Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Mỹ phạt Iran, doanh nghiệp châu Âu điêu đứng

Đăng ngày:

Mỹ đòi áp dụng các biện pháp "trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử" trên hồ sơ hạt nhân Iran. Washington cảnh cáo các doanh nghiệp muốn tiếp tục làm ăn với Iran sẽ phải "gánh chịu hậu quả". Hoa Kỳ căn cứ trên cơ sở pháp lý nào để trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu ? Thiệt hại lên tới đâu và Bruxelles có công cụ nào để tự vệ ? Mỹ phạt châu Âu thì Trung Quốc hưởng lợi ?

Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif (thứ 2 từ trái), cùng với lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm Pháp, Đức, Anh tại Bruxelles, 15/05/2018.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif (thứ 2 từ trái), cùng với lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm Pháp, Đức, Anh tại Bruxelles, 15/05/2018. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Iran trên hồ sơ hạt nhân đặt châu Âu vào thế kẹt. Từ Paris đến Berlin đều tuyên bố sẽ làm tất cả để bảo vệ các tập đoàn của Pháp, Đức và cả Liên Hiệp Châu Âu đã từng bước dấn thân vào thị trường Iran, nay phải rút khỏi quốc gia Hồi Giáo này trong vòng từ 90 đến 180 ngày.

Xuất khẩu và đầu tư của châu Âu thấm đòn

Nước Đức là nguồn xuất khẩu số 1 trong Liên Âu sang Iran, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Iran trong năm 2017 lên tới 3 tỉ euro, cao gấp đôi so với của Pháp. Bộ trưởng Tài Chính Đức Peter Altmaier ngày 22/05/2018 phải nhìn nhận là các tập đoàn của Đức sẽ "bị vạ lây" từ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào Iran. Đứng đầu trong số đó là các công ty dược phẩm, các nhãn hiệu nổi tiếng trong ngành công nghiệp Đức, như Siemens hay Daimler.

Trong số các quốc gia châu Âu bán hàng cho Iran, Ý đứng thứ nhì với 1,7 tỉ euro. Về thứ ba là Pháp với 1,5 tỉ euro.

Nhìn đến một chỉ số quan trọng thứ nhì là tổng trị giá đầu tư, từ đầu 2016 khi lệnh cấm vận Teheran được bãi bỏ, thị trường rộng lớn với 80 triệu dân này trở thành một "mảnh đất màu mỡ" trong mắt các nhà đầu tư Pháp. Trong 18 tháng qua đã có 300 doanh nghiệp Pháp đăng ký hoạt động tại Iran.

Từ hãng xe Renault, Peugeot đến tập đoàn dầu khí Total đã ồ ạt đầu tư vào Iran. Riêng Total tháng 7/2017 thông báo cùng với hai đối tác là tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia Iran NIOC và CNCP của Trung Quốc ký một hợp đồng khổng lồ để khai thác mỏ khí đốt South Pars có khả năng cung cấp 400.000 thùng mỗi ngày. Trong khâu đầu tiên của dự án, Total đã chi ra hơn 1 tỉ đô la.

Nhìn đến lĩnh vực công nghệ chế tạo máy bay, tập đoàn châu Âu Airbus từ khi cộng đồng quốc tế bãi bỏ cấm vận Iran, ký hợp đồng với hai hãng hàng không Iran Air và Zagos Airlines, bán 100 chiếc máy bay. Tổng trị giá lên tới gần 21 tỉ đô la theo như giá rao bán.

Tổng số vốn đầu tư của Pháp vào Iran năm 2017 đạt 2,5 tỉ euro, tăng gấp ba lần so với thời điểm tiền hiệp định hạt nhân Vienna.

Trong mắt luật gia Oliver Dorgans chuyên giải quyết các hồ sơ cấm vận quốc tế thuộc văn phòng tư vấn pháp lý Brown Rudnick trụ sở tại Boston, Hoa Kỳ, trong mọi trường hợp, quyết định của Washington đòi trừng phạt đích đáng Iran là một vố đau với các doanh nghiệp châu Âu nói chung, của Pháp nói riêng :

"Rõ ràng đây là một đòn rất đau nhắm vào các doanh nghiệp châu Âu, Pháp, Mỹ và trong một chừng mực nào đó là của cả Nga lẫn Trung Quốc bởi vì từ hai năm rưỡi nay số này đã từng bước dấn thân vào thị trường Iran.Với quyết định của Hoa Kỳ, họ có thời hạn từ 90 đến 180 ngày để rút toàn bộ các hoạt động khỏi Iran. Biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào gần như tất cả các lĩnh vực kinh tế và đặc biệt là ngành ngân hàng.

Ngay cả trong trường hợp một hãng nào đó bán hay mua một mặt hàng không bị trừng phạt đi chăng nữa, họ cũng phải ngưng giao thương với Iran, bởi vì từ nay tới đầu tháng 11/2018, không một ngân hàng nào dám đứng ra là trung gian để nhận hay thanh toán tiền giữa hãng này với Iran. Thân chủ tại văn phòng luật sư của chúng tôi đang rất lo lắng, đồng thời họ biết rõ rằng, ngõ thoát duy nhất là một giải pháp chính trị".

Mỹ căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài ?

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Washington đã ban hành luật cấm vận đối với các nước cộng sản. Sau này, lệnh đó đã được bổ sung thêm với hai đạo luật khác gồm đạo luật Helms Burton nhắm vào Cuba và Amato-Kennedy nhắm vào Iran cùng với Libya.

Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài (OFAC) trực thuộc bộ Tài chính Mỹ có nhiệm vụ kiểm tra các biện pháp trừng phạt kinh tế phải được áp dụng đến nơi đến chốn.

Tất cả các doanh nghiệp nào sử dụng đồng đô la Mỹ để giao thương với các quốc gia thuộc danh sách đen của Washington đều bị coi là vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ.

Năm 2014 nhân danh các điều luật này mà ngân hàng BNP Paribas của Pháp bị OFAC đòi phạt tới 10 tỉ đô la do vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào ba nước là Cuba, Iran và Soudan. Sau nhiều cuộc thương lượng, khoản tiền phạt lên tới 8 tỉ đô la.

Chính vì tấm gương của ngân hàng BNP Paribas mà chưa đầy một tuần sau khi tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà cộng đồng quốc tế đã đạt được với Iran ngày 14/07/2015, tập đoàn Total đã tuyên bố "rút lui khỏi dự án khai thác khí đốt tiềm năng nhất tại Iran".

Trả lời trên đài truyền hình France 24, luật gia Oliver Dorgans giải thích thêm về các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Châu Âu có phương tiện nào để tự vệ ? Luật gia Dorgans thuộc văn phòng tư vấn Brown Rudnick giải thích :

"Cần nhấn mạnh đến khác biệt giữa một bên là các biện pháp trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài có liên hệ với các doanh nghiệp Mỹ - mà đây là trường hợp của rất nhiều các doanh nghiệp Pháp, và bên kia là các biện pháp trừng phạt nhắm vào những doanh nnghiệp thuộc dạng « non US person » tức là những người không đóng thuế ở Mỹ.

Ở dạng thứ nhì này không có một cơ sở pháp lý nào cho phép Hoa Kỳ kiện và phạt các tập đoàn trong trường hợp này, nhưng Mỹ đã áp dụng hình phạt đó vào năm 1992, và bốn năm sau, lại còn cứng rắn hơn nữa.

Chừng nào mà Châu Âu không phản ứng mạnh mẽ, thì Mỹ cứ tiếp tục lấn lướt.

Đến năm 1996, Liên Hiệp Châu Âu đã đáp trả bằng hai cách để tránh lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào Cuba với đạo luật Helms Burton và phạt Iran cùng với Libya trong khuôn khổ đạo luật Amato Kennedy.

Thứ nhất là Bruxelles đã đưa ra một công cụ pháp lý bắt buộc các tập đoàn châu Âu không tuân thủ các hình phạt của bất kỳ một quốc gia ngoại quốc nào, trong đó có cả Mỹ. Giải pháp thứ hai được áp dụng song song là Liên Hiệp Châu Âu đệ đơn lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đòi Mỹ phải rút lại biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp của châu Âu. Thủ tục kéo dài trong sáu tháng, từ cuối mùa xuân cho đến cuối mùa thu 1996. Rốt cuộc thì Washington cam kết là không phạt các đơn vị thuộc diện « non US Person ».

Tuy nhiên theo tôi, châu Âu khi đó phạm phải sai lầm là đã cả tin và không đi đến cùng thủ tục pháp lý. Nói cách khác nhẽ ra Bruxelles cũng phải có những biện pháp trả đũa tương xứng khi các công ty của châu Âu bị Mỹ trừng phạt".

Các doanh nghiệp châu Âu hiện tại đều tuyên bố đang chờ đợi một phản ứng mạnh mẽ từ phía các chính quyền trong Liên Âu. Vậy giải pháp chính trị đó là gì ? Luật gia Dorgans phân tích :

"Đáp trả bằng biện pháp chính trị nghĩa là Liên Âu có thể dùng đòn như đã tung ra trên hồ sơ thép và nhôm trong những tuần lễ vừa qua. Có nghĩa là cũng trả đũa một cách tương xứng. Nếu như hãng dầu khí Total hay hãng xe Peugeot của Pháp bị phạt, hay bị phong tỏa tài khoản trên lãnh thổ Mỹ, thì Bruxelles cũng phải có cách để giữ lại ngân khoản của những ExxonMobile hay hãng xe General Motors …

Qua nhiều kinh nghiệm, chúng ta thấy đây là biện pháp có hiệu quả và theo tôi, đây là giải pháp duy nhất để Washington phải xét lại chính sách trên hồ sơ hạt nhân Iran".

Có thêm một công cụ thứ ba, là châu Âu cũng có thể đề quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cho phép số này dùng đồng euro làm phương tiện giao dịch với Iran mà không cần đến đồng đô la. Trên giấy tờ đây là một trong số các phương án mà Bruxelles và Teheran cùng đang nghiên cứu, nhưng theo luật gia Olivier Dorgans thuộc cơ quan tư vấn pháp lý Brown Rudnick, khó khăn đặt ra ở đây là phương tiện tài chính có hạn của các quỹ dành để hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu sang Iran hoạt động.

Châu Âu lao đao, Trung Quốc hưởng lợi

Trước mắt, Paris đề nghị Liên Hiệp Châu Âu chia sẻ một phần những thiệt hại của các doanh nghiệp đã dấn thân vào Iran để rồi giờ đây bị kẹt vì chính sách từng phạt Teheran mà chính quyền Trump ban hành.

Trong lúc Liên Hiệp Châu Âu còn đang tìm cách vừa duy trì liên hệ với Iran vừa tránh rơi vào một cuộc đọ sức với Mỹ, và nhất là có chung một tiếng nói để đối phó với Nhà Trắng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang mừng thầm.

Trung Quốc là một trong sáu nước lớn trên thế giới đã ký vào thỏa thuận hạt nhân Vienna với Teheran. Tháng Giêng 2016, ông Tập Cận Bình là nguyên thủ Trung Quốc đầu tiên từ 14 năm qua công du Iran đúng vào lúc thế giới bãi bỏ lệnh cấm vận Teheran. Chuyến công du này của lãnh đạo Bắc Kinh là một hình thức để nhắc nhở Teheran về vai trò của Trung Quốc tại Iran.

Hơn hai năm sau khi Washington dọa cả Iran lẫn tất cả các đối tác nào muốn tiếp tục giao thương với quốc gia Hồi giáo này, thì Bắc Kinh tuyên bố vẫn "duy trì quan hệ kinh tế và thương mại một cách bình thường với Iran".

Total đau đớn thông báo sẽ phải rút khỏi dự án khai thác khí đốt South Pars ở Iran, lập tức Teheran trả lời rằng, vắng Total thì đã có CNPC của Trung Quốc, nhất là tập đoàn dầu khí Trung Quốc này lại là một trong những đối tác của Total. CNPC sẽ "lấp vào chỗ trống" mà công ty dầu khí Pháp để lại. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Iran và Trung Quốc lên tới 37 tỉ đô la trong năm 2017.

Sau cùng, do ít hiện diện trên lãnh thổ Hoa Kỳ hơn là các đối thủ châu Âu, các công ty của Trung Quốc tuy có bị liên lụy vì các biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump nhưng sẽ ở mức độ nhẹ hơn là so với các công ty của châu Âu. Hầu hết các hãng lớn của châu Âu đều không thể bỏ thị trường Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.