Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - XÃ HỘI

Trang nhất : Di dân, Liên Hiệp Châu Âu bất lực !

Các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày 05/06/2018 tập trung vào ba chủ đề lớn : Phong trào dân túy lên cầm quyền tại Ý buộc châu Âu phải xem xét lại chính sách di dân ; Thủ tướng Đức phát biểu quan điểm về tương lai Liên Hiệp Châu Âu và Thủ tướng Israel công du châu Âu kêu gọi cản trở Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Di dân sống tại các lều trại dọc theo kênh Saint-Denis ở Paris, 04/05/2018.
Di dân sống tại các lều trại dọc theo kênh Saint-Denis ở Paris, 04/05/2018. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Nước Ý có chính phủ do hai đảng cực hữu và mang tư tưởng dân túy cầm quyền đã buộc Liên Hiệp Châu Âu xem xét lại chính sách di dân. Le Figaro trên trang nhất buột miệng thốt lên : « Khủng hoảng di dân : châu Âu dưới áp lực của Ý ». Bởi vì, ông Salvini một lần nữa « khẳng định đường lối cứng rắn về nhập cư », theo như nhận định của Les Echos.

Tân bộ trưởng Nội Vụ Ý đã có tuyên bố gây sốc « Chúng ta sẽ không còn là trại tị nạn của Châu Âu nữa », đồng thời cam kết thúc đẩy hơn nữa nhịp độ các vụ trục xuất khoảng 500.000 người nhập cư trái phép về nước như ông đã hứa trong kỳ tranh cử.

Sự việc một lần nữa đã đẩy « Châu Âu rơi vào bế tắc về quyền tị nạn ». Hôm nay, theo lịch trình, các bộ trưởng Nội Vụ họp tại Luxembourg. Vấn đề tái phân bổ số người tị nạn đang sống các trại tiếp nhận gần như không có hy vọng tìm được một giải pháp. Và tình trạng bế tắc này được thể hiện rõ qua việc bộ trưởng Nội Vụ bốn nước Ý, Pháp, Đức và Tây Ban Nha thông báo không đến dự phiên họp.

Nhập cư : Xử lý yếu kém, Liên Âu trả giá

Trong tình cảnh này, Libération chua chát nhìn nhận « Chủ nghĩa dân túy, cái giá phải trả cho sự bất lực của Châu Âu trước cuộc khủng hoảng di dân ». Tờ báo thiên tả thẳng thắn chỉ trích : Liên Hiệp Châu Âu đã và luôn không có khả năng xử lý « áp lực » di dân, cho dù đỉnh điểm không còn như năm 2015 nữa.

Chính sự bất lực này đã làm trỗi dậy các phong trào dân túy và các đảng cực hữu trên khắp Châu Âu, với một tỉ lệ cao chưa từng thấy kể từ khi chủ nghĩa phát-xít sụp đổ năm 1945. Đây chính là cái giá chính trị mà Châu Âu đang phải trả.

Tuy nhiên, điều đáng lo hơn nữa là các chính đảng truyền thống bất kể là bảo thủ, tự do hay xã hội-dân chủ, trước tình thế này, lại có những luận điệu mị dân mang hơi hướm bài di dân và thông qua một số biện pháp mà trước giờ họ vẫn luôn từ chối.

« Khủng hoảng nhập cư, ngày 11/9 cho Châu Âu »

Do vậy, nhật báo thiên hữu Le Figaro, trong bài xã luận « sự bật dậy không thể thiếu » kêu gọi các nước thành viên nên nhanh chóng tìm ra các giải pháp. Thiếu một câu trả lời thực tế, Liên Hiệp Châu Âu có rủi ro gánh lấy thất bại, và nhất là xem như đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chính mình.

Le Figaro cảnh báo : « Cuộc khủng hoảng di dân này sẽ là ngày 11/09 của Châu Âu ». Cuộc khủng hoảng đó sẽ gây ra một sự xáo trộn đạo đức và văn hóa giữa các nước thành viên. Nó nuôi dưỡng sự giận dữ của người dân chống lại chính các đại diện của mình, những người mà họ đang lần lượt tìm cách « tống khứ » đi.

Ý : Một nhà nước, hai lãnh đạo

Liên quan đến nước Ý, nhật báo Le Monde ghi nhận « Tại Ý, với Di Maio và Salvini, một bộ máy chính quyền với hai lãnh đạo ».

Mặc dù tổng thống Ý đã chấp nhận đề nghị cử ông Giuseppe Conte của hai đảng dân túy làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng theo nhật báo, có lẽ người điều hành thật sự cơ quan nhà nước này là hai ông, Luigi Di Maio, lãnh đạo phong trào M 5 Sao (M5S) và Matteo Salvini, chủ tịch đảng cực hữu Liên Đoàn Liga.

Cả hai ông đều nắm giữ vị trí phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng. Nhưng người thứ nhất kiêm chức bộ trưởng Lao Động và Phát Triển Kinh Tế. Còn người thứ hai giữ ghế bộ trưởng Nội Vụ. Đôi bên cùng cam kết thực hiện các dự án chung thực hiện các chính sách xã hội như đã hứa hẹn với cử tri như ấn định mức lương tối thiểu, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ… nhưng lại đối lập nhau trên vấn đề thuế khóa.

Châu Âu theo cách nhìn của Merkel

Khủng hoảng di dân, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, sự trỗi dậy của các phong trào dân túy… đã làm lộ rõ những yếu kém các định chế của Châu Âu, do đó đã đến lúc phải tiến hành cải tổ Liên Hiệp Châu trên nhiều lĩnh vực. Đề nghị này của tổng thống Pháp đưa ra cách nay gần một năm, nay mới được thủ tướng Đức đáp lại. La Croix trên trang nhất đề tựa « Châu Âu thận trọng của Angela Merkel ».

Thận trọng trong các đề xuất, cũng như trong phương pháp trình bày, một thói quen thường thấy của thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà đã chọn nhật báo cánh hữu Frankfurter Allgemeine Zeitung để trình bày quan điểm của bà về tương lai Liên Hiệp Châu Âu với hy vọng thông tin này có thể đến gần với dân chúng hơn.

« Chừng mực », « thận trọng » là nhận định chung của các báo Pháp. Bởi vì, các chủ đề đưa ra cho thấy bà chấp nhận cải cách châu Âu như kêu gọi của tổng thống Pháp, nhưng theo cách thức và nhịp độ của bà, từ từ chậm rãi và không ầm ĩ. « Merkel khẳng định vị thế của mình trước Macron », Le Figaro nhìn nhận.

Ngoài chủ đề cải cách khu vực đồng euro là gây thất vọng cho Paris, những đề xuất khác của bà Merkel đều đưa ra một cách dè chừng, tối thiểu. Theo đó, nước Đức ủng hộ việc chuyển Cơ Chế Bình Ổn Châu Âu thành Quỹ Tiền Tệ Châu Âu FME, có khả năng hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn về kinh tế, nhưng cũng có khả năng xem xét tái cấu trúc nợ.

Thủ tướng Đức tán đồng một ngân sách đầu tư cho khu vực đồng euro, nhưng thấp hơn mức do tổng thống Pháp đề xuất. Tuy nhiên, vì lo ngại va chạm với các đối tác chính trị, thủ tướng Đức từ chối thành lập cái gọi là « nợ chung ».

Trong hồ sơ di dân, bà ủng hộ ý tưởng thành lập một cơ quan di dân Châu Âu và yêu cầu một sự hài hòa về quyền tị nạn. Về quốc phòng và an ninh, Angela Merkel tán đồng sáng kiến can thiệp châu Âu của Pháp cũng như là nên hình thành « một chiến lược văn hóa » chung.

Tóm lại, phát biểu này của bà Merkel đã làm cho « Paris và Bruxelles thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn phải cẩn trọng », bởi vì « hố ngăn cách hệ tư tưởng giữa Paris và Berlin vẫn còn sâu », Les Echos lưu ý.

Netanyahu đến « lôi kéo » châu Âu chống Iran

Một đề tài khác cũng được các báo Pháp hôm nay nói nhiều đến là vòng công du Châu Âu của thủ tướng Israel. Báo Le Monde dành một góc nhỏ trên trang nhất nhận xét : « Chiến dịch châu Âu của Netanyahu chống hạt nhân Iran ». Les Echos có bài viết đề tựa « Netanyahu vận động gây áp lực lên Iran ».

Thủ tướng Israel chủ yếu đến gặp lãnh đạo ba nước châu Âu hàng đầu : thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh, bà Theresa May. Cũng nhân dịp này, báo Libération đặt câu hỏi với nhà báo Vincent Nouzille về quan hệ Pháp- Israel. Vincent Nouzille là tác giả tập sách « Những câu chuyện bí mật : Pháp - Israel giai đoạn (1948-2018) ».

Theo giải thích của ông Nouzille, quan hệ Pháp-Israel khắng khít chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa và khoa học. Pháp có cùng lập trường về một số chính sách đối ngoại khu vực với Israel ngoại trừ hồ sơ Palestine. Ông Netanyahu lần này đến Paris trong bối cảnh Hoa Kỳ thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một quyết định mà cả Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đều phản đối.

Do đó, mục đích công du Pháp và châu Âu lần này của thủ tướng Israel là hòng dập tắt ảo tưởng khả năng tác động của Paris và Bruxelles lên những hồ sơ gây tranh cãi.

Bắc Triều Tiên : Mù mờ nguyên nhân chỉnh đốn quân đội

Thời sự châu Á hầu như vắng bóng. Riêng Le Figaro có một bài viết ngắn chú ý đến việc « Kim thay đổi bộ tham mưu trước thượng đỉnh với Trump ».

Nhật báo khẳng định chưa hiểu rõ động cơ thay đổi nhân sự này. Tuy nhiên theo phán đoán của một số quan chức Mỹ thì quyết định thay đổi nhân sự này có lẽ có liên quan đến việc Bình Nhưỡng xích lại gần với Seoul và Washington theo sáng kiến của Kim Jong-Un.

Còn theo các chuyên gia thuộc trang mạng 38 vĩ tuyến Bắc, khi tiến hành « siết chặt kiểm soát quân đội », lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn bảo đảm rằng ông ấy có thể trông cậy vào những tầng lớp tướng lĩnh trẻ hơn và còn trung thành hơn vào thời điểm chế độ đang phải đối phó với những thách thức từ bên trong cũng như bên ngoài.

Quyết định thay đổi này cũng có thể được giải thích bằng ý muốn trao thêm cho quân đội một vai trò lớn hơn trong các dự án hạ tầng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.