt chân đến lãnh thổ Ý phải được xem là đã đến lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu. Một yêu sách khác của Roma cũng được chấp thuận. Đó là đề xuất lập « khu trung chuyển » do Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc quản lý, tuy nhiên hình thể ra sao thì vẫn mù mờ.

Hội Đồng Châu Âu cũng thông qua một sáng kiến của Pháp, sau đó được Ý tán đồng: Đó là khi một di dân đặt chân lên lãnh thổ một quốc gia châu Âu thì người đó sẽ được tạm trú trong một trung tâm tiếp cư, có kiểm soát nhưng không khép kín như một nhà tù. Các trung tâm này sẽ được thiết lập ở các nước châu Âu, cũng theo nguyên tắc tình nguyện, được cung ứng phương tiện vật chất và nhân sự châu Âu để giải quyết đơn xin tị nạn càng nhanh càng tốt.

Chỉ có những nước tình nguyện mới được châu Âu trợ giúp lập trung tâm tiếp cư và chỉ có những nước tình nguyện mới được phân bổ lượng người tị nạn định cư."

Tuy mọi biện pháp cụ thể chưa rõ ràng, nhưng nhiều tổ chức quốc tế đoán được thâm ý của châu Âu.

Cơ quan Di Dân Quốc Tế yêu cầu không đặt các trung tâm xử lý hồ sơ di dân ở một nước thứ ba : mọi giải pháp phải là của châu Âu và ở bên trong châu Âu.

Hiệp hội Y Sĩ Không Biên Giới ra thông cáo phản đối Bruxelles muốn « ngăn chận di dân « từ bên ngoài cửa châu Âu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.