Vào nội dung chính
Ý - CHÍNH TRỊ

Ý: Thủ tướng được chỉ định chưa thể lập nội các

Carlo Cottarelli, được chỉ định lập chính phủ kỹ trị tại Ý, dường như không hoàn thành được sứ mệnh. Theo AFP, sáng 30/05/2018, cựu chuyên gia tài chính quốc tế đã trở lại hội kiến tổng thống Sergio Mattarella một cách không chính thức.

Ảnh minh họa: Ông Carlo Cottarelli phát biểu với báo giới sau cuộc hội kiến chính thức với tổng thống Ý Sergio Mattarella tại Roma, 28/05/2018
Ảnh minh họa: Ông Carlo Cottarelli phát biểu với báo giới sau cuộc hội kiến chính thức với tổng thống Ý Sergio Mattarella tại Roma, 28/05/2018 REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

Sự kiện này không phải là một tín hiệu lạc quan nhưng hệ quả chưa chắc là xấu. Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng phân tích :

Theo lịch trình đã được ấn định thì trưa hôm qua, 29/05, ông Carlo Cottarelli, người đã được tổng thống Sergio Mattarella, chỉ định đứng ra tìm cách lập chinh phủ, sẽ trở lại hội kiến với tổng thống để thông báo kết quả thăm dò ở Quốc Hội và đề nghị danh sách Hội Đồng Bộ Trưởng. Nhưng sau buổi hội kiến, ông Carlo Cottarelli đã tuyên bố với báo chí rằng còn cần có thêm thời gian để hoàn tất danh sách.

Kết quả thăm dò ở Quốc Hội cho thấy là chính phủ của ông Carlo Cottarelli sẽ không có được đa số trong Quốc Hội, bởi vì cho đến giờ phút đó, chỉ có đảng Dân Chủ PD là đảng duy nhất tuyên bố ủng hộ chính phủ Cottarelli, và do đó, nếu chính phủ được thành lập thì cũng chỉ kéo dài một vài tháng (dự kiến là đến mùa thu 2018) rồi sau đó sẽ đi bầu lại Quốc Hội mới.

Tứ bề gặp chống đối

Nhưng trước khi ông Carlo Cottarelli hội kiến với tổng thống, thì bất ngờ phía đảng Dân chủ tuyên bố là có thể họ sẽ không tham gia việc bỏ phiếu để tìm đa số cho chính phủ trong Quốc Hội, và do đó đến cả số phiếu ít ỏi của đảng Dân Chủ cũng sẽ không có.

Nguồn tin nói trên đã làm thay đổi toàn bộ các kịch bản để thành lập chính phủ Cottarelli, thậm chí có nguồn tin rò rỉ rằng trong buổi hội kiến với tổng thống, ông Carlo Cottarelli đã tuyên bố rút lui. Nhưng sau đó chính ông Carlo Cottarelli đã xác định với báo chí rằng ông chưa hề có quyết định từ nhiệm, và vấn đề hiện nay là danh sách Hội Đồng Bộ Trưởng vẫn chưa đầy đủ, do đó cần có thêm thời gian để hoàn tất.

Nói trắng ra rằng Hội Đồng Bộ Trưởng đang thiếu nhân sự. Điều cũng dễ hiểu: vì nếu như phải tham gia vào hội đồng của một chính phủ chỉ kéo dài được vài tháng, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng và tình hình chính trị căng thẳng, thì cũng chẳng mấy ai "ham" đứng ra làm bộ trưởng. Đó là chưa nói đến điều kiện tiên quyết mà Tổng thống Sergio Mattarella đã đề ra với ông Carlo Cottarelli là để giữ thái độ trung lập của chính phủ, sẽ không có bất cứ một nhân vật nào trong hội đồng chính phủ được tham gia ứng cử trong kỳ bầu cử quốc hội sắp tới. Điều kiện này coi như "cắt đường" của bất cứ nhân vật nào có ý định muốn ra tranh cử.

Điều bất ngờ hơn nữa là trước kịch bản là nếu chính phủ Carlo Cottarelli hoàn toàn không có phiếu ủng hộ ở quốc hội,  thì ngoài hai đảng dân tuý là 5 sao và Lega ra, đa số các đảng khác cũng đang đề nghị giải tán lập tức Quốc Hội, cho đi bầu lại ngay lập tức vào khoảng cuối tháng Bảy sắp tới.

Công luận thất vọng

Công luận cũng khá bị bất ngờ trước tuyên bố của đảng Dân Chủ đề nghị đi bầu lại ngay từ cuối tháng Bảy.

Có thể hình dung ra được rằng lần tranh cử quốc hội sắp tới sẽ diễn ra như một trận thư hùng sống mái giữa hai mặt trận: một bên là các lực lượng dân tuý, hữu khuynh, kình chống Châu Âu và đồng Euro, tẩy chay cơ chế nhà nước, đứng đầu là hai đảng 5 sao và Lega, cùng với đảng Forza Italia của Berlusconi. Bên kia là tất cả các lực lượng trung tả, ủng hộ Châu Âu, chống lại quyết định rút ra khỏi đồng Euro, đứng đầu là đảng Dân chủ, na ná như một kiểu trưng cầu dân ý để quyết định chống hay đồng thuận Châu Âu.

Tính toán hơn thiệt của giới chính trị gia

Lý do vì sao hai đảng 5 sao và Lega muốn đi bầu càng sớm càng tốt thì cũng dễ hiểu, vì đó là những tuyên bố mà cả Di Maio và Salvini đều thường xuyên đem ra "doạ nạt" Tổng thống Sergio Mattarella. Cả hai đảng dân tuý đều sẽ dồn hết sức để tuyên truyền, thậm chí sử dụng rộng rãi các "tin đểu" (fake news) rằng chính cái cơ chế nhà nước và đám lãnh đạo chính trị thối nát (ý muốn nói đến Tổng thống) và toàn bộ các đảng phái chính trị đi ngược lại nguyện vọng "cách mạng đổi mới" đã âm mưu ngăn chận không cho liên minh dân tuý đứng ra lập chính phủ, dù rằng cộng cả hai đảng 5 sao và Lega lại trong quốc hội liên minh này có đủ phiếu để có đa số.

Với một mùa tranh cử căng thẳng như thế, hai đảng 5 sao và Lega dự kiến là họ sẽ thu hút thêm phiếu cử tri. Và theo một số tin tức từ những cuộc thăm dò ý kiến trong những tuần lễ gần đây thì đó là một kịch bản rất khả thi.

Phía đảng Forza Italia, vốn bị thất cử nặng nề lần vừa rồi, lại hy vọng rằng lần tranh cử tới, chính bản thân ông Silvio Berlusconi sẽ trực tiếp đứng ra tranh cử và lãnh đạo liên minh hữu khuynh. Như ta đã biết là trước đây Berlusconi đã không được phép tranh cử, vì bị kết tội gian lận thuế má, và do đó bị kết án không được quyền trực tiếp tham chính trong vòng 5 năm, tức là cho đến hết năm 2018. Nhưng vừa rồi toà án Milano, với lý do Berlusconi có "hạnh kiểm tốt", đã quyết định rút ngắn thời gian thụ án, và bây giờ Berlusconi hoàn toàn có quyền đứng ra tranh cử trong lần sắp tới.

Nhưng đảng Dân Chủ thì thế nào ? Ai cũng biết là hiện nay đảng này, ngoài việc thất cử nặng nề vừa qua, đang lại phải chịu cảnh "nồi da xáo thịt", ban lãnh đạo đảng đang bi chia rẽ trầm trọng, khiến bị mất phương hướng hoạt động. Trong tình huống như thế thì đảng Dân Chủ khó mà có thể mở một chiến dịch tranh cử hùng hậu. Nhưng có thể là lãnh đạo đảng cũng nghĩ rằng trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng" như hiện nay, nếu phải kéo dài tình trạng bất ổn định thêm vài tháng cho đến mùa thu thì bản thân đảng Dân Chủ cũng chẳng có thêm được lợi thế nào, kéo dài thêm thời gian tranh cử lại càng tạo thêm cơ hội để phe dân tuý tiếp tục tạo sói mòn cho cơ chế nhà nước, gây thêm bất ổn kinh tế.

Chủ trương của đảng dân chủ là thành lập một mặt trận chung với tất cả các lực lượng chính trị ủng hộ Châu Âu để thu hút được tất cả các cử tri, dù muốn dù không, cũng không muốn làm một cuộc phiêu lưu rút ra khỏi Châu Âu và khối đồng Euro với một viễn ảnh tồi tệ không khác gì tình trạng kinh tế xã hội ở Venezuela hiện nay. Mục tiêu của đảng Dân Chủ là, dù sẽ thắng cử hay không, quan trọng là cần phải rút ngắn tối đa thời gian kéo dài tình trạng chính trị bất ổn cho Ý.

Bầu sớm tốt cho nước Ý

Còn có thêm một chi tiết chính trị không nhỏ trong trường hợp đi bầu lại ngay vào cuối tháng 7: trong trường hợp này, chính phủ của ông Paolo Gentiloni sẽ tiếp tục hoạt động và điều hành quản lý nhà nước trong suốt mùa tranh cử. Kịch bản này có hai thuận lợi: thuân lợi thứ nhất là cho riêng đảng Dân Chủ, vì ông Paolo Gentiloni là người của đảng này. Thuận lợi thứ hai là cho cả nước Ý: chính phủ Paolo Gentiloni sẽ tiếp tục là đối tác trực tiếp với Châu Âu và quốc tế, do đó có thể lấy nhưng quyết định "chữa cháy" để nhanh chóng kịp thời dập tắt những tuyên bố mị dân bài xích Châu Âu và đồng Euro trong thời gian tranh cử sắp tới.

Chỉ còn một câu hỏi lớn: cuối tháng 7 là thời điểm nước Ý bắt đầu bước vào mùa nghỉ hè. Liệu sẽ có bao nhiêu cử tri có thể chấp nhận thay đổi lịch trình nghỉ hè để ở nhà đi bỏ phiếu ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.