Vào nội dung chính
SYRIA - QUÂN SỰ

Syria chủ trì hội nghị giải trừ quân bị quốc tế, nhiều nước phản đối

Chức chủ tịch luân phiên của Hội Nghị Giải Trừ Quân Bị của Liên Hiệp Quốc, ở Genève, đến lượt chính quyền Syria đảm nhiệm, bắt đầu từ hôm nay, 28/05/2018, sẽ kéo dài trong một tháng.

Đại sứ Mỹ Robert Wood ra khỏi cuộc họp để phản đối việc Syria làm chủ tịch luân phiên tại Genève bắt đầu từ 29/05/2018.
Đại sứ Mỹ Robert Wood ra khỏi cuộc họp để phản đối việc Syria làm chủ tịch luân phiên tại Genève bắt đầu từ 29/05/2018. REUTERS/Denis Balibouse
Quảng cáo

Chính quyền Assad - bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học chống lại chính người dân nước mình - giờ đây lại chủ tọa một hội nghị có sứ mạng tăng cường kiểm soát quốc tế để không quốc gia nào sử dụng hay phát triển vũ khí hóa học. Do vậy, nhiều quốc gia phản đối.

Theo AFP, đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại định chế nói trên của Liên Hiệp Quốc, ông Robert Wood, gửi một thông điệp trên Twitter : « Ngày thứ Hai 28/05 sẽ là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử của Hội Nghị Giải Trừ Quân Bị, với việc Syria bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch trong bốn tuần ». Theo đại diện Mỹ, chế độ Damas « không có được sự tin cậy, cũng như thẩm quyền đạo lý » để chủ trì hội nghị này. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên im lặng.

Đại diện nhiều nước khác cũng cực lực phản đối chức chủ tịch luân phiên dành cho Syria. Để không cản trở hoạt động của hội nghị, một số nước vẫn sẽ tham gia nhưng không cử đại sứ.

Chế độ Damas nhiều lần bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học chống lại thường dân. Sau vụ thảm sát năm 2013 tại vùng Đông Ghouta, dưới áp lực quốc tế, chính quyền Syria phải chấp nhận phá hủy hệ thống vũ khí hóa học. Tuy nhiên, kể từ đó, Damas tiếp tục bị tố cáo tiến hành nhiều vụ tấn công hóa học khác. Theo các điều tra của chuyên gia Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học, chế độ Bachar Al Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng khí sarin tại Khan Cheikhoun ngày 04/04/2017, khiến hơn 80 người thiệt mạng.

Trả lời câu hỏi của báo giới, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonia Guterres nhấn mạnh là ông không có bất cứ thẩm quyền nào để can thiệp, nhằm thay đổi quy chế chủ tịch luân phiên của Hội Nghị Giải Trừ Quân Bị, đồng thời bảo đảm là chức chủ tịch do Syria đảm nhiệm không có « ảnh hưởng tiêu cực » đến công việc của hội nghị này. Theo trật tự abc, sau Thụy Sĩ (Switzerland), đến lượt Syria chủ tọa diễn đàn nói trên của Liên Hiệp Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.