Vào nội dung chính
DI DÂN - NHẬP CƯ

Di dân nhập cư: Lòng nhân đạo bị thách thức

Thảm nạn của di dân lánh nạn chiến cuộc, nghèo đói, bạo lực và độc tài tìm miền đất hứa ở tây phương có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu và hy vọng đánh động lương tâm con người tại nước Mỹ.

Cảnh thuyền nhân được cứu ở Địa Trung Hải. Ảnh ngày  12/06/2018.
Cảnh thuyền nhân được cứu ở Địa Trung Hải. Ảnh ngày 12/06/2018. e/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Thảm kịch 630 thuyền nhân, được tàu Aquarius của Tổ chức Y sĩ không biên giới cứu cấp nhưng bị Malta và Ý xua đuổi phải chạy đến tận Tây Ban Nha, hay hàng ngàn trẻ em đơn độc ở biên giới Mỹ-Mêhicô, là biểu tượng của một cuộc khủng hoảng thế kỷ 21.

Trước hết tại Châu Âu. Được mô tả là « cằn cỗi, kinh tế bấp bênh, thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp », trong nhiều thập niên qua, Liên Hiệp Châu Âu vẫn là « miền đất hứa », đã rộng lượng đón tiếp hàng triệu người nhập cư từ Trung Quốc ở châu Á cho đến di dân ở châu Phi. Từ khi khủng hoảng Syria từ một cuộc tranh đấu đòi dân chủ biến thành xung đột vũ trang, từ khi Libya hậu Kadhafi trở thành địa bàn của các tổ chức buôn người, Địa Trung Hải ngăn cách châu Phi với châu Âu không còn là biên giới tự nhiên.

Nước Đức của Angela Merkel, với hai kinh nghiệm đau thương là chế độ kỳ thị của Hitler và độc tài Đông Đức, đã mở rộng cánh cửa đón tiếp gần 1,5 triệu di dân lúc khủng hoảng nhân đạo lên cao điểm trong năm 2015. Nước Ý, do là « bến cảng » lý tưởng nên đã tiếp đón gần như là hàng ngàn thuyền nhân mỗi tuần. Áp lực di dân đã biến thành lá bài tranh cử với hệ quả là phe hữu cực đoan ở khắp châu Âu lên điểm đến mức độ các đảng phái truyền thống cũng bắt đầu theo chiêu bài bày ngoại để chinh phục cử tri.

Angela Merkel lưỡng đầu thọ địch : Seehofer và Trump

Trong bối cảnh này, tình thế của thủ tướng Merkel rất bi quan, chính phủ liên minh có thể tan rã bất cứ lúc nào nhưng không phải vì đối tác Dân Chủ Xã Hội mà do nội bộ của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Bộ trưởng nội vụ Horst Seehofer ra tối hậu thư, kỳ hạn cho thủ tướng từ nay đến cuối tháng phải tìm ra một giải pháp chung ở cấp Châu Âu để ngăn chận làm sóng nhập cư. Dụng ý của vị bộ trưởng này là thách thức thủ tướng có dám cách chức ông hay không với hệ quả là bầu lại quốc hội trong xu hướng bài ngoại đang lên trong công luận. Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến, một « trục Áo, Đức, Ý » gồm ba bộ trưởng có chủ trương chống di dân được thành lập.

Theo AFP, thủ tướng Đức, dù có bản lĩnh đến đâu cũng không thể thuyết phục toàn thể Liên Hiệp Châu Âu thông qua một luật mới trục xuất di dân về quốc gia đầu tiên đón tiếp họ. Chắc chắn Ý và Hy Lạp sẽ bác bỏ.

Macron cứu tinh ?

Giải pháp trung dung là Đức với sự đồng thuận của Pháp, tăng cường lực lượng Frontex tuần tra trên biển và nhanh chóng lập ra những trại tạm cư ở châu Phi để nhận đơn xin tị nạn hay nhập cư của di dân trong khi chờ đợi « thống nhất luật tị nạn » trong Liên Hiệp Châu Âu.

Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này, Đức và Pháp có một cuộc họp thượng đỉnh vào hôm nay. Thế nhưng đồng minh Hoa Kỳ, hay chính xác hơn là tổng thống Donald Trump lại đánh một đòn chí tử vào thủ tướng Đức và qua Berlin, là cả Liên Hiệp Châu Âu : « Nhân dân Đức đang quay lại chống những người lãnh đạo của họ ».

5 vị đệ nhất phu nhân

Không rõ trong toan tính chiến lược của tổng thống một nước siêu cường, ông Donald Trump có lợi gì khi ủng hộ phe hữu bài ngoại ở châu Âu, gây ra sức ép lên những nhà lãnh đạo có chủ trương nhân đạo ?

Phải chăng Donald Trump muốn làm công luận quên đi thảm cảnh di dân đang bị chính sách « bức tường » của ông khóa cổng biên giới Mỹ-Mêhicô ?

Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, cùng một lúc 4 cựu đệ nhất phu nhân Mỹ và cả đương kim lên tiếng chống lại biện pháp bất nhân này : chia cách trẻ con với cha mẹ. Khoảng 2000 trẻ di cư đang lâm vào hoàn cảnh này, gợi nhớ thời Đức Quốc Xã đàn áp dân Do Thái, theo cảnh báo của các nhà phân tích.

Vào lúc tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định « di dân là nhu cầu tự nhiên và cần thiết » thì tổng thống Mỹ tuyên bố ông « không để nước Mỹ trở thành một trại tị nạn ».

Đến tổng thống Donald Trump mà còn không nhớ mình là « hậu duệ » của di dân. Từ Châu Âu đến Mỹ, lòng nhân đạo đang bị thách thức nghiêm trọng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.