Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

"Những đứa trẻ bị đánh cắp" : Vết đen lịch sử Cộng Hòa Dân Chủ Đức

Đăng ngày:

Hai mươi tám năm đã trôi qua kể từ khi chế độ cộng sản Đông Đức tan rã, nhiều chủ đề cấm kỵ đang dần bị phá vỡ, mà gần đây nhất là hồ sơ « cưỡng đoạt trẻ cho các gia đình nhận con nuôi ». Nhiều trẻ nhỏ đã bị cuỗm ngay trên tay bố mẹ, thường là vì lý do chính trị, để giao cho những gia đình khác được đánh giá là trung thành với đảng.

Ông Andreas Laake tại Leipzig trưng tấm hình con trai ông lúc mới sinh và đã bị chế độ Cộng Hòa Dân Chủ Đức bắt đi vào năm 1984.
Ông Andreas Laake tại Leipzig trưng tấm hình con trai ông lúc mới sinh và đã bị chế độ Cộng Hòa Dân Chủ Đức bắt đi vào năm 1984. RFI/Julien Mechaussie
Quảng cáo

Theo ước tính, sự việc có liên quan đến nhiều nghìn trẻ nhỏ thời bấy giờ. Một câu chuyện đã bị câm nín từ lâu nay và công luận gần đây mới biết đến nhờ vào một kiến nghị được đệ trình lên Quốc Hội Đức cách nay vài tuần. Hiệp hội có tên « Những đứa trẻ bị đánh cắp thời Đông Đức » đòi chính phủ thành lập một cơ quan tìm kiếm chính thức và yêu cầu được tiếp cận dễ dàng các hồ sơ lưu trữ.

« Bài hát này phác họa lại định mệnh của tôi cũng như là của rất nhiều bậc cha mẹ khác. Nhạc sĩ đã dùng hết những ngôn từ để lột tả những gì chúng tôi đã trải qua. Tài liệu bị làm giả, bị chỉnh sửa. Nhiều đứa trẻ bị cuỗm đi. Đó chính là câu chuyện cuộc đời của chúng tôi ».

Đây chính là lời tâm sự của ông Andreas Laake, một trong số các nạn nhân của tình trạng bị lấy mất con dưới thời Đông Đức với thông tín viên Julien Mechaussie, tại bang Sachsen, phía nam Berlin. Sau đây là một trích đoạn phóng sự phóng viên đài RFI về « Những đứa trẻ bị bắt cóc thời Đông Đức ».

« Câu chuyện được kể lại trên nền bài hát của ca sĩ Rudy Gerkeush. Đó là câu chuyện của Adreas Laake. Trong căn phòng nhỏ bé của tại Lepzig, ông đã không cầm được nước mắt khi xem một đoạn video trên điện thoại cầm tay của mình. Những giọt nước mắt của gần 30 năm đau khổ và hoài nghi.

Năm 1984, Adreas cùng với người vợ đang mang thai đã tìm cách chạy trốn khỏi Cộng Hòa Dân Chủ Đức - RDA. Ông đã bị bắt và bị kết án 4 năm 7 tháng tù. Vợ ông được tự do và vài tháng sau đó, đã sinh được một đứa con trai. Thế nhưng, đứa trẻ đã bị đánh cắp ngay tại bệnh viện để trao cho một gia đình trung thành với chế độ, trong khi gia đình tiếp nhận đứa con nuôi này không hề biết gì về số phận bố mẹ đứa trẻ.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Andreas đã làm mọi cách để tìm lại đứa con bị mất tích. Trong tay ông chỉ có một tài liệu duy nhất : đó là bức ảnh đứa con mà vợ ông đã chụp lúc còn ở bệnh viện.

Trong thời gian sau đó, vợ ông qua đời và ông đã vấp phải bức tường im lặng của chính quyền. Không một ai muốn tin là đã từng có một hệ thống cưỡng đoạt trẻ con để trao cho các gia đình muốn nhận con nuôi. Nước Đức thống nhất muốn nhìn về phía trước.

Do vậy, Andreas kêu gọi sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông và qua một chương trình truyền hình, ông đã tìm lại được đứa con trai, Macos, năm 2013. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đi tìm sự thật của ông không phải vì thế đã kết thúc.

Trong những năm tháng đi tìm con, ông đã gặp nhiều gia đình có cùng cảnh ngộ. Ông đã lập một hiệp hội và một website mang tên ‘‘Những đứa trẻ bị đánh cắp thời Đông Đức’’».

Theo thông tín viên Julien Mechaussie, không phải ai cũng có được may mắn như ông Andreas Laake tìm gặp lại được con. Gần 30 năm đã trôi qua, còn nhiều người mẹ, người cha vẫn đang mòn mỏi tìm con trong nỗi tuyệt vọng.

Hungary : Quỹ Soros ra đi vì bị chính phủ sách nhiễu

Phải chăng thủ tướng Viktor Orban là kẻ « qua cầu rút ván » ? Năm xưa khi chế độ cộng sản vừa chấm dứt, đất nước Hungary còn ngại ngùng mở cửa ra thế giới, quỹ Soros là tổ chức đã cấp học bổng cho nhà lãnh đạo Hungary ngày nay đến du học vài tháng tại Anh Quốc.

Giờ đây, sau 30 năm tồn tại, « Open Society », tên chính thức của quỹ được thành lập vào năm 1989, mỗi năm cấp hơn 3,6 triệu đô la cho xã hội dân sự Hungary, đành phải « đóng khăn cuốn gói » ra đi, dời trụ sở đến Berlin vì không thể chấp nhận các hành động sách nhiễu từ những chính khách do chính quỹ tài trợ học bổng năm nào.

Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère cho biết thêm chi tiết :

« Việc phải di dời đến thủ đô nước Đức là do những động cơ chính trị. Từ hai năm qua, chính phủ Orban đã tiến hành một chiến dịch bêu xấu, một chiến dịch mang hơi hướm bài Do Thái, bởi vì George Soros có gốc Do Thái. Hơn nữa, hai sự kiện gần đây đã khiến cho quỹ này phải tin rằng tốt hơn hết là nên ra đi.

Đầu tiên, chính phủ đã cho theo dõi các hiệp hội được vị người Mỹ này tài trợ. Chiến dịch dọ thám này được giao cho một công ty tư nhân, có tuyển dụng nhiều cựu nhân viên tình báo của Mossad (cơ quan tình báo Israel). Cách thức này, vốn gợi nhớ lại phương thức làm việc của cảnh sát chìm thời cộng sản, đã là một tín hiệu báo động.

Yếu tố thứ hai, chính là đạo luật « Stop Soros », sẽ được biểu quyết vào đầu tháng 6 tới đây. Một đạo luật mang tính trấn áp có liên quan đến tất cả các tổ chức phi chính phủ hoạt động về nhân quyền, cho dù có những tổ chức không do Soros tài trợ.

Dự thảo luật mở đường cho phép cảnh sát và thuế lạm dụng việc lục soát và thanh tra để có thể tịch thu các loại giấy tờ, hay phong tỏa tài khoản ngân hàng… những việc có khả năng gây khó khăn cho hoạt động cũng như là việc tài trợ của quỹ cho các hiệp hội tại Hungary và nhiều nơi khác.

Quả thật, từ Budapest, quỹ Soros làm việc với nhiều hiệp hội trên thế giới. Do đó, rủi ro ngày càng lớn và để cẩn thận, quỹ này đã cho di dời các văn phòng của mình đến Berlin ».

Rượu whisky Nhật Bản : Ngưng sản xuất vì quá nổi tiếng

Quý vị có biết rằng ngoài rượu saké danh tiếng, Nhật Bản nay còn có thêm whisky. Loại rượu mạnh này, nổi tiếng nhất là do tập đoàn nước giải khát Suntory sản xuất. Thế nhưng, trong một thông cáo mới nhất, hãng Suntory cho biết phải tạm ngưng cung cấp hai trong số các loại rượu whisky ngon nhất của mình : Hibiki 17 tuổi và Hakushu 12 tuổi đời. Nguyên nhân là không đủ khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết các ưu điểm của whisky Nhật Bản :

« Vào năm 2016, lần đầu tiên, một trang hướng dẫn du lịch có uy tín của Anh đã xếp một loại whisky của Suntory, Nhật Bản như là loại rượu ngon nhất. Và thế là, nhà sản xuất đã không thể nào cung ứng đủ nhu cầu của hai trong số các dòng sản phẩm hàng đầu của mình. Những chai rượu Hibiki 17 tuổi đời cuối cùng sẽ được giao hàng vào tháng 06 và 09 tới đây.

Suntory đã từng đến học chế biến rượu whisky tại Scotland trong những năm 1920. Để rồi từ đó cậu học trò này trở thành ông chủ. Theo Jim Murray, tác giả cẩm nang nổi tiếng về whisky, thì "whisky Scotland không còn có những loại đẫm chín mùi gây sửng sốt nữa. Trong lúc đó, whisky Nhật Bản lại đậm đà, có vị chát khô và hoàn hảo tròn trịa như quả billard".

Người Pháp ngày càng rất thích rượu whisky Nhật Bản. Chúng hớp hồn một lớp khách hàng nữ và trẻ hơn. Các cô các bà còn ưa cả hình dáng của chai rượu dầy và vuông như loại Nikka, và các hộp gỗ chứa một chai rượu có dáng dấp của một viên kim cương như loại Suntory chẳng hạn ».

Hàn Quốc : Một ứng dụng để dự phòng tai nạn giao thông

Tại Hàn Quốc, chính phủ vừa cho phổ biến một ứng dụng chặn việc dùng điện thoại khi đang đi ngoài phố. Tại sao phải có ứng dụng này? Mục tiêu của ứng dụng này là gì? Cách thức sử dụng ra sao? Đối tượng nào bị nhắm đến?

Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul giải thích :

« Người sử dụng chỉ cần đi hơn 5 bước là ứng dụng này phát hiện ra và khóa ngay điện thoại. Một màn hình xuất hiện và chặn mọi hoạt động trực tuyến. Để mở khóa, cần phải đứng yên và bấm vào nút mở máy.

Trên thực tế, đó chỉ là một tính năng được cài thêm cho một ứng dụng giúp các bậc phụ huynh kiểm soát và đã có từ trước, rồi sau đó, ứng dụng này được ủy ban truyền thông Hàn Quốc phổ biến. Thực vậy, tại Hàn Quốc, luật pháp quy định là tất cả các bậc phụ huynh phải cài đặt một ứng dụng kiểm soát vào điện thoại thông minh của con trẻ. Tính năng mới này được đưa vào sử dụng từ hồi tuần trước.

Vấn đề ở đây là để tránh tai nạn giao thông do các ''smombies'' gây ra. ''Smombies'' được viết tắt của hai từ ''Smartphone'' và ''âm binh''. Một ''âm binh điện thoại thông minh'' tức là người lúc nào cũng dí mặt vào màn hình điện thoại đến mức họ quên mất những chuyện gì đang xảy ra chung quanh...

Theo bộ Nội Vụ Hàn Quốc, các vụ tai nạn do các ''smombies'' gây ra, tức là khi đi mà không nhìn phía trước, đã tăng hơn gấp 2 lần trong vòng 5 năm qua. Trong số các nạn nhân, 40% là những người trẻ, dưới 20 tuổi ».

Vẫn theo thông tín viên Frédéric Ojardias ngoài ứng dụng chống sử dụng điện thoại khi đi ngoài phố này, chính quyền Seoul còn có những biện pháp để hạn chế tai nạn giao thông như lắp đặt trên lề đường các loại đèn LED chuyển mầu đỏ và xanh lá cây cho phép người sử dụng điện thoại biết được lúc nào phải băng qua đường mà không cần ngẩng đầu lên nhìn. Chính quyền thành phố Seoul thông báo sẽ lắp thêm 400 đèn LED tại các giao lộ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.