Vào nội dung chính
THỤY ĐIỂN - CHIẾN TRANH

Thụy Điển phòng bị chiến tranh

Tại Thụy Điển, bắt đầu từ thứ Hai 28/05, tất cả các gia đình sẽ được phát một tập sách mỏng tên là : « Phòng khi có chiến tranh, hay khủng hoảng ». Thụy Điển, đất nước yên bình, thịnh vượng, chưa từng biết đến xung đột vũ trang trên lãnh thổ từ 200 năm qua, giờ phải chuẩn bị đề phòng khi có chiến sự.

Tài liệu hướng dẫn « Phòng khi có chiến tranh, hay khủng hoảng ».
Tài liệu hướng dẫn « Phòng khi có chiến tranh, hay khủng hoảng ». AFP/Pontus Lundahl
Quảng cáo

Thông tín viên trong khu vực Frederic Faux tường thuật :

Thụy Điển dường như đang chuẩn bị cho những lúc bất ổn. Tập sách nhỏ này đưa ra các lời khuyên về cách ứng phó trong trường hợp có chiến tranh, cũng như là khi có tấn công khủng bố hay tin học, thảm họa khí hậu hay bất kỳ sự kiện nào gây xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống thường nhật của đất nước.

Trên thực tế, đó chỉ là việc tái bản sách hướng dẫn đã từng được công bố và phân phát lần đầu tiên trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Chẳng hạn, trong tập sách này, người ta có thể tìm thấy một danh mục các vật dụng cần phải có trong tay, từ hộp các loại mì hộp cho đến cả nến thắp ; những lời nhắc nhở về các tín hiệu báo động khác nhau ; cả một trang chỉ dẫn về thông tin giả và làm cách nào để tránh chúng.

Ví dụ, người ta có thể đọc thấy là nếu Thụy Điển bị một nước khác tấn công, đất nước sẽ không bao giờ buông lỏng, mọi thông tin nào thông báo trái ngược sẽ phải được xem như là thông tin giả. Một lời kêu gọi kháng cự thật sự.

Người dân Thụy Điển cảm thấy bị đe dọa

Người dân Thụy Điển cảm nhận có mối đe dọa. Một điều tra của Cơ Quan An Toàn Dân Sự Thụy Điển cho thấy là người dân nước này, khoảng 60%, chiếm một bộ phận dân chúng đáng kể, đặc biệt lo lắng việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Họ còn e sợ tội phạm tin học, hay vũ khí hóa học.

Về phần mối đe dọa đến từ đâu, cho đến lúc này, người dân Thụy Điển vẫn nghĩ đến khủng bố. Cách nay hơn một năm, Stockholm đã bị một vụ tấn công khủng bố Hồi Giáo cực đoan, và điều đó vẫn để lại một chấn thương tâm lý cho cả nước.

Thế nhưng giờ đây, khi nói về các hiểm họa, mọi cặp mắt đều hướng về phía đông. Thụy Điển rất dè chừng Nga, nhất là kể từ sau vụ nước này sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga.

Tầu ngầm của Nga đã từng « lai vãng » trong vùng lãnh hải Thụy Điển. Chiến đấu cơ Nga đôi lần bất ngờ xuất hiện trên không phận nước này. Vladimir Putin thường xuyên gây áp lực sao cho Thụy Điển không xích lại quá gần với NATO.

Tổng thống Nga đe dọa và thậm chí bị nghi ngờ là cho dọ thám cả Thụy Điển. Quốc gia này từ lâu nay vẫn tin rằng họ nằm ngoài các cuộc khủng hoảng đang tác động đến các nước khác, hay như tại châu Âu, nhưng giờ đây niềm tin đó không còn nữa.

Tập trận chưa từng có

Việc phân phát sách hướng dẫn chưa phải là dấu hiệu duy nhất cho rằng thời thế đã thay đổi. Chẳng hạn như chính phủ nước này hồi năm 2017 đã tiến hành các cuộc tập trận lớn chưa từng có. Chính quyền Stockholm đã quyết định tăng cường quân lực. Nghĩa vụ quân sự được tái lập, an ninh dân sự được cách tân và sẽ mở nhiều hầm và nơi trú ẩn. Trong bối cảnh hiện nay, chẳng có gì là phi lý khi chính quyền muốn cảnh báo công dân mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.