Vào nội dung chính
MẬU DỊCH - MỸ- TĂNG TRƯỞNG

Chiến tranh thương mại, tăng trưởng toàn cầu thấm đòn

Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu giảm dự báo tăng trưởng trong khu vực đồng euro, doanh nhân Đức trông thấy tương lai đen tối nhất từ 5 năm trở lại đây. Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ báo động "tâm trạng lo âu ngày càng lớn của các doanh nhân Mỹ".

Từ "chiến tranh" nhôm, thép đến "chiến tranh" thương mại của Nhà Trắng.
Từ "chiến tranh" nhôm, thép đến "chiến tranh" thương mại của Nhà Trắng. Reuters
Quảng cáo

Ngày 15/06/2018 Nhà Trắng thông báo áp thuế 25 % trên 50 tỷ đô la hàng Trung Quốc nhập vào Hoa Kỳ. Lập tức Bắc Kinh "đáp trả một cách tương xứng" có nghĩa là kể từ ngày 06/07/2018 Trung Quốc cũng đánh thuế 25 % trên một số hàng của Mỹ trị giá 34 tỷ đô la, bán sang thị trường đông dân nhất thế giới, 16 tỷ còn lại đang trong vòng xem xét.

Trung Quốc, mây đen bao phủ các dự báo tăng trưởng

Cuộc đọ sức trên bàn cờ thương mại giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 thế giới diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Tập Cận Bình đang nỗ lực giảm bớt mức nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc và chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh, vốn đã lên tới 250 % tổng sản phẩm nội địa của nước này.

Bộ Thương Mại Trung Quốc nhìn nhận quyết định của Mỹ đe dọa trực tiếp đến "lợi ích kinh tế và an ninh" của Trung Quốc. Theo Mark Williams, kinh tế gia cơ quan nghiên cứu Capital Economics trụ sở tại Luân Đôn, "lo ngại về triển vọng của Trung Quốc thêm nghiêm trọng". Từ khi cuộc chiến mậu dịch khơi mào hồi tháng 3/2015, cuối tháng 5/2018 chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này bị chựng lại, đầu tư và tiêu thụ cũng chung số phận.

Một tổ chức khác của Anh, là Oxford Economics cho rằng, một mặt Bắc Kinh đang siết chặt chính sách cấp tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro vỡ nợ, mặt khác "chiến tranh mậu dịch leo thang" gây hoang mang cho các doanh nhân và trong giới đầu tư đang làm suy yếu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc. Chỉ số tiêu thụ trong tháng 5/2018 tăng 8,5 % thấp hơn nhiều so với mức 9 % và 10 % như trong hai tháng trước đó. Các dịch vụ mua bán nhà đất tại nước này rơi xuống mức thấp nhấp kể từ năm 1999.

Trước tất cả các yếu tố vừa nêu, chuyên gia Mark Williams, thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics cảnh báo : "Tăng trưởng của Trung Quốc có nguy cơ bị suy yếu trong thập niên sắp tới".

Mỹ cũng bị kéo theo vào vòng xoáy

Oxford Economics cho rằng không chỉ có Trung Quốc mà cả Mỹ cũng là nạn nhân của chính sách bảo hộ mà tổng thống Trump đang quyết tâm theo đuổi.

Nhà Trắng đã mở nhiều mặt trận cùng lúc. Ngoài Trung Quốc chính quyền Trump còn tuyên chiến cả với Liên Hiệp Châu Âu lẫn Canada. Các nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ đệ đơn kiện Hoa Kỳ lên trước tòa án trọng tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Các đòn trả đũa bắt nguồn từ Trung Quốc đến các nước châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người lao động Mỹ từ ngành nông nghiệp đến công nghiệp. Đó chính là lý do khiến ngày càng có nhiều tiếng nói ngay cả trong hàng ngũ của đảng Cộng Hòa, như dân biểu Kevin Brady đại diện cho bang Texas, bày tỏ "lo ngại" trước những hiệu ứng tiêu cực từ chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ đối với "các nông gia, với người lao động, các tập đoàn công nghiệp và cả người tiêu dùng Mỹ".

Thomas Donahue, chủ tịch hiệp hội đại diện cho giới chủ thuộc Phòng Thương Mại Hoa Kỳ không vòng vo khi cho rằng, những quyết định của tổng thống Trump trong chính sách thương mại sẽ "cướp đi công việc làm của "hàng trăm ngàn người dân Mỹ".

Về phía tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, hãng này cho biết là đang "thẩm định lại tác động tiềm tàng" kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ- Trung leo thang.

Châu Âu giảm dự báo tăng trưởng

Từ ba tháng qua, khi tổng thống Hoa Kỳ khơi mào cuộc chiến thương mại, đòi áp thuế nhôm và thép nhập sang Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu biết trước là Donald Trump sẽ không dừng lại ở đây. Sau nhôm thép Mỹ sẽ phạt luôn cả những mặt hàng khác của châu Âu bán sang thị trường Hoa Kỳ. Điểm nhậy cảm nhất là xe hơi.

Trong thông báo công bố cuối tháng 5/2018, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Mario Draghi dự báo GDP của toàn khối euro trong năm 2018 sẽ tăng 2,1 % thay vì 2,4 % như đã loan báo. Tuy nhiên ngân hàng BCE châu Âu tránh xem đây là "hậu quả trực tiếp" do các biện pháp bảo hộ của Mỹ gây nên.

Tại Đức, một loạt các chỉ số cho thấy các doanh nghiệp ở bên kia bờ sông Rhin cũng đang hoang mang. Ngân Hàng Trung Ương Đức cũng giảm dự phóng tăng trưởng 0,5 điểm.

Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE cũng gióng tiếng chuông báo động tương tự khi cho rằng "cuộc chiến mậu dịch leo thang đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu" đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu trên thế giới bắt đầu tăng lên trở lại, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất chỉ đạo, đơn vị tiền tệ của một số nền kinh tế đang phát triển, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Achentina liên tục bị mất giá.

Thiệt hại 25 tỷ đô la cho nước Mỹ

Nhưng bên cạnh những lời cảnh báo chung chung nói trên, theo thẩm định của Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế- CEPII, nếu áp dụng tới nơi tới chốn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì thiệt hại cho mỗi bên lên tới 25 tỷ đô la.

Trong bài nghiên cứu được công bố hồi tháng 5/2018, CEPII nhắc lại : chỉ riêng đòn áp thuế thép (25 %) và nhôm (10%), cộng thêm với nhiều màn vừa dọa, vừa dụ, Nhà Trắng đã mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào hàng của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, làm ảnh hưởng tới 4 % tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Theo trung tâm CEPII, tất cả những đòn hù dọa đó tạo nên một bầu không khí căng thẳng và bất lợi cho mọi dự án đầu tư. Đó là yếu tố thứ nhất gây trở ngại cho cỗ máy tăng trưởng toàn cầu.

Thứ hai là trong bối cảnh đầy bất trắc đó, các doanh nghiệp chậm tuyển dụng thêm nhân viên.

Chi tiết hơn, khi nhìn vào biện pháp tăng thuế nhập khẩu đánh vào nhôm và thép nhập sang Hoa Kỳ nghiên cứu của CEPII cho thấy trong ngắn hạn, phí tổn để làm ra cùng một một mặt hàng tại Mỹ tăng từ 0,5 % cho tới 3 %.

Còn khi áp thuế 25 % nhắm vào 50 tỷ đô la hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, giá thành tại Hoa Kỳ tăng từ 0,17 % đến 0,45 % trong ngắn hạn.

Nạn nhân trực tiếp ở đây là người tiêu dùng Mỹ.

Về lâu dài, tác động của các biện pháp bảo hộ còn tai hại hơn nhiều. Trong cuộc đọ sức trực tiếp Mỹ Trung, CEPII dự báo những hiện tượng như sau : Một là mức sản xuất nhôm thép tại Mỹ sẽ không tăng lên như điều tổng thống Trump mong đợi và rao giảng với cử tri. Hai là xuất khẩu máy móc của Trung Quốc sang Mỹ giảm 20 % nhưng đổi lại xuất khẩu của Hoa Kỳ sang nước đông dân nhất thế giới sẽ giảm 50 % trong các lĩnh vực xe hơi, nông phẩm...

Chung cuộc thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ ước tính lên tới 25 tỷ đô la. Trung Quốc cũng bị thiệt hại tương tự. Trong chiều hướng căng thẳng gia tăng này, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều trong dài hạn giảm 60 % ... đó là chưa kể đến những thiệt hại đối với các nền kinh tế bị vạ lây.

Nhưng đó là những tính toàn lâu dài, trước mắt Nhà Trắng đang hướng tới một mục đích rất gần là bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.