Vào nội dung chính
MỸ-BẮC TRIỀU TIÊN

Thượng đỉnh Trump-Kim : Mục tiêu kiếm phiếu của TT Mỹ ?

Trong những nhân vật được các tạp chí Pháp tuần này chú ý nhất phải kể trước tiên là tổng thống Mỹ Donald Trump, với hồ sơ lớn bên trong và hình ảnh chiếm trọn trang bìa L’Express và tuần báo Anh The Economist.

Mề đay lưu niệm thượng đỉnh Kim Jon Un-Donald Trump tại Singapore ngày 12/06/2018.
Mề đay lưu niệm thượng đỉnh Kim Jon Un-Donald Trump tại Singapore ngày 12/06/2018. Reuters
Quảng cáo

Tạp chí Courrier International không dành trang bìa cho tổng thống Mỹ, nhưng lại dành bài xã luận cho sự kiện ông sắp tham gia hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 12/06/2018. Mang tựa đề « Ngoại giao bầu cử của Donald Trump », bài viết nêu bật tính toán hơn thiệt của tổng thống Mỹ.

Bài viết nhận định một cách châm biếm : Cách nay không đầy một năm, Donald Trump còn gọi Kim Jong Un là « gã tên lửa thấp bé » và hứa hẹn « khói lửa và cuồng nộ ». Nhưng giờ đây thì cả hai lãnh đạo với kiểu tóc kỳ lạ hầu như đã làm lành với nhau và sẵn sàng đến Singapore vào ngày 12/06/2018 cho một thượng đỉnh lịch sử.

Theo Eric Chol, tác giả bài viết, nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa có lời giải – Mỹ muốn được gì ? Bình Nhưỡng và Washington có cùng định nghĩa về ‘phi hạt nhân hóa’ hay không ? Liệu họ có sẽ đề cập đến sự hiện diện của lính Mỹ ở bán đảo hay không ? Và một câu hỏi khác : Ai sẽ trả tiền khách sạn cho Kim Jong Un ở Singapore ? Thế nhưng dù gì chăng nữa thì triển vọng cuộc gặp thực sự diễn ra là một tin thật tốt lành cho hai nước Triều Tiên, cho các láng giềng châu Á của họ và cho sự ổn định của thế giới.

Hòa bình ở bán đảo Triều Tiên vẫn không bằng America First

Có điều bài viết cảnh báo, đừng nên sai lầm khi cho là ông Trump đã từ bỏ khẩu hiệu « Nước Mỹ trước tiên ». Vì đối với ông, hòa bình ở Thái Bình Dương chẳng là gì cả.

Khi bay đến Châu Á trên chiếc Air Force One, trong đầu của ông Trump là một cuộc hẹn khác quan trọng hơn nhiều : cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống tại Mỹ vào tháng 11 tới đây. Ông Donald Trump tin chắc là một « thỏa thuận » với Bắc Triều Tiên sẽ làm tăng uy tín của ông với cử tri đảng Cộng Hòa.

Từ đầu năm, chủ nhân Nhà Trắng đã bắt đầu hành động hầu duy trì được đa số hạn hẹp của ông ở Thượng Viện. Và mục tiêu khó khăn này bắt đầu cho thấy là khả thi, một điều đáng buồn cho đảng Dân Chủ và cựu tổng thống Barack Obama, người đã thua cả hai kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Đối với Donald Trump, người luôn luôn muốn phục thù, kết quả mà ông thực sự chờ đợi qua chính sách ngoại giao rất đặc biệt này là số lượng phiếu – và người đắc cử của phe ông vào tháng 11 tới đây.

Thượng đỉnh Trump-Kim, mối đau đầu của Singapore

Cũng liên quan đến thượng đỉnh Mỹ-Triều, Courrier International đã ghi nhận là thách thức đối với các nhà tổ chức cuộc họp, là làm sao cư xử bình đẳng đối với cả hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên, nổi tiếng với tính khí thất thường. Theo tuần báo Pháp, nước chủ nhà Singapore đang phải chịu sức ép rất lớn vì phải tổ chức sự kiện một cách gấp rút và tôn trọng một danh sách dài của các nghi thức lễ tân.

Theo nhật báo Singapore The Straits Times, vấn đề cần thiết đầu tiên là tìm được một phòng hội nghị với hai lối vào, vì với cuộc gặp song phương, « hai lãnh đạo không thể bước vào phòng theo cùng một cửa, vì không thể tạo ra cảm giác là người vào trước đợi người vào sau ».

Đại sứ Singapore Ong Keng Yong đã giải thích với tờ báo rằng vai trò của Singapore trong sự kiện trọng đại này chỉ là « cung cấp một khung cảnh yên lành, an ninh và có hiệu quả ». Một nhà ngoại giao khác nói thêm : « Chúng tôi chỉ bưng trà và rót cà phê mà thôi ».

Tuy nhiên vấn đề không đơn giản vì mọi chi tiết đều quan trọng. Như tờ Straits Times nhắc lại : tổ chức một sự kiện như thế này chỉ trong mươi ngày thôi là một thách thức rất lớn, trong lúc thường khi phải mất 6 tháng hay một năm, và « vấn đề lễ tân không phải là chuyện qua loa, nó có thể khiến một cuộc gặp thượng đỉnh thất bại hay thành công ».

Vấn đề là làm sao hai lãnh đạo phải được đối xử bình đẳng, và công việc bắt đầu ngay từ ở sân bay. Để che giấu sự không cân xứng giữa chuyên cơ Air Force One của tổng thống Mỹ và máy bay của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, các nhà báo theo dõi sự kiện sẽ không được đến tận sân bay mà chỉ đến buổi tiếp đón chính thức. Mặt khác cũng phải bảo đảm là Kim Jong Un có được một chiếc xe hơi cùng tầm cỡ với chiếc xe của Donald Trump đưa từ Mỹ sang.

Đối xử đồng đều rất quan trọng này cũng là một trong những lý do mà khách sạn Marina Bay Sands dự tính lúc ban đầu, cuối cùng đã không được chọn.

Báo The Straits Times giải thích : Đây là khách sạn của một người Mỹ, Sheldon Adelson, một người bạn của ông Trump, và tổ chức thượng đỉnh ở đây sẽ không có vẻ trung lập và bình đẳng. Và không một lãnh đạo nào có thể cư ngụ tại nơi diễn ra hội nghị, tránh tạo cảm nhận đó là bên chủ.

Cho nên ông Donald Trump sẽ ở khách sạn Shangri-La, còn ông Kim Jong Un ở Fullerton và cuộc gặp giữa hai người diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa.

Ai trả tiền khách sạn cho đoàn Bắc Triều Tiên ?

Một yếu tố nhức đầu khác là chi phí khách sạn cho đoàn Bắc Triều Tiên.

Tạp chí Courrier trích dẫn tờ báo Mỹ The Washington Post đã nêu lên vấn đề tiền nong này. Theo tờ báo Mỹ, thì Bắc Triều Tiên « yêu cầu một nước ngoài trả tiền phòng ở khách sạn Fullerton mà họ đã chọn », giá là 6000 đô la một đêm. Mỹ cho biết sẵn sàng trả nhưng « Bình Nhưỡng có thể xem đó là một sự sỉ nhục ».

Tạp chí còn trích dẫn báo Nhật Nihon Keizai Shimbun đã gợi ý là có thể Seoul sẽ chi trả, vì như tờ báo nhắc lại : « Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Triều Tiên yêu cầu một nước khác đài thọ cho việc họ tham gia một sự kiện quốc tế. Nhân Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang, tháng 2/2018, chẳng hạn, Hàn Quốc đã chi trả mọi thứ cho đoàn Bắc Triều Tiên ».

Một tờ báo Nhật khác, tờ Ashahi Shimbun thì nhắc lại là Nhóm Chiến Dịch Quốc Tế Chống Hạt Nhân (ICAN) đoạt giải Nobel Hòa Bình 2017, cũng đã tỏ ý muốn gánh vác tiền khách sạn cho đoàn Bắc Triều Tiên, nếu việc này đóng góp cho tiến trình phi hạt nhân hóa thế giới.

Tóm lại, chỉ có mỗi tiền khách sạn không đã là mối đau đầu, và như tờ The Straits Times ghi nhận, vấn đề gay cấn nhất trong thượng đỉnh này chính là « cá tính khó lường » của cả hai nhân vật lãnh đạo đối diện nhau.

Tờ báo trích dẫn Alan Chong, trường quan hệ quốc tế Singapore S. Rajaratnam nhận định : « Hai người có thể - giống như một chiến thuật đàm phán - không đi theo lộ trình vạch sẵn… Đó là một thách thức đối với mọi nghi thức lễ tân nhuần nhuyễn. Phía Singapore bị buộc phải đi theo, và phải dự kiến không chỉ một kế hoạch B, mà cả kế hoạch C và D nữa ».

Trump, Mister No Limit

Tuần báo Pháp L’Express không ngần ngại đưa ảnh tổng thống Mỹ ngay trên trang bìa, kèm theo tựa lớn đầy nghi ngại : « Trump, những gì ông ấy chuẩn bị cho chúng ta ». L’Express đã liệt kê nào là chiến tranh thương mại, Bắc Triều Tiên, nào là FBI, hạt nhân… Tổng thống Mỹ can thiệp vào đủ mọi lãnh vực.

Hồ sơ lớn dài 14 trang bên trong của L’Express mang tiểu tựa tiếng Anh « Trump, Mister No Limit », tạm dịch là « Trump, nhân vật vô giới hạn », đã phân tích điều mà tờ báo cho là hai mục tiêu rõ rệt của tổng thống Mỹ.

Đặc phái viên tuần báo L’Express tại Mỹ nhận định : « Ông Trump tạo ra rất nhiều huyên náo, ông ấy có vẻ rất lung tung và điều hành việc nước bằng cách gây xáo trộn. Thế nhưng đừng tưởng lầm. Ông Trump có hai mục tiêu rõ rệt trong đầu : Các cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, và cuộc điều tra của cơ quan FBI mà ông muốn phá hủy hoàn toàn ».

Đối với L’Express, trong khi cả thế giới chú tâm vào vở kịch Triều Tiên, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ chỉ có duy nhất một ý tưởng trong đầu là giúp phe của ông tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp giữa kỳ, bao gồm việc thay đổi một phần ba Thượng Viện (gồm tổng cộng 100 thượng nghị sĩ) và bầu lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ Viện.

Kết quả sẽ cực kỳ quan trọng vì nếu đảng Dân Chủ đánh bại đảng Cộng Hòa trong cả hai viện Quốc Hội (một công việc khó khăn nhưng không phải là không làm được), thì con đường sẽ được mở ra cho các thủ tục tố tụng có khả năng dẫn đến việc truất phế tổng thống.

Theo L’Express, để thắng lợi, tổng thống Mỹ vẫn có thể dựa trên ít nhất là ba thành phần ủng hộ viên chính : Giới truyền giáo Tin Lành, giới ủng hộ súng ống và các thành phần triệt để chống nhập cư.

Trump, kẻ phá hủy nền ngoại giao thế giới

Nếu tạp chí Pháp L’Express chú ý đến chiến lược đối nội của tổng thống Mỹ Donald Trump, thì tuần báo Anh The Economist nêu bật trên trang bìa « Chính sách ngoại giao của Mỹ » - mà cụ thể là của ông Trump.

Minh họa cho trang bìa là hình vẽ tổng thống Mỹ đánh đu bên trên một quả địa cầu được dùng như một quả tạ để phá tường. Trong bài xã luận mang tựa đề « Demolition man - Kẻ đập phá », The Economist giải thích rằng lý thuyết phá vỡ để xây mới mà ông Trump đang áp dụng vào chính sách đối ngoại sẽ không thành công.

Tạp chí Anh trước hết tưởng tượng ra một số sự kiện tương lai : Vào tuần tới đây tại Singapore, tổng thống Donald Trump và Kim Jong Un kết thúc thắng lợi cuộc gặp thượng đỉnh với cam kết xóa sạch vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vài ngày sau, Mỹ và Trung Quốc lùi bước trong chiến tranh thương mại, hứa hẹn giải quyết bất đồng. Và trong mùa hè, nhờ tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ, đường phố Iran nổi lên lật đổ được chế độ.

Đó sẽ là những thành quả gây ấn tượng đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào. Đối với một người rất tự đắc với việc phá vỡ mọi cấm kỵ trong ngoại giao, những thành quả đó quả thật đáng khen ngợi. Nhưng liệu đó có phải là thành quả hay không ? Và khi mà ông Trump tìm cách đạt các kết quả đó bằng cách dùng quả tạ đánh vào các đồng minh và các định chế toàn cầu, thì lợi và hại sẽ như thế nào đối với Mỹ và thế giới ?...

Đối với The Economist, ông Trump đã đánh giá quá thấp các thiệt hai đến từ chủ trương « phá bỏ » của ông, và nếu « bậc thầy trong thương lượng » đánh giá thấp những điều ông từ bỏ như thế, thì làm sao ông có thế mặc cả tốt một thỏa thuận cho người dân của ông ? Ông coi thường hệ thống thương mại thế giới cũng như đồng minh, do vậy ông sẵn sàng dẹp bỏ các thứ đó để đánh đổi với những lời hứa trống rỗng là sẽ giảm bớt thất thu song phương.

Điều đó, theo The Economist, có thể dẫn đến sự trả đũa. Iran có thể khởi động lại chương trình hạt nhân, ho làm theo chiến lược của Bắc Triều Tiên là trang bị vũ khí trước khi nói chuyện. Ông Trump có thể làm quà cho ông Kim, giảm nhẹ trừng phạt để đánh đổi lấy việc Bình Nhưỡng bỏ hỏa tiễn đạn đạo tầm xa. Điều này có thể bảo vệ nước Mỹ (và dĩ nhiên là tốt hơn chiến tranh), nhưng lại đặt đồng minh châu Á trong mối hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Trong tình thế đó, đối với tuần báo Anh, triển vọng thấy rõ : Ngày nay là Nước Mỹ Trước Tiên (America First), nhưng về lâu về dài đó sẽ là Nước Mỹ Cô Độc (America Alone).

Những điều bí ẩn ở Bình Nhưỡng

Dưới tựa đề « Những bí ẩn ở Bình Nhưỡng », tạp chí Pháp Le Point giới thiêu quyển sách mà tạp chí xem là « một viên ngọc » mà tổng thống Trump nên độc trước khi gặp Kim Jong Un vào ngày 12 tới đây.

Đó là quyển « La Piste Kim -Voyage au cœur de la Corée du Nord – Đường mòn Kim, - Cuộc du hành vào trung tâm Bắc Triều Tiên ». Quyển sách dày 300 trang, nhà xuất bản Equateurs phát hành, mà tác giả Sebastien Faletti, là thông tín viên của Le Point ở Châu Á.

Theo tác giả bài giới thiệu, thì nhà báo Faletti đã tiết lộ tất cả những bí mật của gia đình Kim Jong Un, như câu chuyện về bà mẹ của Kim Jong Un, một diễn viên múa ballet, sinh ra ở Nhật Bản, hay chuyện thời Kim Jong Un còn ở Thụy Sĩ, và nhất là những màn đấu đá, phản bội, thanh trừng ở Bình Nhưỡng, qua đó tìm hiểu do đâu chế độ này có thể đứng vững như thế.

Faletti đã qua lại Bắc Triều Tiên nhiều lần, đã ở 10 năm ở Hàn Quốc, và hiện là một chuyên gia về địa chiến lược, phân tích tường tận mánh khóe của Trung Quốc, chiến lược của Nhật, Mỹ đối với quốc gia có 1,2 triệu binh lính và vũ khí hạt nhân.

Cổ động viên bất ngờ

Cũng liên quan đến Mỹ, nhưng trong lãnh vực bóng đá, tuần báo Pháp Courrier International đã nói đến một sự kiện rất bất ngờ trong quan hệ Mỹ-Mêhicô.

Tuần báo Pháp đã trích dẫn tạp chí thể thao Mỹ Sports Illustrated, ngày 04/06 đã chạy tựa « Ê kíp kia của Mỹ » với hình ảnh đội tuyển bóng đá Mêhicô ở trang bìa, đội sẽ tham gia tranh Cúp Thế Giới ở Nga, trong lúc đội tuyển Mỹ đã bị loại.

Tạp chí nhận định hóm hỉnh : Cho dù tổng thống Trump không thích, nhưng đối với các cổ động viên Mỹ thì đội tuyển Mêhicô « không khác gì mấy đội nhà », vì gần 36 triệu người định cư ở Mỹ là gốc Mêhicô.

Bóng Đá : Putin và kiểu « chính trị giầy đinh (bóng đá) »

Tạp chí L’Obs cũng chú ý đến sự kiện thể thao toàn cầu – Cúp Bóng Đá Thế giới 2018 - nhưng ở mục quá khứ/hiện tại. Tờ báo nhìn về phía Nga với một tựa đề lý thú : « Chính trị giầy đinh bóng đá », với câu giải thích bên dưới : « Giống như Mussolini ở Ý năm 1934, và Videla ở Achentina năm 1978, ông Putin đang đặt cược trên Cúp Bóng Đá Thế Giới để tuyên truyền ».

Tạp chí Pháp có vẻ hơi tiếc nuối : Giới hâm mộ bóng đá lại tề tựu về Nga, quốc gia đón các trận đấu từ ngày 14/06 đến 15/07, trong bối cảnh Matxcơva bị nhiều tại tiếng, quan hệ không êm ấm với láng giềng và châu Âu.

Đối với Nga, sự kiện thể thao không chỉ mang tính thể thao : ông Putin được cho là coi trọng thể thao, nhưng chỉ xem đấy là một công cụ để phô trương hình ảnh nước Nga đã tìm lại được sự huy hoàng.

L’Obs nhìn xa hơn đến năm 2022, cũng thở dài, Cúp Thế Giới sẽ được tổ chức tại Qatar, và như vậy là hai lần tiếp nối nhau, Cúp Bóng Đá sẽ diễn ra tại hai quốc không có gì là dân chủ. Vấn đề đang gây phiền toái, vì sau vụ cựu điệp viên Nga Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh, các quốc gia Châu Âu đã đe dọa tẩy chay World Cup tại Nga.

Các trang bìa đa dạng

Chủ đề trên các trang bìa tạp chí tuần này khá đa dạng. Ngoài Donald Trump trên The Economist và L’Express, các tờ báo còn lại đã chú ý đến Pháp nhiều hơn.

Le Point nêu bật vấn đề tự do ngôn luận bị giới hạn trước hiện tượng mà tạp chí gọi trong hàng tựa « Thiên hướng độc tài của những người nhạy cảm », và dành khoảng 20 trang cho hồ sơ điều tra của nhà báo Raphaël Enthoven. Theo Le Point, đó là những người hay kêu ca, họ than phiền về mọi thứ, từ ngôn từ đến hành vi, gây ra hậu quả là sự thụt lùi của quyền tự do ngôn luân.

L’Obs dành trang bìa cho trường hợp cụ thể của nam ca sĩ Cantat, với câu hỏi : « Liệu Cantat có thể đi hát được nữa hay không ? ». Nghệ sĩ này phạm tội đánh chết vợ, bị xử án tù, đã mãn án, nhưng việc trở lại sân khấu đã gặp rất nhiều khó khăn do sức sép các phong trào phụ nữ, như #Metoo.

Áp lực mạnh đến nỗi nhà hát Olympia đã phải hủy bỏ hai buổi trình diễn lên chương trình ngày 29 và 30/05. L’Obs dành 8 trang cho hồ sơ này và bênh vực cho Cantat, nhắc lại rằng các phong trào phải tôn trọng quyền tự do được luật pháp quy định.

Courrier International chú ý đến quan hệ « đặc biệt » giữa người Pháp với Hồi Giáo, trong hàng tựa đập mắt : « Hồi Giáo, một mối ám ảnh Pháp » và ghi nhận bên dưới : Báo chí nước ngoài kinh ngạc trước phản ứng cuồng nhiệt mà đạo Hồi gây ra nơi người Pháp.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.