Vào nội dung chính
VENEZUELA - CHÍNH TRỊ

Venezuela : Maduro bám trụ sau 5 năm khủng hoảng

Cách nay một năm, ít có ai nghĩ rằng tổng thống Nicolas Maduro ra tranh cử nhiệm kỳ hai trong bối cảnh Venezuela chìm trong khủng hoảng chính trị và lạm phát phi mã 2500% mỗi năm. Thay thế « người hùng cách mạng » Hugo Chavez từ trần vào năm 2013, cai trị đất nước với bàn tay sắt, nhân vật xuất thân là tài xế xe buýt đã tái đắc cử hôm Chủ nhật 20/05/2018 thêm một nhiệm kỳ sáu năm. Nhờ bạo gan và bản lĩnh.

Tổng thống Venezuela Maduro chào những người ủng hộ sau khi kết quả được tuyên bố, Caracas, ngày 20/05/2018.
Tổng thống Venezuela Maduro chào những người ủng hộ sau khi kết quả được tuyên bố, Caracas, ngày 20/05/2018. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins
Quảng cáo

Cho dù Venezuela bị điêu tàn sau 5 năm cần quyền, Nicolas Maduro 55 tuổi, vẫn giành được gần 70% phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày Chủ nhật, một cuộc bỏ phiếu không có đối thủ lợi hại và bị đa số dân chúng tẩy chay. Ngày bầu cử do chính ông bất ngờ tổ chức trước kỳ hạn hơn nửa năm, làm phe đối lập không kịp chuẩn bị.

Trước đám đông ủng hộ viên, ngay khi có kết quả sơ khởi, tổng thống Maduro tuyên bố dõng dạc : chúng ta lại chiến thắng, chúng ta là sức mạnh của lịch sử được « chuyển hóa » thành « chiến thắng trường kỳ của nhân dân ».

Lời tuyên bố cường điệu này thật ra không hẳn là phóng đại . Lên thay tổng thống mãn đời Hugo Chavez năm 2013 với sứ mệnh duy trì chính quyền cánh tả càng lâu càng tốt, trong 5 năm qua, người công nhân lái xe buýt này luôn tìm cách bắt chước cung cách tác phong của tổng thống quá cố. Nhưng vì thiếu sức thu hút quần chúng, ông phải tạo một phong thái riêng, tự cho là « tổng thống công nhân» ít xuất hiện trên truyền hình, nhưng càng ngày càng tỏ ra tự tin và hung hăng.

Trong buổi mít tinh cuối cùng trước bầu cử, Nicolas Maduro tuyên bố « cách nay 5 năm tôi là lính mới, bây giờ tôi là Maduro, với kinh nghiệm chiến trường, hùng dũng hơn, đương đầu với tầng lớp đặc quyền trong nước và đế quốc bên ngoài ». Theo chuyên gia thăm dò dư luận Félix Seijas, tổng thống Venezuela là một kẻ bạo gan.

Triệt mọi đối thủ để dọn đường

Bạo gan và cũng là một chính trị gia thủ đoạn và biết đi trước đối phương. Ba nhân vật bị xem là đối thủ nguy hiểm bị triệt tiêu ngay từ đầu : Rafael Ramiez, cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA, cho dù là người tín cẩn của tổng thống quá cố, bị Nicolas Maduro cách chức đại sứ tại Liên Hiệp Quốc với lý do tham ô. Phía đối lập, nhân vật sáng giá nhất là Henrique Capriles bị cấm ứng cử 15 năm trong lúc người thứ hai là Leopoldo Lopez bị kết án 14 năm tù trong một vụ án dàn dựng.

Để vô hiệu hóa đối lập, năm vừa qua, tổng thống Maduro không ngần ngại thành lập một « Quốc Hội lập hiến », phủ nhận vai trò hiến định của Quốc Hội lập pháp, do đối lập kiểm soát.

Trong một bài phân tích hồi đầu năm nay, nhật báo Le Figaro đã dự báo : cho dù được Nghị Viện Châu Âu tặng giải thưởng Sakharov năm 2017 vinh danh « tinh thần tự do », phong trào đối lập Venezuela chưa có khả năng tổ chức hiệu quả đương đầu với một đối thủ được đào tạo trong « trường cán bộ đảng » ở Cuba với một tham vọng duy nhất : bám trụ.

Một chiến thuật mua phiếu được Reuters ghi nhận là, ở gần các địa điểm bầu cử, chính quyền cho đặt « điểm đỏ », nơi đó cử tri trình « thẻ tổ quốc » do nhà nước cung cấp để nhận tiền và thực phẩm.

Câu hỏi đặt ra là trong một đất nước mà vật giá leo thang đến 2500% mỗi năm, lương tối thiểu chỉ có 18 đôla, tổng thống Venezuela, tuy có bản lĩnh đánh phá đối thủ, nhưng thất bại trong việc quản lý làm đất nước phá sản, sẽ vùng vẫy như thế nào trong 6 năm tới đây.

Cộng đồng quốc tế, cộng đồng các nước châu Mỹ, trừ một vài nước thân hữu của Venezuela, tuyên bố không công nhận kết quả. Các biện pháp trừng phạt có nguy cơ tăng thêm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.