Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - NHẬP CƯ

Nỗi lo ngại về nhập cư gây khủng hoảng khắp phương Tây

Nếu có một vấn đề hiện đang nổi cộm trong các cuộc tranh cãi chính trị tại các nền dân chủ lớn ở phương Tây, và có nguy cơ chia rẽ các quốc gia phương Tây với nhau, thậm chí chia rẽ nội bộ một nước, thì đó chính là vấn đề đón nhận người nhập cư.

Phao và áo cứu hộ của người nhập cư để lại tại cảng Motril, Tây Ban Nha, ngày 21/06/2018
Phao và áo cứu hộ của người nhập cư để lại tại cảng Motril, Tây Ban Nha, ngày 21/06/2018 REUTERS/Jon Nazca
Quảng cáo

Vấn đề này đã buộc các nước chủ chốt trong Liên Hiệp Châu Âu phải họp khẩn vào ngày 24/06/2018 tới đây để tìm phương án giải quyết, tránh rạn nứt trong khối, trong lúc tại Hoa Kỳ, một phần dư luận đã phẫn nộ chống lại chủ trương cứng rắn triệt nhập cư trái phép của chính quyền Donald Trump, buộc tổng thống Mỹ phải tạm thời lùi bước.

Vấn đề nhập cư nổi cộm từ Mỹ, châu Âu cho đến Úc

Trong bài phân tích ngày 21/06, hãng tin Pháp AFP đã không ngần cho rằng nỗi lo ngại về nhập cư tăng cao hiện là nguồn cơn gây nên căng thẳng chính trị tại nhiều nước phương Tây.

Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đang cố tranh thủ một làn sóng chống nhập cư để tìm kiếm chiến thắng cho những người ủng hộ đảng Cộng Hòa của ông trong cuộc bầu cử giữa hai nhiệm kỳ tổng thống vào tháng Mười một tới đây.

Còn tại châu Âu, cụ thể là ở Đức, thủ tướng Angela Merkel hy vọng sẽ vượt qua được các làn sóng dữ do chính thành viên trong liên minh của bà khuấy lên, để duy trì nguyên vẹn chính phủ liên hiệp đang cầm quyền, mà không phải nhượng bộ quá nhiều cho phe chủ trương cứng rắn đối với người nhập cư.

Cũng trong Liên Hiệp Châu Âu, các chính phủ liên hiệp cánh hữu mới lên cầm quyền ở Áo và Ý đã mang những tiếng nói cực đoan trước đây nằm ở ngoài rìa cuộc tranh luận về di dân nhập cư vào trung tâm các cuộc thảo luận của các cơ quan quyền lực.

Còn ở Nam Bán Cầu, chính quyền Úc cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích nhắm vào chính sách giam giữ những người xin tị nạn đến bằng đường biển trong các trại trên các đảo Nauru và Papua New Guinea.

Đối với AFP, đằng sau những động cơ vuốt đuôi cử tri để kiếm phiếu, hay những mưu đồ dùng thông tin sai lệch làm vũ khí chính trị, phải công nhận rằng di dân nhập cư là một vấn đề thực thụ, với những hệ quả thực sự đối với con người và đối với lãnh vực chính trị.

Lưu lượng người di dân vẫn còn cao theo tiêu chuẩn lịch sử, và Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 65 triệu người tị nạn và người di dân nhập cư trên toàn thế giới.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi đã cho rằng vấn đề này đòi hỏi một giải pháp toàn cầu toàn diện - nhưng xu thế của thời đại lại thiên về các giải pháp mang tính dân tộc nhiều hơn.

Di dân nhập cư : Vấn đề chính của Liên Âu

Theo học giả Walter Russell Mead trên tờ báo Mỹ The Wall Street Journal, chỗ yếu của giới ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu hiện nay không phải là đồng euro mà là vấn đề di dân nhập cư.

Tình hình chính trị nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, một trong những đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu, là ví dụ điển hình.

Tại Đức, một đa số rộng rãi công chúng vẫn còn ủng hộ châu Âu, nhưng vẫn chưa quen với nỗ lực của thủ tướng Merkel muốn hấp thụ hơn một triệu người tị nạn chủ yếu là người Hồi Giáo vào năm 2015.

Trên vấn đề này, tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại chọc gậy bánh xe. Ông đã lặp đi lặp lại rằng chính những người nhập cư đã làm cho một làn sóng tội phạm dâng cao ở Đức, bất chấp thực tế là nhìn chung, tình trạng tội phạm ở đó đang suy giảm.

Có điều là một số sự cố nổi cộm liên quan đến người mới nhập cư, trong đó có các vụ tấn công tình dục tập thể, đã làm công chúng Đức phẫn nộ.

Trong tuần này, tổng thống Mỹ đã khẳng định trong một tin nhắn twitter rằng : « Tỷ lệ tội phạm ở Đức tăng hơn 10% (các quan chức Đức không muốn báo cáo những tội ác này) từ khi người di dân nhập cư được (Đức) đón nhận ».

Số liệu chính thức của Đức tuy nhiên cho thấy là tình trạng tội phạm đã giảm 5% từ năm 2016 đến năm 2017, xuống mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ nay.

Theo nguồn tin báo chí, đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã cho biết là ông muốn « tăng cường quyền lực » cho cánh hữu ở Châu Âu, vào lúc các đối thủ của thủ tướng Merkel đang vươn lên nhờ tâm lý chống nhập cư tăng cao trong dân chúng.

Hiện giờ, đối tác liên minh truyền thống của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của bà là đảng Liên Minh Xã hội Cơ Đốc Giáo CSU, đang đe dọa là sẽ lật đổ chính phủ của bà, trừ phi bà chịu đóng cửa biên giới.

Nhập cư tiếp tục là chủ bài kiếm phiếu của Donald Trump

Về phần mình, tại Hoa Kỳ, tổng thống Trump quyết tâm ngăn chặn tình trạng nhập cư qua biên giới Mêhicô, nơi ông đang cho xây dựng bức tường mà ông liên tục hứa là sẽ làm trong tiếng hô vang của đám đông những người ủng hộ.

Vấn đề này đã giúp ông đoàn kết những ủng hộ viên ở cơ sở trong nước, và đang được ông sử dụng để tấn công bà Merkel và hỗ trợ cho bạn bè của ông trong giới dân tộc chủ nghĩa dân tộc cánh hữu tại châu Âu.

Theo chính sách « không khoan nhượng », lực lượng biên phòng của ông Trump đã bắt đầu tách các trẻ em di cư ra khỏi cha mẹ và giam giữ chúng trong các lều trại.

Những người cổ vũ tổng thống Mỹ đã ca ngợi chủ trương đó, xem đó là một vũ khí răn đe hữu hiệu chống nạn vượt qua biên giới bất hợp pháp, cho đến khi những hình ảnh gây sốc và những đoạn thu âm tiếng khóc của những đứa trẻ bị cầm giữ gây phẫn nộ trong dư luận.

Trump thoạt đầu đã quy tội cho đảng Dân Chủ đối lập và dùng những ngôn từ chỉ súc vật để so sánh người nhập cư với thành viên của tổ chức tội phạm MS-13 có dính líu đến El Salvador.

Thoạt đầu, ông Trump đã khẳng định trong tin nhắn Twitter rằng « Chính đảng Dân Chủ là vấn đề », nêu bật tầm quan trọng của di dân nhập cư trong bầu cử như là một vấn đề then chốt trước cuộc bầu quốc hội năm nay. Ông đã viết : « Họ (tức là đảng Dân Chủ) không màng đến tội ác và muốn có những người nhập cư bất hợp pháp, bất chấp việc đó là nhưng kẻ rất tệ hại, tràn vào và tàn hại đất nước chúng ta, như băng đảng MS-13. »

Nhưng vào hôm thứ Tư, 20/06, đúng vào Ngày Tị Nạn Thế Giới, ông Trump đã lùi bước, ngưng việc chia cắt các gia đình nhưng tuyên bố chính sách không khoan nhượng vẫn được áp dụng.

Điều này có thể làm giảm bớt những lời chỉ trích trong phe Cộng Hòa của tổng thống - vốn cho là ông đã đi quá xa - tuy nhiên vấn đề nhập cư và chủng tộc vẫn sẽ nổi cộm trong các cuộc tranh luận nhân cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.

Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn cấp

Tại Liên Hiệp Châu Âu, vấn đề di dân nhập cư cũng đã gây thêm chia rẽ trong nội bộ, buộc giới lãnh đạo châu Âu phải triệu tập môt cuộc họp khẩn cấp về nhập cư tại Bruxelles vào Chủ nhật 24/06 tới đây.

Thách thức rất lớn đối với các lãnh đạo cánh trung như thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng minh của bà tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và ngay cả đối với chính Liên Hiệp Châu Âu. Cử tri Anh đã quyết định rời châu Âu sau một cuộc vận động trưng cầu dân ý về Brexit trong đó nổi bật chủ trương chống nhập cư.

Bây giờ đến lượt liên minh cánh hữu Ý đã từ chối, không cho tàu chở 629 thuyền nhân cập bến. Bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini, một người công khai bày tỏ sự khâm phục ông Trump, và đảng Liên Đoàn Phương Bắc của ông - đã thắng cử nhờ khai thác làn sóng chống nhập cư - đã lên tiếng cảnh cáo « những kẻ bất hợp pháp »là nên « sẵn sàng cuốn gói ».

Các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải đã yêu cầu các nước phía bắc Châu Âu chia sẻ gánh nặng, chấp nhận đón người tị nạn cặp vào bờ biển phía nam. Thế nhưng cử tri phía bắc lại rất ghét đón nhận những người này.

Theo Russell Mead : « Đối với ông Salvini, nêu bật vấn đề di dân là một hành động « nhất cử tam tiện », trong nước, ông ta chia rẽ được cánh tả và đoàn kết được cánh hữu, thách thức được sự đồng thuận của giới ưu tú châu Âu, và tự đặt mình trong tư thế một gương mặt có tầm vóc quốc tế ».

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, một người được vị đại sứ của Trump tại Đức rất ưa chuộng, đã từng cảnh báo « thảm họa » đến từ tình trạng di dân nhập cư, và cũng đang đi theo những người có xu hướng cứng rắng như thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Đó là những lãnh đạo đang cảm nhân là dòng lịch sử đang xoay chiều có lợi cho họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.