Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - HOA KỲ

Nhà thương thuyết Mỹ Donald Trump : thành công tiếp nối thành công

Hôm nay là ngày nghỉ lễ tại Pháp, nhiều tờ báo không ra sạp, nhiều báo ra số kép từ ngày thứ Bảy - Chủ Nhật. Đáng chú ý là bài viết có tiêu đề « Trump - thủ lĩnh thương thuyết thu về nhiều thành công », đăng trên báo Le Figaro ngày thứ Bảy 19/05/2018. Vị tổng thống Mỹ vốn gây rất nhiều tranh cãi đã khiến nhiều đối tác thương mại phải nhượng bộ. Kinh tế Mỹ cũng được củng cố vững chắc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh chụp tháng 4/2018 tại Washington DC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh chụp tháng 4/2018 tại Washington DC. AFP
Quảng cáo

Trên hồ sơ khí hậu, Iran và Israel, tổng thống Mỹ Donald Trump bi cộng đồng quốc tế phản đối. Các tin nhắn Twitter giận dữ vào sáng sớm, tính cách thất thường khó đoán, sự hung hăng của ông Trump khiến công chúng nhiều phen bàng hoàng. Những vụ cãi cọ với FBI và tư pháp khiến công luận phải đặt câu hỏi liệu Donald Trump có khả năng trụ đến hết nhiệm kỳ tổng thống hay không. Tuy nhiên, cách thức đàm phán của Donald Trump dường như đã « bắn trúng đích ».

Phương pháp đàm phán đó đã từng được nhà tài phiệt bất động sản New York trình bày trong The Art of the Deal (tạm dịch: Nghệ thuật đàm phán), cuốn sách ra mắt cách nay 30 năm và là cuốn sách bán chạy nhất trong suốt nhiều năm. Từ khi lên làm tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nhiều lần sử dụng phương pháp đàm phán này, nhất là với Bắc Triều Tiên. Nguyên thủ Mỹ nhiều lần đưa các đe dọa khủng khiếp nhất, gây áp lực ở mức cao nhất cho đối phương hoặc đối tác, rồi sau đó nói sẵn sàng đàm phán.

Về thương mại, chủ nhân Nhà Trắng đã ghi điểm. Ông Trump đã buộc Brazil, nhà cung cấp thép lớn thứ hai cho Mỹ, phải nhượng bộ. Hàn Quốc cũng đã phải lùi bước. Hiển nhiên, việc sở hữu ngân sách quốc phòng cao nhất toàn cầu (670 tỉ đô la, nhiều hơn ngân sách quốc phòng của 7 nước xếp hạng sau Mỹ cộng lại) và có nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới (tổng thu nhập quốc nội 19.000 tỉ đô la, gấp 1.5 lần so với Trung Quốc) là lợi thế của Mỹ. Steven Friedman, kinh tế gia người Mỹ của BNP Paribas AM, bình luận : « Đứng trước các nước nhỏ, Mỹ có nhiều đòn bẩy để thương lượng, nhưng đối mặt với các nước lớn như Trung Quốc, chắc chắn phải có nhiều hoạt động đàm phán dài hạn mới có thể đạt được thỏa thuận ».

Trên thực tế, Washington và Bắc Kinh đã quay lại đàm phán hôm thứ Sáu 18/05. Chính quyền Trump tuyên bố sẽ ra quyết định cuối cùng vào ngày 22/05. Nếu không đạt được thỏa thuận, Washington sẽ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ với giá trị trên 50 tỉ đô la. Chưa biết kết quả cuối cùng ra sao, nhưng Donald Trumpd đã thành công trong việc đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán về thiếu hụt cán cân thương mại với Mỹ.

Liên quan tới châu Âu, cho dù chỉ trích tổng thống, nhưng kinh tế gia người Mỹ Steven Friedman cũng cho rằng ít nhất ông Trump cũng đã khuyến khích được Liên Hiệp châu Âu thảo luận về tác động của toàn cầu hóa tới nền kinh tế. Còn kinh tế gia Florence Pisani của Candriam, đồng tác giả một cuốn sách về kinh tế Hoa Kỳ, nhận xét là chiến thuật đàm phán của ông Trump là đánh mạnh, rồi khoe khoang thành tích với cử tri. Nhưng đó là một trò chơi nguy hiểm, vì nó tạo ra sự nghi ngờ và khiến nhiều dự án bị đình hoãn lại.

Nhiều chỉ số kinh tế tích cực dường như đã cho thấy những nghi vấn bi quan dường như là thiếu cơ sở. Tỉ lệ thất nghiệp 3,9% là mức thấp nhất từ gần 20 năm nay, ngành công nghiệp Mỹ tạo thêm được nhiều việc làm, các hộ dân tin tưởng hơn vào sự phát triển kinh tế so với hồi ông Trump mới lên làm tổng thống. Theo ngôn từ mà ông Trump dùng trên Twitter sáng hôm thứ Năm tuần trước, « bất chấp các vụ săn phù thủy kinh khủng, bất hợp pháp và vô căn cứ » nhắm vào ông, 17 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông đạt kết quả tốt nhất so với các tổng thống tiền nhiệm trong lịch sử.

Tuy nhiên, theo kinh tế gia người Đức Christian Leuz, thuộc University of Chicago Booth School of Business, « không có thay đổi lớn nào kể từ khi ông Trump nhậm chức. Tổng thống Obama đã để lại một nền kinh tế phát triển tốt, và vẫn còn quá sớm để nói rằng thành công có được là nhờ Donald Trump ».

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét rằng « di sản vững chắc » đó có được cũng là nhờ 10 năm chính sách tiền tệ hào phóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Cải cách thuế khóa cũng có tác động tích cực tới kinh tế Hoa Kỳ, chẳng hạn tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho phép một số tập đoàn như Apple chuyển về Mỹ hàng trăm tỉ lợi nhuận trước đây vẫn cất giữ ở nước ngoài. Nhưng theo kinh tế gia Florence Pisani của Candriam, một cuộc điều tra mới đây của quỹ dự trữ liên bang ở Atlanta tiết lộ chỉ có dưới 10% doanh nghiệp dự tính đầu tư thêm, mặc dù được giảm thuế.

Liên quan tới các hộ gia đình, rất có thể họ phải đóng thêm thuế cho tiểu bang nơi họ sinh sống, cho dù thuế liên bang giảm. Mặc dù các kế hoạch cải tạo lớn vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng chi tiêu ngân sách mà Quốc Hội Mỹ thông qua có thể sẽ tăng thêm 0,3% GDP. Kinh tế gia Steven Friedman cảnh báo việc tăng chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ đẩy vị tổng thống kế nhiệm Dopnald Trump vào cảnh « ngân sách thiếu hụt hơn 5% GDP và nợ nần tăng mạnh ».

Le Monde kết luận sẽ phải đợi đến cuối năm để có thể đo lường chính xác hiệu quả mà các biện pháp của tổng thống Trump mang lại. Nhưng có một điều cần nhớ là tại Mỹ, về chính sách đối ngoại, hầu như mọi quyết định phải được Quốc Hội thông qua. Gần như tồn tại một « thỏa thuận » giữa tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng Hòa. Đó là để được chính quyền ủng hộ trong các hồ sơ mà họ quan tâm, các nghị sĩ Cộng Hòa buộc phải chấp nhận cung cách làm việc của ông Trump. Tuy nhiên, những bất đồng lớn về di dân và tự do mậu dịch, hay kỳ bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ đang khiến « thỏa thuận » này có nguy cơ vỡ tan.

Ấu dâm : tội lỗi của Giáo Hội Công Giáo

5 năm sau khi được bầu chọn, giáo hoàng Phanxicô đang nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà ngài phải đương đầu liên quan tới vụ tai tiếng một linh mục Chi lê lạm dụng tình dục trẻ em. Trong bài viết “Ấu dâm : tội lỗi của Giáo Hội”, Le Monde cho biết lần đầu tiên kể từ 2 thế kỷ qua, tập thể giám mục Chi lê đồng loạt từ chức sau khi bị giáo hoàngtriệu về Rôma để giải trình về trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo Chilê trong vụ tai tiếng bao che hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của một linh mục Chilê. Vụ tai tiếng ấu dâm ở Chi lê đã làm xấu đi hình ảnh của một giáo hoàng vốn luôn nhấn mạnh phải bảo vệ những người yếu đuối và người nghèo trước những kẻ mạnh, nhưng lại tỏ ra kém nghiêm khắc hơn người tiền nhiệm - giáo hoàng Bénédic XVI, về các vụ tai tiếng ấu dâm.

Hồi tháng 01/2018, trong chuyến thăm Chi lê, giáo hoàng Phanxicô còn lên tiếng bảo vệ một giám mục bị nghi ngờ là đã bao che cho một linh mục bị buộc tội ấu dâm. Đến giữa tháng 04/2018, giáo hoàng Phanxicô đã công nhận những « sai lầm nghiệm trọng » của ngài khi đánh giá vụ việc và thừa nhận rất đau khổ và lấy làm xấu hổ trước việc làm không thể sửa chữa nổi của giáo hội Chi lê.

Le Monde kết luận nếu không có các án phạt và cải cách, chẳng hạn thành lập một tòa án chuyên xét xử các giám mục phạm tội, hay công khai các bí mật liên quan tới Giáo Hội về trình tự tố tụng hợp với quy tắc tôn giáo khi xảy ra các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, thì vụ từ chức của 31 giám mục Chi lê cũng sẽ chỉ như “một nhát kiếm chém vào nước”, không hề có tác dụng và sẽ không thể làm giảm bớt nỗi xấu hổ của Giáo Hội cũng như nỗi đau đớn của các nạn nhân.

Rumani : Những đứa trẻ bị bỏ rơi thời Cộng Sản

Trong lĩnh vực xã hội, đặc phái viên của báo Libération tại Calarasi, Rumani có phóng sự : « Rumani : Cuối cùng, chính con gái tôi đã tìm lại được tôi ». Dưới thời độc tài và trong những năm sau khi nhà độc tài Ceaucescu bị lật đổ, hàng chục ngàn em nhỏ đã bị bố mẹ bỏ rơi, rồi được người nước ngoài nhận làm con nuôi và xuất ngoại. Hiện rất nhiều người trong số họ đang tìm cách tìm lại cha mẹ đẻ ở Rumani.

Mặc dù chính quyền Rumani không cung cấp số liệu chính thức, nhưng theo nhiều cựu nhân viên của cơ quan quản lý công tác trao - nhận con nuôi, từ năm 1990 đến năm 2001, có hơn 30.000 em nhỏ được các gia đình Tây phương nhận nuôi. Đề tài này hiện vẫn rất tế nhị vì nó vẫn gợi nhớ những chấn thương thời Cộng Sản.

Năm 1966, tổng thống Nicolae Ceaucescu thông qua sắc lệnh cấm nạo phá thai, nếu không sẽ bị phạt tù. Mục đích là tăng tỉ lệ sinh, vì theo Ceaucescu, một đất nước lớn mạnh phải đông dân. Do thiếu biện pháp ngừa thai, nhiều phụ nữ đã sinh con ngoài ý muốn. Dưới thời Ceausescu, thực phẩm được phân phối, hàng hóa thiết yếu thiếu thốn, hầu như toàn bộ sản xuất trong nước được xuất khẩu để hoàn nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế. Vì thế, việc nuôi dưỡng trẻ em rất phức tạp. Một số đứa trẻ bị bỏ rơi ngay sau khi sinh. Sau khi Ceasucescu bị lật đổ vào năm 1989, điều kiện sống vẫn không được cải thiện, nhiều người tiếp tục bỏ rơi con cái.

Những người trước đây được nhận nuôi và đưa sang phương Tây và những bậc cha mẹ Rumani đã từng phải bỏ rơi con vì hoàn cảnh khó khăn nay đang cố gắng tìm lại nhau, xóa đi những chấn thương thời Ceaucescu. Bà Maria Vlad, từng là giám đốc một trại trẻ mồ côi ở Cisdanie, tại Transylvania, nay đã về hưu. Bà đã kiểm tra hồ sơ của nhiều người nước ngoài muốn nhận con nuôi Rumani trong những năm 1990. Bà nhớ lại : « Chúng tôi không giao các em nhỏ cho bất cứ gia đình nào, mà lựa chọn rất kỹ lưỡng ». Theo bà Maria Vlad, trong thời kỳ đó, có rất nhiều người nước ngoài tới Rumani xin con nuôi. Dù rất buồn khi thấy các em cứ lần lượt ra đi, nhưng bà biết các gia đình phương Tây sẽ mang lại cho các em một cơ hội mới để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 2004, chính quyền Rumani đã quyết định ngưng vĩnh viễn việc cho các em nhỏ làm con nuôi người nước ngoài. Nhưng nay một dự luật đang được trình lên Quốc Hội để xem xét lại việc cho phép người nước ngoài nhận con nuôi Rumani. Do giáo dục giới tính và chống đói nghèo không được Nhà nước chú trọng, tỉ lệ trẻ em bị bỏ rơi vẫn rất cao. Chỉ tính riêng năm 2017, gần 10.000 em nhỏ đã bị bỏ rơi, một kỷ lục đáng buồn ở châu Âu.

Ý-Pháp: biên giới của mọi mối nguy hiểm

Nhiều người cứ nghĩ rằng vùng biên giới Pháp - Ý từ xưa tới nay luôn bình yên. Nhưng thực tế là hai nước đã có tranh chấp về biên giới trong suốt nhiều thế kỷ. Trong bài viết « Ý - Pháp: biên giới của mọi mối nguy hiểm » đăng trên báo Le Monde, tác giả Jérôme Gautheret cho biết biên giới Pháp - Ý là đường biên giới được hình thành muộn nhất ở Tây Âu - năm 1947.

Từ cuối những năm 1940, hàng chục ngàn di dân kinh tế tại những vùng nghèo nhất nước Ý đã theo các con đường xuyên qua biên giới để sang Pháp tìm kiếm công ăn việc làm. Trong giai đoạn nhu cầu nhân công cao, chính quyền Pháp không có lý do gì để chống dòng người di cư từ Ý sang. Phép màu kinh tế của Ý sau đó đã khiến dòng người Ý di cư sang Pháp giảm dần. Biên giới vật lý giữa hai nước biến mất vào năm 1997, sau khi Ý gia nhập khối Schengen.

Việc di dân dồn dập tới bờ biển phía nam nước Ý vào đầu những năm 2010 đã làm thay đổi mọi chuyện. Kể từ năm 2013-2014, cũng giống như nước Áo, Pháp đã tăng cường tuần tra biên giới chống di dân bất hợp pháp. Sau những vụ khủng bố năm 2015, Pháp lại càng tăng cường chống di dân bất hợp pháp. Ý trách Pháp không muốn chia sẻ gánh nặng di dân với nước Ý, trong khi chính Pháp đã giữ vai trò quyết định trong cuộc chiến ở Lybia, cuộc chiến góp phần nâng cao số di dân tràn tới nước Ý.

Tại khu vực biên giới, căng thẳng thể hiện qua việc những hoạt động đấu tranh, những sự cố lẻ tẻ chống đối cảnh sát và hiến binh Pháp tăng đột biến trong thời gian qua, điển hình là vụ hải quan Pháp ngày 30/03 xông vào nhà ga Bardonecchia (Piémont), tới căn phòng của một hiệp hội hỗ trợ di dân, phía bên kia biên giới, để thực hiện một cuộc xét nghiệm nước tiểu đối với một người Nigeria bị tình nghi buôn lậu ma túy. Vụ việc đã khiến chính quyền Ý phẫn nỗ và triệu tập đại sứ Pháp tại Ý.

Tới cuối tháng Tư, trên đỉnh Echelle (Hautes-Alpes), một nhóm người chống di dân đã giương những khẩu hiệu phản đối « sự xâm chiếm châu Âu » tại một trong những lối đi chính dẫn di dân từ Ý sang Pháp, đẩy căng thẳng âm ỉ giữa hai nước lên cao.

Trang nhất các báo Pháp

Nhật báo Le Monde ra sạp từ chiều thứ Bảy 19/05/2018 quan tâm đến chính sách ngoại giao của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chạy tựa trang nhất « Hạn chế của phương pháp Macron trên trường quốc tế ». Nhìn sang nước Ý, báo Le Figaro nói về « Liên minh chống hệ thống ở Ý khiến châu Âu lo ngại ». Báo Công Giáo La Croix số thứ Bảy - Chủ Nhật - thứ Hai, nhân dịp ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Pentecôte), đặt câu hỏi : « Khẳng định đức tin, đúng ! Nhưng bằng cách nào ? ».

Trong khi đó, báo Libération dành cả trang nhất cho hàng tựa lớn « Mãi dâm, cưỡng hiếp, tấn công tình dục - sự lạm dụng không biên giới » trên nền một bức ảnh có hình một chiếc hộp bên ngoài có ghi chữ “cứu trợ nhân đạo”, nhưng bên trong có một con sói dữ nhe nanh ẩn nấp. Sau vụ bê bối tình dục gây chấn động dư luận của tổ chức nhân đạo Oxfam, báo Libération có bài điều tra về vấn nạn lạm dụng tình dục tại các tổ chức phi chính phủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.