Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Jerusalem: Mỹ "khai tử" tiến trình hòa bình Cận Đông

Đăng ngày:

« Một đại sứ quán và một cuộc thảm sát », Libération ngày 15/05/2018 đưa tít lớn. Gần 60 người Palestine bị giết chết và hơn 2.400 người khác bị thương trên dải Gaza trong một cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ dời tòa đại sứ từ Tel Aviv về Jerusalem. Theo giới chuyên gia Pháp, với quyết định này của Hoa Kỳ, việc tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình cho Cận Đông chỉ là một phép mầu.

Palestinian demonstrators run for cover from Israeli fire and tear gas during a protest against U.S. embassy move to Jerusalem and ahead of the 70th anniversary of Nakba, at the Israel-Gaza border in the southern Gaza Strip May 14, 2018.
Palestinian demonstrators run for cover from Israeli fire and tear gas during a protest against U.S. embassy move to Jerusalem and ahead of the 70th anniversary of Nakba, at the Israel-Gaza border in the southern Gaza Strip May 14, 2018. Reuters/路透社
Quảng cáo

Chưa có lúc nào nền hòa bình tại Cận Đông lại mong manh như hiện nay. Trong vòng một tuần, khu vực này đã nhận đến hai cú sét đánh. Ngày 08/05, tổng thống Donald Trump thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sau 13 năm đàm phán gay go. Thế giới còn chưa kịp bừng tỉnh, ngày 14/05, Hoa Kỳ chính thức khai trương tòa đại sứ mới tại Jerusalem.

Chuyên gia Jean-Paul Chagnollaud, giáo sư danh dự và chủ tịch Viện Nghiên Cứu Địa Trung Hải - Trung Đông, chuyên gia về hồ sơ Palestine, trên kênh truyền hình France 24 cho rằng việc khai trương tòa đại sứ Mỹ ở Jerusalem và các vụ bạo động trên dải Gaza cho thấy là tiến trình hòa bình tại đây xem như đã lụi tàn.

« Kể từ nay, mọi hình thức đàm phán sẽ trở nên khó khăn hơn. Câu hỏi thật sự được đặt ra lúc này là người ta có thể đàm phán cái gì ? Một trong những câu hỏi lớn trong đàm phán là quy chế của Jerusalem, thì nay không còn nữa. Nếu chúng ta đi theo ''sự nhìn nhận'' của Washington và người ta cứ cho đó là thủ đô của Israel, điều đó cũng có nghĩa là khu vực này không thể là thủ đô của Palestine.

Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ Israel thực hiện các cuộc chiếm đóng, kể cả trong việc sử dụng bạo lực trên dải Gaza, như là trục hành động chính trong chính sách của mình. Vậy thì còn gì để mà thương thuyết nếu như các cuộc chiếm đóng rầm rộ đó đang đến gậm nhấm lãnh thổ của Cisjordanie ? Giờ đây, chúng ta giờ có thể đàm phán về một Nhà nước Palestine hay không ? Vấn đề người tị nạn Palestine sẽ ra sao ? Nếu người ta tước hết những điểm đàm phán quan trọng, thì tình hình sẽ còn khó khăn trong tương lai hơn là trong quá khứ. ».

Donald Trump : Người « đào mồ chôn » tiến trình hòa bình ?

Đàm phán hòa bình còn thêm khó khăn khi mà người dân Palestine đã đoạn tuyệt mọi liên hệ với Hoa Kỳ, hệ quả tất yếu từ quyết định đơn phương của tổng thống Mỹ. Cho đến lúc này người dân Palestine vẫn luôn nghĩ là cần phải bám chặt vào Washington trong khuôn khổ các cuộc đàm phán sắp tới. Mahmoud Abbas, tổng thống nhà nước Palestine đã nỗ lực làm điều này qua nhiều đời tổng thống Mỹ, ngay cả với Donald Trump, ông đã đi đến tận Hoa Kỳ.

Thế nhưng theo quan điểm của ông Dominique Moisi, nhà nghiên cứu địa chính trị và là cố vấn đặc biệt Viện Montaigne, tại Pháp, trên đài truyền hình BFMTV, ông lấy làm tiếc rằng quốc tế đã không chú ý đến nguyện vọng và lập trường của người dân Palestine :

« Về biểu tượng và cảm xúc : đối với người Palestine, đó là nỗi thất vọng, họ bị cô lập và sống trong những điều kiện khủng khiếp tại Gaza. Hơn thế nữa, người ta lại hoàn toàn không chú ý tới lập trường của Palestine.

Khi công nhận Israel thì đương nhiên là công nhận Jerusalem là thủ đô của nước này. Thế nhưng điều này cũng có nghĩa là phải thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine.

Tôi đã nghe phát biểu của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu . Ông nói rằng mọi việc không rõ ràng thì không thể có hòa bình. Tôi rất muốn nói với ông ta rằng nếu không có một sự tối thiểu về công lý thì không thể có hòa bình. »

Làm thế nào giải thích vai trò « kẻ đào mồ chôn » tiến trình hòa bình cho Cận Đông mà ông Donald Trump vừa khoác lên vai ? Vì sao ông lại có một quyết định rủi ro như thế khi cho dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem ? Chuyên gia Dominique Moisi phân tích :

« Tại sao Donald Trump lại mạo hiểm như vậy ? Tôi nghĩ điều này trong lô gích hành động của ông ta. Tức là : tôi nói điều tôi sẽ làm và tôi làm điều tôi đã nói - ví dụ như lời hứa lúc tranh cử, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa là có bầu cử giữa nhiệm kỳ. Và để thực hiện ý tưởng của tôi, thì không gì có thể ngăn cản được tôi cả. Tôi xóa bỏ mọi kiêng kỵ. Tôi sẽ đi gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên ở Singapore. Tôi cho chuyển sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem.

Tại sao lại nhìn nhận những điều này như một bước ngoặt biểu tượng? Bởi vì trên thực tế, đó là hành động của một phe áp đặt toàn bộ ý muốn của mình lên phe kia. Đương nhiên, có vấn đề luật pháp, có vấn đề biểu tượng và các cảm xúc. »

Mahmous Abbas: Uy tín xói mòn

Trước thái độ đơn phương này của Mỹ, câu hỏi đặt ra : Liệu có thể nào thay thế Hoa Kỳ ? Và bởi nước nào ? Với chuyên gia Jean-Paul Chagnollaud, câu trả lời là « Không ai cả » khi nhìn vào sức mạnh quân sự và khả năng gây hại nhiều hồ sơ quốc tế của Hoa Kỳ hiện nay như hạt nhân, khí hậu, thương mại hay vấn đề Jerusalem.

Đặc biệt là tại Liên Hiệp Châu Âu, những phản ứng trái chiều trong 28 nước thành viên cho thấy khối này đang bị chia rẽ sâu sắc trong hồ sơ Israel-Palestine theo như nhận định của bà Nicole Bacharan, chuyên gia về Hoa Kỳ, trên đài truyền hình BFMTV :

« Không có châu Âu chính trị, không có châu Âu quân sự. Chỉ có châu Âu thương mại và hiện đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ lợi ích của mình khi đối mặt với Donald Trump. Đó là những cái khiếm khuyết của châu Âu. Nếu châu Âu không khắc phục được vào lúc này thì có nghĩa là sẽ không bao giờ làm được cả.

Tình hình hiện nay thật là khủng khiếp vào lúc Israel kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà nước Do Thái. Đó không phải là một sự kiện nhỏ. Thế nhưng, quốc khánh này chỉ lưu lại những hình ảnh khủng khiếp, hình ảnh người Palestine bị bắn chết, rất nhiều người bị bắn chết.

Tôi không phải là chiến lược gia quân sự. Tôi không rõ là liệu quân đội Israel có thể ngăn chặn được người Palestine ở biên giới hay không vì đây là nhiệm vụ của họ ? Liệu chỉ với đạn cao su, lựu đạn hơi cay… có đủ để ngăn chặn dòng người Palestine vượt biên giới hay không ?

Còn phía bên kia, những người tổ chức cuộc biểu tình, tay cầm loa, đứng ở bên dải Gaza, liên tục hô hào mọi người tiến lên, càng đông càng tốt, tràn qua biên giới. Họ muốn có nhiều người chết. Vậy lúc đó, thì cần phải làm gì ? Trong mọi trường hợp tôi thấy có điều gì đó thật là khủng khiếp khi người ta xếp các bức ảnh lễ hội ở Jerusalem bên cạnh những bức ảnh rất nhiều người chết. Cuối cùng thì không có lễ hội gì cả ».

Tuy nhiên, ông Chagnollaud còn lưu ý là khó khăn cho đàm phán hòa bình tương lai không chỉ đến từ phía Mỹ hay Israel mà cả từ phía Palestine. Lãnh đạo nhà nước Mahmoud Abbas từ lâu không còn là một nhà đối thoại có uy tín nữa. Điều này giải thích phần nào nhiều quốc gia vùng Vịnh đã tỏ ra kín tiếng đến lạ thường trước vụ thảm sát này.

« Ông ấy đã mất nhiều địa bàn và từ lâu nay rồi. Mahmoud Abbas đã không còn được lắng nghe nữa. Ngày nay, Palestine không còn người lãnh đạo nữa. Đây là một cuộc khủng hoảng thật sự và giải pháp duy nhất là phải tìm lại con đường hợp nhất quốc gia, nhất là trong giai đoạn bị quốc tế cô lập này, thời điểm nhiều nước Ả Rập, bắt đầu từ Ả Rập Xê Út đã bỏ rơi người Palestine.

Ban lãnh đạo Palestine có lẽ cũng nên đổi mới. Đương nhiên, một trong những phương cách là nên tổ chức bầu cử lập pháp và tổng thống. Lần bầu cử cuối cùng diễn ra vào năm 2005 với thắng lợi của Mahmoud Abbas. Mười ba năm sau, uy tín của ông đã bị xói mòn. »

Hamas là thủ phạm ?

Đối với một số chuyên gia Pháp, việc quy chụp các cuộc bạo động trên dải Gaza là hành động « khủng bố » dưới sự kích động của phe Hamas là không có căn cứ, và xem đấy đơn thuần chỉ là những lời lẽ tuyên truyền từ Israel. Người ta không thể phủ nhận vai trò chính trị tích cực của Hamas có ảnh hưởng đến người biểu tình.

Nhưng việc hàng chục nghìn người trẻ tuổi tham gia biểu tình trong những điều kiện thảm hại như thế phản ảnh rõ nét tâm trạng tuyệt vọng của người dân tại đây. Giới trẻ Palestine nhìn thấy tương lai mịt mùng, không lối thoát, bị khép kín trong vùng lãnh thổ nhỏ bé. Ông Jean-Paul Chagnollaud cảnh báo tình cảnh này càng kéo dài càng đe dọa đến lợi ích dài hạn của Israel :

« Tình cảnh của người dân trên dải Gaza không thể nào cầm cự được nữa : Không điện, không nước, không việc làm… Đấy quả thật là một sự giam hãm thảm hại. Lập trường của hai đại sứ Israel, tại Paris và ở Bruxelles quả là quá đáng và nghiêm trọng. Hai nữ đại sứ khẳng định tính chính đáng của việc hạ sát những thanh thiếu niên với lý do đó là thành phần khủng bố.

Các bà đại sứ phủi sạch phẩm cách của người khác, họ tước đoạt nhân phẩm người Palestine mà không có bằng chứng cụ thể. Đối với Israel, cứ giết trước đã. Theo luật pháp quốc tế, điều đó chẳng khác gì tội ác chiến tranh, những hành động vi phạm nghiêm trọng điều khoản số 4 Công Ước Geneve.

Đó là một biện luận nghèo nàn, tồi tệ và đi ngược với những lợi ích dài hạn của Israel bởi vì điều đó dẫn đến các hiện tượng tiêu cực và hành động bạo loạn ».

Trong một chừng mực nào đó, Israel vẫn có thể tiếp tục trấn áp các phong trào phản kháng. Nhưng các biện pháp đó chỉ có hiệu quả nhất thời. Nỗi bất bình âm ỉ trong lòng người dân Palestine cứ như là những ngọn núi lửa chợt phun trào rồi chợt tắt ngấm.

Và nếu cứ như thế, hòa bình cho Cận Đông quả thật chỉ là những giấc mơ xa xỉ đối với người Palestine, không mong có ngày thành hiện thực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.